[MINH HUỆ 02-06-2022] Nhà tù Khang Gia Sơn ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh là một nhà tù cấp thành phố thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Tư pháp Thành phố Thẩm Dương. Nhà tù này được thành lập bởi sự kết hợp của Trại Lao động Cưỡng bức Khang Gia Sơn và Doãn Gia. Trước đây vào năm 2021, nó từng là nhà tù thí điểm chuyên môn bức hại các học viên Pháp Luân Công của tỉnh, và tội ác của nó đối với các học viên Pháp Luân Công đã được báo cáo nhiều lần trên Minghui.org.

Từ năm 2014 đến 2018, Nhà tù Khang Gia Sơn xếp thứ nhất trong các nhà tù ở tỉnh Liêu Ninh về ba phương diện: không cho tù nhân dùng điện thoại di động; không có tai nạn trong 20 năm; tỷ lệ chuyển hoá các học viên cao nhất. Theo lời kể của người trong cuộc, vào năm 2014, để ép các học viên bị cầm tù từ bỏ đức tin, lính canh từng đưa một nhóm học viên đến phòng hội nghị của bộ phận giáo dục, ở đây mỗi học viên bị giám sát bởi bốn tù nhân và họ bị cấm ngủ. Đột tra tấn kéo dài suốt một tuần. Khi những người khác kiểm tra nhà tắm nơi mà các lính canh và tù nhân tra tấn các học viên trong thời gian đó, họ thấy trên các bức tường có rất nhiều những vết máu vương lại.

Các học viên bị cầm tù và bản án của họ

Theo thống kê chưa đầy đủ từ những dữ liệu có sẵn, các học viên Pháp Luân Công từng bị tra tấn tại Nhà tù Khang Gia Sơn gồm (án tù nằm trong ngoặc đơn):

Thành phố Thẩm Dương: Ngải Thanh Phong (5 năm), Hồ Lâm (2 năm)

Thành phố Đại Liên: Từ Quảng Chú (không rõ thời hạn), Vương Thủ Thần (4,5 năm)

Thành phố Thiết Lĩnh: Trần Tân Dã (4 năm), Đỗ Trường Ấn (3 năm), Bạch Ngọc Phủ (5 năm)

Thành phố Kim Châu: Vương Quý Linh (không rõ bản án), Hàn Xuân Long (4 năm), Trần Tái Hoa (5 năm)

Thành phố Bản Khê: Hạng Phúc Nhan (4 năm), Triệu Thành Lâm (4 năm), Vương Đức Thanh (4 năm), Lữ Kim Vũ (2,5 năm)

Thành phố Phủ Thuận: Vương Tú Quốc (7,5 năm), Lưu Tuấn Ba (4 năm), Lưu Ngọc (3,5 năm), Vương Bằng Nghĩa (5 năm)

Thành phố Hồ Lô Đảo: Trương Chí Mãnh (4,5 năm), Cao Văn Chí (4,5 năm), Vương Ngạn Đông (3 năm)

Thành phố Bàn Cẩm: Cao Đông (không rõ bản án), Dịch Thiết Tranh (3 năm)

Thành phố An Sơn: Trương Đức (4,5 năm)

Thành phố Triều Dương: Vương Chí Quốc (4 năm), Quách Hạo (không rõ bản án), Triệu Trường Phúc ở Lăng Nguyên (4,5 năm)

Thành phố Phụ Tân: Tề Ngọc Phủ (3 năm)

Thành phố Dinh Khẩu: Tống Nguyệt Cương (3 năm)

Liên tỉnh: Trịnh Vĩ ở huyện Ba Ngạn thuộc tỉnh Hắc Long Giang (3 năm), Vương Trang ở thành phố Giai Mộc Tư thuộc tỉnh Hắc Long Giang (5 năm).

