Bài viết của Diêm Minh Ngọc
[MINH HUỆ 30-03-2021] Hoàng đế Khang Hy triều Thanh Trung Quốc đã khai sáng ra thời đại Khang Hy thịnh thế. Khang Hy tại vị 61 năm, văn trị võ công, mở rộng cương thổ, an định quốc gia, giúp dân an lạc, được ca ngợi là bậc quân chủ anh minh trong lịch sử đế chế Trung Quốc.
Khang Hy được hậu thế ca ngợi là Hoàng đế nhân từ, từ thời thiếu niên, ông đã bắt đầu đọc thuộc các kinh điển truyền thống Trung Hoa, và dùng phương thức đơn giản, rõ ràng nói với mọi người: “Kinh sử tử tập, hàng ngàn hàng vạn quyển, không gì khác ngoài 4 chữ Nhân Nghĩa Lễ Trí. Lý học của Trình Chu thuộc làu, không gì ngoài 4 chữ Thiên Lý Lương Tâm”. Vì vậy, điều mà Khang Hy tôn sùng chính là Thiên lý lương tâm. Ông đã dùng cả cuộc đời để thực hành những chữ này.
Hoặc khoan dung, hoặc nghiêm khắc, nhưng không gì là không tuân theo đạo lý nội tại, toàn quốc từ trên xuống dưới, trong và ngoài triều đình, ai nấy đều ca ngợi lòng nhân ái của ông, quan lại bái phục, bách tính thần phục.
Đạo khoan dung nhân từ
Lòng nhân ái của Khang Hy, đầu tiên biểu hiện ở việc ông thi hành chính sách nhân đức với bách tính. Mạnh Tử nói: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân là cao quý nhất, rồi đến xã tắc, cuối cùng là quân vương). Tư tưởng dân bản này có ảnh hưởng rất sâu rộng đối với hậu thế. Trong sự nghiệp chính trị của Khang Hy, có thể thấy mọi tư tưởng và chính sách ông thực thi đều là yêu dân, thương xót dân, xem xét dân tình, làm lợi cho dân. Ông cho rằng, chỉ cần khiến bách tính được nghỉ ngơi an dưỡng, thì thời thái bình thịnh thế lý tưởng của ông sẽ xuất hiện. Ông nhiều lần ra lệnh dừng việc chiếm đất đai, miễn giảm thuế, đồng thời quy định “Thịnh thế tăng nhân đinh, vĩnh viễn không tăng thuế”. Sau này, Hoàng đế Ung Chính lại quy định “bỏ thuế đinh, chỉ thu thuế đất”, chính là nói, thuế đinh theo đầu người mấy ngàn năm qua ở Trung Quốc, đến đây được xóa bỏ.
Năm Khang Hy thứ 16 (1677), khi thị sát ngoài biên ải, có lần Khang Hy trên đường đi tuần tra thấy có một người nằm bên đường. Chiểu theo tình hình bình thường thì người này ngăn cản Thánh giá, cần phải xử lý nghiêm khắc. Khang Hy lại nói là muốn hỏi xem có chuyện gì. Ông sai thị vệ đánh thức người nằm bên đường đó, hỏi họ tên anh ta. Thì ra người này là Vương Tứ Hải, là người làm thuê, đi xa làm thuê kiếm sống, trên đường trở về nhà, đói quá nên ngất đi. Khang Hy lập tức kêu thuộc hạ không được làm kinh động đến người đó, ông còn lệnh cho thuộc hạ đun cháo nóng cho anh ta ăn. Khang Hy còn tìm hiểu tình hình chi tiết, được biết gia cảnh anh ta rất khốn khó, thế là ông lệnh thuộc hạ đem cho anh ta một số tiền, và sai người đưa anh ta về tận nhà. Người xưa nói: “Chớ vì việc xấu nhỏ mà làm, chớ vì việc tốt nhỏ mà không làm“. Khang Hy yêu dân, bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Qua đó cũng có thể nhìn ra phần nào đạo nhân ái của ông.
