Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-06-2020] Theo thông tin Minh Huệ Net tổng hợp, trong tháng 5 năm 2020, có 538 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt vì đức tin của họ và 310 người vẫn đang bị giam tại thời điểm viết báo cáo này. Trong tháng này cũng ghi nhận 400 học viên bị sách nhiễu vì kiên định đức tin của họ, trong đó có một giáo sư đã 92 tuổi và một bé gái 9 tuổi.

Dữ liệu tháng 5 đã đưa tổng số vụ bắt giữ từ đầu năm đến nay lên 2.136 và số vụ sách nhiễu là 1.950 trường hợp, tổng cộng là 4.086 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ. Bởi sự phong toả thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, số lượng học viên bị bức hại vì đức tin của họ luôn không thể được báo cáo kịp thời, cũng như không có sẵn tất cả mọi thông tin.

Học viên Pháp Luân Công bị bắt và sách nhiễu từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2020.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp từ năm 1999.

Trong tháng 5, công an đã lục soát nhà của 248 học viên và tống tiền 27 học viên với 229.375 nhân dân tệ, trung bình 8.495 nhân dân tệ mỗi người.

Các vụ bắt giữ và sách nhiễu trong tháng 5 diễn ra ở 26 tỉnh và thành phố. Các tỉnh Sơn Tây, Sơn Đông, Hà Bắc, Tứ Xuyên và Hồ Bắc có nhiều vụ bắt giữ và sách nhiễu nhất.

Một số học viên đã bị nhắm đến vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Một số bị bắt vì cùng nhau học các bài giảng của Pháp Luân Công. Cũng có học viên bị nhắm đến vào những thời điểm mà ĐCSTQ xem là “ngày nhạy cảm”, bao gồm các cuộc họp chính trị thường niên và Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới.

Một số học viên bị bắt đã bị công an đánh đập, bị ép lấy dấu vân tay và mẫu máu. Có hai chị em học viên bị yêu cầu hàng ngày phải đến báo cáo với công an và bị ép phải đeo thiết bị giám sát ở mắt cá chân sau khi họ được thả.

Ngày 28 tháng 5, trong khi sách nhiễu ông Vương Quế Trăn, một nông dân ở huyện Xương Nhạc, tỉnh Sơn Đông, một công an đã hét lên: “Đây là thế giới của Đảng Cộng sản. Ông tu luyện Pháp Luân Công là không ổn đâu!”

Bị nhắm đến trước thềm các cuộc họp chính trị của ĐCSTQ

Vì dịch bệnh virus corona, cuộc họp chính trị lớn nhất của ĐCSTQ (còn gọi là “Lưỡng Hội”) ở Bắc Kinh – Đại hội Nhân dân Quốc gia và Hội nghị Tham vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc – đã bị hoãn từ tháng 3 đến ngày 22 tháng 5. Trước các cuộc họp, công an trên khắp Trung Quốc đã bắt giữ các học viên nhằm ngăn cản họ đi ra ngoài để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại.

Ở huyện Tây, tỉnh Sơn Tây, công an đã bắt giữ hơn 100 học viên vào ngày 17 tháng 5 năm 2020, chỉ vài ngày sau khi Tập Cận Bình thăm thành phố Thái Nguyên của tỉnh vào ngày 11 và 12 tháng 5.

Chính quyền ở hai tỉnh Sơn Đông và Hắc Long Giang đã treo thưởng 1.000 nhân dân tệ cho ai tố giác một học viên Pháp Luân Công và 5.000 nhân dân tệ cho mỗi công an bắt giữ một học viên.

Ngày 8 tháng 5 năm 2020, ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, công an giao thông đã dừng và lục soát tất cả xe hơi tại lối vào Đại lộ Bắc Nhạc. Hai học viên họ Quách và Trương đã bị phát hiện mang theo 9.000 nhân dân tệ tiền mặt có in thông điệp Pháp Luân Công trong cốp xe của họ. Họ đã bị bắt và bị thẩm vấn tại đồn công an. Công an đã thả họ sau khi gia đình nộp tiền bảo lãnh. (Vì bị kiểm duyệt, nhiều học viên đã sử dụng những cách sáng tạo để nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp đức tin của họ, bao gồm in các thông điệp lên tiền giấy.)

