Bài viết của phóng viên Minh Huệ từ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

Tóm tắt các sự kiện chính của vụ bức hại:

Họ và tên: Khương Hồng Lộc (姜洪禄)
Giới tính: Nam
Tuổi: Không rõ
Địa chỉ: Huyện Thái Bình, thành phố Mật Sơn
Nghề nghiệp: Cựu công nhân của trạm quản lý đường bộ phân khu Thái Bình, thành phố Mật Sơn
Ngày bị bắt gần đây nhất: Ngày 12 tháng 02 năm 2002
Nơi bị giam gần đây nhất: Nhà tù Mẫu Đơn Giang (牡丹江监狱)
Thành phố: Mẫu Đơn Giang
Tỉnh: Hắc Long Giang
Hình thức bức hại: Cầm tù, lục soát nhà, thẩm vấn, đánh đập, kết án phi pháp, biệt giam, huỷ hoại thân thể, cấm ngủ, tra tấn, tẩy não

[MINH HUỆ 16-07-2013]

Vào ngày 12 tháng 02 năm 2002, ông Khương Hồng Lộc, một học viên Pháp Luân Công đến từ thành phố Mật Sơn đã bị cảnh sát Mạnh Khánh Khải bắn. Sau đó ông bị tuyên án 14 năm tù. Ông bị giam ở nhà tù Cáp Đạt tại thành phố Kê Tây và sau đó là nhà tù Mẫu Đơn Giang. Ông đã được thả vào tháng 08 năm 2010.

Ông Khương làm việc tại trạm quản lý đường bộ phân khu Thái Bình, thành phố Mật Sơn. Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu ngày 20 tháng 07 năm 1999, ông đã công khai thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và đã bị nhân viên cảnh sát tên là Mạnh Khánh Khải đến từ văn phòng cảnh sát Mật Sơn bắn. Chân trái ông đã bị gãy. Ông còn bị đá thô bạo đến nỗi con ngươi của ông lồi ra khỏi hốc mắt. Ông đã bị kết án tù một lần, bị kết án lao động cưỡng bức một lần và bị bắt giữ hai lần.

Bị bắt và bị phạt

Ông Khương Hồng Lộc cùng vợ và con trai đã lên tàu tới Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 07 năm 1999 để phản đối bức hại. Khi đến quảng trường Thiên An Môn họ đã bị các nhân viên cảnh sát bắt lên xe ô tô và đưa tới nhà ga. Sau đó họ bị áp giải trở lại thành phố Mật Sơn và bị giam giữ tại đồn cảnh sát thị trấn Song Thắng.

Các nhân viên cảnh sát tên là Mạnh Khánh Khải và Đỗ Vĩnh Sơn đến từ văn phòng cảnh sát thành phố Mật Sơn chịu trách nhiệm trong việc bức hại. Những nhân viên này nói với ông Khương cùng gia đình ông rằng nếu họ đồng ý ký vào bản tuyên bố bất tu luyện Pháp Luân Công thì họ sẽ được thả.

Cả ba người họ đều từ chối ký tên. Mạnh Khánh Khải và Đỗ Vĩnh Sơn đã bắt họ hàng của ông Khương đến đồn cảnh sát để gặp họ. Họ hàng của ông đã ký thay ông Khương. Khi trở về nhà, ông vẫn quyết định tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vì ông tin chắc rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt.

Mạnh Khánh Khải và Đỗ Vĩnh Sơn đã đột nhập rồi lục soát nhà ông Khương vào ngày 16 tháng 10 năm 1999. Họ tịch thu các sách Đại Pháp, một máy ghi âm, đầu đĩa và các đồ dùng cá nhân khác. Ông Khương cùng vợ bị bắt vào trung tâm giam giữ trong một tháng, tại đó họ bị tra tấn bởi các lính canh và tù nhân.

Vào ngày 03 tháng 12 năm 1999 ông Khương lại đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Ông đã bị giam tại trung tâm giam giữ Mật Sơn vào ngày 18 tháng 12. Tại đó, Đỗ Vĩnh Sơn bắt ông cởi quần và dùng thắt lưng đánh vào phần dưới cơ thể ông. Mông và đùi ông đã bị thâm tím.

Tái hiện tra tấn: Đánh bằng roi

Sau khi bị giam cầm tại trung tâm giam giữ 13 ngày, ông Khương đã bị kết án ba năm lao động cưỡng bức. Vào ngày 31 tháng 12 năm 1999 ông bị chuyển tới trại lao động cưỡng bức thành phố Kê Tây. Lính canh Vương Hồng Võ dùng dùi cui đánh ông rất dã man và lính canh Lâm Vĩnh Quân đấm đá ông một cách tàn nhẫn. Lính canh còn xúi giục các tù nhân khác tham gia tra tấn ông. Sau khi ông Khương chịu đựng một năm ba tháng trong trại lao động cưỡng bức, gia đình đã tới thăm ông vào ngày 25 tháng 03 năm 2001, họ thay mặt ông ký vào bản cam kết và ông đã được thả.

Bị bắn bởi cảnh sát rồi bị kết án 14 năm

Ông Khương ra ngoài để giảng chân tướng vào mùng Một Tết Nguyên đán năm 2002 (tức ngày 12 tháng 02). Ông đã bị Mạnh Khánh Khải bắn vào chân trái. Viên đạn làm gẫy xương chân trái ông. Khi ông ngã xuống, Mạnh Khánh Khải và Đỗ Vĩnh Sơn đã chạy tới và đá vào đầu ông làm mắt ông bị lồi ra. Họ bắt ông tới đồn cảnh sát thị trấn Song Thắng ở thành phố Mật Sơn và quăng ông xuống nền nhà. Máu ông chảy khắp nơi, gồm cả trên xe ô tô và nền nhà.

