Vũ Tường biên tập

[MINH HUỆ 16-05-2016] “Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Trung Hoa. Trong “Kinh Lễ” có viết rằng: “Sư nghiêm, nhiên hậu đạo tôn; đạo tôn, nhiên hậu dân tri kính học” (Kính thầy thì sẽ trọng đạo; trọng đạo thì sẽ biết nỗ lực học tập). Người thầy là người truyền dạy luân lý đạo đức, tri thức, và các quan niệm giá trị, là người dạy dỗ các quy phạm hành vi đối nhân xử thế, và là tấm gương sáng về đạo đức. Biết tôn kính thầy thì sẽ biết quý trọng kiến thức được truyền dạy. Dưới đây là hai câu chuyện về người xưa tôn kính thầy giáo của mình.

Tử Du tôn sư trọng đạo

Tử Du họ Ngôn, tên Yển, tự là Tử Du. Theo “Kinh Xuân Thu”, Khổng Tử có khoảng 3.000 đệ tử, trong đó Tử Du là người duy nhất đến từ Giang Nam. Trong suốt cuộc đời, Khổng Tử lấy việc truyền thừa truyền thống văn hóa, hoằng dương đạo nghĩa cứu giúp thế nhân là nhiệm vụ của mình. Ông đã đi chu du khắp nơi, từng trải qua nhiều gian khổ, nhưng dù rơi vào nghịch cảnh nào ông cũng quyết không thay đổi ý chí của mình.

Tử Du từ nhỏ đã ngưỡng mộ đạo đức của các bậc thánh hiền. Năm 22 tuổi, Tử Du đi hàng ngàn dặm từ nước Ngô đến nước Lỗ để bái Khổng Tử làm sư. Năm đó Khổng Tử đã 67 tuổi, ông rất vui mừng nói: “Ngô môn hữu Yển, ngô đạo kì Nam” (Chúng ta có Yển tới từ tận phương Nam). Tử Du quả nhiên không phụ sự kỳ vọng của sư phụ, sau khi học xong thì quay trở về phương Nam, truyền bá văn hóa Trung Nguyên, khiến cho văn hóa Giang Nam phát triển phồn vinh.

Tử Du học tập siêng năng chuyên cần. Theo giáo huấn của Khổng Tử “Bất học Thi, vô dĩ ngôn” (Không học Kinh Thi, không biết nói năng), “Bất học Lễ, vô dĩ lập” (Không học Kinh Lễ, không biết hành xử), Tử Du chuyên tâm nỗ lực đọc sách “Kinh Thi” và “Kinh Lễ” của Khổng Tử. Cả hai cuốn sách đều là các tác phẩm kinh điển của Khổng Tử. Cuốn Kinh Lễ đàm luận về các hình thức xã hội, cũng như cách cai trị và lễ nghi được áp dụng trong suốt thời Chiến Quốc và giai đoạn đầu triều Hán. Cuốn Kinh Thi là tuyển tập các bài thơ cổ nhất trong văn học thế giới, các bài thơ trong Kinh Thi được sáng tác trong khoảng thời gian 500 năm, từ đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu, có 311 bài thơ, bao gồm ca dao, dân ca, nhã nhạc triều đình, với các tác giả thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đương thời.

Nhờ chuyên chú học hành, Tử Du càng ngày càng lý giải thâm sâu hơn và hoàn thiện hơn về trung, hiếu, nhân, nghĩa. Cùng với việc nghiên cứu lý luận, ông còn tận lực áp dụng những điều đã học được vào mọi tình huống và hoàn cảnh. Ông đã trở thành một trong mười đệ tử xuất sắc nhất của Khổng Tử.

Khổng Tử đã khen ngợi Tử Du: “Muốn có năng lực, ắt phải học tập. Muốn có tri thức, ắt phải vấn hỏi. Muốn hành thiện sự, ắt phải tỏ tường. Muốn được no đủ, ắt phải dự liệu. Đã tin thế rồi, thì liền thực hành. Yển đã làm được như thế rồi.”

Không lâu sau, Tử Du nhậm chức huyện lệnh Vũ Thành ở Lỗ quốc. Khi đương chức, ông thời thời khắc khắc không quên giáo huấn của Khổng Tử, lấy nhân ái để cai quản Vũ Thành, nên được bách tính vô cùng yêu mến và kính trọng.

Một ngày kia, Khổng Tử mang theo một số đệ tử tới thăm Vũ Thành. Khắp nơi khắp chốn trong thành ông đều nghe thấy âm thanh diễn xướng thi ca và tiếng nhạc diễn tấu của đàn cầm đàn sắt. Khi Tử Du ra nghênh tiếp, Khổng Tử đã cười và nói: “Cai quản Vũ Thành, ngươi cũng dùng lễ nhạc để giáo hóa dân chúng ư?” Tử Du cung kính hồi đáp: “Người đã dạy con rằng quân tử học đạo phải biết thương dân, con đã theo gót Người học tập lễ nhạc cũng như phương pháp để cảm hóa lòng người, đương nhiên con cần phải ứng dụng những điều đó vào thực tiễn.” Tử Du đề xướng giáo dục, lấy nhạc để giáo hóa dân chúng, lấy đức để thu phục lòng người; lối sống của dân chúng trở nên thuần hậu chất phác, bách tính an cư lạc nghiệp, nhân tài liên tiếp xuất hiện.

