Bài viết của Trương Nhã Lan

[MINH HUỆ 05-11-2021] Thời kỳ Xuân Thu, cô của Quý Khang Tử – quan chính khanh nước Lỗ, đến thăm Quý Khang Tử. Quý Khang Tử chào cô, cô không trả lời. Quý Khang Tử cho rằng có chỗ chưa được chu đáo, ông cùng người cô bước vào trong nhà, hỏi cô rằng mình có sai sót gì. Người cô trả lời rằng, phụ nữ chỉ xử lý những sự việc trong nhà, không hỏi chuyện đàn ông trong triều trên chính đường. Sau này, khi Quý Khang Tử đi thăm cô, người cô luôn mở cửa và nói chuyện với Khang Tử chứ không bước ra ngoài cửa một bước.

Khổng Tử ca ngợi họ đã nghiêm túc tuân thủ lễ nghi nam nữ khác biệt.

Lễ tiết lớn – nam nữ khác biệt

Lễ tiết lớn thời cổ đại ở Trung Quốc là nam nữ khác biệt, có lễ thì an, vô lễ thì nguy. Lễ cũng là điều quan trọng nhất trong việc quản lý gia đình. Ăn uống sinh hoạt có lễ có tiết, dung mạo thái độ cung kính, tiến lui bước đi có phong độ. Do đó quân tử có phong độ phân biệt cái thiện, để trị sửa tính khí và nuôi dưỡng tâm tính.

“Lễ ký – Khúc lễ thượng” có quy định rằng: Nam nữ không được ở cùng nhau, không được dùng chung giá quần áo, khăn mặt, lược, không được đích thân đưa và nhận đồ. Chị dâu và em trai chồng không được qua lại hỏi thăm. Mẹ thứ (tức người thiếp của cha) không được giặt quần áo của con mà không phải mình sinh ra. Những sự việc bên ngoài của đàn ông không được nói với phụ nữ trong gia đình. Phụ nữ cũng không được nói chuyện trong gia đình cho người bên ngoài. Sau khi đính hôn, phụ nữ phải đeo đai màu, những người khác không có việc đại sự thì không được vào khuê phòng của người phụ nữ này. Cô, chị gái em gái, và con gái mình, sau khi xuất giá mà trở về nhà mẹ đẻ, cũng không được ngồi cùng, không được ăn cơm cùng với anh em trai. Giữa cha và con cũng không được ngồi cùng.

Giữa nam và nữ không có người mai mối nói chuyện thì không được hỏi tên của nhau. Người nữ khi chưa tiếp nhận sính lễ thì hai gia đình không được thân thiết qua lại. Hai bên nam nữ sau khi đính hôn, lựa chọn ngày lành tháng tốt cử hành hôn lễ, cần phải trai giới bẩm báo tổ tiên, thờ tế quỷ Thần, làm tiệc rượu mời làng xóm và thân hữu.

“Lễ ký – Nội trắc” có ghi chép: Giữa nam và nữ, nếu không phải cử hành lễ tế và làm tang lễ, thì không được dùng tay trao đồ. Nếu cần trao đồ, thì phải có một chiếc giỏ tre làm trung gian để trao nhận, nếu không có đồ trung gian trao nhận, thì người trao đồ ngồi xuống, đặt đồ cần trao lên đất, sao đó người nhận đồ ngồi xuống, nhặt đồ từ mặt đất. Nam nữ không được lấy nước ở cùng một cái giếng, không được sử dụng cùng một nhà tắm, không được dùng chung một chiếc chiếu, không được mượn đồ của nhau. Quần áo của nam nữ không được mặc lẫn. Những lời nói trong khuê phòng không được truyền ra ngoài. Những lời nói ngoài khuê phòng không được truyền vào trong. Đàn ông vào phòng trong không được suỵt bài tỏ ý, cũng không được dùng tay chỉ chỉ trỏ trỏ. Ban đêm đi đường, bất kể nam nữ, đều phải đốt đèn, đuốc. Không có đèn đuốc thì không được ra ngoài. Phụ nữ ra ngoài còn phải có vật che mặt. Khi đi đường, đàn ông phải đi vào bên phải, phụ nữ phải đi vào bên trái.

Ngoài ra, phụ nữ khi đón tiễn khách cũng không được bước ra ngoài cửa, khi gặp mặt anh em trai của mình, cũng không được bước qua ngưỡng cửa. Trẻ con trong nhà, khi đến 7 tuổi thì nam nữ không được cùng ngồi ăn cơm, không được ngủ cùng bên 1 lò sưởi. Khi con trai 10 tuổi, phải ra ngoài bái thầy học tập. Con gái đến 10 tuổi, không được ra ngoài cầu học.

Người xưa tại sao coi trọng lễ nam nữ khác biệt như thế này? Người trẻ tuổi hiện đại cũng cho rằng, những lễ tiết này không liên quan gì đến mình. Có liên quan hay không thì chúng ta hãy cùng xem câu chuyện dưới đây.

