Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hồ Bắc
[MINH HUỆ 18-06-2022] Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, vô số học viên đã bị giam giữ vì kiên định đức tin của họ. Một số đã qua đời do bị tra tấn trong khi bị giam giữ, một số khác đã qua đời sau khi được thả.
Trong báo cáo này, chúng tôi muốn phơi bày một số thủ đoạn chủ yếu được sử dụng để tra tấn các học viên Pháp Luân Công bị giam trong Trại tạm giam Huyện Gia Ngư, tỉnh Hồ Bắc ở thời điểm hiện tại cũng như các thời điểm khác trong suốt 23 năm qua của cuộc bức hại. Bởi sự kiểm duyệt và phong tỏa internet, tình hình thực tế có thể còn tàn ác hơn nhiều.
Các phương pháp tra tấn chủ yếu
Các phương pháp tra tấn chủ yếu được sử dụng trong trại tạm giam Huyện Gia Ngư bao gồm:
1. Đánh đập tàn bạo,
2. Bức thực,
3. Còng tay và cùm chân trong thời gian dài,
4. Cùm nối nhiều học viên lại với nhau,
5. Cấm ngủ,
6. Cưỡng chế dùng độc dược,
7. Quỳ trong thời gian dài,
8. Đứng dựa vào tường trong thời gian dài,
9. Buộc phải rời xa gia đình,
10. Trấn nước,
11. Tống tiền,
12. Lao động cưỡng bức,
13. Tra tấn đóng băng,
14. Tuyên truyền và tẩy não.
1. Đánh đập tàn bạo
Ở trong trại tạm giam Huyện Gia Ngư, việc đánh đập tàn bạo là thủ đoạn tra tấn phổ biến nhất. Một số lính canh và trưởng buồng giam đã trực tiếp đánh đập học viên Pháp Luân Công hoặc xúi giục các tù nhân khác làm việc đó.
Một kiểu đánh đập phổ biến được gọi là “ăn sủi cảo”. Nạn nhân bị bắt đứng dựa vào tường với một cái cốc đặt giữa lưng và tường. Sau đó, lính canh yêu cầu tù nhân đấm hoặc đá vào ngực nạn nhân, khiến nạn nhân thổ huyết.
Một kiểu đánh đập phổ biến khác được gọi là “măng xào thịt lợn”. Sự tra tấn này chủ yếu được áp dụng đối với các học viên nữ. Lính canh sẽ bắt các nữ học viên xếp hàng và quỳ trong hành lang. Sau đó, lính canh hoặc tù nhân sẽ dùng thanh tre mỏng quất vào người họ, đặc biệt là những vùng da hở. Nạn nhân đau đớn tột cùng, một số đã lăn lộn, la hét vì đau đớn.
Một kiểu đánh đập thứ ba được gọi là “ăn bánh bao”. Theo cách này, nạn nhân bị quấn trong một chiếc chăn, sau đó họ bị đấm và đá vào ngực cùng các bộ phận khác của cơ thể.
Ông Trương Ngọc Vượng ở thị trấn Ngư Nhạc, huyện Gia Ngư đã qua đời ở tuổi 63 vì bị tra tấn. Vợ ông đã kể lại sự tra tấn mà cả hai đã trải qua ở trong trại tạm giam Huyện Gia Ngư vào tháng 10 năm 2002. Vợ ông bị bắt đứng dựa vào tường suốt cả đêm, với hai tay duỗi thẳng và hai lòng bàn tay áp sát vào đường chỉ quần ở hai bên.
Ông Trương bị tra tấn theo kiểu “ăn sủi cảo”. Người vợ viết: “Sự đau đớn đó quả thực khiến người ta không thể chịu nổi. Mặt chồng tôi tái nhợt, và hai tháng sau ông mới được thả ra. Sau khi trở về nhà, do bị thương nặng vì bị tra tấn, ông ấy bị đau tức ngực dai dẳng và thậm chí không thể làm việc nhà. Sức khỏe của ông ngày càng xấu đi và sau đó ông ấy đã qua đời vào năm 2010.”
Một số học viên khác cũng qua đời sau khi bị đánh đập tàn bạo ở trong trại tạm giam Huyện Gia Ngư.