Sợ ông Khương có thể chết tại đồn cảnh sát, các viên cảnh sát đã đưa ông tới bệnh viện, còng tay ông vào giường và để bác sĩ đẩy con ngươi của ông trở lại vào trong hốc mắt. Ông đã không được nhận thêm bất kỳ sự điều trị nào khác và gia đình ông không được phép thăm ông.

Họ đã đưa ông cùng với một tấm đệm quay trở lại trung tâm giam giữ, đầu ông được che bởi một cái chăn. Khi họ lái xe ra khỏi cổng bệnh viện, một số người hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra với ông ấy vậy?” Phó phòng cảnh sát Lưu Cầm đã nói dối rằng: “Ông ấy bị cảm lạnh.”

Khoảng ngày 23 tháng 10 năm 2002, tòa án thành phố Mật Sơn đã đưa ông Khương ra xét xử. Trong phiên tòa, Mạnh Khánh Khải đã nói dối rằng anh ta bắn ông Khương do ông Khương đã tấn công anh ta trước. Ông Khương kiên quyết phủ nhận lời buộc này tuy nhiên tòa án Mật Sơn vẫn kết án ông 14 năm tù giam. Cảnh sát tòa án, người đã đưa ông Khương đến trung tâm giam giữ có quan hệ với Mạnh Khánh Khải. Anh ta đã đánh vào đầu ông Khương trên suốt quãng đường từ nhà xử án đến trung tâm giam giữ.

Ông Khương kháng án lên tòa án trung cấp thành phố Kê Tây nhưng bị từ chối. Ông bị giữ trong đội tập huấn toàn diện của nhà tù Cáp Đạt thành phố Kê Tây. Vì bị run và không có khả năng chạy nên ông bị bắt đứng hơn hai tiếng đồng hồ mỗi lần. Khi trở về xà lim, ông bị bắt đọc thuộc lòng các quy định nhà tù. Vì não bị ảnh hưởng do các cú đánh vào đầu gây ra bởi Mạnh Khánh Khải nên ông không thể đọc bất cứ điều gì. Lính canh đã ra lệnh cho các tù nhân hình sự tra tấn ông.

Hai tháng sau, ông bị chuyển từ nhà tù Cáp Đạt đến đội tập huấn toàn diện của nhà tù Mẫu Đơn Giang. Lính canh Lý Phúc Thành ra lệnh cho ông quét sàn của nhà xưởng mỗi ngày và lính canh Lâm Vĩnh Minh sắp xếp một số tù nhân để giám sát ông.

Một tháng trước Tết Nguyên đán 2004, đại đội trưởng Uông Vĩ tới nói chuyện với ông Khương và bảo ông viết “bốn tuyên bố” (từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công). Ông Khương từ chối và nói rằng toàn bộ gia đình ông được hưởng lợi từ việc tu luyện Đại Pháp. Uông Vĩ nói rằng anh ta chỉ hành động theo chỉ thị của cấp trên.

Một ngày, lính canh không cho các học viên bị bắt giam đến xưởng làm việc. Thay vào đó họ cố gắng bắt các học viên viết cam kết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Ông Khương đã từ chối viết bất cứ điều gì.

Lính canh liền sai các tù nhân Bành Bảo Hoa, Phó Quân và Triệu Mê Hồ đánh đập ông tàn nhẫn. Họ đã không ngừng tay cho đến khi ông Khương bị nôn mửa. Lính canh Lâm Vĩnh Minh nhốt ông Khương trong một xà lim nhỏ, còng tay ông và bắt ông đeo cái cùm nặng gần 20 cân. Các lính canh sau đó đã cố gắng bắt ông viết bốn tuyên bố.

Mười lăm ngày sau, chỉ một tuần trước Tết, ông được đưa ra khỏi xà lim nhỏ. Tuy nhiên, sau Tết, ông lại bị đưa vào xà lim nhỏ thêm hai tuần nữa. Khi được đưa ra ngoài, ông không thể đứng thẳng và luôn nghiêng người sang một bên.


Tái hiện tra tấn: Xuyên kim

Ông Khương trở nên không nói được vào ngày 06 tháng 06 năm 2008. Nhà tù đã phát động một đợt tra tấn mới trong tháng 10 năm 2009 và yêu cầu tất cả các bộ phận đạt đến tỉ lệ 75% hoặc hơn trong việc “chuyển hóa”. Ông Khương vẫn từ chối không hợp tác vì vậy ông bị cấm ngủ.

Vào ngày 01 tháng 05 năm 2010, ông Khương đã đệ đơn yêu cầu tạm tha để điều trị y tế. Lính canh nhân cơ hội này bắt ông viết bốn tuyên bố. Họ lừa dối ông bằng cách nói: “Nếu ông viết, ông sẽ được thả trong vòng chưa đầy một tháng.” Một tù nhân nói với ông: “Nếu ông viết, họ sẽ kiếm được rất nhiều tiền.Các lính canh, trưởng phòng, tất cả sẽ kiếm được tối thiểu là 10.000 nhân dân tệ tùy theo cấp bậc của họ.”

Vợ và em gái ông Khương bắt đầu sống ở thành phố Mẫu Đơn Giang từ tháng 05 năm 2010. Cứ hai hoặc ba ngày là họ lại tới nhà tù để yêu cầu thả ông Khương.

Ông Khương Hồng Lộc đã được thả vào ngày 10 tháng 08 năm 2010, chỉ 3 tháng sau khi vợ và em gái sống ở thành phố Mẫu Đơn Giang.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/7/16/姜洪禄被枪击后遭判刑迫害的经历-276679.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/9/14/141998.html

Đăng ngày 10-11-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share