Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 2-11-2017] Ngày 1 tháng 9 năm 2017, đôi vợ chồng ở tỉnh Sơn Đông, ông Kim Vĩnh Tân và bà Biện Lệ Huấn đã bị xét xử, kết án 8 năm tù giam và bị phạt 30.000 nhân dân tệ (khoảng 100 triệu đồng) vì phơi bày cuộc đàn áp của chế độ cộng sản đối với môn tu luyện Pháp Luân Công, tín ngưỡng tinh thần của họ.

Đôi vợ chồng ở tỉnh Sơn Đông này nằm trong số 60 học viên Pháp Luân Công bị kết án vào tháng 9 năm 2017 vì không từ bỏ đức tin của mình. Án phạt của họ dao động từ 9 tháng đến 10 năm tù giam với mức án trung bình là 3 năm rưỡi. Trong số những người bị kết án, 22 người bị phạt tổng cộng 351.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 1 tỷ 200 triệu đồng).

60 học viên này đến từ 15 tỉnh và khu tự trị. Tỉnh Liêu Ninh đứng đầu danh sách với 13 bản án, tiếp theo là tỉnh Sơn Đông và tỉnh Hà Bắc với lần lượt 11 và 8 bản án.

Ngoài ra, trang Minh Huệ mới tìm hiểu được 21 học viên bị kết án từ tháng 1 đến tháng 8. Độc giả có thể xem danh sách đầy đủ ở cuối bài viết.

Kể từ tháng 1 năm 2017, tổng cộng có ít nhất 691 học viên đã bị kết án ở Trung Quốc. Tuy nhiên, do chính quyền phong tỏa thông tin, không phải lúc nào dữ liệu cũng được báo cáo kịp thời, và tất cả thông tin cũng không có sẵn.

Những trường hợp nổi bật

Cặp vợ chồng ở Sơn Đông bị kết án 8 năm tù giam

Ngày 1 tháng 9, ông Kim Vĩnh Tân, 60 tuổi và bà Biện Lệ Huấn, 58 tuổi, từ thành phố Thanh Đảo, bị kết án mỗi người 8 năm tù giam và bị phạt 30.000 nhân dân tệ vì nâng cao nhận thức [cho người dân] về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chế độ cộng sản Trung Quốc.

Họ là bố mẹ của nghệ sĩ piano nổi tiếng Kim Nguyên Huy, vốn bị mù bẩm sinh. Đài truyền hình địa phương từng đưa tin rộng rãi câu chuyện nuôi nấng con cái của đôi vợ chồng và ca ngợi họ như nguồn cảm hứng lớn cho các bậc cha mẹ khác.

Sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu, đôi vợ chồng bị chính quyền để ý. Năm 2015, cảnh sát bắt đầu theo dõi điện thoại của ông Kim. Một camera giám sát được đặt đối diện nhà của mẹ ông. Ngày 2 tháng 12 năm 2016, hai vợ chồng bị bắt giữ, đến ngày 6 tháng 6 [năm 2017] họ bị viện kiểm sát địa phương truy tố.

Ngày 18 tháng 7, hai vợ chồng bị xét xử tại một phòng xử án tạm thời bên trong Trại tạm giam Phổ Đông. Luật sư của họ lập luận rằng không có luật lệ nào ở Trung Quốc cấm Pháp Luân Công và các thân chủ của ông không nên bị truy tố vì thực hiện quyền tự do tín ngưỡng theo hiến pháp của họ. Anh cũng biện hộ rằng cảnh sát đã không trình lệnh khám khi bắt giữ bà Biện.

Luật sư kết luận rằng vụ án của các thân chủ ông ngay từ đầu đã thiếu cơ sở pháp lý.

Người phụ nữ Liêu Ninh bị kết án bí mật 7 năm rưỡi tù giam

Gần đây, bà Vương Thục Phương, 63 tuổi, ở thành phố Đại Liên bị kết án 7 năm rưỡi tù giam. Gia đình của bà đã không được thông báo.

Ngày 31 tháng 10 năm 2016, bà Vương bị bắt khi gửi đơn kiện cựu lãnh đạo đảng cộng sản Giang Trạch Dân lên Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao. Bà bị giam ở trại tạm giam Yếu Gia 15 ngày trước khi được thả.

Hai tháng sau, vào ngày 16 tháng 1 năm 2017, bà Vương lại bị bắt giữ ở bên ngoài và bị giam giữ tại trại tạm giam Yếu Gia.

Ngày 20 tháng 9 năm 2017, tám tháng sau khi bà Vương bị giam giữ, gia đình bà Vương đột nhiên nhận được thông báo rằng một phiên xét xử đã được lên kế hoạch nhưng chưa rõ kết quả.