Quê quán không xác định: Lưu Hồng Quân (không rõ bản án)

Hình phạt thể xác, bạo lực, tra tấn tinh thần các học viên Pháp Luân Công nhằm khiến họ từ bỏ đức tin

Theo thông tin Minghui.org thu thập, Nhà tù Khang Gia Sơn đã dùng nhiều thủ đoạn bức hại học viên Pháp Luân Công, bao gồm:

Ngược đãi thể xác:

– Giám sát nghiêm ngặt nhất cử nhất động của họ suốt cả ngày
– Đánh đập thường xuyên
– Biệt giam
– Cưỡng chế các học viên ngồi trên những chiếc ghế nhỏ trong thời gian dài, chỉ một cử động nhỏ cũng sẽ bị đánh đập và lăng mạ
– Dội nước muối lên vùng mông bị loét
– Cưỡng bức lao động nặng nhọc trong thời gian dài
– Trùm túi nhựa lên đầu nạn nhân và thổi khói thuốc lá vào túi
– Đánh vào đầu và cổ nạn nhân bằng chai nước bằng nhựa có chứa đầy cát
– Đập vào động mạch cổ của nạn nhân bằng một cuốn tạp chí cuộn lại
– Quất vào đầu nạn nhân bằng thanh tre
– Dùng tăm đâm vào đầu ngón tay và đầu
– Bức thực tàn bạo đối với các học viên đang tuyệt thực để phản đối bức hại
– Bị trói chặt trên giường mà không được cử động

Bị từ chối những yêu cầu cơ bản:

– Bỏ đói và cấm ngủ
– Cắt giảm nước uống trong mùa hè và phơi các học viên ngoài thời tiết lạnh giá trong mùa đông
– Không cho dùng nhà vệ sinh hoặc không cho gia đình thăm nom
– Không cho các học viên Pháp Luân Công gọi điện thoại cho gia đình và người thân
– Không cho các tù nhân nói chuyện với các học viên Pháp Luân Công hoặc không cho các học viên nói chuyện với nhau

e63bc092f4443c2a73c5fa8b2278316a.jpg

Minh hoạ tra tấn: sốc điện bằng nhiều dùi cui điện cùng lúc

Những học viên Pháp Luân Công tử vong trong Nhà tù Khang Gia Sơn vì bị bức hại

Ông Cao Đông

Ông Cao Đông bị giam ở khu 3, ở đó ông đã tuyệt thực để phản bức hại và bị tra tấn tàn bạo. Sau đó giám đốc bệnh viện nhà tù là Hồ Diệu Đông đã sốc điện ông bằng dùi cui điện. Chỉ đạo viên Vương Khánh Hồ cũng dùng thắt lưng để đánh ông. Ngoài ra ông Cao còn bị cưỡng chế xem các video phỉ báng Pháp Luân Công.

d55c1dd1b88be8af2875aa484e28659c.jpg

Tranh vẽ minh hoạ tra tấn: Bức thực

Ông Cao bị bức thực bằng ống thông chọc qua đường mũi vào thẳng dạ dày. Vì ông thường xuyên rút ống ra nên họ đã trói hai tay ông vào giường. Vì ông thường xuyên nôn thức ăn đã bị bức thực ra, nên Phạm Thuỳ Nghĩa của ban quản lý nhà tù đã viết tên của Nhà sáng lập Pháp Luân Công và những lời thoá mạ lên một bìa cứng và đặt trước mặt ông để ông nôn lên đó. Tù nhân thường xuyên lấy những gì ông đã nôn ra bỏ vào thức ăn của ông và có lúc cho thêm nước tiểu vào thức ăn để bức thực ông.

Ông Cao thường xuyên hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” để phản kháng và bị các tù nhân đánh đập. Tù nhân Tôn Đức Chí vì muốn được giảm án nhiều hơn nên ra sức ép ông Cao ăn và từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Khi không đạt được mục đích, anh ta đã đổ nước sôi vào đùi phía trong của ông Cao, gây ra những vết bỏng lớn. Anh ta còn bắt ông Cao phải gọi mình là cha.

Sau khi sức khỏe của ông Cao có vấn đề, Nhà tù Khang Gia Sơn đã đưa ông Cao đến bệnh viện đa khoa của Cục quản lý Nhà tù Liêu Ninh. Tuy nhiên ở đó ông còn bị đối xử vô nhân đạo hơn. Người ông đầy rẫy những vết bầm tím mỗi lần ông được đưa từ bệnh viện trở về nhà tù.

Ông Cao đã bị trói trên giường trong hai năm ròng. Ông qua đời vào ngày 8 tháng 2 năm 2013 và bị nhà tù hỏa táng.

