Bài viết của Thăng Hoa

[MINH HUỆ 15-12-2021] Hàng trăm hàng ngàn năm nay, trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, mặt trăng được ban cho những nội hàm phong phú, có bao nhiêu những câu chuyện truyền thuyết về đến mặt trăng khiến người ta mong ước, có bao nhiêu thơ, từ, ca, phú về mặt trăng khiến người ta truyền tụng, ngâm những câu thơ hay về trăng, ý tứ hình ảnh phong phú, nội hàm sâu rộng, thể hiện sự bác đại tinh thâm và vận vị vô tận của văn hóa truyền thống.

Trong rất nhiều những tác phẩm thơ vịnh trăng, người sáng tác nhiều nhất không ai khác ngoài Thi Tiên Lý Bạch. Gửi gắm tấm lòng và ca vịnh trăng đã xuyên suốt cả cuộc đời thi nhân.

Lý Bạch sinh ngày 28 tháng 2 năm 701, từ nhỏ đã đọc nhiều thi thư, bác cổ thông kim. Phụ thân Lý Bạch từng đưa ông tới núi Tượng Nhĩ ở My Châu để học tập. Đến năm 708, tức năm Khai Nguyên thứ 6, Lý Bạch bắt đầu tu tập thuật tung hoành và du ngoạn Thục Trung. Năm Khai Nguyên thứ 13 (năm 725), Lý Bạch khoảng 25 tuổi, sau khi du ngoạn Thục Trung, ông bắt đầu mang gươm viễn du.

Năm Khai Nguyên thứ 14 (năm 726), ngày 15 tháng 9 âm lịch, Lý Bạch đến Dương Châu, trong quán trọ, ông đã viết bài thơ “Tĩnh dạ tư” (Suy nghĩ đêm tĩnh) lưu danh thiên cổ, người người thích thú.

Tĩnh dạ tư

Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Dịch thơ:

Ánh trăng sáng trước giường
Ngỡ mặt đất mờ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương

Về ý nghĩa bề mặt chữ, bài thơ biểu đạt tình cảm nỗi lòng nhớ nhung sâu sắc cố hương của một người đi xa nơi tha hương đất khách. Bài thơ dùng những lời bình dị nhẹ nhàng thổ lộ, như bông sen trong hồ nước tinh khiết, không một chút điểm tô, tự nhiên thành thơ, không chút dấu vết tạo tác nào. Thảo nào người đời sau ca ngợi là “tuyệt diệu cổ kim”.

Nhưng Lý Bạch nhớ cố hương, trở về quê nhà là không còn phiền não, là hạnh phúc chăng? Trong một bài thơ khác, thi nhân đã viết: “Trừu đao đoạn thủy thủy cánh lưu, cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu” (Rút dao chém nước nước càng chảy, nâng chén tiêu sầu sầu càng sầu). Danh, lợi, tình nhân gian, nơi nào là nơi trở về? Một vầng trăng sáng, từ cổ chí kim, không một ngày rời xa, lơ lửng chiếu sáng tầng không, ánh sáng trắng khiết, thuần tịnh, đó chẳng phải cảnh giới tốt đẹp mà thi nhân gửi gắm tấm lòng đó sao?

Lý Bạch được người đời gọi là Thi Tiên, Trích Tiên (ông Tiên bị đày), sở dĩ như vậy vì ông trước tiên “ngẩng đầu nhìn trăng sáng”, sau đó “cúi đầu nhớ cố hương”, tức là nơi Thượng Thiên thánh khiết mới là cố hương tâm linh, tinh thần của ông, ngẩng đầu trông ngóng, cúi đầu nhớ nhung. Ngàn năm nay, biết bao thế nhân đã ngâm tụng bài thơ này, bản tính phản bổn quy chân từ nơi sâu thẳm nội tâm bị xúc động, tuy không thể minh bạch ngộ Đạo, nhưng lại vui thích mà không biết tại sao. Đây có lẽ là nguyên nhân thực sụ khiến bài thơ “Tĩnh dạ tư” được người người yêu thích, lưu truyền thiên cổ.