Công an ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã sách nhiễu các học viên ở khu Hoàng Bi. Bà Uông Văn Thanh, gần 80 tuổi, đã bị ba công an sách nhiễu hai lần trong một tuần, họ còn cố chụp hình bà.

Bị bức hại trong Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới

Pháp Luân Công được giới thiệu lần đầu tiên ra công chúng vào ngày 13 tháng 5 năm 1992. Kể từ ngày 13 tháng 5 năm 2000, các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới bắt đầu kỷ niệm ngày pháp môn được giới thiệu ra công chúng là Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới. Nhưng tương tự như các cuộc họp chính trị của ĐCSTQ kể trên, những ngày này thường bị xem là “ngày nhạy cảm” và chính quyền thường tăng cường bức hại xung quanh thời điểm này nhằm ngăn cản các học viên đẩy mạnh các nỗ lực phơi bày cuộc bức hại.

Ngày 13 tháng 5 năm nay, 37 học viên đã bị bắt giữ và 35 người bị sách nhiễu. Bà Trương Chí Ôn ở thành phố Vũ Châu, tỉnh Hà Nam, bị bắt vào ngày 13 tháng 5, đã qua đời sau bốn ngày bị giam giữ.

Ngày 13 tháng 5, năm công an và cán bộ địa phương đã đột nhập vào nhà bà Dương Thục Tiên ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, buộc tội bà đã phát tặng các tờ rơi thông tin về Pháp Luân Đại Pháp vào ngày hôm trước. Bà Dương là giáo sư tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Côn Minh ở tỉnh Vân Nam. Chính quyền đã lật tung đồ đạc để khám xét nhà bà và tịch thu tất cả các kinh sách và tài liệu Pháp Luân Đại Pháp của bà Dương. Tại thời điểm viết báo cáo này, bà Dương vẫn đang bị giam giữ.

Vào ngày 13 tháng 5, trong khi bà Từ Nhân Tiên và năm học viên khác đang tập trung tại nhà bà ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông thì hơn 20 công an đã đột nhập vào nhà bà mà không báo trước. Công an đã bắt giữ tất cả sáu học viên và lục soát nhà bà Từ. Bốn học viên đã được thả sau đó. Hiện tại vẫn chưa xác định được bà Từ và một học viên khác là bà Tất Kiến Thải đang ở đâu.

Trong thời gian từ ngày 12 tới ngày 13 tháng 5, 17 học viên ở huyện Nhạc Trì, tỉnh Tứ Xuyên, hầu hết đều ngoài 70 tuổi, đã bị bắt giữ. Một người trong số họ đã được thả trong khi những người còn lại vẫn đang bị giam giữ. Công an đã ba lần lục soát nhà của một học viên họ Triệu (chưa rõ tên của học viên này).

Ngày 12 tháng 5, người của Đồn Công an Nam Sơn, Trùng Khánh đã cảnh báo bà Chu Lương Vinh không được rời khỏi nhà vào ngày hôm sau. Vào sáng sớm ngày hôm sau, nhiều công an đã đột nhập vào nhà bà Chu và thông báo rằng bà sẽ bị giám sát trong sáu tháng. Hai người đàn ông đã được giao nhiệm vụ giám sát bà.

Cùng ngày, chính quyền thị trấn Nam Bình đã tới nhà bà Chu Lương Chi, chị gái bà Chu, để sách nhiễu bà.

Một học viên khác ở Trùng Khánh là bà Dương Thanh, 66 tuổi, đã bị theo dõi và bị bắt vào ngày 13 tháng 5. Công an giữ bà trong xe và trói tay bà ra sau lưng bằng dây điện. Họ trói tay bà chặt đến nỗi dây cắt sâu vào da thịt của bà. Sau đó họ lục soát nhà bà và đưa bà đến bệnh viện để kiểm tra. trại tạm giam đã từ chối nhận bà vì bà bị huyết áp cao.

Những đợt tẩy não mới

Trong tháng gần đây, các nhà chức trách trên khắp Trung Quốc đã ra lệnh thực thi những đợt tẩy não mới để gây áp lực lên các học viên Pháp Luân Công nhằm ép họ từ bỏ đức tin của mình.