Ông Hồ Lâm

Ông Hồ Lâm, một kỹ sư hàng không vũ trụ, bị bắt vào ngày 23 tháng 5 năm 2019. Ông đã bị đánh đập, bức thực và chịu những hình thức tra tấn tàn bạo trong Trại tạm giam Huyện Pháp Khố. Ông yếu đến nỗi phải bị mang đi đến toà án để xử án. Thẩm phán đã kết án ông hai năm tù vào ngày 12 tháng 6.

Một số nhà tù đã từ chối nhận ông vì tình trạng sức khoẻ kém. Cuối cùng, trại tạm giam Huyện Pháp Khố đã hối lộ quản lý của Nhà tù Khang Gia Sơn và ông Hồ, người đang hấp hối, đã bị đưa vô tù vào ngày 13 tháng 10.

Khi gia đình đến thăm ông vào ngày 7 tháng 11, ông chỉ còn da bọc xương và yếu đến nỗi không thể xoay người và hai chân mất cảm giác.

Gia đình đã yêu cầu kiểm tra sức khoẻ cho ông nhưng nhân viên nhà tù nói rằng họ không làm vì ông đã hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo” nên ông bị xem là một tù nhân chính trị và sẽ không được thả dù ông có chết đi nữa.

Trong ba tháng cuối đời của ông Hồ, nhà tù đã nhiều lần thông báo cho gia đình rằng: “Hồ Lâm đã từ chối chuyển hoá (từ bỏ đức tin) và hô ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo’. Hiện ông đang bị thương và làm hại chính mình bằng cách từ chối ăn nên nhà tù không chịu trách nhiệm nếu ông chết. Chúng tôi đã từ bỏ ông ấy rồi.” Gia đình cảm thấy bị xúc phạm bởi thái độ của nhà tù.

Gia đình và bạn bè ông đã cố gắng nói chuyện với các phòng ban liên quan nhưng họ hoặc là đổ lỗi cho nhau, hoặc che giấu sự thật hay lừa dối gia đình và bạn bè ông. Nhà tù cũng không cho gia đình đến thăm và không cho ông và gia đình liên lạc bằng điện thoại.

Văn phòng Viện Kiểm sát địa phương và giám đốc Nhà tù Khang Gia Sơn là Lưu Hưng đã chối bỏ mọi trách nhiệm hoặc từ chối mọi cuộc gọi từ gia đình ông.

Tối ngày 14 tháng 2 năm 2020, Nhà tù Khang Gia Sơn đã gọi cho anh trai của ông Hồ nói rằng ông đã được đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Anh ông đã đến thẳng bệnh viện và chỉ được nhìn ông Hồ qua một cửa sổ trước khi được yêu cầu ký vào một số giấy tờ. Hai ngày sau, lúc 1 giờ chiều ngày 16 tháng 2, bệnh viện thông báo với gia đình rằng ông Hồ Lâm đã qua đời.

Ông Triệu Thành Lâm

Tháng 9 năm 2014, ông Triệu bị kết án bốn năm và bị đưa đến Phân đội 4 của Nhà tù Khang Gia Sơn. Ông thường xuyên bị đưa đến phòng giặt đồ vào mùa đông và bị đổ nước lạnh lên khắp người vì hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Một vài cái răng của ông đã bị gãy khi ông tuyệt thực để phản đối bức hại. Nhiều năm bị tra tấn tàn bạo đã ảnh hưởng nặng đến sức khoẻ của ông. Ông đã qua đời vào ngày 15 tháng 2 năm 2020 sau khi được thả.

Các trường hợp bị tra tấn

Ông Trần Tân Dã

Năm 2009, ông Trần Tân Dã bị đưa đến Nhà tù Khang Gia Sơn, tại đây ông bị ép ngồi trên một tấm bảng từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối mỗi ngày. Khi ông cử động nhẹ thì bị đánh đập và lăng mạ.

Vào mùa hè nóng nực, hơn 20 người chỉ được phát một chai nước để chia nhau, mỗi người một ngụm.

Ông bị đưa vào diện quản lý nghiêm cả ngày, và mỗi lời nói hay hành động của ông đều được báo cáo cho lính canh.