Từ năm 725 đến năm 742, Lý Bạch xuôi dòng Hoàng Hà xuống phía đông, lần lượt du ngoạn các nơi như Giang Hạ, Lạc Dương, Thái Nguyên. Sau ông lại du ngoạn Hà Nam, Hoài Nam và vùng Tương Ngạc (Hồ Nam và Hồ Bắc), lên phía bắc leo Thái Sơn, xuống phía nam đến Hàng Châu, Cối Kê… Những nơi ông đến, phỏng Tiên vấn Đạo, những bậc hiền nhân đều tề tựu, ông đã để lại rất nhiều bài thơ tuyệt mỹ.

Bả tửu vấn nguyệt

Thanh thiên hữu nguyệt lai kỷ thì,
Ngã kim đình bôi nhất vấn chi!
Nhân phan minh nguyệt bất khả đắc,
Nguyệt hành khước dữ nhân tương tùy,
Kiểu như phi kính lâm đan khuyết,
Lục yên diệt tận thanh huy phát
Đãn kiến tiêu tòng hải thượng lai,
Ninh tri hiểu hướng vân gian một.
Bạch thố đảo dược thu phục xuân,
Thường nga cô thê dữ thuỳ lân.
Kim nhân bất kiến cổ thì nguyệt,
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân.
Cổ nhân kim nhân nhược lưu thủy,
Cộng khan minh nguyệt giai như thử.
Duy nguyện đương ca đối tửu thì,
Nguyệt quang thường chiếu kim tôn lý.

Dịch thơ:

Trời xanh có trăng từ thuở nào?
Ngừng chén đêm này hỏi một câu.
Người với lên trăng, vin chẳng được,
Khi đi, trăng lại mãi theo nhau.
Trăng như gương lượn bên đan khuyết,
Xóa sạch mây xanh, soi vằng vặc.
Chỉ thấy đêm từ mặt biển lên,
Hay đâu đến sáng vào mây khuất.
Thỏ ngọc giã thuốc thu lại xuân,
Thường Nga quạnh hiu ai người gần?
Người nay chẳng thấy trăng thời trước,
Người trước, trăng nay soi đã từng.
Người trước, người nay như nước chảy,
Cùng xem trăng sáng đều thế đấy.
Chỉ ước vui ca thưởng chén quỳnh,
Be vàng, trăng sáng vào rọi mãi. (Bản dịch của Nam Trân)

Mở đầu bài thơ, thi nhân đưa ra một câu hỏi vĩnh hằng của nhân loại “Trời xanh có trăng từ thuở nào?”. Vầng trăng trên trời có từ thuở nào? Chốn nhân gian tấp nập ồn ào đều vì lợi, đối với trăng sao sáng trên trời cao xa kia, có bao nhiêu người tĩnh tâm xuống mà ngắm trông, tìm tòi những bí mật của thời không vũ trụ?

Đời người ngắn ngủi, những vầng trăng sáng trường tồn, từ cổ chí kim, việc con người dễ mất, mà Thỏ Ngọc, Hằng Nga trên Cung Trăng và các vị Thần Tiên vẫn trường tồn. Lấy rượu ngâm thơ, thi nhân và vầng trăng sáng mãi cùng gìn giữ. Từ xưa đến nay, vầng trăng sáng tiêu biểu cho sự thánh khiết, lý tưởng, tinh thần và Tiên giới, bất kể nhân thế biến đổi bãi biển nương dâu, thịnh suy chìm nổi như thế nào, thì vầng trăng sáng treo trên trời cao vẫn không chiếu riêng một góc nào, không có phân biệt người xưa người nay. Trong “Bả tửu vấn nguyệt”, câu thơ “Người nay chẳng thấy trăng thời trước, Người trước, trăng nay soi đã từng”, cùng với câu thơ trong bài “Xuân giang hoa nguyệt dạ” (Đêm trăng hoa trên sông xuân) của Trương Nhược Hư “Ai người đầu đã trông trăng ấy? Trăng ấy soi người tự thuở nao?” tỏa sáng lẫn nhau, chiếu sáng vĩnh hằng, gợi mở thế nhân hướng tới cao thượng, gột sạch ô uế trần tục, cuối cùng phản bổn quy chân.

