Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-05-2022] Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam đã không ngừng ra sức bức hại các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ ở đó kể từ khi cuộc bức hại nổ ra.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Lính canh ở nhà tù còn tiêm cho các học viên những loại thuốc hủy hoại thần kinh không rõ nguồn gốc. Kết quả là, ít nhất 8 học viên đã tử vong, và nhiều người khác bị suy nhược cơ thể. Tất cả học viên bị giam giữ ở trong nhà tù hiện đang ở trong khu số 1 và bị kiểm soát nghiêm ngặt.

Bức hại không ngừng nghỉ

Bị đầu độc bởi tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc, lính canh của nhà tù đã tra tấn các học viên mà không hề kiêng dè bất cứ điều gì. Hòng tránh để lại vết tích trên cơ thể các học viên, lính canh đã sử dụng cái mà họ gọi là “tra tấn mềm”, chẳng hạn như xịt nước ớt cay, hoặc biệt giam họ với tay bị cùm xuống đất hoặc treo họ lên cao với chân không chạm đất.

Một số lính canh xem việc phục tùng chính sách bức hại là đang thực hiện công việc của mình mà không kiêng dè bất kỳ điều gì, cũng như không có bất kỳ sự cảm thông nào đối với các học viên vô tội, hoặc suy xét xem liệu bản thân họ sau này có bị đưa ra công lý hay không.

Phó giám đốc nhà tù Đinh Bằng Tường từng nói với người học viên gọi điện cho ông ta (để thúc giục ông ta dừng bức hại) rằng: “Những gì chúng tôi làm không tính là bức hại. Chỉ treo họ lên và đánh đập, hoặc trói họ vào ghế cọp thì mới bị tính là bức hại”.

Tăng Tĩnh Nam, một lính canh lâu năm khác của khoa giáo dục, thường khoe khoang rằng ông ta đã “tra tấn hơn 300 học viên Pháp Luân Công từ năm 1999 và chưa bao giờ gặp báo ứng.“

Ngược đãi thể xác và kéo dài thời gian thụ án

Lính canh tra tấn các học viên để cưỡng chế họ từ bỏ đức tin của mình. Lấy danh nghĩa là đưa học viên đi chữa bệnh, lính canh đã đưa họ đến bệnh viện và tiêm cho họ những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Những học viên từ chối phục tùng có thể bị kéo dài hạn tù một cách tùy tiện lên đến hàng năm trời. Dưới đây là một số trường hợp các học viên bị ngược đãi ở trong nhà tù này.

1. Ông Trương Lương (69 tuổi) ở thành phố Côn Minh bị bắt vào ngày 5 tháng 2 năm 2015, và bị Tòa án quận Tây Sơn kết án 3 năm tù vào tháng 6 năm 2015. Sau đó ông bị đưa đến nhà tù vào tháng 8. Lính canh liên tục tát vào mặt và biệt giam khi ông hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Một lần nọ, lính canh ra lệnh cho ba tù nhân lôi ông vào một góc phòng, giữ chặt người và bóp cổ ông vì ông phản đối bức hại. Trong vài tháng cuối cùng trước khi ông được thả, lính canh đã giam ông trong khu kiểm soát nghiêm ngặt và xịt nước ớt cay vào ông mỗi ngày vì ông vẫn hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo”.

2. Ông Lý Bồi Cao (86 tuổi) bị bắt vào tháng 11 năm 2015. Mặc dù thẩm phán của Tòa án quận Tây Sơn cho phép ông thụ án bên ngoài nhà tù sau khi tuyên án ông 4 năm, nhưng cảnh sát đã bỏ tù ông vào tháng 1 năm 2019, ngay sau khi bản án của ông mãn hạn. Các nhà chức trách đã tự ý gia hạn bản án của ông và hiện ông đang bị giam trong khu 11 của nhà tù.

3. Ông Lý Văn Ba bị đưa đến nhà tù để thụ án 6 năm vào năm 2020. Lính canh đã xịt nước ớt cay và biệt giam ông trong 2 tháng vì ông thường nói về vẻ đẹp của Pháp Luân Công. Sự tra tấn đã hủy hoại sức khỏe của ông và lính canh đã đưa ông vào bệnh viện trực thuộc Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Vân Nam. Hiện ông Lý đang bị giam tại khu 11 của nhà tù.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Lý bị cầm tù. Khi ông chấp hành bản án 5 năm trước đó (từ năm 2009 đến năm 2014), lính canh đã còng tay và treo ông lên khung cửa sổ mỗi ngày trong suốt 6 tháng của năm 2014. Họ cũng dán miệng ông trong khi treo ông lên như vậy. Da của ông bị rách và máu dính cả vào băng dán.

Trong suốt 8 tháng, mỗi khi các tù nhân ra ngoài tập thể dục, lính canh lại treo ông lên cột đựng bóng rổ. Kết quả là, ông không thể ăn uống một cách bình thường và bị xuất huyết dạ dày. Sau khi đưa ông đến bệnh viện, lính canh trói ông vào giường và bắt ông uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Để hạn chế việc di chuyển của ông trong bệnh viện, họ đã bắt ông mặc một chiếc quần một ống được thiết kế riêng cho mục đích tra tấn.