Một tháng sau, ông Trần bị ép phải lao động nặng, chế tạo zircons (kim cương tổng hợp) bằng một đá mài. Các zircons trên mặt đất có kích thước bằng hạt vừng hay hạt gạo, viên lớn nhất có kích cỡ bằng hạt đậu. Theo thời gian, thị lực của ông suy giảm và bắt đầu bị mờ và bị song thị.

Ngày 18 tháng 8 năm 2009, gia đình yêu cầu gặp ông. Hai lính canh hỏi gia đình ông có tu luyện Pháp Luân Công không và thái độ đối với môn này. Sau khi họ nói với lính canh rằng không có cơ sở pháp lý cho cuộc bức hại Pháp Luân Công, các lính canh đã từ chối lời đề nghị được gặp ông Trần của gia đình.

Ông Từ Quảng Chú

Ông Từ Quảng Chú, một người lớn tuổi ở quận Kim Châu, Đại Liên, là một trong hơn 20 học viên Pháp Luân Công bị giam ở Phân đội 2 từ năm 2015 đến 2018. Một nhóm các tù nhân do Cao Phong dẫn đầu đã tra tấn ông Từ dưới chỉ đạo của lính canh. Họ quất vào đầu ông bằng gậy tre và ông đã suýt chết. Chỉ đạo viên lúc đó là Tề Cương.

Ông Vương Đức Thanh

Ông Vương Đức Thanh bị đưa đến Phân đội 2 vào tháng 11 năm 2015. Ông bị dẫn tới một nhà tắm không có camera giám sát, tại đây ông bị ép ngồi trên một ghế đẩu nhỏ trong nhiều giờ và liên gục bị đánh đập và không được phép dùng nhà vệ sinh. Ông cũng bị cấm ngủ cùng với các tù nhân mới.

Trong tháng 12 lạnh giá, hai tù nhân Lý Cường và Trương Thiết Quân đã lấy đi áo khoác đệm của ông, trói hai tay ông ra sau lưng và ép ông ngồi trên sàn gạch lạnh giá, sau đó buộc ông dang hai chân ra hai phía khiến ông bị đau đớn cực độ.

Lý Cường cũng cuộn một cuốn sách lớn lại và liên tục đâm vào động mạch cổ của ông gây ra đau đớn cực độ.

Hai tù nhân cũng đổ mạt sắt vào các chai nước và đánh vào đầu ông cho đến khi ông bất tỉnh. Lý Cường khoe rằng anh ta có thể đánh người mà không để lại thương tích có thể thấy được.

Một lần Lý Cường và Trương Thiết Quân khi đang đánh đập ông Vương trong nhà tắm thì chỉ đạo viên Tề Cương tham gia vào và đấm vào mũi ông Vương khiến nó chảy máu ngay lập tức. Sau đó Tề tát vào mặt ông nhiều lần và đá ông lăn ra sàn. Tề cũng bảo hai người khác không cho ông Vương ăn trưa. Tối hôm đó, các tù nhân đã đưa ông Vương, vốn đi lại khó khăn sau đó, đến văn phòng và còng hai tay ông vào một cái ghế. Sau đó Tề mang theo hai lính canh đến và sốc điện ông Vương bằng ba cây dùi cui điện cùng lúc.

Sau đó, ông Vương bị ép lao động nặng và bị giám sát chặt chẽ cả ngày. Ông không được nói chuyện với bất kỳ ai.

Vào nửa cuối năm 2017, ông bắt đầu có những triệu chứng nghiêm trọng và chỉ sống sót sau khi được cấp cứu.

Ông Dịch Thiết Tranh

e456fa0bf71a4e6d55e8f82a32e73f06.jpg

Minh hoạ tra tấn: kéo chân

Ông Dịch Thiết Tranh ở thành phố Bàn Cẩm bị đưa đến Phân đội 4 của Nhà tù Khang Gia Sơn vào ngày 19 tháng 8 năm 2016. Trưởng đội Tề Cương đã bảo bốn tù nhân đưa ông đến một nhà tắm nơi mà không có camera giám sát để tra tấn ông bằng cách ép ông dang hai chân sang hai bên.