Một tuần sau, ngày 27 tháng 9, gia đình của bà lại được thông báo tới tòa án. Họ đã tới vào buổi sáng và chờ đến trưa nhưng vẫn không gặp được bà Vương. Sau đó, họ biết được rằng phiên tòa đã kết thúc một giờ trước và bà Vương đã bị kết án 7 năm rưỡi tù giam. Bà bị đưa ra khỏi tòa án theo một đường hầm kín khi phiên tòa kết thúc, và cho đến nay gia đình bà không biết bà đang ở đâu.

Ba học viên Bắc Kinh bị kết án bất hợp pháp

Chiều ngày 20 tháng 9, ba học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh đã bị kết án bất hợp pháp. Bà Thanh Tú Anh bị phạt tù 10 năm và bị tước quyền chính trị trong hai năm, bà Hạ Hồng bị kết án 4 năm tù, và ông Lý Nghiệp Lượng bị kết án 3 năm tù giam. Tất cả ba học viên đều bày tỏ rằng họ sẽ kháng cáo.

Đối mặt với kết quả này, luật sư của ông Lý hỏi thẩm phán: “Ông Lý hoàn toàn vô tội. Với phán quyết như vậy, tạo sao phải có luật sư làm gì? Tôi đã tới trại tạm giam, viện kiểm sát và tòa án 20 lần và nói chuyện với nhiều quan chức. Thậm chí hai ngày trước tôi còn nhấn mạnh với thẩm phán rằng ông Lý vô tội; thẩm phán đã nhất trí rằng nếu tôi biện hộ theo cách này thì sẽ không có gì xảy ra. Tại sao chuyện lại thành ra thế này?”

Hai luật sư khác cũng cố gắng làm việc để thân chủ của mình được thả ra.

Ba học viên ở Thiên Tân bị kết án vào tháng Chín

Tháng 9 [năm 2017], ba học viên Pháp Luân Công ở Thiên Tân đã bị kết án. Hiện nay họ đã kháng cáo phán quyết của tòa án. Ông Trương Kiện bị kết án 5 năm tù, ông Lý Thiếu Thần bị kết án 4 năm rưỡi, và ông Lưu Kim Thành bị kết án 2 năm rưỡi.

Ba học viên này bị bắt giữ vào ngày 7 tháng 12 năm 2016.

Khi ông Lưu và mẹ của ông bước ra khỏi thang máy từ nhà của họ thì 20 viên cảnh sát tiến tới bao vây. Cả hai người đều bị đưa đến đồn cảnh sát. Sau đó, ông Lưu được đưa trở lại nhà và nhà của ông bị lục soát.

Lúc 1 giờ chiều, ông Trương bị gần 20 cảnh sát bắt đưa ra khỏi nhà, trong khi đó vào lúc 3 giờ 30 phút chiều, ông Lý bị sáu cảnh sát bắt giữ. Sau đó, hơn 10 cảnh sát đã lục soát nhà của ông.

Người đàn ông ở Cát Lâm bị kết án vì phân phát các tài liệu Pháp Luân Công

Ngày 28 tháng 9, ông Tôn Cảnh Hòa, 51 tuổi, ở thành phố Cửu Đài đã bị kết án 5 năm rưỡi tù giam và bị phạt 10.000 nhân dân tệ (gần 35 triệu đồng) sau khi bị giam trong tám tháng. Ông đã kháng cáo trong khi bị giam giữ tại trại tạm giam thành phố Cửu Đài.

Người dân địa phương đều biết ông Tôn từng mắc những căn bệnh lạ và mất khả năng lao động. Ông trở nên nghiện rượu chè cờ bạc và lấy việc đánh vợ con làm thú vui. Tuy nhiên, vào năm 1998, sau khi tu luyện Pháp Luân Công, ông trở lại khỏe mạnh và phục hồi sức lao động. Ông đã bỏ rượu, bỏ cờ bạc và trở thành một người chồng, một người cha tốt.

Được nhận lợi ích từ môn tu luyện, ông Tôn háo hức chia sẻ với mọi người về Pháp Luân Công.

Ngày 25 tháng 1, khi ông đang lái xe để phân phát tài liệu Pháp Luân Công thì có bốn người đàn ông để ý đến ông. Họ dùng dao để khống chế ông và đòi 2.000 nhân dân tệ (gần 7 triệu đồng). Khi từ chối làm theo yêu cầu của họ, ông bị đánh và bị thương nặng ở đầu, mắt trái và chân trái.

Sau đó, một người đàn ông gọi điện cho cảnh sát để bắt giữ ông Tôn.

Khi biết tin ông bị bắt, hơn 400 người dân địa phương đã ký vào một lá đơn thỉnh nguyện kêu gọi thả ông ra.

c9c5294b76ba9ca5adca5dfddb104cd8.jpg

Đơn thỉnh nguyện được điểm chỉ để yêu cầu thả ông Tôn

Tuy nhiên, một cảnh sát nói với gia đình ông Tôn rằng kêu gọi thỉnh nguyện thả ông ra cũng không ích gì vì chính quyền đã quyết định kết án tù ông.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/11/2/356247.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/11/12/166372.html

Đăng ngày 17-12-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share