Thái Sơn biên tập

[MINH HUỆ 20-7-2016]

Tiếp theo Phần 1

Khuyên can hoàng đế tạo phúc cho dân

Thái Vũ Đế đã từng gọi Cao Doãn đến để cùng bàn việc chính sự, lời nói của Cao Doãn rất được Thái Vũ Đế coi trọng. Thái Vũ Đế hỏi Cao Doãn rằng: “Chính sự có trăm công nghìn việc, vậy thì việc gì là quan trọng nhất?” Khi đó, nước Ngụy đang có lệnh cấm việc lương điền, kinh thành có rất nhiều du dân. Vì vậy Cao Doãn đã thưa rằng: “Thần thưở nhỏ nghèo khó, vốn chỉ biết về việc ruộng nương, xin bệ hạ cho thần nói về việc này. Cổ nhân có câu: trong bán kính một dặm có thể làm ba cánh đồng bảy mươi mẫu, thế thì một trăm dặm sẽ có ba mươi bảy nghìn cánh đồng. Nếu người nông dân chăm chỉ canh tác, thì mỗi mẫu có thể tăng lương ba đấu gạo, không chăm chỉ thì sẽ tổn thất ba đấu. Tổng cộng một trăm dặm sẽ làm ra được 222 vạn đấu gạo, huống hồ thiên hạ rộng lớn thế này? Nếu khắp nơi đều có lương thực dự trữ, thì cho dù có gặp phải nạn đói thì có gì phải lo lắng nữa?” Nghe lời tấu của ông, Thái Vũ Đế liền bãi bỏ lệnh cấm điền, giao lại toàn bộ ruộng đất cho người dân.

Một vị quan trong triều là Quách Thiện Minh, tính cách rất khôn lỏi, luôn muốn thể hiện tài năng của bản thân, khuyên Văn Thành Đế xây dựng cung điện. Cao Doãn liền khuyên can rằng: “Thần nghe nói Thái Tổ Đạo Vũ Hoàng đế sau khi bình định thiên hạ mới bắt đầu tu sửa kinh đô. Mặc dù đã có thiết kế trong tay rồi, nhưng vì không phải mùa nông nhàn nên nhất quyết không khởi công. Hiện nay việc kiến quốc đã từ rất lâu nên cung điện cũng đã hoàn tất. Tiền điện Vĩnh An có thể dùng để tiếp đón triều thần các nước, ôn thất của Tây Đường cũng có thể dùng làm phòng nghỉ ngơi cho Thánh thượng, cao đài ở Tử Lầu có thể dùng để quan sát xa gần. Nếu muốn tu sửa cho cung thất tráng lệ hơn, thì cũng cần chuẩn bị từ từ, không thể vội vàng hấp tấp. Tính ra vận chuyển vật liệu và các loại tạp dịch cũng cần đến hơn hai mươi nghìn người, thanh niên trai tráng lao động, người già trẻ nhỏ phục vụ cơm nước, tổng cộng là bốn vạn người làm việc trong vòng nửa năm mới có thể hoàn thành. Cổ nhân có câu: Một người không cày thì sẽ có người phải nhịn đói, một người không dệt vải thì sẽ có người bị lạnh. Huống hồ là hàng vạn người dân không thể trồng trọt dệt vải, quả thực sẽ hao phí quá nhiều. Từ việc xưa mà luận ra việc nay tất nhiên chỉ có ý tham khảo, kính mong Hoàng thượng suy xét kỹ lưỡng.” Văn Thành Đế nghe xong rất tâm đắc liền chấp nhận ý kiến của ông.

Chính trực thành thật thoát khỏi đại nạn, trượng phu trực ngôn cứu hàng nghìn mạng người

Năm Thái Bình Chân Quân thứ 11 (năm 450), Thôi Hạo vì viết “Quốc ký” mạo phạm hoàng tộc nên đã bị giam vào nhà lao, Cao Doãn cũng tham gia vào việc viết sử. Thác Bạt Hoảng sai thị lang Đông Cung gọi Cao Doãn vào ở lại trong cung. Đến ngày thứ hai, Thác Bạt Hoảng vào điện tâu với Thái Vũ Đế, lệnh cho Cao Doãn đi theo. Trước khi vào, Thác Bạt Hoảng nói với Cao Doãn: “Khi vào gặp Hoàng thượng, ta sẽ đi cùng ông, nếu hoàng thượng có hỏi gì ông thì ông hãy trả lời như ta đã dặn.” Cao Doãn hỏi: “Tại sao lại thế?” Thác Bạt Hoảng trả lời: “Ông cứ vào rồi sẽ rõ.” Khi vào gặp Thái Vũ Đế, Thác Bạt Hoảng thưa: “Trung thư Thị lang Cao Doãn ở trong cung của thần, thần và ông ta ở cùng nhau đã lâu, Cao Doãn là người cẩn thận, thần rất hiểu ông ta. Mặc dù làm cùng với Thôi Hạo nhưng ông ta thân phận nhỏ bé, chỉ làm theo lệnh của Thôi Hạo. Thần xin bệ hạ khoan nhượng cho tính mạng của ông ấy. Thái Vũ Đế hỏi Cao Doãn: “’Quốc ký’ đều do Thôi Hạo viết có phải không?” Cao Doãn trả lời: “’Thái Tổ Ký’ là do Trịnh Uyên viết. ‘Tiên đế ký’ và ‘Lệnh ký’ là do thần và Thôi Hạo cùng viết. Nhưng Thôi Hạo bận việc chính sự, chỉ là người tổng biên tập mà thôi. Còn về chi tiết thì vi thần viết nhiều hơn Thôi Hạo.” Thái Vũ Đế tức giận nói: “Tội của ngươi còn nặng hơn cả Thôi Hạo, sao có thể tha tội chết được!” Thác Bạt Hoảng nói: “Thiên uy nghiêm trọng, Cao Doãn là quan nhỏ, nhất thời nói năng hồ đồ. Lúc trước khi thần hỏi ông ta thì ông ta nói là do Thôi Hạo viết.” Thái Vũ Đế liền hỏi Cao Doãn: “Chân tướng Đông cung thái tử nói là như thế nào?” Cao Doãn trả lời: “Vi thần tài hèn sức mọn, tham gia vào quốc ký, phạm phải thiên uy, tội đáng bị diệt tộc, hôm nay đã gần chết rồi, thần tuyệt đối không dám dối trá. Điện hạ vì nể tình thần đã dạy học cho điện hạ nên muốn cứu thần. Nếu Hoàng thượng không hỏi thì thần cũng không nói những lời này. Hoàng thượng đã hỏi thì thần xin trả lời thành thật, không dám làm càn.”