Ông bị ép ngồi trên một cái ghế đẩu nhựa và quay mặt vào tường. Các thủ phạm ép ông dang hai chân sang hai bên. Khi chân ông chưa ở đúng vị trí, họ đá vào lưng, eo và đầu ông từ phía sau. Khi hai chân ông chưa tách ra như ý họ muốn, họ đấm đá ông. Họ cũng dùng một cây gỗ cạo vào xương sườn của ông và cởi thắt lưng của ông rồi dùng nó quất vào ông cho đến khi nó đứt ra nhiều mảnh. Ông Dịch bị chảy máu khắp người. Khi thấy ông sắp chết, họ đổ nước lạnh lên người ông và đá vào đầu ông. Thấy ông không phản ứng, họ gọi người đến kiểm tra huyết áp của ông và thấy không có dấu hiệu gì. Ông được đưa đến bệnh viện khẩn cấp và được cho thở oxy và truyền dịch.

Ông được đưa trở lại phòng giam sau 8 giờ tối và bị ép ngồi trên một cái ghế nhỏ. Mỗi khi ông cử động nhẹ đều bị đánh bằng một cây gậy và những thủ phạm cũng dùng tăm nhọn đâm vào các ngón tay và đầu ông.

Tù nhân Thái Phong Quang chụp một cái bao nhựa lên đầu ông và thổi khói thuốc lá vào bao để làm ông ngạt. Mông của ông bị loét do ngồi lâu trên cái ghế nhỏ và ông rất đau đớn.

Các thủ phạm đã cởi quần ông và xát muối và nước vào các vết thương của ông để khiến ông đau đớn hơn.

Trưởng đội Tề Cương, chỉ đạo viên Lý Khai Hồng và lính canh Trần Doãn Phong thường xuyên đến nhà tắm và lệnh cho bốn tù nhân giữ chặt ông Dịch rồi họ sốc điện ông bằng dùi cui điện cao thế. Khi ông tuyệt thực để phản đối bức hại thì đã bị bức thực tàn bạo.

Sức khoẻ của ông đã suy giảm nhanh chóng do bị tra tấn tàn ác. Năm 2017, hai năm sau khi trở về nhà, ông vẫn còn gặp vấn đề với mắt phải.

Ông Lưu Tuấn Ba

Sau khi ông Lưu Tuấn Ba bị đưa đến Nhà tù Khang Gia Sơn, ông đã bắt đầu tuyệt thực để phản đối bức hại và bị bức thực nhiều lần. Khi bị bức thực lần đầu tiên, lính canh Mạnh Tường Vũ đã sốc điện ông bằng dùi cui điện trong khi các tù nhân khác đè chặt ông xuống và bịt miệng ông. Ông Lưu đã suýt chết vì bị nghẹt thở và bị đau ngực suốt nhiều năm sau đó.

Ông bị bức thực bằng một lượng lớn nước muối đậm đặc khiến ông cảm thấy rất đau đớn.

Nhiều học viên Pháp Luân Công khác cũng bị tra tấn tàn ác tại Nhà tù Khang Gia Sơn. Ví dụ, ngày mà ông Lữ Kim Vũ ở thành phố Bản Khê bị đưa đến nhà tù, các tù nhân đã đánh gãy bốn cái răng của ông; ông Tống Nguyệt Cương ở thành phố Dinh Khẩu bị bức thực tàn bạo; ông Lưu Hồng Quân thường xuyên bị trưởng Phân đội 3 là Hứa Kiện sốc điện bằng dùi cui điện; khi ông Trương Đức ở thành phố An Sơn nói với các lính canh rằng ông “vô tội”, họ đã lệnh cho các tù nhân đánh đập ông. Sau đó, ông bị biệt giam và bị bức thực và phải nhập viện khi trở nên rất yếu do bị tra tấn.

Các học viên Pháp Luân Công bị tước quyền bảo lãnh điều trị y tế

Ông Hàn Xuân Long

3b5b1cf5bcfc0c3af73408c96e386d2e.jpg

Ông Hàn Xuân Long

Sau khi ông Hàn Xuân Long bị bắt, ông đã bị tra tấn và bức thực tàn bạo. Ông được đặt ống thông tiểu và để lâu dẫn đến bệnh nặng. Ông bị chẩn đoán suy thận, thận ứ nước do nhiễm trùng, sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu, v.v… bởi Bệnh viện Trung ương Đan Đông. Ông không thể tự chăm sóc bản thân và phải ngồi xe lăn. Tuy nhiên, ông vẫn bị kết án bốn năm tù và bị đưa đến Nhà tù Mã Tam Gia và bị nơi này từ chối vì tình trạng sức khoẻ kém.