Tranh vẽ minh họa tra tấn: Đánh đập
Bà Lưu Đức Hồ (63 tuổi) ở thị trấn Bài Châu Loan của huyện Gia Ngư. Khi ở trong trại tạm giam Huyện Gia Ngư, bà đã bị đánh đập nhiều lần và bị nội thương nghiêm trọng. Sau đó bà qua đời vào năm 2013.
Lúc sinh tiền bà Lưu kể:
“Ngày 13 tháng 1 năm 2001, tôi bị Bộ phận An ninh Chính trị thẩm vấn phi pháp tại trại tạm giam Huyện Gia Ngư. Cảnh sát Chu Văn Đắc đã đá, véo, đánh đập và chửi mắng tôi mỗi khi anh ta hỏi cung tôi. Anh ta đẩy tôi ngã và bắt tôi phải quỳ thẳng người với hai tay giơ thẳng lên trên. Sau khi tôi quỳ như vậy hơn một tiếng đồng hồ, anh ta lại bắt tôi đứng dậy với hai bàn chân khép sát vào nhau, hai tay duỗi thẳng và không được cử động. Sự tra tấn này kéo dài từ sáng đến tối. Sau đó, tám người đã thay nhau thẩm vấn tôi vào ban đêm”.
Rạng sáng, trưởng Bộ phận An ninh Chính trị Lưu Trường Lâm đã đi vào văn phòng để hỏi về cuộc thẩm vấn. Khi nghe nhân viên trực báo cáo rằng bà Lưu từ chối từ bỏ đức tin, Lưu Trường Lâm thẹn quá hóa giận, lớn tiếng quát tháo: “Tôi sẽ giết bà nếu bà vẫn cứ như thế này!” Sau đó ông ta tát vào mặt bà Lưu và đấm vào mắt phải của bà. Tiếp theo, ông ta đóng cửa rồi lại đánh vào thái dương và đấm vào tai trái của bà. “Kể từ đó tôi luôn thấy có tiếng o o bên tai trái của mình và tôi không thể nghe thấy gì từ tai bên đó nữa” bà Lưu viết.
Sau đó Lưu Trường Lâm đấm bà ngã xuống đất, rồi lại đá và túm tóc bà hỏi: “Tài liệu (Pháp Luân Công) từ đâu mà có?” Bà Lưu không trả lời. Mặc dù bà Lưu đã ngoài 60 tuổi, nhưng cảnh sát bắt bà phải đứng im mà không được cử động hoặc ngủ trong 28 tiếng. Bà kể lại: “Khi tôi được đưa trở lại phòng giam, các tù nhân ở đó nói rằng khuôn mặt của tôi trông rất đáng sợ, nó đã biến dạng với những vết bầm tím và máu tụ.”
Một trường hợp khác là ông Thẩm Quốc Diễm (ngoài 60 tuổi). Ông đã bị bắt vào cuối tháng 9 năm 2001 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Ở trong trại tạm giam Huyện Gia Ngư, ông Thẩm bị lính canh và tù nhân tra tấn tàn bạo. Ông vô cùng yếu ớt với toàn thân sưng tấy và đang bên bờ vực của cái chết. Tháng 10 năm 2002, ông được thả về nhà, và một năm sau ông qua đời một cách đầy thương tâm.
Anh Từ Hiểu Xuân (42 tuổi) là một nông dân ở thị trấn Tân Nhai, huyện Gia Ngư. Vào một ngày cuối năm 1999, sau khi lừa anh đến Đồn Công an Tân Nhai, một cảnh sát đã đấm mạnh vào hai mạn sườn của anh khiến anh ngay lập tức bất tỉnh. Những điều tương tự lại xảy ra vào ngày 25 tháng 4 năm 2001. Lính canh và tù nhân đã không ngừng đánh đập và tống tiền anh 3.000 Nhân dân tệ. Sau khi anh Từ trở về nhà vào ngày 1 tháng 6 năm 2001, thương tích của anh không thể phục hồi. Mặc dù vậy, Lý Băng Sơn, Lý Vĩnh Tường và Lý Bách Lâm, cùng các nhân viên chính quyền khác vẫn tiếp tục sách nhiễu anh tại nhà. Cuối cùng, vào sáng ngày 13 tháng 12 năm 2006, anh Từ đã qua đời vì nội thương.