Khang Hy không chỉ thực hành chính sách nhân đức với bách tính, mà chính sách nhân đức này còn thể hiện ở việc ông thực hiện chính sách hình pháp. Năm Khang Hy thứ 22 (1683), số lượng phạm nhân “toàn quốc thu quyết” (xử tử hình) “còn chưa tới 40 người”. Đối với triều thần phạm pháp, Khang Hy cũng thực hiện chính sách hình pháp khoan hồng. Ngao Bái tội chết, nhưng chỉ xử tù giam. Sách Ngạch Đồ kết bè đảng mưu lợi cá nhân, cũng không xử tử hình. Dương Quang Tiên vu cáo người khác, cũng miễn tử hình.
Năm Khang Hy thứ 25 (1686), Khang Hy nói với triều thần rằng: “Ta thấy rằng từ xưa đến nay, các đế vương cai quản chăm lo bách tính, chính trị trong sạch sáng sủa, giáo hóa thông đạt. Nếu dùng hình phạt trừng trị dân chúng, khiến người dân sợ lưới pháp luật nên may mắn không phạm tội, chi bằng dùng đạo đức cảm hóa, khiến dân chúng thuần nhất hướng thiện, không nhẫn tâm làm những việc xấu ác. Sách Thượng Thư viết: ‘Vạn bang trong thiên hạ hài hòa dung hợp, bách tính lê dân trở nên lương thiện hòa thuận’. Cũng nói: ‘Hoàng đế đối với bề tôi cần đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện, đối với dân chúng cần khoa hồng đại lượng’. Thời Đường Nghiêu, Thuấn, Vũ, việc cai quản dựa vào nguyện vọng của người dân, giống như làn gió cổ động người dân bốn phương, hiệu quả đã được nghiệm chứng ở điểm này. Ta đã rất ngưỡng mộ sự hưng thịnh của thời thượng cổ, nỗ lực thúc đẩy giáo hóa, hy vọng nhờ đó mà cảm hóa và khơi dậy thiện lương của mọi người, cùng mọi người bước đến Đạo chính trực.
Chỉ được báo ân, không được báo thù
Trước khi thu phục Đài Loan, Khang Hy trưng cầu ý kiến quần thần trong triều đình. Một số người cho rằng, cần sử dụng hàng tướng của Đài Loan là Thi Lang, vì ông ta biết rõ tình hình cụ thể của Đài Loan, hơn nữa lại có năng lực chỉ huy xuất chúng. Một số người khác lại cho rằng, có người dâng thư nói Thi Lang và họ Trịnh ở Đài Loan dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Ông ta cổ xúy xuất binh đánh Đài Loan và muốn đem quân đội bỏ chạy, đầu hàng nhà họ Trịnh v.v. Sau khi điều tra, Khang Hy phát hiện ra rằng không phải như vậy. Con trai của Thi Lang là Thi Tề và cháu trai là Thi Hơi đã cố gắng quy phục triều Thanh, kết quả là sự tình bại lộ, toàn bộ 73 người của 2 gia đình đều bị nạn. Khang Hy đã trút bỏ được mối nghi hoặc, giao toàn bộ binh quyền cho Thi Lang, dành cho ông ta sự tín nhiệm và ủng hộ đầy đủ.
Trước khi xuất binh, Khang Hy nói với Thi Lang rằng: “Trẫm không sợ khanh không đánh được Đài Loan, nhưng trẫm thực sự cũng có chỗ lo lắng, khanh có biết không?” Thi Lang không hiểu, mở to mắt nhìn Khang Hy.
Khang Hy nói: “Thuộc hạ của Trịnh Thành Công thì có người có ân với khanh, có người có thù với khanh, ân oán liên tiếp, vô cùng phức tạp. Nếu khanh đánh một trận tiêu diệt hết thì tự nhiên không cần nói. Nếu có người muốn quy hàng, trẫm tặng khanh 8 chữ: Chỉ được báo ân, không được báo thù”. Sự ủng hộ và tín nhiệm của Khang Hy đối với Thi Lang khiến Thi Lang có thể dốc toàn lực trong tay đánh một trận, và khi thắng lợi, ông đã không tính đến ân oán cá nhân, khoan hồng đối đãi với tù binh, khiến những người quy hàng tâm phục khẩu phục.