Ngày 10 tháng 7 năm 2013, Nhà tù Khang Gia Sơn đã nhận ông và dự định đưa ông đến Bệnh viện Đa khoa Quân đội. Bệnh viện đã từ chối nhận ông bởi tình trạng sức khoẻ. Gia đình yêu cầu để ông được bảo lãnh chữa trị nhưng nhà tù từ chối lời đề nghị bởi nhiều lý do.

Ngày 15 tháng 7 năm 2013, gia đình yêu cầu được gặp ông Hàn. Nhân viên Nhà tù Phạm Thuỳ Nghĩa và Cao Hoa đã gây khó khăn cho họ bằng cách yêu cầu họ xúc phạm Nhà sáng lập Pháp Luân Công. Khi gia đình từ chối, họ yêu cầu gia đình thể hiện thái độ đối với Pháp Luân Công. Cuối cùng, họ từ chối cho vợ ông Hàn gặp ông, chỉ có cha mẹ ông được gặp.

Nhà tù Khang Gia Sơn có quy trình xét duyệt rất nghiêm khắc khi người nhà của học viên Pháp Luân Công đến thăm, thể hiện rõ trên đơn rằng những người thân mà tu luyện Pháp Luân Công không được vào thăm. Yêu cầu vào thăm phải được chấp nhận bởi từng bộ phận quản lý. Khi yêu cầu được chấp thuận, người nhà được yêu cầu ngồi ở cửa sổ 1 và cửa sổ 24 vì hai cửa sổ này ở bên cạnh và được trang bị tai nghe lớn để dễ dàng giám sát.

Ông Triệu Trường Phúc

Ông Triệu Trường Phúc bị suy thận, suy tim và các triệu chứng khác cho đến tận cuối năm 2021. Khi ở trong tình trạng nguy kịch, ông được đưa đến Bệnh viện Số 4 của thành phố Thẩm Dương và (Bệnh viện) Nhà tù Tân Khang Thẩm Dương.

Hiện tại, sức khoẻ của ông bị suy giảm. Ông bị mù một mắt và mắt kia bị mờ. Ông chỉ có thể nhìn thấy những vật trong vòng một mét. Hai đùi của ông bị sưng và bắp chân cũng sưng với những mụn nước bị vỡ. Ông cảm thấy rất yếu và yêu cầu được điều trị nhưng quản lý nhà tù chỉ cho ông được điều trị tại Bệnh viện Số 4, nhưng nơi này không thể nhận ông vì bị thiếu giường.

Vì sức khoẻ của ông tiếp tục giảm sút nên gia đình đã đề nghị cho ông được bảo lãnh điều trị y tế, nhưng các viên chức nhà tù liên quan nói: “Không chuyển hoá (từ bỏ đức tin) thì không được bảo lãnh điều trị. Không có cách nào khác. Đừng nói về nó.”

Cưỡng bức lao động nặng nhọc

8ac1f17258f44c521004d70261c20815.jpg

Các dây chuyển sản xuất tại Phân đội 1 và 2 của nhà tù chủ yếu làm các túi mua sắm siêu thị để xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước. Phân đội 3 sản xuất đèn xoắn ốc. Các bảng mạch bên trong chui đèn được kết nối bằng hàn. Trong xưởng có hai cái quạt thông gió lớn để hút khói. Cây cỏ bên ngoài toà nhà gần quạt thông gió đều bị khô héo. Các tù nhân làm việc ở đó chỉ được mang một cái khẩu trang mà không có thiết bị bảo hộ nào khác. Sau vài ngày thì một xe tải container từ Cảng Đại Liên sẽ đến để lấy các hộp đèn.

Hầu hết những người làm ở Phân đội 4 là người lớn tuổi, yếu ớt, bệnh tật, tàn tật hoặc là người có các mối quan hệ và được ưu đãi đặc biệt. Họ làm những việc nhẹ và khối lượng công việc ít.