Ở thành phố Thương Châu, tỉnh Hà Bắc, Uỷ ban Chính trị và Pháp luật (UBCTPL) đã ban hành một tài liệu cơ mật dài bảy trang về một chiến dịch mới. UBCTPL là một cơ quan nằm ngoài hệ thống tư pháp có quyền lực vượt trên các cơ quan tư pháp và thực thi pháp luật ở Trung Quốc, có trách nhiệm lên kế hoạch và thực thi các chính sách bức hại Pháp Luân Công.

Hạn chót là ngày 15 tháng 6, các địa phương phải quyết định các địa điểm tổ chức các phiên tẩy não. Các lãnh đạo tôn giáo, nhà tư vấn tâm lý, và những người đã bỏ tu luyện Pháp Luân Công dưới sức ép từ phía chính quyền được tuyển mộ làm diễn giả.

Ở thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, có thông tin rằng người của Phòng 610, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được tạo ra chuyên để bức hại Pháp Luân Công, đang được huấn luyện để chuẩn bị cho những phiên tẩy não. Một số học viên đã nhận được điện thoại và bị lệnh phải tham gia “những lớp học” kéo dài một hay hai tuần. Một nữ học viên họ Công khoảng 40 tuổi đã bị lôi ra khỏi nhà và đưa đến lớp tẩy não vào ngày 10 tháng 5.

Ở tỉnh Quý Châu, chính quyền tiếp tục thực thi chiến dịch “xoá sổ” để gây áp lực khiến các học viên từ bỏ đức tin của họ. Nhiều học viên đã bị bắt trong những tháng gần đây đã bị đưa đến các lớp tẩy não được tổ chức tại “Khách sạn Thanh Trấn”, nơi mà họ bị yêu cầu phải ký vào những tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Bà Vương Hoán Tú, một goá phụ có con trai bị bại não, đã bị nhân viên uỷ ban dân cư sách nhiễu tại nhà vào ngày 23 tháng 5 năm 2020. Người này hăm doạ đưa bà đến “Trung tâm Nghiên cứu Thanh Trấn” nếu bà không ký vào một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà Vương đã từ chối hợp tác.

Nhiều vụ bắt giữ và sách nhiễu

Phó chủ tịch tài chính sắp làm cha bị bắt giữ

Trưa thứ bảy ngày 31 tháng 5 năm 2020, khi anh Vương Cẩm Chương, phó chủ tịch tài chính tại Tập đoàn Phân phối Tân Hoa ở Thượng Hải, đang làm việc một mình trong văn phòng thì một nhóm công an xông vào. Họ lục soát văn phòng của anh và tìm thấy một số tờ rơi Pháp Luân Công. Sau đó họ đưa anh đến đồn công an trong khi đồng thời một nhóm công an khác lục soát nhà anh.

Người vợ đang mang thai của anh Vương đã đến đồn công an vào buổi tối để van xin thả anh nhưng vô ích.

Vì mẹ anh Vương cũng là học viên Pháp Luân Công đang sinh sống ở ngoài Trung Quốc, nên công an cáo buộc anh tội liên kết với “các thế lực nước ngoài” để phá hoại Trung Quốc. Họ đe doạ kiểm tra tài khoản ngân hàng của anh để xem anh có nhận tiền từ “các thế lực nước ngoài” không. Họ cũng nói rằng nếu hai thành viên trong gia đình bị phát hiện là tu luyện Pháp Luân Công thì sẽ bị xem là “tội phạm có tổ chức”.

Hiện anh Vương bị giam tại trại tạm giam Quận Hoàng Phổ.

Bị cưỡng chế mang thiết bị giám sát ở mắt cá chân

Ngày 2 tháng 5, hai chị em ở tỉnh An Huy là bà Thư Ngọc Lan và bà Thư Ngọc Liên đã bị bắt sau khi bị công an theo dõi trong lúc đang phát tài liệu Pháp Luân Công. Vì bị huyết áp cao nên trại tạm giam đã từ chối nhận họ. Sau đó công an đã thả họ nhưng lệnh cho hai chị em phải báo cáo cho đồn công an mỗi ngày.

