Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 19-01-2023]
Tên: Thôi Tú Trân (崔秀珍)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 80
Thành phố: Bạc Đầu
Tỉnh: Hà Bắc
Nghề nghiệp: Không rõ
Ngày mất: Ngày 10 tháng 1 năm 2023
Ngày bị bắt cuối cùng: Tháng 12 năm 2000
Nơi giam giữ cuối cùng: Trại Lao động Cưỡng bức Cao Dương
Bà Thôi Tú Trân đã sống sót khỏi những tra tấn vô cùng tàn bạo trong năm 2003 khi đang thụ án oan sai 3 năm trong trại lao động cưỡng bức vì tu luyện Pháp Luân Công. Tuy nhiên, sự ta tấn đã để lại nhiều di chứng cho bà. Bà bị suy giảm trí nhớ, mắc chứng teo não, đi lại và nói năng rất khó khăn suốt hàng chục năm sau đó. Vào mùa hè năm 2014, bà bị bại liệt và mất khả năng nói chuyện. Tám năm sau, bà qua đời vào ngày 10 tháng 1 năm 2023, hưởng thọ 80 tuổi.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Bà Thôi là cư dân của huyện Thâm Trạch, thành phố Bạc Đầu, tỉnh Hà Bắc. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996 và tin rằng pháp môn này đã giúp bà có một thân thể khỏe mạnh và tinh thần quắc thước. Sau khi cuộc đàn áp xảy ra, bà bị giam giữ và nhà của bà bị lục soát nhiều lần. Bà còn bị chính quyền tống tiền 18.000 nhân dân tệ.
Tháng 12 năm 2000, bà Thôi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công và bị bắt giữ. Bà đã tuyệt thực hơn 1 tháng ở trong Trại tạm giam huyện Thâm Trạch. Lính canh đã cưỡng chế bà uống nước muối đậm đặc. Bà bị chảy máu dạ dày do ống dẫn thức ăn đâm vào dạ dày. Bà còn suýt mất mạng khi một lính canh chọc ống dẫn thức ăn vào phổi bà. Bà bị khó thở và toàn thân tê bì trong 7 ngày.
Trước khi bà kịp hồi phục, cảnh sát đã thẩm vấn và dùng dùi cui đánh vào hai bên phần dùi ở gần vùng háng của bà, để lại những vết bầm tím lớn trên bắp đùi của bà.
Sau đó bà Thôi bị đưa đến trại lao động cưỡng bức và bị giam ở đó 3 năm. Sau khi bị đưa vào Trại Lao động Cưỡng bức Thạch Gia Trang, bà tuyệt thực một lần nữa. Lính canh Lý Bình đã túm tóc và đập đầu bà vào tường. Một nhóm tù nhân xô bà ngã xuống đất, đạp lên đầu bà và quất bà bằng thắt lưng da. Cơ thể bà run lên vì đau đớn, như thể bị dao cắt.
Sau đó, lính canh đã biệt giam bà Thôi, còng tay bà vào ống nước cạnh cửa sổ. Họ mở toang cửa sổ để từng cơn gió lạnh buốt mang theo bông tuyết ập vào người bà. Hai tuần sau khi cuộc tra tấn dừng lại, tay và chân của bà Thôi bị sưng tấy nghiêm trọng. Chân bà ấy không thể xỏ vừa đôi giày hay mang và nhiều chỗ trên cơ thể bà ấy mất đi cảm giác.
Tra tấn tàn bạo ở Trại Lao động Cưỡng bức Cao Dương
Vì không từ bỏ Pháp Luân Công, bà Thôi bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Cao Dương vào ngày 8 tháng 4 năm 2001. Trại này đã nhận được nguồn tài trợ khổng lồ từ chính quyền cộng sản Trung Quốc để bức hại các học viên Pháp Luân Công. Lính canh sẽ được nhận thưởng bằng việc thăng chức và những món tiền khổng lồ vì có “công trạng” trong cuộc bức hại.
