Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 5-01-2018] Trong một báo cáo điều tra sâu về cái chết của học viên Lộ Viễn Phong, chúng tôi tiến hành điều tra hoàn cảnh giam cầm của ông tại Nhà tù Bản Khê thuộc tỉnh Liêu Ninh, cũng như xem xét chính sách của chính quyền địa phương và nhà tù này về việc chịu trách nhiệm không chỉ đối với cái chết của học viên Lộ, mà còn với cái chết và thương tật của nhiều học viên Pháp Luân Công khác bị bức hại tại nhà tù này.
Học viên Lộ Viễn Phong, người thành phố Thẩm Dương, đã qua đời 21 ngày sau khi mãn hạn tù ba năm chỉ vì phân phát tài liệu vạch trần cuộc bức hại của chính quyền cộng sản Trung Quốc nhắm vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
Ông Lộ Viễn Phong
Thẻ căn cước của ông Lộ Viễn Phong
Gia đình ông Lộ chỉ được phép đến thăm ông hai lần trong suốt ba năm ông bị giam cầm. Ông kể với những người thân trong gia đình mình rằng, lính canh ở Nhà tù Bản Khê thường xuyên đánh đập, sốc điện bằng dùi cui và bắt ông ngồi xổm trong thời gian dài.
Hai tháng trước khi được thả ra, ông đã bị đột quỵ, nhưng nhà tù này không cho ông được chăm sóc y tế kịp thời, cũng không cho gia đình đến thăm nom hay cho tại ngoại để điều trị y tế. Gia đình thấy ông bị nói lắp và không đi lại được sau khi được thả ra khỏi tù vào ngày 19 tháng 11 năm 2017.
Ngày 9 tháng 12, ông Lộ đột nhiên bị hôn mê và đã qua đời chỉ sau đó vài giờ đồng hồ, mặc dù được tận sức cấp cứu. Ông thọ 63 tuổi.
Sau cái chết của học viên Lộ, tác giả của báo cáo này đã tiến hành một số điều tra. Chúng tôi phát hiện rằng, một lần, ông Lộ viết đơn kiện một lính canh của nhà tù vì đã sốc dùi cui điện vào người ông liên tục trong hơn 45 phút đồng hồ. Chúng tôi cũng đã phỏng vấn nhiều nhân chứng và người trong cuộc nắm rõ hoàn cảnh của ông Lộ và cung cấp nhiều thông tin khác về những hình thức tra tấn mà ông phải chịu trong tù.
Thông qua điều tra, chúng tôi cũng biết rằng ông Lộ không phải là học viên Pháp Luân Công duy nhất bị thiệt mạng vì những hành động tàn ác tại Nhà tù Bản Khê này.
Thực ra, Nhà tù Bản Khê là một trong nhiều nhà tù ở tỉnh Liêu Ninh từng sử dụng nhiều hình thức tra tấn tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công bị giam cầm tại đó nhằm mục đích “chuyển hóa” họ, hoặc ép họ phải từ bỏ đức tin của mình. Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Liêu Ninh, một cơ quan không có chức năng tư pháp, nhưng được giao nhiệm vụ tiêu diệt Pháp Luân Công, đã ban hành một chính sách dài hạn nhằm tặng thưởng cho các nhà tù 20.000 Nhân dân tệ, với mỗi một học viên Pháp Luân Công được “chuyển hóa” và phạt các nhà tù này 10.000 Nhân dân tệ, với mỗi học viên không chuyển hóa được.
Đơn tố cáo viết tay miêu tả chi tiết việc bị tra tấn bằng hình thức sốc điện
Ông Lộ đã viết đơn tố cáo lính canh Cổ Trường Hải vì đã sốc điện ông liên tục hơn 45 phút đồng hồ cho đến khi ông lâm vào tình trạng nguy kịch và phải tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.
Lá thư viết tay ngày 15 tháng 12 năm 2006 của học viên Lộ tố cáo việc bị tra tấn trong trại giam
Vụ việc tra tấn bằng hình thức sốc điện được ông Lộ mô tả chi tiết trong đơn tố cáo xảy ra vào ngày 9 tháng 11 năm 2016. Lính canh Cổ đã ra lệnh cho tù nhân Vương Khắc Bân dẫn học viên Lộ vào một căn phòng không có camera giám sát khi ông đang lao động khổ sai.