Thái Vũ Đế liền nói với Thác Bạt Hoảng: “Đúng vậy, đây là chỗ khó của cái tình, mà ngươi có thể gần chết mà không thay đổi, điều này còn khó hơn! Hơn nữa dĩ thực vi quân, quả là một bậc trung thần. Vì những lời vừa rồi của ngươi, trẫm cũng nên tha cho người có tội, khoan dung cho ngươi.” Thế là Cao Doãn được miễn tội. Sau đó Hoàng thượng lại gọi Thôi Hạo đến, cho người tra hỏi ông ta. Thôi Hạo hoảng sợ không thể trả lời. Cao Doãn trình bày hết tất cả mọi việc một cách rõ ràng, có tình có lý. Khi đó Thái Vũ Đế vô cùng tức giận, lệnh cho Cao Doãn viết chiếu thư, tất cả các chức vụ từ Thôi Hạo trở xuống 128 người đều bị tru di ngũ tộc. Cao Doãn chần chừ không viết, Thái Vũ Đế liên tục giục giã. Cao Doãn lại xin được gặp Hoàng thượng, sau đó mới viết chiếu thư. Thái Vũ Đế cho gọi Cao Doãn, ông nói: “Thôi Hạo phạm tội tày đình, nếu còn có tội khác thì thần không rõ. Nhưng nếu chỉ có một tội này, thì thần nghĩ không đến nỗi phải giết.” Thái Vũ Đế tức giận, sai người trói ông lại. Thác Bạt Hoảng lại xin cầu kiến. Thái Vũ Đế nói: “Nếu không có những lời này của ngươi thì đã có hàng nghìn người chết.” Cuối cùng Thôi Hạo vẫn bị tru di ngũ tộc, còn những người khác chỉ bị xử tử (ý là không bị tru di ngũ tộc). Một vị quan trước khi bị tử hình nói: “Cao Doãn nhân từ đức độ, quả là bậc thánh nhân!”

Về sau Thác Bạt Hoảng trách Cao Doãn: “Làm người thì nên biết tận dụng thời cơ, biết là không có lợi mà vẫn làm, vậy thì học thức còn có tác dụng gì nữa? Lúc đó, ta ở bên cạnh ngươi, tại sao ngươi không thuận theo ý ta, để Hoàng thượng phẫn nộ đến vậy. Bây giờ ta nghĩ lại vẫn cảm thấy rùng mình.” Cao Doãn nói: “Vi thần vốn là một thư sinh bình thường dân dã, không có ham muốn làm quan. Thần may mắn được triều đình trọng dụng và ban cho bổng lộc làm quan. Sách sử đều là ghi chép thật về các đế vương, là vật báu của tương lai, thông qua sử sách người hiện tại có thể nhìn vào, người đời sau xem lại học hỏi. Nhất cử nhất động đều phải ghi chép lại, vì vậy nhân quân phải luôn luôn thận trọng. Nhưng Thôi Hạo được triều đình đãi ngộ mà lại phụ thánh ân, tự đi vào con đường chết.” “Thôi Hạo ỷ vào tài của mình, tư dục đã nhấn chìm sự liêm khiết công chính của ông ấy, cái tình đã cản trở trái tim công lý của ông ấy, đó là tội của Thôi Hạo. Còn về việc sách viết về cuộc sống thường ngày trong triều đình, việc được mất của quốc gia, đây cũng là cách viết thông thường của sử sách, không có gì là mưu phản. Nhưng vi thần và Thôi Hạo vốn cùng viết sử sách, sống chết vẫn phải giữ danh dự. Có được ngày hôm nay cũng là nhờ điện hạ nhân từ quảng đại, không phải là bổn ý ban đầu của vi thần.” Thác Bạt Hoảng nghe xong liền thay đổi nét mặt, không ngớt lời khen ngợi Cao Doãn.

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/7/20/331544.html

Đăng ngày 4-9-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share