Một trong những phương thức tra tấn của trại là cưỡng chế nạn nhân ngồi xổm bằng chân trần, với hai tay duỗi thẳng đưa sang ngang hai bên cơ thể. Bà Thôi thường bị buộc phải giữ yên tư thế đó trong nhiều giờ đồng hồ. Dần dần, cơ thể bà bị tê bì, đau nhức và sưng tấy. Trong khi ngồi xổm, bà cũng có thể bị đánh, bị đạp và sốc điện bằng dùi cui điện một cách vô cớ. Với thủ đoạn tra tấn này, một số học viên đã bị tàn tật và một số thì mất trí nhớ.
Minh họa tra tấn: sốc điện bằng nhiều dùi cui điện cùng lúc
Bà Thôi đã tuyệt thực để phản bức hại. Trong suốt 1 tháng, lính canh dẫn bà tới những khoảnh đất hoang, hoặc đưa vào các căn phòng trống khác nhau để tra tấn bà, có khi đến tận 2 giờ sáng. Trong khi ép bà ngồi xổm, lính canh đã sốc điện vào miệng và mặt bà bằng dùi cui điện. Môi bà nổi đầy mụn nước, hai dái tai của bà sưng tấy, và phần thịt trên mũi bà lộ cả ra ngoài.
Sau đó, lính canh trói bà vào một chiếc ghế dài và sốc điện vào lòng bàn chân bà bằng dùi cui điện. Có cảm giác như họ đang khoan và đóng những chiếc vít dài vào chân bà ấy. Cơn đau thấu xương đã khiến tim bà đập liên hồi. Cơ thể bà co giật và tê dại, làm cho bà vô cùng khó thở.
Tiếp đó, lính canh sẽ di chuyển dùi cui điện vào mu bàn chân, ngực, lưng và cổ của bà. Họ nhét những chiếc đinh thép dài vào giữa các ngón chân của bà và sau đó sốc điện cả bàn chân bằng dùi cui điện. Sự đau đớn mà bà phải chịu đựng không sao tả xiết.
Sau một lúc tạm nghỉ, lính canh tiếp tục đập vào mu bàn chân của bà bằng gậy gỗ. Bàn chân của bà bị sưng phù ghê gớm. Sau đó, họ dùng móng tay dài sắc nhọn cào cấu và cứa vào lòng bàn chân của bà, gây tổn thương và chảy máu.
Tuy nhiên, sự tra tấn vẫn chưa dừng lại ở đó. Lính canh cũng dùng kìm để kẹp các ngón chân của bà lại, nhét ớt cay và bôi bột tiêu vào mũi, miệng và mắt của bà, cũng như đốt mu bàn chân của bà. Vài ngày sau, bà ho ra nhiều cục máu đen. Ngoài ra, các lính canh xúi giục các tù nhân ngắt núm vú, cổ, xương sườn và mặt trong đùi của bà. Các vết sẹo để lại vẫn có thể nhìn thấy rõ ràng sau nửa năm.
Tiếp đó, lính canh kéo bà vào nơi hoang vắng. Họ bắt bà ngồi trên băng và đi bộ trên tuyết với đôi giày mỏng và ẩm. Họ chôn bà dưới tuyết và đe dọa sẽ thả chó để cắn bà. Họ cũng ép bà ngửi và thậm chí ép bà ăn phân, nói với bà rằng đó là đậu phụ thối. Nhiễm trùng khiến bà lên cơn sốt cao và dẫn đến tiêu chảy nặng. Huyết áp của bà tụt nhanh chóng và suýt làm bà mất mạng.
Sự tra tấn khiến bà Thôi trở nên tiều tụy, người đầy thương tích cùng nhiều vết bầm tím trên thân thể và bà không thể tự đi lại được. Khi đang ở bên bờ vực cái chết, bà mới được trả tự do vào ngày 22 tháng 3 năm 2003, 4 tháng trước khi bản án mãn hạn.
Sự tra tấn không ngừng đã tàn phá nghiêm trọng sức khỏe của bà Thôi. Kể từ đó, bà luôn phải vật lộn với chứng suy giảm trí nhớ và mất khả năng vận động. Cuối cùng, bà bị liệt hoàn toàn vào năm 2014 và qua đời vào ngày 10 tháng 1 năm 2023.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/19/455355.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/20/206315.html
Đăng ngày 20-02-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.