Năm Thiên Bảo thứ nhất (năm 742), Lý Bạch phụng chiếu vào cung. Đường Huyền Tông xúc động vì tài hoa siêu phàm xuất chúng của Thi Tiên, tô Lý Bạch là Hàn lâm.

Năm 744, ở thành Trường An, Lý Bạch viết bài thơ “Nguyệt hạ độc chước” (Một mình uống rượu dưới trăng), đây lại là một bài thơ nổi tiếng thiên cổ nữa của Lý Bạch vịnh trăng.

Nguyệt hạ độc chước

Hoa gian nhất hồ tửu,
Độc chước vô tương thân.
Cử bôi yêu minh nguyệt,
Đối ảnh thành tam nhân.
Nguyệt ký bất giải ẩm,
Ảnh đồ tùy ngã thân.
Tạm bạn nguyệt tương ảnh,
Hành lạc tu cập xuân.
Ngã ca nguyệt bồi hồi,
Ngã vũ ảnh linh loạn.
Tỉnh thì đồng giao hoan,
Tuý hậu các phân tán.
Vĩnh kết vô tình du,
Tương kỳ mạc Vân Hán.

Dịch thơ:

Có rượu không có bạn,
Một mình chuốc dưới hoa.
Cất chén mời trăng sáng,
Mình với bóng là ba.
Trăng đã không biết uống,
Bóng chỉ quấn theo ta.
Tạm cùng trăng với bóng,
Chơi xuân cho kịp mà!
Ta hát, trăng bồi hồi,
Ta múa, bóng rối loạn.
Lúc tỉnh cùng nhau vui,
Say rồi đều phân tán.
Gắn bó cuộc vong tình,
Hẹn nhau tít Vân Hán. (Bản dịch của Nam Trân)

Dưới trăng, Lý Bạch coi bóng trăng là bạn, uống rượu say sưa múa hát. Thi nhân cho rằng vầng trăng sáng kia có thể đàm đạo, có thể làm bạn, mặc dù trăng không biết uống rượu, chỉ có bóng ảnh theo thân hình, nhưng thi nhân lại coi vầng trăng sáng là tri kỷ, và đã biểu đạt cảnh giới siêu nhiên của tình thần siêu thoát ngoài vật chất.

“Lúc tỉnh cùng nhau vui, Say rồi đều phân tán”. Nhân sinh tại thế, giữa người với người lẽ nào chẳng như thế: sống cùng nhau tụ hợp, chết biệt ly. Trong bài thơ “Nghĩ cổ thập nhị thủ – kỳ 9” (12 bài thơ phỏng cổ – bài 9), Lý Bạch viết:

Sinh giả vi quá khách
Tử giả vi quy nhân
Thiên địa nhất nghịch lữ
Đồng bi vạn cổ trần

Dịch thơ:

Sống ta là khách qua đường
Còn khi đã chết quê hương tìm về
Đất trời quán trọ lê thê
Trần gian cát bụi não nề xót thương (Bản dịch của Lão Nông)

Đời người như một chuyến đi, kết thúc hành trình sinh mệnh chẳng qua là sự khởi đầu mới, giữa trời đất, có người đến, có người đi, chẳng qua chỉ là một lần luân hồi mà thôi. Thi nhân mượn trăng thổ lộ tấm lòng, hé lộ ý nghĩa chân chính của đại Đạo về sự vĩnh hằng của sinh mệnh: “Gắn bó cuộc vong tình, Hẹn nhau tít Vân Hán”.

Từ “Tĩnh dạ tư” đến “Bả tửu vấn nguyệt”, cho đến “Nguyệt hạ độc chước”, thì nhân từ ngắm trăng từ xa, đến hỏi han trăng, rồi đến múa cùng trăng, đã triển hiện ra quá trình thăng hoa của cảnh giới tinh thần.

(Còn tiếp)

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/15/434464.html

Đăng ngày 29-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share