Cô Trương Ngọc Yến là cư dân của thị trấn Bài Châu Loan, huyện Gia Ngư. Vào tháng 5 năm 2000, sau khi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, cô đã bị bắt và giam trong trại tạm giam Huyện Gia Ngư. Cô bị tra tấn tàn bạo đến mức nôn ra máu. Tuy nhiên cô đã không được đưa đến bệnh viện cho đến khi cô bên bờ vực của cái chết. Sau khi sức khỏe ổn định trở lại, cô được về nhà nhưng vẫn tiếp tục bị Phòng 610 Bài Châu Loan sách nhiễu. Họ thậm chí còn lấy đi một số đồ dùng trong nhà của cô. Cô Trương qua đời vào tháng 3 năm 2002, ở tuổi 23.
Anh Trương Hổ (khoảng 30 tuổi) là cư dân của thị trấn Phan Gia Loan, huyện Gia Ngư. Sau khi bị bắt vào năm 2011, anh bị giam ở trong trại tạm giam Huyện Gia Ngư 7 ngày và bị tra tấn vô cùng tàn bạo. Sự tra tấn đã khiến các cơ quan nội tạng của anh bị tổn thương nghiêm trọng. Sau đó, anh mắc bệnh gan và bệnh tiểu đường. Anh qua đời một cách bi thảm vào ngày 29 tháng 2 năm 2016.
2. Bức thực một cách vô nhân tính
Cho ăn bằng ông dẫn bản chất là một phương pháp dùng để đưa thức ăn thẳng vào dạ dày nhằm cứu mạng người. Tuy nhiên, ĐCSTQ lại sử dụng nó như một phương pháp tra tấn tàn bạo để bức thực nhằm ép các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ. Hỗn hợp được trại tạm giam Gia Ngư sử dụng để bức thực thường là muối thô được trộn với một ít nước, bột ngô, thuốc kích thích, rượu có nồng độ cồn cao, chất tẩy rửa, phân và nước tiểu.
Tái hiện cảnh tra tấn: Bức thực
Để ngăn các học viên kháng cự trong khi bức thực, trại giam thường còng hai tay học viên ra sau lưng, cùm chân họ bằng xích nặng. Phần đầu và cơ thể của học viên bị ghìm chặt trong suốt quá trình bức thực. Để gây thêm đau đớn cho các học viên, lính canh và tù nhân còn cố ý liên tục rút cắm ống truyền thức ăn, điều này thường khiến thực quản và dạ dày của các học viên bị rách. Tất cả là nhằm cưỡng bức các học viên Pháp Luân Công từ bỏ tu luyện.
Ngày 13 tháng 1 năm 2001, bà Lưu Đức Hồ (đã đề cập ở trên) bị đưa đến trại tạm giam Huyện Gia Ngư. Lính canh thường khám xét các phòng giam, và có lần đã tìm thấy và tịch thu một cuốn sách Chuyển Pháp Luân của bà. Bà kể: “Tôi đã tuyệt thực để phản bức hại. Vài ngày sau, lính canh bắt đầu bức thực tôi. Lính canh và tù nhân, tổng cộng khoảng sáu đến bảy người, đã đẩy tôi xuống sàn và dùng đầu gối đè lên chân và người tôi. Vài người cạy miệng tôi còn vài người bức thực tôi. Tôi đã bị cạy rụng ra và hàm răng dưới của tôi bị thương đến biến dạng. Đến bây giờ nó vẫn còn bị biến dạng”.
3. Bắt các học viên đeo cùm chân và còng tay
Tái hiện tra tấn: Đeo cùm
Bà Trịnh Ngọc Linh từng là nhân viên của Cục Thương mại Thành phố Xích Bích. Vào tối ngày 26 tháng 11 năm 2000, bà bị chuyển từ trại tạm giam Xích Bích đến trại tạm giam Gia Ngư. Lính canh đã đeo cùm nặng 15 kg vào chân bà và còng hai tay bà ra sau lưng vào cánh cửa để hành hạ bà. Sự tra tấn này tiếp diễn suốt ba ngày ba đêm.