Mỗi phân đội được ký hợp đồng bởi trưởng phân đội, người trả một khoảng tiền nhất định cho nhà tù mỗi tháng, và phần còn lại thuộc về trưởng đội cùng một lượng ít tiền thưởng cho các trưởng đội. Theo đuổi lợi nhuận đã trở thành động lực duy nhất cho các lính canh tù.

Các tù nhân làm việc trong các điều kiện đông đúc và không an toàn, thậm chí số lần họ đi vệ sinh cũng bị giới hạn. Nếu không thể hoàn thành hạn mức công việc, họ sẽ bị sốc điện bằng dùi cui điện hoặc đánh đập. Năm 2014, một tù nhân bị ép phải cắt bỏ ngón tay bằng một chiếc cưa mòn vì không hoàn thành công việc đúng hạn.

Các tù nhân bắt đầu làm việc sau bữa sáng khoảng 7 giờ 30 phút hàng ngày và tiếp tục làm đến tận 6 giờ chiều mà không được ăn trưa. Họ sẽ thật may mắn nếu có một ngày nghỉ sau hai tuần. Theo Luật Lao động, người dân không làm quá 8 tiếng mỗi ngày và không quá 44 giờ mỗi tuần. Tuy nhiên, trong Nhà tù Khang Gia Sơn, các tù nhân bị ép làm việc ít nhất 10 tiếng mỗi ngày. Nhiều tù nhân bị bệnh hoặc bị thương do cưỡng bức lao động cường độ cao.

Những thủ phạm chịu trách nhiệm cho cuộc bức hại

Những thủ phạm trực tiếp tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Công trong Nhà tù Khang Gia Sơn gồm:

Hồ Diệu Đông (胡耀东) – giám đốc Bệnh viện Nhà tù Khang Gia Sơn
Tào Văn Lương (曹文良) – trưởng Ban Giáo dục
Mã Quang Huy (马光辉) – trưởng Ban Quản lý Nhà tù
Phạm Thuỳ Nghĩa (范垂义) – nhân viên của Ban Quản lý Nhà tù
Cao Hoa (高骅) – nhân viên của Ban Quản lý Nhà tù
Tôn Ba (孙波) – trưởng một phân đội
Trương Bảo Hoa (张宝华) – trưởng một phân đội
Lưu Uy (刘威) – trưởng một phân đội
Mạnh Tường Vũ (孟祥宇) – trưởng một phân đội
Yên Thiết Đức (鄢铁德) – trưởng một phân đội
Tề Cương (齐刚) – trưởng một phân đội
Lý Khai Hồng (李开红) – chỉ đạo viên
Mã Nặc (马诺) – trưởng đại đội
Hứa Kiện (许健) – trưởng đại đội
Trần Vân Phong/Trần Doãn Phong (陈云峰/陈允峰) – trưởng đại đội
Trần Tịch (陈夕) – phó trưởng đại đội
Vương Khánh Hồ (王庆胡) – nhân viên điều tra

Các viên chứng quản lý cấp cao dưới đây của Nhà tù Khang Gia Sơn cũng phải chịu trách nhiệm đối với tội ác chống lại các học viên Pháp Luân Công.

Lưu Kinh (刘京) – giám đốc Nhà tù Khang Gia Sơn
Trương Hán Chí (张汉志) – giám đốc Nhà tù Khang Gia Sơn
Trần Minh Cường (陈明强) – phó giám đốc Nhà tù Khang Gia Sơn
Hồ Hanh Lập (胡亨立) – phó giám đốc Nhà tù Khang Gia Sơn
Chu Tường Vũ (周翔宇) – trưởng phòng chính trị
Mạnh Bân/Tân (孟斌/滨) – chính uỷ
Lâm Chí Mẫn (林志敏) – giám đốc Sở Tư pháp Tỉnh Liêu Ninh
Vương Bội Quân (王佩军) – bí thư đảng của Cục Tư pháp Thành phố Thẩm Dương
Cao Trường Sanh (高长生) – giám đốc Ban Quản lý Nhà tù Tỉnh Liêu Ninh

Thông tin nhiều hơn về những viên chức thuộc ban ngành tư pháp của thành phố và của tỉnh tại Liêu Ninh và Thẩm Dương có trong bản gốc tiếng Hán.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/2/444354.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/21/201898.html

Đăng ngày 13-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share