Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 23-03-2022] Năm 2018, bà Quách Tú Thanh, cư dân 70 tuổi ở thành phố Thọ Dương, tỉnh Sơn Đông, đã bị đưa đến Nhà tù Nữ Sơn Đông để thụ án 7 năm vì tu luyện Pháp Luân Công, môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Có lần, một tù nhân đưa cho bà một viên thuốc không rõ nguồn gốc để bà uống, khuôn mặt bà lập tức chuyển sang tái mét và môi bà tím tái. Toàn thân bà run rẩy và bà cảm thấy chóng mặt. Bà cũng bắt đầu nôn mửa. Khi bà không thể đứng vững, một người nào đó đã giúp bà đi đến chỗ một tù nhân giả mạo “y tá” tên Lý Ngọc Khiết. Lý bèn đưa cho bà một viên thuốc khác và nói, “Ồ, có vẻ như thuốc quá mạnh nên bà bị ngộ độc rồi. Hãy uống thuốc giải độc này ngay đi, lần sau tôi sẽ cho bà một viên khác nhẹ hơn.”

Lý là một trong số các tù nhân giả mạo “y tá” tại Phân khu 11 của nhà tù này, người không được đào tạo về y tế nhưng được cai ngục yêu cầu cấp phát thuốc, bao gồm cả thuốc tâm thần, và thực hiện các nhiệm vụ y tế khác. Lý bị bỏ tù vì tội bắt cóc trẻ em và sau đó được trả tự do vào năm 2020. Trong khi bị giam cầm, Lý và các tù nhân “y tá” khác thường ép các học viên bị giam giữ uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc nhằm khiến họ từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công.

Công khai bắt các học viên uống thuốc

Hơn 95% các học viên bị giam trong nhà tù bị cho là “có nhiều vấn đề sức khỏe” sau khi bị buộc phải kiểm tra sức khỏe trước khi nhập trại. Trước khi bị bắt, các học viên đều rất khỏe mạnh, nhưng sau đó họ bị buộc phải uống thuốc, phần lớn được cho là thuốc huyết áp. Hầu hết các học viên cho biết họ cảm thấy khó chịu sau khi uống những viên thuốc đó.

Nhà tù chỉ có một vài bác sỹ nên các cai ngục đã chỉ định các tội phạm làm “y tá”, mặc dù họ không hề được đào tạo về y tế. Dưới sự hướng dẫn của lính canh, những tù nhân “y tá” này đã thực hiện việc “khám sức khỏe” đối với các học viên bị giam giữ và cho họ uống những loại thuốc thường gây tổn thương về thể chất và tinh thần.

Bà Dương Tế Dung, một nhà thần kinh học 77 tuổi, đã bị kết án 5 năm và bị đưa đến nhà tù vào năm 2019. Bà bị buộc phải dùng thuốc “huyết áp” với lý do chưa “chuyển hóa” hoàn toàn (từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công). Sau đó, bà bị chóng mặt, giảm trí nhớ, di chuyển chậm chạp, buồn ngủ và khó chịu ở dạ dày.

Là một bác sỹ thần kinh giàu kinh nghiệm, bà Dương biết thứ được đưa cho bà không chỉ đơn thuần là thuốc huyết áp, mà là loại thuốc nếu dùng quá liều sẽ dẫn đến chứng mất trí nhớ. Bà đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại của mình với các bác sỹ nhà tù và tù nhân “y tá” rằng bà không bị cao huyết áp, và bà nên ngừng uống loại thuốc đó. Nhưng họ bảo bà rằng việc không hợp tác với “điều trị y tế” cũng đồng nghĩa với việc chưa được “chuyển hóa” hoàn toàn.

Khi bà Dương tìm đến các lính canh để phản ánh tình trạng này, họ đã né tránh và nói bà nên tìm đến các bác sỹ nhà tù. Một lần, mượn cớ đưa bà Dương đi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện, các tù nhân “y tá” đã cởi quần của bà và đẩy bà ngã xuống đất ngoài trời, bắt bà ở đó hơn một giờ đồng hồ trong thời tiết mùa đông lạnh giá . Sau khi trở lại buồng giam, bà lại bị buộc phải uống liều thuốc “huyết áp” như trước đó. Các bác sỹ nhà tù và tù nhân “y tá” thậm chí còn tuyên bố bà bị rối loạn tâm thần và dọa sẽ tăng liều lượng. Sau vài năm ở tù, từ một nhà thần kinh học lịch thiệp, được nhiều người kính trọng, bã đã biến thành một người có vẻ mặt đờ đẫn và già nua.