Lã Động Tân nói mối quan hệ giữa công danh lợi lộc và trường thọ

Lã Động Tân tên là Nham, tự Động Tân, người huyện Vĩnh Lạc phủ Hà Trung thời Đường (nay là thị trấn Vĩnh Lạc huyện Nhuế Thành tỉnh Sơn Tây). Ông vốn là cháu nội của Lễ bộ Thị lang, Tướng quốc Lã Vị của triều Đường. Ông đã thi đỗ Hiếu liêm và Tiến sĩ. Sau này Lã Động Tân đến núi Chung Nam ẩn cư, gặp Sư tổ Chung Ly, được truyền thụ phép tu Đạo, đắc Đạo thành Tiên.

Lã Động Tân từng bảo các đệ tử rằng, phú quý, quan tước, phúc lộc của con người đời này và đời sau, đều có quan hệ với việc người đó kiên trì giữ tiết tháo, không phạm dâm dục. Lã Động Tân giải thích tường tận cho các đệ tử rằng: Bất kể là gặp phụ nữ ở mối quan hệ gì, thì đều phải nghiêm khắc giữ lễ nam nữ khác biệt, bao gồm khởi tâm động niệm. Kết giao với người cũng phải có yêu cầu nghiêm khắc.

Lã Động Tân nói: “Người ta có con gái, tuy đẹp, nhưng không có một niệm khởi dâm tâm. Tuổi hơi lớn thì coi là chị gái, tuổi hơi nhỏ thì coi là em gái. Dung nhan ngọc ngà không phải vợ mình, cần e sợ danh tiết vấy bẩn cả cuộc đời. Sợ thứ nhất là mình tổn hao âm đức, sợ thứ hai là kinh động đến Thần trên Thiên thượng, sợ thứ ba là báo ứng đến nhanh, không dám cẩu thả phạm tà dâm. Có lúc gặp người nói chuyện khuê phòng, thì hãy nghiêm mặt chính ngôn khuyên răn người ta. Có lúc giữa đường gặp phụ nữ, thì hãy cúi đầu không dám nhìn thân người ta. Có lúc gặp chị em nuôi, không được qua lại nói chuyện tình cảm. Có lúc gặp chị em họ, không được nhìn cười. Có lúc gặp em dâu chị dâu, không được cùng ngồi cùng đi. Có lúc gặp cháu gái, nghiêm trang giữ lễ, không được thân mật. Có lúc gặp tranh sách tà, lập tức đem ra châm lửa đốt. Có lúc gặp bạn bè dâm, không được học chung kết bạn. Tâm chính trực Trời biết, do đó đời này hiển đạt đỗ khoa cử”.

Lã Động Tân khai thị cho các đệ tử, không chỉ là trong giao tiếp nam nữ cần phải nghiêm khắc tuân thủ lễ nam nữ khác biệt, còn bao gồm trông thấy tranh ảnh sách đồi trụy thì lập tức tiêu hủy, và cũng không được kết bạn với người dâm. Nói cách khác, người muốn mưu cầu có được công danh, phú quý, vinh quang tông tổ, thì phải lựa chọn bạn mà chơi, bản thân phải là người đoan chính trong đối nhân xử thế cũng như hành vi cử chỉ, đó chính là “tâm chính”.

Chàng trai nước Lỗ giữ mình trong sạch

Thời kỳ Xuân Thu, có một câu chuyện lưu truyền rộng rãi “Liễu Hạ Huệ tọa hoài bất loạn”. Dưới đây là câu chuyện “không được học Liễu Hạ Huệ”:

“Khổng Tử hệ liệt cố sự” có ghi chép, nước Lỗ có chàng trai sống một mình, nửa đêm, người quả phụ hàng xóm nhà hỏng mưa dột, đến cầu xin che chở, chàng trai đóng cửa không cho vào. Người phụ nữ hỏi: “Tại sao bất nhân không cho tôi vào nhà?”.

Chàng trai nước Lỗ nói: Tôi nghe nói, nam nữ chưa đến 60 tuổi thì không được ở cùng. Nay cô còn trẻ, tôi cũng còn trẻ, do đó không dám cho cô vào nhà”.

Người phụ nữ nói: “Sao anh không như Liễu Hạ Huệ, ông ấy không đóng cửa với cô gái, mà người trong nước không ai nói ông ấy làm bậy”.

Chàng trai nói: “Liễu Hạ Huệ thì được, còn tôi thì không được. Tôi lấy cái không được của tôi để học cái được của ông Liễu Hạ Huệ”.

Khổng Tử nghe được chuyện này thì khen ngợi chàng trai nước Lỗ đã đạt đến chí thiện, là biểu hiện của bậc trí tuệ, người muốn học Liễu Hạ Huệ chưa chắc có được trí tuệ này.

