Bài viết của Cổ Đạo
[MINH HUỆ 11-01-2022] Trung Quốc có một câu ngạn ngữ “Mệnh người Trời định”. Nhưng khi còn trẻ, con người thường lại tràn đầy kỳ vọng đối với việc thay đổi vận mệnh. Khi tháng ngày trôi qua, vật còn như cũ mà người đã thay đổi rồi, đối diện với sự an bài trong tay của vận mệnh, con người thường đầy lòng tiếc nuối. Nhưng, trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, lại có cách nói “Kính Trời biết mệnh, hành sự theo Đạo”.
Trong lịch sử, có khôn ít bậc trí tuệ như thế, trong cảnh khốn khó, họ đã giác ngộ chân lý, trong khổ nạn của vận mệnh, họ đã phản bổn quy chân.
Tô Thức (1037-1101), tự Tử Chiêm, hiệu Đông Pha, người My Sơn, My Châu (Tứ Xuyên ngày nay) thời Bắc Tống, từng là Hàn lâm Học sĩ, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ. Khi chỉ mới 20 tuổi, ông đã đỗ tiến sĩ, đứng đầu trong số 388 người. Ông được hoàng đế khen ngợi có tài của tể tướng. Ông trực ngôn, dám can gián, ý chí sắc bén, tiến thủ, muốn làm nên thành tựu. Dùng lời nói của ông là: ghét cái xấu ác như kẻ thù, gặp tà ác thì như ruồi rơi thức ăn, nhổ đi mới xong.
Nhưng, đúng lúc ông đang dũng cảm tiến lên thì một tai họa ngục tù kéo cuộc đời ông từ đỉnh cao xuống vực sâu.
Bị giáng xuống Hoàng Châu
Năm 1079, xảy ra vụ án “Ô đài thi án” nổi tiếng, có người chỉ trích trong thơ văn của Tô Đông Pha có phỉ báng triều đình. Kẻ vu cáo hãm hại đã dùng trăm phương ngàn kế để thêu dệt tội danh, muốn đưa Tô Thức vào chỗ chết. Tô Thức bị bắt giam vào ngục, bị giam hơn 4 tháng.
Được miễn tội chết, Tô Thức bị lưu đày đến Hoàng Châu. Sự nghèo khó về vật chất lại khiến ông có cơ duyên khiêm nhường tĩnh lặng suy nghĩ, nhìn thẳng vào những thăng trầm của nhân sinh.
Theo ghi chép trong trước tác “Lãnh trai dạ thoại”, rằng Tô Thức bị giáng chức lưu đày, trên đường đến Hoàng Châu đã xảy ra một sự việc. Khi sắp đến Quân Châu, Tô Triệt, em trai của Tô Thức đã có giấc mộng, thấy mình và hòa thượng Vân Am, hòa thượng Thông của chùa Thánh Thọ ra ngoài thành nghênh đón hòa thượng Ngũ Giới. Ngày hôm sau, khi nói đến chuyện này, hòa thượng Vân Am, hòa thượng Thông cũng đều nói họ cũng có giấc mộng như thế. Tô Triệt vỗ tay cười lớn, nói rằng: “Trên đời quả thực là có chuyện 3 người cùng chung giấc mộng, quả là kỳ lạ”.
Khi gặp Tô Thức, nói về chuyện này, Tô Thức nói: “Khi tôi 8, 9 tuổi, từng mộng thấy mình là một người xuất gia, qua lại giữa khu vực Thiểm Hữu. Khi mẹ tôi có thai tôi, bà mộng thấy một tăng nhân đến tá túc, tăng nhân đó bị mù một mắt”.
Hòa thượng Vân Am nói: “Hòa thượng Ngũ Giới đúng là người Thiểm Hữu, và bị mù một mắt. Về già ông du hóa ở Cao An, sau đó viên tịch ở Đại Ngu, tính ra ông viên tịch đã 50 năm rồi”.
Năm đó, Tô Thức vừa đúng 49 tuổi. Trong bài thơ “Nam hoa tự” của ông cũng từng viết rằng: “Ta vốn người tu hành, đã tu luyện 3 đời. Chỉ vì một niệm sai, chịu trừng phạt trăm năm”.
Trong tu luyện Phật gia xưa, thường là tu hành nhiều đời, một đời tu không thành, đời sau tiếp tục tu luyện. Trong lịch sử, những trường hợp như thế này vô cùng nhiều. Trong thời gian ở Hoàng Châu, Tô Thức xem xét lại vận mệnh của mình, và bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu tu tập Phật Pháp.