Nhóm nạn nhân đặc biệt

Ngoài bà Quách và bà Dương, nhiều học viên khác bị giam trong Phân khu 11 cũng đã bị ép phải uống thuốc. Các lính canh thậm chí còn dán nhãn một số học viên là bị bệnh tâm thần và ép họ phải uống “thuốc bổ”. Có tài liệu ghi rõ những học viên này đã uống bao nhiêu “thuốc bổ” như vậy. Theo một số tù nhân được cai ngục giao nhiệm vụ theo dõi việc uống thuốc của các học viên, khoảng ¼ số học viên bị giam giữ trong Phân khu 11 đã bị buộc phải uống “thuốc bổ”.

Các tù nhân còn cho biết những học viên này thường là những người hiếm khi được gia đình đến thăm hoặc không có nhiều tiền trong tài khoản cá nhân của họ. Các tù nhân giải thích rằng họ không dám đụng tới các học viên mà gia đình đến thăm thường xuyên vì họ không muốn bản thân gặp rắc rối.

Ví dụ về trường hợp bà Triệu Kế Hoa, một học viên ở thành phố Duy Phường. Hầu như không có ai đến thăm và không ai gửi tiền vào tài khoản cho bà, bởi vậy bà là một trong những nạn nhân bị buộc phải uống “thuốc bổ”. Dù bà phản đối thẳng thừng rằng mình vẫn bình thường, không mắc bệnh tâm thần gì hết, nhưng không ai nghe bà và việc cưỡng ép uống thuốc tiếp tục diễn ra.

Đối với những học viên đã ngừng tu luyện vì bị áp lực, họ cũng có thể bị buộc phải uống “thuốc bổ” nếu sự “chuyển hóa” của họ được xem như là chưa triệt để. Ở đây chúng tôi muốn khuyên người nhà của các học viên bị giam giữ thỉnh thoảng nên đến thăm người thân của mình – chẳng hạn, mỗi tháng một lần – để ngăn chặn những thảm kịch như vậy xảy ra.

Lén lút chuốc thuốc độc cho tất cả các học viên

Không một học viên nào được phép mang nước ra khỏi nhà tù khi được thả. Người bảo vệ ở cổng sẽ đổ hết nước trong chai của học viên khi họ được phóng thích. Ngay cả một số tù nhân đã tiếp tay cho sự bức hại cũng không biết lí do tại sao.

Hóa ra nước được đưa cho các học viên có chứa chất độc trong đó. Trên thực tế, đây là một kiểu ngược đãi tâm thần áp dụng cho các học viên bị giam giữ. Các lính canh thường cho thuốc gây hại thần kinh vào mấy chiếc phích lớn kiểu cũ đựng nước nóng, từ đó người ta rót vào cốc của chính họ. Sau khi các viên thuốc tan trong nước nóng, các cai ngục sẽ yêu cầu các tù nhân làm nhiệm vụ mang phích nước đến các buồng giam có các học viên. Những tù nhân này sẽ nói với các học viên rằng mấy chiếc phích đã được quản giáo sử dụng và vẫn còn một ít nước nóng.

Vì không có phích nước (nghĩa là không có nước nóng để uống) trong các buồng giam, nên nhiều học viên đã đồng ý khi các tù nhân hỏi có ai muốn uống uống nước nóng không. Đặc biệt là các học viên mới vào tù, những người vẫn cần phải xin phép mọi thứ, kể cả lấy nước uống, thường vui mừng khi có một ít nước nóng mà không cần phải xin phép trước.

Khi các học viên uống nước nóng có pha thuốc độc trong nhiều năm trong thời gian bị giam cầm, họ dần dần xuất hiện các triệu chứng khác nhau, bao gồm 1) buồn ngủ, hoảng sợ và mất trí nhớ; 2) đầy bụng và khó tiêu; 3) mất khả năng thức dậy, mờ mắt, tim đập nhanh, nghẹt thở và bị loạn thần kinh; 4) chân tay lạnh cứng. Một học viên đã bị tê cứng chân tay và khó xoay người khi ngủ ở trong tù. Ba năm sau khi được thả, bà vẫn chưa hoàn toàn hồi phục trí nhớ. Gia đình bà cho biết bà không thể nhớ bất kỳ nơi nào mà họ đã đi cùng nhau. Chân của bà cũng bị sưng tấy nghiêm trọng.

Các lính canh không chỉ nhắm vào các học viên kiên định, mà còn cả những người đã từ bỏ Pháp Luân Công do bị áp lực. Phó Quế Anh (付桂英), một học viên trước đây rất được các lính canh tin tưởng, cũng bị uống nước nóng có thuốc độc. Có một học viên cũ khác cũng uống loại nước nóng đó và thấy làn da bị rạn của cô ấy dường như không bao giờ lành lại. Điều này có thể là do các loại thuốc độc đã cản trở việc tái tạo làn da của cô.