Người trộm 1 lạng bạc tiền thuế?
Một năm nọ lên kinh dự thi, Diệp Phương Ái, người thành Côn Sơn, đã có tên trên bảng vàng. Ông là văn nhân, danh sĩ nổi tiếng đương triều.
Sau khi nha môn thuế vụ kiểm tra, phát hiện ra ông ta đã nộp thiếu 1 lạng bạc tiền thuế cho quốc gia. Diệp cho rằng, nộp thuế cho quốc gia chỉ thiếu một lạng bạc, nhỏ không đáng kể, bèn viết thư cho Khang Hy, cầu xin xử lý khoan hồng và miễn trừ trách nhiệm. Nhưng, Khang Hy không vì tình riêng, chiểu theo quy định pháp luật đương thời, cắt bỏ công danh của ông ta và đưa ra xử lý.
Khang Hy thúc đẩy thanh liêm, đối với những người gian dối tham ô tiền thuế thì trừng phạt rất nghiêm khắc. Viên quan Tứ Xuyên là Ca Vĩnh Thức khi thu thuế quốc gia, cứ thu 200 lạng bạc thì ông ta lại tự thu thêm 12 lạng. Ngoài hơn 2 vạn lạng bạc ông ta hối lộ quan trên là Tuần phủ Tứ Xuyên Năng Thái ra, hơn 2 vạn lạng bạc còn lại, ông ta đều bỏ túi. Tuần phủ Tứ Xuyên Năng Thái bị xử tử vì nhận hối lộ. Theo luật Đại Thanh, Ca Vĩnh Thức phải xử tử, nhưng vì không lâu sau đó ông ta chết vì bị bệnh nên không thể truy cứu.
Tri phủ Thái Nguyên Triệu Phượng Thiệu tự lập các danh mục thuế riêng, cưỡng ép thu thuế và chiếm làm của riêng gần 20 vạn lạng bạc, cũng bị xử tử.
Năm Khang Hy thứ 36 (1697), Tuần phủ Sơn Tây là Ôn Bảo và Bố chính sứ Sơn Tây là Cam Độ câu kết với nhau, tham nhũng và bẻ cong pháp luật, bòn rút bách tính, khiến “bách tính Bồ Châu đều chạy trốn vào trong rừng”, tập trung lại phản kháng. Hoàng đế Khang Hy phái Uy Luân đến chiêu dụ vỗ yên dân chúng, đồng thời nói với Uy Luân rằng: “Dân Bồ Châu nếu không muốn đầu hàng thì áp tải Ôn Bảo và Cam Độ đến chỗ người dân xử trảm, tham quan như thế này, nếu không giết đi thì lấy gì để thu phục dân chúng?”
Tuần tra đường sông, tra xét rõ từ cái nhỏ nhất
Mùa xuân năm Khang Hy thứ 46 (1707), Khang Hy đi tuần phương Nam, đến Tô Bắc thị sát công trình, khi tìm hiểu chi tiết tình hình, ông hỏi Trương Bằng Cách, viên quan địa phương phụ trách sông ngòi, về cách nhìn nhận của ông ta đối với công trình. Trương Bằng Cách trả lời: “Hoàng thượng yêu dân như con, không tiếc trăm vạn lượng vàng, cứu tế dân chúng, người dân đều ca tụng Thánh ân”.
Khang Hy không đồng tình với câu trả lời loại chỉ biết ca tụng công đức mà không có chút lợi ích nào cho công trình trị thủy này. Ông nói với Trương rằng: “Những điều khanh nói đều là lời trống rỗng vô dụng, trẫm muốn hỏi khanh về sự vụ của ông tác sông ngòi. Khanh làm văn có thể phô diễn thành chương, nếu luận về chính sự thì ắt phải xem khả năng thi hành, sau mới có thể phát ngôn”.
Trường Bằng Cách trả lời: “Thần vốn căn cứ theo bản vẽ của tiền nhân, quyết định khai thông toàn bộ tuyến sông. Sau thấy sự việc liên quan rất to lớn, do đó xin hoàng thượng đích thân xem xét, đích thân quyết định khai thông tuyến sông hay không”.