4. Còng tay và cùm chân nhiều học viên vào với nhau
Còng tay và cùm chân vào với nhau
Bà Uông Quang Nguyên (61 tuổi) là nhân viên của Cục Lương thực Huyện Gia Ngư. Một hôm trong tháng 1 năm 2000, cảnh sát đã tới nơi làm việc của bà và lừa bà đến cục công an, nói rằng chỉ điều tra một chút thông tin và không quá 5 phút. Khi bà Uông đến đó, một trưởng bộ phận họ Lưu hỏi bà có còn tu luyện Pháp Luân Công không. Bà Uông trả lời rằng tất nhiên là bà vẫn tu luyện, vì Pháp Luân Công là Đại Pháp cao đức, và tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của pháp môn dạy một người làm một người tốt và tốt hơn nữa.
“Chỉ bởi những lời này mà cảnh sát đã giam tôi một cách phi pháp trong trại tạm giam Huyện Gia Ngư suốt 78 ngày. Khi tôi cố gắng luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, lính canh đã còng tay và cùm chân tôi và nối còng tay và cùm chân của tôi nối với cùm chân của ba học viên khác trong 18 ngày”, bà Uông kể lại.
Bà còn viết: “Trong những ngày đó, bốn người chúng tôi phải ăn, ngủ và đi vệ sinh cùng nhau, thậm chí là cả vào ban đêm. Bởi chúng tôi luân phiên nhau luyện công nên giám đốc trại giam họ Chung đã dội nước xuống sàn nhà, hết chậu này đến chậu khác, khiến nước chảy lênh láng khắp nơi, quần áo và chăn chiếu của chúng tôi đều ướt sũng…”
5. Cấm ngủ
Vì để nhận được tiền thưởng nếu cưỡng bức được các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ, cảnh sát và lính canh rất tích cực làm theo chính sách bức hại của Phòng 610. Họ thường xuyên tra tấn các học viên bằng nhiều thủ đoạn, như cấm ngủ trong thời gian dài, phạt đứng, đánh đập bạo lực cùng các hình phạt thể xác khác.
Ví dụ, tháng 12 năm 2000, bà Lưu Đức Hồ (được đề cập ở trên) đã bị giam giữ tại trại tạm giam Huyện Gia Ngư 58 ngày. Trong những ngày đó, lính canh từng bắt bà đứng yên trong 28 tiếng liên tục.
6. Âm thầm hạ độc bằng thuốc
Đôi khi lính canh bí mật cho các học viên sử dụng thuốc phá hủy thần kinh mà họ không hề hay biết, khiến những học viên vốn đang khỏe mạnh trở thành những người ốm yếu bị rối loạn tâm thần, ngốc nghếch và đau đớn đến mức sống không bằng chết.
Bà Trần Kim Tú (ngoài 50 tuổi) ở thị trấn Ngư Nhạc bị bắt vào ngày 3 tháng 3 năm 2008, trong khi đang dán tài liệu Pháp Luân Công và sau đó bị đưa đến trại tạm giam Huyện Ngư Gia. Giám đốc Chung Mỗ và lính canh Vương Hà của trại đã yêu cầu chụp ảnh bà, nhưng bà không đồng ý vì bà không vi phạm bất kỳ luật gì.
Sau đó Chung và Vương đã giật mạnh tóc bà Trần, rồi Vương đá và giẫm mạnh vào chân bà Trần với đôi giày cao gót. Sau đó, khi bà Trần nói với Vương Pháp Luân Công là gì và cuộc bức hại này sai trái ra sao, nhưng Vương đã không nghe. Thay vào đó, Vương đã bí mật bỏ thuốc độc vào đồ uống và đưa cho bà Trần uống, khiến bà choáng váng và tình thần mơ hồ.
Khi Vương cố gắng đưa bà Trần đến Trung tâm Tẩy não Vũ Hán, bà Trần đã chống cự. Vương, cùng với giám đốc Tạ, chỉ đạo viên Lý, người lái xe, Tôn Tông Văn và Thư Đính Giao, tất cả đều đánh đập bà Trần rất tàn nhẫn. Vương và Thư là người đã đánh bà Trần nặng tay nhất. Thư còng tay bà Trần ra sau lưng, nhét tất bẩn vào miệng bà và dùng băng dính dán miệng bà lại. Trong khi đánh bà, Thư còn quát tháo: “Tôi đánh bà đấy, nhưng ai làm chứng nào?!”