Những người được thả thường có cơ hội dọn dẹp sảnh đợi. Họ nói rằng họ đã nhìn thấy những người bảo vệ mang nước đóng chai của họ đến nơi làm việc hàng ngày. Cũng có những tù nhân từng đến phòng của lính canh và nhìn thấy máy làm mát nước ở đó. Nói cách khác, các lính canh uống nước đóng chai hoặc nước từ máy làm mát. Những chiếc phích chỉ được dùng để đánh lừa các học viên uống nước nóng có pha thuốc độc.

Các hình thức ngược đãi khác

Tại Phân khu 11 của Nhà tù Nữ Sơn Đông, các loại thuốc dùng để ngược đãi tâm thần luôn có sẵn. Nhưng khi các học viên thực sự bị bệnh, thì thuốc men đột nhiên trở nên rất hạn chế hoặc không có sẵn. Có lần một học viên cao lớn bị đau thắt lưng nghiêm trọng, khiến việc đi đứng của cô gặp khó khăn. Mãi đến khi năn nỉ lính canh nhiều lần, cô mới được một người bạn tù dẫn vào bệnh viện của trại giam. Một bác sĩ nhà tù yêu cầu cô ấy phải đồng ý bị “chuyển hóa” trước . Sau đó, anh sờ thắt lưng cô bên ngoài chiếc áo khoác mùa đông đang mặc và nói: “Đây là chứng thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Tôi không thể làm gì được – cô phải đợi cho đến khi được trả tự do và được điều trị ở nơi khác.”

Chăm sóc răng miệng cũng được sử dụng như một cái cớ để bức hại. Một học viên cao tuổi ở thành phố Thọ Quang đã bị giam giữ ngay sau khi làm một chiếc răng giả nhưng khi đó việc lắp đặt cuối cùng chưa được thực hiện xong. Do vậy, chiếc răng giả của bà bị lung lay và liên tục rơi ra khi bà mở miệng nói chuyện.

Theo chính sách của nhà tù, bất kỳ ai muốn được điều trị về răng miệng phải có ít nhất 3.000 nhân dân tệ trong tài khoản cá nhân và phải đợi một tới hai tháng để có một cuộc hẹn. Cuối cùng, khi đến lượt bà gặp bác sỹ nhà tù, anh ta đã dùng keo gắn chiếc răng giả của bà vào một chiếc răng tốt và tính phí hơn 600 nhân dân tệ cho việc chữa trị nhanh chóng đó. Trong vài năm sau, chiếc răng giả lung lay trong miệng khiến việc đánh răng của bà càng khó khăn hơn. Sau đó, chiếc răng tốt của bà cũng bị lung lay, còn chiếc răng giả lắc lư trong miệng bà, khi ngậm miệng chiếc răng lộ ra, khi ăn không nhai được vô cùng thống khổ. Bà đã cố gắng hẹn gặp bác sỹ một lần nữa nhưng bà được thông báo rằng việc đó là không thể và bà cần phải đợi cho đến khi được phóng thích.

Bữa ăn trong nhà tù rất hạn chế về thời gian, trong khi rau không được cắt nhỏ hoặc nấu chín kỹ, khiến các học viên cao tuổi rất khó nhai. Một lần, một học viên phát hiện ra bị mất một chiếc răng sau khi ăn món rau nửa chín nửa sống như vậy. Nhiều học viên khác cũng gặp phải trường hợp tương tự khi họ nhỡ nuốt phải răng khi đang ăn. Người học viên đó đã đến gặp bác sĩ, và bà được cho biết toàn bộ răng của bà cần phải được loại bỏ và thay thế bằng răng giả. Bà ấy đã từ chối. Nhiều học viên lớn tuổi cuối cùng đã phải làm cả hàm răng giả trong nhà tù này, nhưng nó không dùng được vì họ không được phép gặp bác sĩ thường xuyên để điều chỉnh hoặc bảo dưỡng. Họ đã tốn rất nhiều tiền (hơn 3.000 nhân dân tệ cho mỗi chiếc răng giả), nhưng lại nhận được một thứ vô dụng.

Ngoài ra, còn có những kiểu ngược đãi về thể chất khác. Sau khi bị tra tấn và bị thương, các học viên phải đối mặt với sự ngược đãi và sỉ nhục của các tù nhân. Sau khi bà Triệu Kế Hoa, ngoài 60 tuổi, bị đưa đến nhà tù, tù nhân Giang Bình đã được các cai ngục chỉ định đánh bà trong buồng giam của bà hàng ngày. Vì tiếng đánh đập quá lớn, Giang thỉnh thoảng kéo bà Triệu đến một nhà vệ sinh gần đó và đánh đập bà ở đó một cách dã man.

Một lần trong khi lấy mẫu máu, một số tù nhân đã đánh bà Triệu và chửi bới bà, nhưng không có lính canh nào ngăn họ lại. Thấy bà Triệu không chịu khuất phục, các cai ngục và bác sỹ đã hướng dẫn các tù nhân bỏ thuốc gây hại thần kinh vào thức ăn của bà Triệu. Điều này dẫn đến việc bà bị chứng rối loạn tâm thần, khiến bà trở nên tiều tụy và vô cùng ốm yếu.