Cô gái hái dâu – không hợp với lễ chớ động

Những năm cuối đời Đông Hán, có cô gái hái dâu là Tần La Phu dung mạo diễm lệ, là mỹ nhân nổi tiếng của địa phương. Tần La Phu cũng là nữ nghệ sĩ đàn tranh nổi tiếng trong lịch sử âm nhạc Trung Quốc. Mỗi khi cô xuất hiện ở rừng dâu, luôn khiến cho đám đông ngắm cô rất lâu. Thái thú thấy La Phu khí chất cao nhã, bèn dừng xe ngựa mời La Phu cùng đi xe. La Phu trả lời Thái thú rằng: “Sứ quân có người phụ nữ của mình, La Phu có chồng của mình”.

Thái thú không cam tâm, lại hẹn vị giai nhân này, La Phu bèn đàn và hát khúc “Mạch thượng tang” rằng: “Phía Đông có hơn nghìn nhân mã, chồng tôi dẫn đầu phía trước, anh cưỡi bạch mã, đuôi ngựa buộc dải lụa xanh, đầu ngựa có vàng kim, lưng chàng đeo Lộc lư kiếm ngàn vạn tiền…

“Kinh thi – Chu nam – Hán Quảng” có viết: “Nam hữu kiều mộc, bất khả hưu tư. Hán hữu du nữ, bất khả cầu tư”.

Đại ý là: Phía nam của núi có cây đại thụ lớn, không thể ngồi dưới bóng cây nghỉ ngơi. Hán Giang có cô gái đi thuyền du ngoạn, muốn đi theo cầu lại không thể được. Ở đây là chỉ cô gái biết lễ, giữ lễ, không thể cầu được.

Quan Công trung nghĩa giữ lễ – cầm đuốc đọc sách đêm

Trong tiểu thuyết cổ điển “Tam Quốc diễn nghĩa”, Quan Vũ thần dũng vô địch, từ trận chén rượu còn nóng đã trảm Hoa Hùng mà nổi danh, sau này trảm Nhan Lương, giết Văn Sửu, qua 5 ải chém 6 tướng, đơn đao phó hội, dẫn nước nhấn chìm cánh quân, đứng đầu trong Ngũ hổ tướng. Quan Vũ trọng nghĩa khinh lợi. Quan Vũ bị Tào Tháo bày kế đầu hàng, Tào Tháo ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn, tặng áo bào, tặng ngựa, lại tặng thêm vàng và mỹ nữ, nhưng cái tâm quả Quan Vũ vẫn trước sau không động bởi tiền tài và nữ sắc, vẫn kiên trì: “Nếu biết nơi ở của Hoàng Thúc, dù vào nước sôi lửa bỏng, ắt cũng sẽ đi theo”.

Quan Công kiên định giữ trung nghĩa lưu truyền thiên cổ, Quan Công còn được ca ngợi đã cầm đuốc đọc sách suốt đêm. Hồi thứ 25 trong Tam Quốc Diễn Nghĩa “Đóng quân núi đất Quan Công giao ước 3 việc, cứu Bạch Mã, Tào Tháo giải trùng vây” có viết rằng, Tào Tháo thấy vàng và mỹ nữ không thể động đến cái tâm của Quan Vũ, thì lại bày kế khiến Quan Vũ bất nghĩa. Trên đường rút quân về Hứa Xương, Tào Tháo muốn Quan Vũ bị loạn nghĩa quân thần, nên cố ý để Quan Vũ và 2 chị dâu ở chung một nhà. Đêm đó, Quan Vũ cầm đuốc đứng ở bên ngoài nhà đọc sách suốt đêm, không hề mệt mỏi chút nào. Có người tên là Hồ Ban, nửa đêm lén quan sát Quan Vũ, thấy Quan Công tay trái vuốt râu, dưới ánh đèn dựa vào chiếc bàn nhỏ đọc sách. Hồ Ban thấy vậy thì thất thanh than rằng: “Quả là người Trời vậy”.

Tào Tháo thấy Quan Vũ trung nghĩa như thế này thì càng kính phục. Sau khi đến Hứa Xương, Tào Tháo dành cho Quan Công cư trú trong một biệt phủ. Quan Công chia làm hai khu, cổng trong là hai chị dâu cư trú, và sai 10 người lính già canh giữ. Quan Công cư trú ở nhà ngoài. Quan Công không vào trong cổng trong, lần nào cũng chỉ đứng ngoài thỉnh an hai vị phu nhân.

Người đời sau có thơ cảm thán rằng: “Uy vang Tam Quốc bậc anh hào, một phủ ở riêng nghĩa khí cao”.

Người ngày nay tuy không làm được như Quan Vũ nghĩa át mây trời, cầm đuốc đọc sách đêm, nhưng chí ít có thể tuân thủ lễ nam nữ khác biệt, chớ tùy tiện theo trào lưu, hãy tích phúc đức để mưu cầu công danh phú quý cho mình sau này.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/5/433280.html

Đăng ngày 08-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share