Thái Sơn biên tập

[MINH HUỆ 19-7-2016]

Trong “Quần thư trị yếu” quyển 35 có viết: “Sơn trí kỳ cao, nhi vân vũ khởi diên. Thủy trí kỳ thâm, nhi giao long sinh diên. Quân tử trí kỳ đạo, nhi đức trạch lưu diên. Phu hữu âm đức giả, tất hữu dương báo. Hữu ẩn hình giả, tất hữu chiêu danh.”

Đại ý của đoạn này là, ngọn núi đạt đến một độ cao nhất định thì sẽ có mây và mưa bao phủ. Nước đạt đến một độ sâu nhất định thì sẽ có giao long xuất hiện. Người quân tử đạt được tu dưỡng đạo đức cao thượng, thì nhân đức ân huệ sẽ trải khắp bốn phương. Người âm thầm giúp đỡ người khác thì sẽ được phúc báo. Người có phẩm hạnh cao thượng thì sau này nhất định sẽ có danh tiếng.

Hành thiện là việc khó có thể dùng tiền đong đếm được, việc làm lương thiện có ảnh hưởng sâu rộng và ý nghĩa to lớn đối với sinh mệnh. Hành thiện không phải là để người khác chú ý, nhưng hành vi thiện nhất định sẽ mang đến cho người ta báo đáp và phúc trạch. Nhân đức lương thiện giúp duy trì chính nghĩa, giúp con người như được tắm trong gió xuân và cảm hóa lòng người. Gieo hạt giống lương thiện, tất sẽ nhận được hồi báo. Người xưa có câu “Vi thiện thị mỹ, hành thiện thị lạc”, “Thiên địa vô tư, vi thiện tự nhiên hoạch phúc”. Vào thời Bắc Ngụy ở Trung Quốc, có một vị đại thần nhân ái lương thiện, phẩm cách và sự lương thiện của ông đã được bách tính và hoàng đế ca ngợi, lưu danh sử sách. Chúng ta hãy cùng xem lại bức tranh lịch sử đế tìm hiểu về cuộc đời của ông.

Cao Doãn (390 – 487) là một đại thần nhà Bắc Ngụy thời kỳ Nam Bắc Triều, và cũng là một nhà văn học nổi tiếng. Ông mồ côi cha, từ nhỏ đã là người có chí khí và phong thái phi phàm, ban đầu nhậm chức quận công tào (phò tá cho châu quận trưởng). Năm Thần Gia thứ tư, Cao Doãn trở thành Trung thư tiến sỹ, rồi Trung thư thị lang, tham gia quốc ký, dạy dỗ thái tử. Sau đó Thái hậu Văn Minh ra lệnh, phong Cao Doãn làm Trung Thư lệnh, phong làm Dương Công, gia hiệu Trấn Đông tướng quân; Ông làm người phò trợ cho vua, giữ chức Chinh Tây tướng quân, thứ sử Hoài Châu. Cao Doãn trải qua năm triều đại, mất vào năm Thái Hòa thứ 11 (năm 487), hưởng dương 98 tuổi, được truy tặng các danh hiệu Thị Trung, Tư Không Công, Ký Châu Thứ Sử, tướng quân, thụy hiệu là Văn.

Cao Doãn rất tin vào Phật Pháp và nhân quả luân hồi báo ứng. Ông tích đức hành thiện, nhân ái khoan dung, vui vẻ lương thiện, chính trực thành thật, cứu người gặp nguy nan. Nhờ vậy ông sống trường thọ an khang và vinh hoa phú quý suốt cuộc đời. Khi còn sống, ông được nhân dân kính trọng, được vua tín nhiệm làm đại thần, được các triều thần tôn trọng, thanh danh của ông vang xa, nhân đức trải bốn phương. Sau khi mất, ông lại được truy tặng gia hiệu, con cháu đời sau tài đức vẹn toàn, được hưởng phú quý, và có rất nhiều người làm quan.

Sớm có chí khí, trở thành vị quan hiền tài

Mặc dù mồ côi cha nhưng từ nhỏ Cao Doãn đã là người có chí khí. Thôi Huyền Bá người Thanh Hà khi gặp ông đã thốt lên rằng: “Cao Tử tài đức ẩn chứa bên trong, tài hoa thể hiện ra bên ngoài, tất là người có chí khí lớn cả cuộc đời, tiếc là ta không được tận mắt chứng kiến.” Thời niên thiếu, sau khi ông nội qua đời, ông trao lại gia sản cho hai người em trai còn mình thì xuất gia, lấy pháp danh là Pháp Tịnh, nhưng không lâu sau thì hoàn tục. Cao Doãn yêu thích văn học và rất hiếu học, ông cắp sách đi khắp nơi để cầu học. Cao Doãn tinh thông kinh sử, thiên văn, thuật số. Ông đặc biệt yêu thích cuốn “Xuân thu Công Dương truyền”. Người trong quận gọi ông là Công Tào.

Vào năm Thần Gia thứ 3 (năm 430), chú của Ngụy Thế Tổ là Dương Bình Vương Đỗ Siêu nhậm chức đại tướng quân chinh phạt phía Nam, trấn thủ tại Nghiệp Thành, đã bổ nhiệm Cao Doãn làm Trung lang, khi đó ông đã hơn bốn mươi tuổi. Đỗ Siêu vì mùa xuân sắp đến mà các châu lại có nhiều phạm nhân không thể phán quyết hết được, nên đã dâng biểu đề cử Cao Doãn và Trung lang Lữ Hy chia về các châu, cùng nhau phán quyết việc nhà lao. Lữ Hy vì tham ô hối lộ phải chịu tội, duy chỉ có Cao Doãn nhờ thanh liêm công chính mà được khen thưởng. Sau khi mạc phủ của Đỗ Siêu tan rã, Cao Doãn trở về nhà dạy học, thu nhận hơn 1000 học viên. Năm Thần Gia thứ 4 (năm 431), ông và Lô Huyền cùng được ban chiếu, phong làm Trung thư tiến sỹ. Ông chuyển sang làm thị lang, cùng với Thái Nguyên Trương Vỹ kiêm nhiệm chức đại tướng quân, An Lạc Vương Thác Bạt Phạm làm trung lang. Thác Bạt Phạm là em trai của Thái Vũ Đế, trấn giữ ở phía Tây thành Trường An. Cao Doãn rất tận tụy phò tá An Lạc Vương nên được người nước Tần hết lời ca tụng.

Xem tiếp Phần 2


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/7/19/331159.html

Đăng ngày 3-9-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share