Để hạn chế hơn nữa quyền tự do cá nhân của hai chị em, công an đã ép họ phải mang các thiết bị giám sát ở mắt cá chân dùng để theo dõi vị trí của họ và ghi lại những cuộc trò chuyện tại nhà.

Bị tống tiền và tịch thu tài sản

Ông Tào Hỷ Phong và vợ là bà Trương Tú Lệ ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt tại nhà vào ngày 1 tháng 5. Công an đã lục soát nhà họ và tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính, máy in và 50.000 nhân dân tệ tiền mặt.

Công an đã thẩm vấn họ suốt một ngày. Họ bị đánh đập và bị tát khi từ chối trả lời các câu hỏi. Khi trại tạm giam địa phương từ chối nhận họ vì dịch bệnh virus corona, hôm sau công an đã thả họ ra. Từ đó họ buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại.

Bà Vương Biến Sinh, 71 tuổi, ở thành phố Hoà Giam, tỉnh Hà Bắc, bị bắt vào ngày 13 tháng 5 vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Gia đình bà đã bị công an tống tiền 20.000 nhân dân tệ khi cố gắng giải cứu bà, nhưng bà vẫn bị giam trong một khách sạn địa phương tại thời điểm viết bài này.

Những học viên lớn tuổi bị bắt vì cùng nhau học các bài giảng của Pháp Luân Công

Trưa ngày 11 tháng 5, một nhóm công an 20 người đã xông vào nhà Hầu Nguyệt Lan ở huyện Lương Sơn, tỉnh Sơn Đông. Bà Hầu (ngoài 70 tuổi), đang học các bài giảng của Pháp Luân Công cùng bảy học viên khác, gồm bà Phạm (khoảng 90 tuổi); bà Thích Quế Nga (ngoài 50 tuổi), mẹ của bà Thích (ngoài 80 tuổi), ông Lý Tường Sinh (ngoài 70 tuổi), bà Vương Quế Vinh (ngoài 50 tuổi), bà Trần Thu Hương (ngoài 50 tuổi) và một học viên khác chưa biết tên.

Tám học viên được thả vào lúc 1 giờ sáng, công an đã triệu tập họ quay trở lại đồn công an trong ngày, lục soát nhà họ và giam họ đến tận 8 giờ tối.

Người đàn ông 66 tuổi bị bắt vì kiên định đức tin và gia đình ông bị sách nhiễu

Ngày 25 tháng 5 năm 2020, ông Trần Thư Nghĩa, 66 tuổi ở huyện Lai Thủy, tỉnh Hà Bắc, đã bị bắt tại nhà vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công. Cảnh sát cũng bắt con dâu ông là cô Dương Thúy Linh tới đồn công an để thẩm vấn.

Cảnh sát đã lừa anh Trần Soái, là con trai ông Trần, đi đến đồn công an và họ đã thẩm vấn anh về nơi cha anh lấy tài liệu Pháp Luân Công. Anh căng thẳng và sợ hãi đến mức ngất xỉu. Anh và vợ đều đã được thả vào buổi tối cùng ngày.

Vào buổi chiều hôm bị bắt giữ, ông Trần đã bị đưa tới trại tạm giam Lai Thủy và bị giam giữ hình sự. Gia đình ông đã nhận được thông báo giam giữ vào ngày 2 tháng 6. Có thông tin rằng các nhà chức trách đã gửi máy tính của ông tới Bắc Kinh để giải mã nhằm có được bằng chứng buộc tội ông.

Một ngày sau vụ bắt giữ, cảnh sát đã sách nhiễu cô Dương tại nhà và chồng cô tại nơi làm việc. Họ cũng lắp đặt một chiếc camera giám sát ở bên ngoài nhà ông Trần. Cảnh sát còn bố trí một cảnh sát ở bên ngoài nhà để theo dõi người nhà ông Trần. Vợ chồng anh Trần và cô Dương cùng con trai họ đang buộc phải rời nhà để trốn khỏi bàn tay cảnh sát.

Người mẹ đơn thân bị bắt giữ vì kiên định đức tin, con trai bị cảnh sát tra tấn và thẩm vấn

Sau khi một cư dân thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam đã bị bắt giữ vì truyền rộng thông tin về đức tin của bà vào Pháp Luân Công, cảnh sát cũng nhắm vào người con trai 19 tuổi của bà và thẩm vấn anh.