Tìm niềm vui trong khổ cực
Đến Hoàng Châu, những ngày gian khổ khốn đốn chưa từng có của Tô Thức cũng đã đến.
Tô Thức là quan thanh liêm, hai bàn tay trắng, đến Hoàng Châu, vấn đề cơm ăn của cả nhà đã thành vấn đề lớn. Lúc ban đầu, mỗi tháng lấy phần tiền ít ỏi chia làm 30 phần, treo trên xà nhà, mỗi buổi sáng dùng que kều một xâu xuống làm sinh hoạt phí trong ngày, sau đó đem que cất đi. Đồng thời còn tìm một mảnh đất hoang, đầy gai góc sỏi đá. Không còn sự lựa chọn nào khác, Tô Thức dẫn cả nhà nhặt bỏ sỏi đá, cắt cây gai, đào sâu chỉnh sửa, cuối cùng cũng đã chỉnh lý thành khu ruộng vườn 50 mẫu. Thấy Tô Thức đã có ruộng đất, “láng giềng đến giúp đỡ, nâng chén chúc mừng, mọi người đều biết tôi không có tiền”.
Ngoài việc lao động vất vả ra, Tô Thức còn “thuyền con giày cỏ, tung hoành khắp núi sông”. Trong bài “Nhân sinh hữu định phận” trong tác phẩm “Đông Pha chí lâm”, ông viết: “Chẳng lẽ nhân sinh tự có định phận, tuy chỉ là bữa ăn, nhưng cũng như công danh phú quý, không dễ dàng có được chăng?”.
Thiếu thốn vật chất, nhưng lại có thể thành tựu sự thăng hoa của tinh thần. Trong cảnh khốn khó, Tô Thức lấy khổ làm vui, không bao giờ bi quan.
Lâm giang Tiên
Dạ ẩm Đông Pha tỉnh phục túy, quy lai phảng phất tam canh.
Gia đồng tị tức dĩ lôi minh.
Xao môn đô bất ứng, ỷ trượng thính giang thanh.
Trường hận thử thân phi ngã hữu, hà thời vong khước doanh doanh?
Dạ lan phong tĩnh hộc văn bình.
Tiểu chu tòng thử thệ, giang hải ký dư sinh.
Dịch thơ:
Đêm vắng, Đông Pha, say với tỉnh,
Trở về chừng độ canh ba,
Ngủ ngon, lũ trẻ gáy ran nhà.
Gõ cửa, dựng gậy đợi,
Lắng nghe tiếng sông xa.
Giận nỗi thân này đâu của lão,
Bao giờ rũ sạch vinh hoa ?
Canh khuya, gió lặng, sóng im tờ.
Thuyền con đi tít hút,
Sóng biển gửi đời thừa. (Bản dịch của Nguyễn Xuân Tảo)
Trong khó khăn chưa từng có, Tô Thức lại dốc lòng quan tâm chăm sóc mỗi người xung quanh, gia đồng ban ngày quá mệt, tối về gõ cửa không mở, Tô Thức bèn một mình đến bên bờ sông. “Trường hận thử thân phi ngã hữu, hà thời vong khước doanh doanh?”. Điển cố này có nguồn gốc từ “Trang Tử”: “Thân ngươi không phải sở hữu của ngươi”, “Bảo toàn hình hài ngươi”, “ôm giữ sinh khí của ngươi, không để ngươi lao tâm khổ tứ, bôn ba vì danh lợi”. Thân thể con người chỉ là tồn tại vật chất, đó không phải là chân ngã, những sự việc bôn ba danh lợi thế gian, chẳng qua chỉ là danh, lợi, tình, thù, không đáng để lưu luyến. “Tiểu chu tòng thử thệ, giang hải ký dư sinh”. Đời người như con thuyền nhỏ, tùy ngộ nhi an, siêu nhiên vật ngoại, thì tâm an.
Phật giáo nhìn nhận rằng, thân thể là cái túi da, tâm bị thân làm mệt nhọc, tâm bị thân trói buộc, khi đối mặt với khổ nạn, bình thản mà sống, thì mới có thể thấy được sự tồn tại của vật chất chân thực và cảnh giới khác.
(Còn tiếp)
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/11/436641.html
Đăng ngày 16-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.