4. Ông Khâu An bị bỏ tù vào năm 2021 sau khi một thẩm phán của Tòa án quận Ngũ Hoa kết án ông 3 năm. Ông không phục tùng sự kiểm soát trong khu 1 và lính canh đã biệt giam ông 3 lần trong 2 tháng. Khi ông từ chối xem các video phỉ báng Pháp Luân Công, lính canh đã xịt nước ớt cay vào người ông.

Lính canh xúi giục tù nhân ngược đãi các học viên

Lính canh của khu 1 bố trí bốn tù nhân theo dõi một học viên suốt ngày đêm. Âu Tích Diệu, phó trưởng khoa giáo dục, đã công khai xúi giục tù nhân tra tấn các học viên: “Làm cách nào để các người có thể được giảm án? Đó là hãy ‘quan tâm’ sát sao các học viên Pháp Luân Công.” Lính canh lén lút cho phép tù nhân chửi mắng và gây khó khăn cho các học viên. Sau đây là một số ví dụ.

1. Tù nhân bắt các học viên ngồi bất động trên một chiếc ghế đẩu nhỏ hơn 10 tiếng một ngày. Họ bố trí bốn người ở trước sau và hai bên trái phải để kẹp người học viên vào giữa: một người ngồi ở phía trước, một người ở sau lưng thúc đầu gối của họ vào lưng học viên, hai người khác ở hai bên sử dụng khuỷu tay của họ chọc vào xương sườn của học viên. Người học viên chỉ được sử dụng nhà vệ sinh khi có sự cho phép của tù nhân.

Ông Văn Xuân Phú ở thành phố Côn Minh bị tra tấn theo phương thức này. Khi các tù nhân liên tục áp sát ông Văn, ông đã hất cùi chỏ của một tù nhân ra, và một lính canh vu vạ rằng ông đã đánh tù nhân, rồi nhốt ông trong phòng biệt giam trong một tuần.

2004-10-18-jms1.jpg

Tái hiện tra tấn: ngồi yên trên một chiếc ghế đẩu nhỏ

2. Để khiến các học viên từ bỏ đức tin, lính canh và tù nhân tìm mọi cách gây khó dễ cho họ. Trong giờ ăn, lính canh sẽ ngồi cạnh nồi cơm và ra lệnh cho tù nhân chào họ trước khi họ được phát cơm. Bất cứ ai từ chối hợp tác sẽ không có gì để ăn.

3. Lính canh, đặc biệt là những người của khoa giáo dục, thường lấy danh nghĩa là “tâm sự” với các học viên để làm ra bầu không khí căng thẳng và đáng sợ. Họ sử dụng thủ đoạn lừa dối và đe dọa nhằm cưỡng chế các học viên từ bỏ đức tin. Lính canh sẽ nói với các học viên lớn tuổi có sức khỏe kém rằng nếu họ không từ bỏ đức tin, cuộc sống của họ sẽ trở nên đặc biệt khó khăn, và họ không thể trách ai được vì đó là do họ tự chuốc lấy. “Đừng trách chúng tôi nếu mạng sống của các vị gặp nguy hiểm, vì sức khỏe của các vị vốn yếu sẵn rồi.”

Tám học viên qua đời vì bị tra tấn ở trong tù

Trong 23 năm của cuộc bức hại, ít nhất 8 học viên qua đời do bị tra tấn chỉ riêng trong nhà tù này. Sau đây là tóm tắt ngắn gọn về các trường hợp này.

1. Ông Phương Chinh Bình quê gốc ở thành phố Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên. Ông bị bắt vì nói với mọi người về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở huyện Tuy Giang, tỉnh Vân Nam vào ngày 14 tháng 10 năm 2007. Tòa án huyện Tuy Giang đã kết án ông 7 năm và thụ án trong Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam. Bởi ông từ chối viết tuyên bố từ bỏ đức tin của mình, lính canh đã tra tấn ông đến suýt chết. Cha mẹ của ông Phương đã yêu cầu bảo lãnh điều trị y tế cho ông, nhưng nhà tù đã từ chối. Ông qua đời vào ngày 1 tháng 4 năm 2013, ở tuổi 56.