Cổ hỏi ông Lộ có còn tin vào Pháp Luân Công nữa hay không. Ông đã trả lời có, và Cổ cùng lính canh Ngưu Kiến liền còng hai tay ông ra sau lưng. Trong khi các tù nhân Phác Bình, Triệu Nghĩa Trung, và Trần Duyên Khánh ghì ông xuống, còn cảnh vệ Ngưu dẫm lên đầu ông. Cổ và lính canh Trâu Bác Văn ra sức chửi rủa và đá liên tiếp vào người ông.
Sau đó, Cổ đã sốc điện vào lưng, ngực, đầu và hai tay ông Lộ trong hơn 10 phút cho tới khi chiếc dùi cui điện pin hết. Hắn đã lấy một chiếc dùi cui khác để tiếp tục tra tấn ông.
Học viên Lộ phải chịu cơn đau như xé tan lồng ngực, và tiếng hét của ông đã khiến nhiều người nghe thấy.
Cổ vẫn không dừng lại. Khi chiếc dùi cui thứ ba sắp hết pin, ông Lộ không chịu đựng thêm được nữa. Cuối cùng, ông đã phải đồng ý từ bỏ Pháp Luân Công trước khi Cổ dừng tra tấn. Trong suốt 45 phút tra tấn dã man, Ngưu không hề nhấc bàn chân của hắn ra khỏi đầu ông Lộ.
Ông Lộ được đưa trở lại phòng giam của mình, tại đó, lính gác Cổ đã ra lệnh cho các tù nhân Triệu Nghĩa Trung và Trần Duyên Khánh trói ông vào một chiếc ghế đặt bên cửa sổ đang mở (xem hình minh họa bên dưới). Việc tra tấn này tiếp tục diễn ra trong vòng 2 ngày sau đó.
Hình minh họa cảnh tra tấn: Bị trói vào ghế
Vào ngày thứ tư, lính canh Cổ định chuyển học viên Lộ vào khu biệt giam, nhưng các bác sỹ của nhà tù nhận thấy ông bị tăng huyết áp rất nguy hiểm và đã đề nghị cho ông nhập viện ngay lập tức.
Sau 10 ngày nằm viện, mặc dù ông Lộ vẫn chưa hồi phục, nhưng Cổ đã đưa ông trở lại nhà tù và ra lệnh cho ông phải làm việc cực nhọc ngay ngày hôm sau. Đêm hôm đó, Cổ bị trật mắt cá chân và phải nghỉ ốm. Lính canh Tả Lập Vĩ tiếp quản công việc của Cổ.
Ông Lộ từ chối lao động khổ sai và tuyệt thực. Tả đã ra lệnh cho các tù nhân trong tất cả các buồng giam liên tục lăng mạ nhà sáng lập Pháp Luân Công cho đến khi ông Lộ phải ăn trở lại.
Sáng 26 tháng 8 năm 2017, ông Lộ bị đột qụy và ngã gãy chân. Nhà tù đã đưa ông tới một bệnh viện bên ngoài để chụp X quang nhưng lại chuyển ông trở lại nhà tù mà không điều trị cho ông. Sau đó hai tuần, họ mới báo tin cho cho gia đình ông.
Vợ và con trai ông Lộ đề nghị được vào tù thăm ông nhưng đã bị từ chối. Lính canh Cổ đã nói với họ rằng, nhà tù không chịu trách nhiệm về việc ông Lộ bị ngã và gia đình phải trả chi phí điều trị cho ông.
Trong hai tháng cuối ông Lộ thi hành án, lính canh Cổ đã ra lệnh cho các tù nhân hàng ngày lái xe đưa ông Lộ đến công trường để lao động khổ sai.
Chỉ là một trong nhiều nạn nhân
Ông Lộ Viễn Phong không phải là học viên Pháp Luân Công duy nhất bị tra tấn đến chết hoặc bị thương tật nghiêm trọng ở Nhà tù Bản Khê.
Học viên Trình Nguyên Long được trả về nhà vào ngày 20 tháng 8 năm 2007 khi lính canh của nhà tù này phát hiện ông đang trong tình trạng hấp hối. Ông đã qua đời 6 tháng sau đó khi mới 38 tuổi.
Học viên Triển Đại Quân bị kiệt sức và không còn tỉnh táo sau khi bị tra tấn dài ngày ở Nhà tù Bản Khê. Ông đã qua đời vì bị đột quỵ không lâu sau khi được thả ra khỏi tù vào tháng 8 năm 2008. Khi ấy, ông 53 tuổi.