7. Quỳ trong thời gian dài
Lính canh tại các cơ sở giam giữ khác nhau trên khắp tỉnh Hồ Bắc, bao gồm trại tạm giam Thành phố Xích Bích, trại tạm giam Miêu Nhĩ Sơn thành phố Hàm Ninh và trại tạm giam Huyện Gia Ngư, thường bắt các học viên quỳ để ngược đãi và làm nhục họ.
8. Đứng dựa vào tường trong thời gian dài
Lính canh hoặc tù nhân bắt các học viên đứng dựa vào tường với hai tay để thẳng và áp sát vào hai bên cơ thể. Họ không được phép cử động, nhìn vào người khác hoặc nói chuyện, đồng thời các học viên cũng bị hạn chế sử dụng nhà vệ sinh. Đôi khi tù nhân còn xé một mảnh giấy thành 6 mảnh và đặt một mảnh vào giữa đầu của học viên và tường, năm mảnh còn lại đặt vào vị trí nơi các khớp xương áp và tường. Các học viên phải đứng sao cho sáu mảnh giấy này phải ở nguyên vị trí, và chỉ cần một mảnh giấy nào đó hơi xê dịch, họ sẽ bị chửi rủa hoặc đánh đập.
Bà Lưu Đức Hồ (được đề cập ở trên) cũng bị tra tấn bằng hình thức này. Các học viên bị ngược đãi theo cách này thường bị đau lưng, chóng mặt, sưng tay và không thể cầm nắm đồ vật. Đôi khi chân của họ bị sưng tấy nghiêm trọng, và bàn chân của họ sưng đến mức không thể xỏ chân vào giày được nữa. Nếu tiếp tục bị tra tấn như vậy, các học viên thường loạng choạng khi đi bộ, mất thăng bằng và ngã lăn ra đất. Đôi khi họ còn bị liệt hai chân sau khi bị tra tấn bằng hình thức này.
9. Giam giữ các học viên trong cơ sở giam giữ ở địa phương khác
Đôi khi các học viên có thể bị gửi đến một cơ sở giam giữ ở địa phương khác, ở đó họ sẽ bị coi là những “kẻ dị địa” và bị bức hại nghiêm trọng hơn, bởi các thủ phạm bức hại ít lo lắng bị người nhà của nạn nhân khiếu nại hơn. Ngoài ra, trong hoàn cảnh như vậy, việc các học viên địa phương (nơi các học viên bị giam giữ sinh sống) tìm cách giải cứu những học viên mục tiêu này sẽ trở nên khó khăn hơn.
Ví dụ, học viên Trịnh Ngọc Linh ở thành phố Xích Bích bị giam tại trại tạm giam Huyện Gia Ngư, học viên Đỗ Minh Sinh ở Sùng Dương bị giam tại trại tạm giam Huyện Thông Thành, học viên Ngô Vệ Hoa ở thành phố Ôn Tuyền bị giam tại trại tạm giam Huyện Thông Sơn và học viên Hùng Thu Lan ở huyện Gia Ngư bị giam trong trại tạm giam Thành phố Xích Bích.
10. Trấn nước
Trấn nước cũng được sử dụng để tra tấn các học viên vào bất kỳ mùa nào, kể cả trong mùa đông lạnh giá. Nạn nhân sẽ bị lột trần và đưa đi tắm. Đầu tiên, lính canh hoặc tù nhân sẽ thoa xà phòng lên khắp cơ thể nạn nhân. Tiếp theo, họ bắt người học viên phải ngồi xổm cạnh một bức tường với phần sau đầu dựa vào tường. Sau đó, một người liên tục dội nước chậm rãi từ đỉnh đầu nạn nhân xuống. Khi đi qua mũi và miệng nạn nhân, nước sẽ tạo thành một “thác nước” nhỏ, nó có thể dễ dàng khiến người đó ngạt thở. Nếu kháng cự thì học viên đó sẽ bị đánh đập. Một số học viên đã bị tra tấn theo cách này với hơn 10 chậu nước trong mùa đông lạnh giá.