Khang Hy nghe xong thì nghiêm khắc trách mắng ông ta rằng: “Hôm nay ta trông thấy các cột tiêu dọc vị trí sông đào lộn xộn không có thứ tự, mà lại không có người biết rốt cuộc tại sao. Việc này mà không để tâm thì việc gì mới để tâm?”
Tiếp theo, Khang Hy chỉ rõ ra vấn đề nằm ở đâu. Một là đào sông, địa thế cao quá, nước không thông đến được. Hai là cột tiêu đào sông, đa phần cắm trên đất mộ phần của người dân.
Khang Hy lại nói đạo lý không thể làm công trình dẫn nước sông Hoài này, nếu đào sông thì ắt phải đục núi đào núi, độ khó rất lớn, cho dù có thành công thì tương lai nước lũ tràn lan, hoặc là chảy vào hồ Hồng Trạch, hoặc chảy xô sập sông đào… Đào sông dẫn nước từ sông Hoài mà không có tác dụng, chi bằng mở rộng chỗ thoát nước của hồ Hồng Trạch, làm cho nó sâu và rộng hơn, khiến cho nước sạch càng chảy thông suốt hơn, chảy đến vùng đập Thạch Gia, đập Thiên Nhiên, sau đó làm cho lòng sông càng rộng hơn, đó mới là phương pháp giải quyết tốt nhất. Sau đó Khang Hy hạ lệnh nhổ bỏ tất cả các cọc tiêu dọc vị trí sông đào. “Bách tính trông thấy như thế, vui mừng nhảy múa”.
Sau đó, Khang Hy giáo huấn Trương Bằng Cách rằng, những quan lại mà khanh trọng dụng đều rất thờ ơ với công việc sông ngòi. Khanh ở trong quan phủ, 2, 3 tháng không thi tuần tra khảo sát, thì sao có thể biết được tình hình thực tế? Vua răn dạy Trương Bằng Cách rằng, các khanh dâng tấu về việc đào sông dẫn nước từ sông Hoài, không chỉ là quan lại địa phương mong muốn kiếm lợi cá nhân, mà cũng là các quan lại phụ trách công tác sông ngòi cũng hy vọng thăng tiến. Những người như thế thì sao có thể đào sông ngòi được? Trương Bằng Cách thấy Khang Hy hiểu rõ chi tiết tình hình như thế này thì vô cùng xấu hổ.
Không lâu sau, Khang Hy hạ lệnh, đối với những viên quan lơ là trách nhiệm, sẽ xử lý cách chức, hạ cấp, và chỉ thị cho Trương Bằng Cách “Cần luôn luôn tuần tra xem xét đê điều sông ngòi, không quản gió mưa, cố gắng làm hết chức trách”. Có thể thấy, đối với quan lại, Khang Hy thưởng phạt rất công minh.
Khang Hy cho rằng: “Tâm pháp là cội nguồn của phép quản trị”. Trong “Đình huấn cách ngôn”, Khang Hy giải thích rằng: “Con người chỉ có một cái tâm, khởi lên là suy nghĩ, suy nghĩ có chính hay không chỉ trong khoảnh khắc. Nếu một niệm bất chính, khoảnh khắc là biết, lập tức theo đó mà quy chính lại, thì tự đã cách Đạo không xa”.
Ý nghĩa là: con người chỉ có một cái tâm, tâm hễ nghĩ là sinh ra một niệm, tư tưởng, ý nghĩ có chính hay không thì chỉ trong khoảnh khắc. Nếu một niệm sinh ra mà không chính thì lập tức biết ngay, sau đó lập tự sửa chữa quy chính nó, thì tự nhiên đã không còn xa chính Đạo.
Một đời minh quân ắt có một đời hiền thần, các quan lại các cấp tấp nập học theo, dùng nhân phẩm khích lệ nhau, sùng chuộng danh tiết, tiết tháo, yêu dân làm lợi cho dân, phong cách thanh liêm trở thành phổ biến, “toàn cõi thanh bình, nhân dân lạc nghiệp”.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/30/422741.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/14/195062.html
Đăng ngày 26-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.