Vào khoảng 5 giờ chiều ngày 8 tháng 5 năm 2020, bà Trần Ngạn Quân, 51 tuổi, đã bị bắt sau khi bị tố giác vì nói với người dân về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã đưa bà về nhà vào lúc 10 giờ tối, và tịch thu các sách Pháp Luân Công cùng tài liệu liên quan. Cảnh sát cũng bắt con trai bà là anh Trang Vĩnh Bân và đưa anh tới đồn công an.

Cảnh sát thẩm vấn riêng rẽ bà Trần và con trai bà xuyên đêm. Khi bà Trần yêu cầu sử dụng nhà vệ sinh, cảnh sát từ chối và còn nói lời nhục mạ Pháp Luân Công. Họ còn dùng sự an nguy của con trai bà Trần để uy hiếp bà nhằm ép bà trả lời các câu hỏi của họ.

Bởi anh Trang có chút xúc động trong lúc thẩm vấn, cảnh sát đã tát vào mặt anh. Hai tay của anh bầm tím vì bị còng hơn 10 tiếng đồng hồ.

Anh Trang đã được thả vào khoảng 1 giờ sáng ngày 10 tháng 5. Trải qua 27 tiếng bị giam giữ và không được ăn uống, anh đã bị tổn thương tâm lý, tinh thần vẫn còn hoảng hốt sau vài ngày trở về nhà.

Cảnh sát đã giam giữ hình sự bà Trần vào ngày 10 tháng 5. Hiện bà đang bị giam trong trại tạm giam Số 4 Thành phố Trường Sa.

Một phụ nữ Hồ Nam lại bị bắt giữ sau chưa đầy 10 tháng mãn hạn án tù một năm

Chưa đầy 10 tháng sau khi kết thúc án tù một năm vì tu luyện Pháp Luân Công, bà Thái Tân Âu ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam lại bị bắt một lần nữa vì kiên định đức tin của mình. Chồng bà bị mắc bệnh não và không thể tự chăm sóc bản thân đã bị bỏ lại ở nhà một mình và rất vất vả để tự chăm sóc bản thân ông.

Khoảng 5 giờ chiều ngày 14 tháng 5 năm 2020, một toán cảnh sát đã cúp điện nhà bà Thái và bắt giữ bà khi bà đang đi vào hành lang của tòa chung cư nơi bà sinh sống để kiểm tra bảng điện. Sau đó cảnh sát đã đột nhập vào nhà bà và tịch thu các tài liệu liên quan tới Pháp Luân Công. Được biết cảnh sát đã nhắm đến bà Thái sau khi thấy bà phân phát tài liệu Pháp Luân Công thông qua camera giám sát.

Ngày hôm sau người phụ nữ 55 tuổi này đã bị giam giữ hình sự. Bà tuyệt thực hơn một tuần để phản đối bức hại.

Trước lần bắt giữ gần đây nhất, bà Thái từng bốn lần thụ án lao động cưỡng bức với tổng thời gian sáu năm rưỡi và một lần bị cầm tù vì kiên định đức tin của mình.

Trong thời gian bà Thái ngồi tù, quản giáo đã từ chối điều trị y tế cho bà mặc dù một phần xương ở chân trái của bà đã bị gãy khi bà bị ngã trong lần bắt giữ vào ngày 30 tháng 7 năm 2018. Chân trái của bà bị liệt và không thể cử động trong một tháng.

Đối diện với truy tố vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công

Vào ngày 4 tháng 5 năm 2020, bà Trần Nhã Văn ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đã đưa cho một người một thẻ có mã QR để truy cập thông tin về đại dịch không bị kiểm duyệt, nhưng người đó đã giữ bà lại và báo bà với cảnh sát.

Khi bà Trần từ chối trả lời câu hỏi của cảnh sát, họ đã dọa sẽ giẫm chân lên tấm ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công. Cảnh sát cũng cưỡng chế lấy dấu vân tay và ép bà điểm chỉ vào biên bản thẩm vấn khi bà từ chối ký tên.