11. Tống tiền
trại tạm giam cũng sử dụng hình thức tống tiền như một cách để bức hại học viên và làm dày thêm túi tiền của mình.
Bà Ngô Xảo Vân (78 tuổi) đã nghỉ hưu từ Nhà máy Dệt lụa Huyện Gia Ngư. Tháng 1 năm 2000, bà bị đưa đến trại tạm giam huyện Gia Ngư và bị giam ở đây hơn bốn tháng. Bà kể: “Bất cứ khi nào chúng tôi luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, lính canh và tù nhân sẽ dội những xô nước lạnh lên đầu chúng tôi, kể cả là trong mùa đông“. Bà đã bị phạt 1.000 Nhân dân tệ trước khi được thả. Tháng 9 năm 2000, cảnh sát lục soát nhà của bà và lại bắt bà đến trại tạm giam Gia Ngư. Bà bị giam ở đó hơn một tháng và chỉ được thả sau khi gia đình bà buộc phải nộp 500 Nhân dân tệ.
Bà Dương Chấn Lỵ (49 tuổi) là nhân viên của cục lương thực. Bà Dương kể: “Khi chúng tôi đang luyện công ở ngoài trời vào tháng 6 năm 2000, cảnh sát đã bắt chúng tôi và kéo lê chúng tôi vào xe của họ với mặt và chân của chúng tôi bị chà xát trên mặt đất, khiến chúng tôi bị thương”.
Bà Dương đã bị phạt 1.000 Nhân dân tệ trước khi được thả ra khỏi trại tạm giam. Cuối năm đó (2000), bà lại bị bắt và bị giam 50 ngày. Bà bị ép phải nộp phạt 4.000 Nhân dân tệ.
12. Lao động cưỡng bức
trại tạm giam Huyện Gia Ngư đã trục lợi từ các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bằng cách ép họ làm việc không công. Có nhiều hình thức lao động cưỡng bức, như khai thác đá, làm gạch ngói, sản xuất sản phẩm điện tử, sản xuất lá thiếc, làm nông, xây dựng đường xá và các loại công việc khác.
Ông Từ Trường Tân là một nông dân ở thị trấn Tân Nhai, huyện Gia Ngư. Ông Từ kể: “Lưu Cúc Hồng và tôi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào cuối tháng 7 năm 1999. Chúng tôi bị bắt và bị giam trong trại tạm giam Gia Ngư 15 ngày. Trong thời gian đó lính canh bắt chúng tôi đi đập đá trên núi để kiếm tiền cho trại tạm giam.“
“Đó là lao động cưỡng bức nô lệ và tôi đã ngất đi vì quá nóng bức. Nhưng lính canh đã đánh đập tôi. Trưởng Đồn Công an Thị trấn Tân Nhai là Long Thiên Thành cũng thu giữ trái phép thẻ căn cước của chúng tôi và đến giờ vẫn chưa trả lại.”
13. Tra tấn đóng băng
Ở trại tạm giam Huyện Gia Ngư, lính canh dội nước lạnh vào các học viên hoặc sàn buồng giam dù đang trong mùa đông lạnh giá, nhằm cưỡng bức các học viên từ bỏ đức tin của họ.
Tái hiện tra tấn: Dội nước lạnh
14. Tuyên truyền và tẩy não
Bên cạnh tra tấn thể xác, các lính canh cũng liên tục phát các nội dung tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công để buộc các học viên từ bỏ đức tin của họ.
Vi phạm Hiến pháp và nhiều luật khác
Với những hành động nêu trên, các cán bộ, lính canh, tù nhân của trại tạm giam Huyện Gia Ngư đã vi phạm nhiều điều luật khác nhau.
1. Vi phạm Hiến pháp
Điều 35 của Hiến pháp quy định: “Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, thành lập hội, diễu hành, biểu tình.”
Điều 36. “Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền tự do tín ngưỡng.“
Điều 37. “Tự do cá nhân của công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là quyền bất khả xâm phạm.”
Điều 38. “Nhân phẩm của công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là bất khả xâm phạm. Nghiêm cấm lăng mạ, vu khống, cáo buộc hoặc quy tội không đúng sự thật đối với các công dân dưới bất kỳ hình thức nào.”