2. Ông Thạch Kiến Vĩ là giáo viên tiếng Anh ở huyện Tân Xuyên, tỉnh Vân Nam. Ông qua đời tại Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam khi đang thụ án 6,5 năm vì kiên định đức tin của mình. Ông hưởng dương 56 tuổi. Nhà tù tuyên bố rằng ông Thạch chết vì ung thư gan. Tuy nhiên, gia đình nghi ngờ ông đã bị tra tấn đến chết, bởi những vết bầm tím trên lưng ông và ông không có dấu hiệu của bệnh ung thư gan trong hồ sơ bệnh án của ông. Thi thể của ông đã bị hỏa táng trái dù gia đình không đồng ý– đây là một thực tế phổ biến xảy ra ở các nhà tù nhằm che đậy bằng chứng của việc tra tấn, ngược đãi, và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

3. Ông La Giang Bình ở huyện Mễ Dịch ở thành phố Phàn Chi Hoa, tỉnh Tứ Xuyên bị bắt tại huyện Nam Hoa, tỉnh Vân Nam vào tháng 1 năm 2012. Ông bị kết án 4,5 năm và thụ án trong Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam. Bởi ông từ chối từ bỏ đức tin của mình, lính canh đã tiêm vào người ông những loại thuốc không rõ nguồn gốc, còng tay và cùm chân ông. Họ cũng bắt ông lao động cường độ cao hơn 10 giờ mỗi ngày, không cho ông ngủ và nhốt ông vào phòng biệt giam. Ông đã tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi, và lính canh đã bức thực ông. Họ đã nhổ hết răng ở hàm dưới của ông khiến chảy rất nhiều và nhiễm trùng. Ông ở trong trạng thái thoi thóp suốt 3 tháng. Vào ngày 23 tháng 12 năm 2013, ông được tạm tha y tế và qua đời 5 ngày sau đó ở tuổi 51.

4. Ông Liệu Kiện Phủ ở thành phố Phàn Chi Hoa, tỉnh Tứ Xuyên bị bắt vì dán áp phích thông tin về Pháp Luân Công vào tháng 10 năm 2016. Ông đã bị kết án 4 năm tù và thụ án trong Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam. Ông bị chuyển đến nhà tù vào tháng 7 năm 2018, và ông đã qua đời sau chưa đầy 9 tháng ở đó.

Ở trong tù, ông Liệu bị huyết áp cao, tuy nhiên lính canh vẫn bắt ông ngồi yên hơn 10 tiếng mỗi ngày trong 3 tháng. Để gia tăng áp lực cho ông, lính canh đã đo huyết áp của ông nhiều lần trong ngày và thậm chí đưa ông đến bệnh viện để kiểm tra. Gia đình đến thăm ông hai lần và được biết rằng huyết áp của ông cao ở mức nguy hiểm và ông có cục máu đông ở trong não. Yêu cầu tạm tha y tế của họ liên tục bị từ chối. Ông qua đời vào tối ngày 19 tháng 3 năm 2019, ở tuổi 65.

5. Anh Phổ Chính ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam bị bắt vào ngày 17 tháng 9 năm 2005 và bị kết án 4 năm tù và thụ án trong Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam. Anh bị kiểm soát nghiêm ngặt trong suốt 4 năm và không nhìn thấy ánh sáng mặt trời dù chỉ 1 ngày. Lính canh liên tục đánh đập và chửi bới anh. Anh rất yếu và thường xuyên bị ho ra máu sau khi được thả vào ngày 16 tháng 9 năm 2009. Anh không thể hồi phục và đã qua đời vào năm 2017, ở tuổi 39.

6. Anh Trì Chí làm việc trong một ngân hàng ở huyện Di Lương, tỉnh Vân Nam. Anh bị cảnh sát bắt giữ khi đang phát tài liệu Pháp Luân Công vào tháng 6 năm 2003. Sau đó một thẩm phán đã kết án anh 3,5 năm và thụ án trong Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam. Lính canh cưỡng bức anh lao động nặng nhọc hơn 10 tiếng mỗi ngày. Sức khỏe của anh nhanh chóng giảm sút và sau đó anh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan. Sau khi gia đình đưa anh về nhà, cảnh sát thường xuyên đến sách nhiễu anh. Không còn tài chính để điều trị bệnh, anh đã qua đời vào tháng 7 năm 2009 ở tuổi 27.

2016-8-10-minghui-beijing-lili-13--ss.jpg

Hình vẽ minh họa: Lao động cưỡng bức.

7. Anh Trịnh Trí Dương ở Trùng Khánh đã bị bắt tại thành phố Côn Minh vào tháng 12 năm 2004. Sau khi một thẩm phán kết án anh 3 năm tù, anh bị đưa đến Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam đẻ thụ án. Bệnh tiểu đường của anh trở nên tồi tệ hơn vì bị tra tấn và thiếu dinh dưỡng. Lính canh đã phải đưa anh đến bệnh viện. Sau khi được trả tự do, sức khỏe của anh không thể hồi phục. Anh qua đời năm 2010 ở tuổi 36.

8. Ông Dương Khai Văn là một nông dân ở thôn Vĩnh Phúc, huyện Thi Điện, tỉnh Vân Nam. Vì ông đã gửi tài liệu chân tướng Pháp Luân Công qua đường bưu điện để nói với mọi người về cuộc bức hại, cảnh sát đã bắt giữ ông vào ngày 27 tháng 10 năm 2004. Ông bị đưa đến Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam sau khi bị kết án 3 năm. Ông suy sụp tinh thần vì bị tra tấn và qua đời ngay sau khi được thả.

Bài liên quan:

Giáo viên tiếng Anh qua đời trong khi bị cầm tù, thi thể bị hỏa táng

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/18/443761.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/6/201699.html

Đăng ngày 15-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share