Cô Tất Kiến Hồng, một học viên ở thành phố Yên Đài, đã tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi của nhà tù. Cô đã bị kéo đến bệnh viện của nhà tù để bức thực mỗi ngày. Các bác sỹ nhà tù thường hướng dẫn các tù nhân bức thực cô. Thỉnh thoảng, có bác sĩ hô lên, “Ai chưa tiến hành việc chèn ống truyền thực phẩm, thì có thể đến để thực hành!” Vì không được đào tạo, một số tù nhân đã nhét ống mũi một cách thô bạo, khiến cô Tất vô cùng đau đớn. Có một học viên đã chết sau khi bị đưa loại ống này vào phổi của cô.

4e3237d419d3cfcdc4f5529f81429f32.jpg

Minh họa tra tấn: bức thực

Khi bà Mạnh Khánh Mai hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo” vào ngày 12 tháng 5 năm 2020, các lính canh đã phạt bà bằng cách tống bà biệt giam. Với danh nghĩa chữa trị bệnh cho bà, các lính canh sau đó đã đưa bà đến bệnh viện để tiêm thuốc vào tĩnh mạch. Tội phạm hình sự Sương Sương (ở thành phố Truy Bác, bị kết án 5 năm tù do gian lận) phản ánh rằng kim tiêm đã được cắm sai vị trí và báo bác sĩ được rút nó ra để cắm lại, và đã làm đi làm lại mấy lần. Họ cũng yêu cầu một số tù nhân khác thực hành việc châm kim tiêm vào bà Mạnh.

Cuối cùng, toàn bộ cơ thể của bà Mạnh trở nên sưng tấy nghiêm trọng. Việc cấp cứu tại Bệnh viện Cảnh sát Tế Nam không thành công và bà đã qua đời vì bị suy đa tạng.

Sau khi đại dịch virus corona bùng phát vào cuối năm 2019, Phân khu 11 và bệnh viện nhà tù đã sử dụng một chiến thuật khác để ngược đãi các học viên. Vào mùa hè nóng nực, họ bắt các học viên lớn tuổi đeo khẩu trang bằng vải bông dày. Sau đó, họ lại chế ra những chiếc khẩu trang mỏng hơn, nhưng có dây đeo mảnh đến mức gây đau và tổn thương tai. Các học viên cũng bị buộc phải làm nhiều xét nghiệm virus Vũ Hán và tiêm phòng. Cô Dương Hiểu Cầm, một học viên ở thành phố Tế Ninh, vì từ chối tiêm vắc-xin nên đã bị biệt giam cho đến khi được thả.

Lối đi ngầm bí mật

Phân khu 11 của Nhà tù Nữ Sơn Đông rất hung ác. Các học viên bị giam giữ ở đây thường không có chút manh mối nào về nơi các học viên bị thương được đưa đi “điều trị” hoặc thi thể của những người bị đánh chết được chuyển ra ngoài ra sao.

Bên ngoài Phân khu 11 là một con đường. Nếu rẽ phải rồi rẽ trái ở cuối đường, họ sẽ thấy vài thùng rác lớn, cách đó không xa là một cánh cổng sắt thường có người canh gác. Bên trong cánh cổng là một tầng hầm nơi tra tấn một số học viên, có vết máu bắn tung tóe trên tường. Một số học viên đã bị đánh đến thương tích, tàn tật hoặc tử vong tại đây. Ngoài những lính canh hoặc tù nhân tham gia vào vụ tra tấn, rất ít người biết về căn phòng tra tấn bí mật dưới tầng hầm này.

Một bí mật khác là một lối đi ngầm từ Phân khu 11 đến bệnh viện của nhà tù. Khi các học viên bị đánh đập và bị thương nặng, họ thường được chuyển đến bệnh viện qua lối đi này. Một số học viên bị tra tấn đến chết cũng được chuyển ra ngoài qua lối đi này.

Trên đây chỉ là một số thông tin tôi từng chứng kiến và nghe thấy khi bị giam giữ trong Nhà tù Nữ Sơn Đông. Do sự phong tỏa thông tin chặt chẽ, tôi không thể tìm hiểu chi tiết hơn, và nhiều sự thật về cuộc bức hại vẫn bị che đậy. Nhưng sự thật về cuộc bức hại này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Nhà tù Nữ Sơn Đông.

Bài viết liên quan bằng tiếng Trung:

https://www.minghui.org/mh/articles/2022/3/9/439811.html

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán : https://www.minghui.org/mh/articles/2022/3/21/440230.html

Bản tiếng Anh : https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/23/199638.html

Đăng ngày 08-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share