2. Vi phạm Luật Hình sự
Điều 3 của Luật Hình sự quy định: “Đối với những hành vi mà pháp luật đã xác định rõ là phạm tội thì sẽ bị định tội và xử phạt theo pháp luật; đối với những hành vi mà pháp luật không xác định rõ là phạm tội, thì không bị định tội hay trừng phạt.”
Pháp Luân Công không nằm trong danh sách các tổ chức tà giáo do Bộ Công an và Quốc vụ viện công bố. Ngoài ra, Thông báo số 50 của Tổng cục Báo chí và Xuất bản ban hành ngày 1 tháng 3 năm 2011, đã bãi bỏ lệnh cấm xuất bản đối với các sách của Pháp Luân Công.
Cụ thể hơn, lính canh đã vi phạm những điều sau đây của Luật Hình sự.
Điều 234. “Người nào cố ý gây thương tích cho người khác, thì bị phạt tù có thời hạn không quá 03 năm, giam giữ hình sự hoặc quản chế.“
Điều 238. “Người nào giam giữ người khác một cách phi pháp hoặc dùng các phương pháp phi pháp khác để tước đoạt tự do nhân thân của người khác, thì bị phạt tù có thời hạn không quá 03 năm, giam giữ hình sự, quản chế hoặc tước bỏ các quyền lợi chính trị. Trong trường hợp có tình tiết đánh đập, làm nhục người khác thì sẽ bị xử phạt nặng hơn”.
Điều 243. “Những việc ngụy tạo nhằm gài bẫy người khác hoặc nhằm mục đích khiến người khác bị điều tra hình sự, nếu vụ án nghiêm trọng, thì bị phạt tù có thời hạn không quá 03 năm, hoặc bị giam giữ hình sự hoặc quản chế. Người nào gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù có thời hạn từ 03 năm đến 10 năm tù”.
Điều 245. “Người nào khám xét thân thể, chỗ ở của người khác một cách phi pháp hoặc xâm nhập chỗ ở của người khác một cách phi pháp, thì bị phạt tù có thời hạn không quá 03 năm hoặc giam giữ hình sự.”
“Những nhân viên làm việc trong ngành tư pháp lạm dụng chức quyền, phạm các tội quy định trong các điều luật trên, thì bị xử phạt nặng.”
Điều 246. “Người nào ngang nhiên dùng bạo lực hoặc các phương pháp khác để làm nhục người khác hoặc bịa đặt những điều phỉ báng người khác, nếu có tình tiết nghiêm trọng, thì bị phạt tù có thời hạn không quá 03 năm, giam giữ hình sự quản chế hoắc tước bỏ quyền lợi chính trị.“
“Người nào phạm những tội nêu trên chỉ bị điều tra nếu họ bị khởi kiện, ngoại trừ những trường hợp gây tổn hại nghiêm trọng tới trật tự xã hội hoặc lợi ích quốc gia.”
Điều 251. “Nhân viên công tác trong cơ quan nhà nước tước đoạt phi pháp quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo hoặc xâm phạm phong tục tập quán của dân tộc thiểu số, nếu có tình tiết nghiêm trọng, thì bị phạt tù có thời hạn không quá 02 năm hoặc giam giữ hình sự.“
Điều 252: “Người nào xâm phạm quyền tự do thông tin của công dân bằng cách giấu, hủy hoặc mở một cách phi pháp thư tín của người khác, nếu có tình tiết nghiêm trọng, thì bị phạt tù có thời hạn không quá 01 năm hoặc giam giữ hình sự.”
Điều 254. “Nhân viên công tác trong các cơn quan nhà nước lạm dụng chức quyền, lấy việc công làm việc tư, để trả đũa hoặc hãm hại những người tố cáo, người kiến nghị, người nêu ý kiến phê bình hoặc người cung cấp thông tin, thì bị phạt tù có thời hạn không quá 02 năm hoặc giam giữ hình sự; nếu có tình tiết nghiêm trọng, thì bị phạt tù có thời hạn từ trên 02 năm đến dưới 07 năm.”