Ngày 15 tháng 10 năm 2016, học viên Tôn Chiêm Quốc bị ngã sõng soài trên đất và liên tục phải chịu những trận đấm đá. Sau đó, lính canh Cổ đã dùng dùi cui điện sốc ông trong khoảng 30 phút.
Học viên Hồ Quốc Hạm trở thành người sống thực vật chỉ sau 22 ngày kể từ khi bị giam giữ ở Nhà tù Bản Khê. Sau khi phẫu thuật não và vẫn đang trong tình trạng hôn mê, ông lại bị đưa trở lại nhà tù để chịu nốt án tù của mình.
Học viên Chu Lâm bị trói cả tay lẫn chân vào một chiếc ghế liên tục trong ba ngày. Ông không được phép cử động hay ngủ gật. Một nhóm tù nhân thay phiên nhau cho ông ăn và đựng chất thải của ông trong một chiêc xô. Họ cũng ép ông xem những băng hình tuyên truyền lăng mạ Pháp Luân Công.
Lính canh Trần Cảnh đã liên tục lấy dùi cui điện sốc vào bộ phận sinh dục của học viên Mạnh Hiến Quang và cười không ngớt khi ông run rẩy vì đau đớn. Trần còn ra lệnh cho các tù nhân đổ nước lạnh vào học viên Mạnh và dùng ống nước nhựa để đánh ông.
Học viên Lưu Đức Phúc bị đánh đập thậm tệ đến mức phải khâu 21 mũi trên đầu. Ông bị huyết áp cao nhưng vẫn bị cưỡng bức lao động khổ sai.
Danh sách các học viên bị bức hại còn dài nữa. Chúng tôi tự hỏi vì sao Nhà tù Bản Khê lại đối xử với các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù một cách tàn nhẫn như vậy. Câu trả lời nằm ở chính sách khuyến khích có quy mô cấp tỉnh như mô tả dưới đây:
Ngân sách dành cho “Nhiệm vụ Đặc biệt”
Bản Khê là một trong hơn 30 nhà tù ở tỉnh Liêu Ninh được sử dụng để giam giữ các học viên Pháp Luân Công.
Theo số liệu thống kê từ trước, trong suốt 18 năm qua, 469 cư dân tỉnh Liêu Ninh đã bị bức hại đến chết vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Nhiều người trong số họ đã bị giam cầm và tra tấn trước khi qua đời.
Theo điều tra của chúng tôi, Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Liêu Ninh đã xây dựng một hệ thống khuyến khích tất cả các cơ quan của ủy ban này, gồm cục tư pháp và cục quản lý nhà tù. Hệ thống này được gọi là “dự án nhiệm vụ đặc biệt” và yêu cầu sử dụng ngân sách từ tất cả các nguồn doanh thu thuế của thành phố. Ngân sách được sử dụng để thưởng cho các nhà tù thực hiện “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công. Nhà tù nào mà không thành công trong việc ép các học viên phải từ bỏ Pháp Luân Công sẽ bị trừng phạt.
Vào cuối mỗi năm, các nhà tù đều phải thống kê số học viên đã bị “chuyển hoá” trong năm. Như vậy, vào dịp cuối năm này, các nhà tù thường tiến hành hàng loạt hình thức tra tấn, bức hại nhắm ép được nhiều học viên từ bỏ đức tin của mình.
Nhà tù Bản Khê đã rất tích cực trong việc thực hiện dự án nhiệm vụ đặc biệt này. Thành phố Bản Khê báo cáo doanh thu từ các loại thuế đạt 14 tỷ Nhân dân tệ trong năm 2014, nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn 5,4 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2015. Mặc dù vậy, chính quyền thành phố này vẫn tiếp tục sử dụng ngân sách để chi thưởng cho Nhà tù Bản Khê nhằm “chuyển hoá” các học viên Pháp Luân Công.
Tỉnh Liêu Ninh có mức GDP thấp nhất trong tất cả các tỉnh ở Trung Quốc, nhưng lại duy trì mức gần đứng đầu danh sách về số lượng học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ và tra tấn mỗi năm.
Chúng tôi kêu gọi quan chức các cấp của tỉnh Liêu Ninh lập tức chấm dứt việc bức hại Pháp Luân Công và trả tự do cho các học viên đang bị giam giữ tại đây.
Các báo cáo liên quan
Một người đàn ông Liêu Ninh qua đời sau khi ra tù ba tuần
Người nông dân thiện lương bị bắt giữ vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công
Anh Hồ Quốc Hạm ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh bị bức hại thành người thực vật
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/1/5//359278.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/1/8/167511.html
Đăng ngày 1-2-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.