Tử Du lấy ý nguyện của sư phụ làm ý chí của chính mình, ông không ngừng hoằng đạo tế thế, còn đề xướng phong trào lễ nhạc. Sau khi Khổng Tử tạ thế, Tử Du cùng một số đồng môn khác đã biên soạn cuốn “Luận Ngữ”, ghi chép lại các câu chuyện, ngôn luận, học thuyết và tư tưởng của Khổng Tử. Sau này Tử Du từ quan đến Đông Hải mở trường dạy học, dạy dỗ học trò và bồi dưỡng nhân tài. Các vùng ven biển đều có thể nghe thấy âm thanh của lễ nhạc.

Hán Minh Đế kính sư

Hán Quang Vũ Đế, Hoàng đế đầu tiên của nhà Đông Hán, muốn tuyển chọn một người có phẩm cách đạo đức cao thượng và thông hiểu kinh thư làm thầy dạy học cho Thái tử Lưu Trang. Hổ bí Trung lang tướng Hà Thang đã tiến cử người thầy của mình là Hoàn Vinh. Trước đó Hoàn Vinh đã lập một trường dạy học ở khu vực sông Hoài, ông có học thức uyên bác, tính tình chính trực ngay thẳng.

Ngày đầu tiên lão sư nhập Triều, Hà Thang thuận tiện nhắc nhở ông: “Nghiên cứu học vấn và làm quan là tuyệt nhiên không giống nhau. Học giả coi trọng nguyên tắc và chú trọng tiểu tiết; nhưng làm quan thì cần phải châm chước và linh hoạt. Lão sư có được cơ hội này, xin đừng quá cố chấp. Tuy rằng Hoàng thượng là một minh quân, nhưng cũng thích nghe những lời nịnh nọt vừa tai. Đối với Thái tử lại càng không thể đắc tội, lão sư không nên quá nghiêm khắc với Thái tử.”

Hoàn Vinh nghe vậy không vui mà nói rằng: “Ngươi là học trò của ta, lẽ nào vẫn không liễu giải được người thầy của ngươi? Ta làm thầy một đời nghiên cứu học vấn, ái mộ đạo đức của các bậc quân tử, không màng tới quan tước. Hiện nay thiên hạ đại trị, Thiên tử anh minh sáng suốt, nên ta mới theo lời triệu mời. Ngươi làm quan chưa lâu đã học được thủ đoạn xu nịnh trên chốn quan trường, lại còn muốn chỉ bảo ta, ta thực sự cảm thấy tiếc cho ngươi!”

Sau đó Hoàn Vinh liền từ quan, nhưng Quang Vũ Đế không chấp thuận. Sau khi nói chuyện với Hoàn Vinh, Quang Vũ Đế đã liên tục khen ngợi quan điểm và cách hành xử của ông.

Thái tử Lưu Trang học tập “Thượng Thư” và các tác phẩm kinh điển từ Hoàn Vinh, và nhất mực tôn kính người thầy của mình. Sau chín năm được Hoàn Vinh dốc lòng dốc sức dạy dỗ, Lưu Trang đã trở thành một trong những học giả xuất sắc nhất lúc đương thời.

Khi Thái tử đã hoàn thành việc học hành, học vấn tinh thông, trong lòng Hoàn Vinh rất vui mừng, nhưng lại khước từ chức vị Thái tử Sư phó. Ông đã nhiều lần dâng sớ lên Hoàng thượng nói: “Thần may mắn được ở trong Hoàng cung dạy học cho Thái tử trong những năm qua, tuy nhiên kiến thức và học vấn vẫn còn nông cạn và khiếm khuyết, muôn phần không có ích lợi gì. Hiện nay Thái tử đã tinh thông Kinh nghĩa, tư chất thông minh sáng suốt, đó chính là phúc lớn của quốc gia, là hạnh vận của thiên hạ. Thần nên từ quan trở về.”

Có người khuyên ông không nên từ chức, họ nói: “Là thầy dạy học của Thái tử, điều này đã thật là vinh diệu. Đến ngày Thái tử đăng cơ, vinh hoa phú quý càng không thể đo lường được. Người khác có muốn cũng không được, tại sao ông lại xem nhẹ nó như thế?” Hoàn Vinh trả lời: “Nếu nghĩ như ông, ta làm sao có năng lực làm thầy của Thái tử đây? Chính là vì chức này quá vinh sủng, ta mới không dám nhận.”

Thái tử Lưu Trang sau này lên ngôi, là Hán Minh Đế. Hán Minh Đế hết sức kính trọng Hoàn Vinh. Hoàng đế từng đích thân đến Thái thường phủ, thỉnh mời Hoàn Vinh ngồi ở hướng Đông, thiết trí bày biện như ngày Hoàn Vinh dạy Thái tử học năm xưa, để được nghe thầy chỉ giáo. Hán Minh Đế còn triệu mấy trăm quan lại cùng với mấy trăm người từng là học trò của Hoàn Vinh đến Thái thường phủ, hướng lên Hoàn Vinh hành lễ đệ tử. Khi Hoàn Vinh sinh bệnh, Hán Minh Đế đích thân đến thăm viếng. Mỗi lần đến thăm lão sư, khi sắp đến nơi Hoàng đế đều xuống khỏi xe ngựa, đi bộ tới trước nhà Hoàn Vinh, tỏ lòng tôn kính. Hoàn Vinh qua đời, Hán Minh Đế tự mình mặc tang phục mà dự tang lễ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/5/16/328801.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/6/6/157307.html

Đăng ngày 2-7-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share