Điều 274. “Người nào tống tiền tài sản công hoặc tư với số tiền tương đối lớn, thì bị phạt tù có thời hạn không quá 03 năm, giam giữ hình sự hoặc quản chế; nếu số tiền rất lớn và có tình tiết nghiêm trọng khác, thì bị tù có thời hạn từ trên 03 năm đến dưới 10 năm.“
3. Vi phạm Luật Kiểm sát viên
Điều 7 của Luật Kiểm sát viên quy định:
“Kiểm sát viên có những nhiệm vụ sau đây:
(1) Tiến hành điều tra các vụ án hình sự do Viện Kiểm sát Nhân dân trực tiếp thụ lý theo quy định của pháp luật;
(2) Xem xét các yêu cầu giam giữ và truy tố các vụ án hình sự, và tiến hành truy tố công khai nhân danh nhà nước;
(3) Thực hiện công tác tố tụng công ích;
(4) Thực hiện công tác giám sát các hoạt động tố tụng hình sự, dân sự và hành chính, và
(5) Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Công tố viên phải chịu trách nhiệm về những quyết định đối với vụ án thuộc phạm vi chức năng, quyền hạn của mình”.
Điều 8 Luật Kiểm sát viên quy định: “Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Ủy viên Viện kiểm sát nhân dân ngoài việc thực hiện nhiệm vụ kiểm sát còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác tương ứng với chức trách của mình”.
4. Vi phạm Luật Tố tụng Hình sự
Theo Điều 52 của Luật Tố tụng Hình sự: “Nhân viên thẩm phán, nhân viên kiểm sát, nhân viên điều tra phải tuân theo trình tự pháp luật trong việc thu thập các loại chứng cứ có thể xác định có tội hay vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết nhẹ trách nhiệm hình sự của nghi phạm, bị cáo. Nghiêm cấm tra tấn bức cung và thu thập chứng cứ bằng cách đe dọa, dụ dỗ, lừa gạt và các phương pháp phi pháp khác để thu thập chứng cứ, không được cưỡng ép bất cứ ai phải thừa nhận bản thân có tội.”
Theo Điều 56 của Luật Tố tụng Hình sự: “Lời khai của các nghi phạm và bị cáo được thu thập bằng cách tra tấn bức cung hoặc các biện pháp phi pháp khác, và lời chứng của các nhân chứng hoặc lời tường trình của người bị hại được thu thập bằng cách dùng bạo lực, uy hiếp hoặc các phương pháp phi pháp khác, sẽ bị loại trừ. Nếu việc thu thập chứng cứ vật chất, chứng cứ tài liệu không tuân thủ các trình tự pháp luật quy định và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến công bằng tư pháp, thì phải bổ sung điều chỉnh lại cho chính xác hoặc đưa ra giải thích hợp lý; nếu không thể bổ sung điều chỉnh lại cho chính xác hoặc đưa ra giải thích hợp lý, những bằng chứng này sẽ bị loại trừ.”
“Trong quá trình điều tra, thẩm tra truy tố, xét xử phát hiện có chứng cứ cần được loại trừ thì cần phải loại trừ theo quy định của pháp luật, và không được những chứng cứ này làm cơ sở đưa ra ý kiến truy tố, quyết định truy tố và phán quyết.”
5. Vi phạm Luật Công vụ viên
Theo quy định tại Điều 60 Luật Công vụ viên: “Công vụ viên thi thành quyết định hoặc mệnh lệnh mà vi phạm pháp luật rõ ràng thì người đó phải chịu trách tương ứng theo quy định của pháp luật”
Cuộc bức hại Pháp Luân Công là thực hiện theo mệnh lệnh của Giang Trạch Dân, thông qua Phòng 610 truyền đạt, đều là qua điện thoại, gửi fax, xem xong liền lập tức tiêu hủy, không lưu chứng cứ. Điều này càng cho thấy rằng mệnh lệnh đàn áp Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân và Phòng 610 rõ ràng là mệnh lệnh bất hợp pháp, và bất cứ ai chấp hành chúng đều phạm tội. Cuộc hại Pháp Luân Công hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và do đó là vi phạm pháp luật.
Vui lòng tham khảo thêm bản tiếng Hán để biết thông tin chi tiết về các thủ phạm hành ác ở trong trại tạm giam Huyện Gia Ngư.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/18/445044.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/23/201925.html
Đăng ngày 15-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.