Cảnh sát cũng tịch thu các tài liệu liên quan tới Pháp Luân Công của bà Trần có ở nhà bà và máy tính của gia đình bà, đồng thời họ còn xé bỏ các tấm dán có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo; Chân-Thiện-Nhẫn hảo” ở trên tường nhà bà. Bà Trần đã được thả vào buổi chiều hôm sau.

Vào giữa tháng 5 năm 2020, ông Tề Diễm Minh, 57 tuổi ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, đã phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công tại một khu dân cư. Hai dân cư đã tiếp cận ông và đánh đập ông. Sau đó họ cưỡng chế đưa ông tới đồn công an địa phương. Cảnh sát lục soát nhà và cửa hàng quần áo của ông, tịch thu máy tính và máy in của ông.

Bởi dịch bệnh, trại tạm giam địa phương từ chối tiếp nhận ông và ông đã được bảo lãnh tại ngoại. Gần đây, cảnh sát đã chuyển hồ sơ vụ án của ông tới Viện Kiểm sát Thành phố Cát Lâm, và hiện ông đang đối mặt với việc bị truy tố vì đức tin của mình.

Chính quyền sách nhiễu bé gái chín tuổi vì dán tài liệu thông tin về Pháp Luân Công

Trong khi thành phố Xích Bích ở tỉnh Hồ Bắc bị phong toả vì dịch bệnh virus corona, một bé gái chín tuổi đã dán một số tấm dán tự dính có nội dung về việc người dân hồi phục khỏi virus corona nhờ niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” ở trong khu phố của mình. Tuy nhiên, chỉ vì điều này mà cô bé bị tố giác và bị công an và người của uỷ ban khu phố sách nhiễu vào ngày 6 tháng 5 năm 2020.

Người của đồn công an địa phương và uỷ ban khu phố đã đến gõ cửa nhà cô bé. Công an cho mẹ em là cô Dương Chấn Hoàn xem tấm hình con gái mình đang dán những miếng nhãn và lấy các sách Pháp Luân Công của họ. Họ còn hăm doạ sẽ bắt giữ hai mẹ con. Đứa trẻ đã bị tổn thương và thường xuyên khóc sau khi đám người đó rời đi.

Nhiều người thân của gia đình, những người bị ảnh hưởng bởi những lời tuyên truyền ma quỷ vu khống Pháp Luân Công của chế độ cộng sản, đã trách mắng cha mẹ cô bé vì “dạy cô làm điều xấu.”

Các học viên hơn 80 tuổi bị sách nhiễu

Ông Triệu Can, một giáo sưu đại học về hưu 92 tuổi ở thành phố Ngân Xuyên, tỉnh Ninh Hạ, đã bị sách nhiễu tại nhà và bị đưa đến đồn công an để thẩm vấn vào giữa tháng 5.

Ông Vưu Quân, một cư dân 91 tuổi ở thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, đã bị công an sách nhiễu vào ngày 12 tháng 5. Công an đã tịch thu máy in của ông và sau đó cử hai người trực bên ngoài nhà để giám sát ông.

Ngày 23 tháng 5, ba công an mặc thường phục đã cố cạy cửa nhà bà Sở, là một cư dân ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Lúc đó bà Sở, hơn 80 tuổi, nghĩ rằng đó là con trai bà, và khi bà mở của, công an đã bỏ chạy và để lại các dụng cụ ở thềm cửa nhà bà.

Bà Sở đã gọi cho con trai và kể về vụ việc. Nhưng ngay khi con trai bà đến, ba công an đã theo ông vào nhà. Họ tự xưng là công an và nói rằng có người đã tố giác bà Sở vì bà tu luyện Pháp Luân Công. Họ cố bắt giữ bà Sở nhưng không được vì con trai bà lên tiếng bảo vệ bà.

Bài liên quan:

107 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2020

1.178 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 4 năm 2020

89 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2020

747 học viên Pháp Luân Công bị nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 3 năm 2020

33 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin của họ trong thời gian phong toả vì virus corona ở Trung Quốc

Cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn bất chấp đại dịch virus corona

194 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 1 năm 2020

Các toà án của chính quyền cộng sản Trung Quốc kết án 193 học viên Pháp Luân Công khi dịch virus corona mới bùng phát


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/12/407613.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/20/185587.html

Đăng ngày 18-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share