Bài của phóng viên Minh Huệ Lý Tuệ Dung 

[MINH HUỆ 23 – 06 – 2012] Khi ông Chung Đỉnh Bang, một công dân Đài Loan và Giám đốc Công ty Công nghệ cao Tân Trúc, gần đây đi thăm họ hàng ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, ông đã không trở về nhà. Ông Chung, người tập Pháp Luân Công, đã bị bắt bởi công an của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại sân bay Cống Châu trên đường trở về Đài Loan. Gia đình ông không biết ông đang ở đâu. Ngày 22 tháng 06, năm 2012, gia đình của ông Chung, cùng với các Ủy viên Hội đồng Lập pháp Trịnh Lệ Quân, Vưu Mỹ Nữ, và Chủ tịch Hoàng Côn Huy, đã tổ chức một cuộc họp báo kêu gọi Chính phủ Đài Loan giải cứu ông Chung, và thúc giục chế độ Cộng sản Trung Quốc thả ông ngay lập tức và vô điều kiện.

Một cuộc họp báo đã được tổ chức vào sáng ngày 22 tháng 06 năm 2012 tại Hội đồng Lập pháp, kêu gọi Chính phủ Đài Loan giải cứu ông Chung Đỉnh Bang, người đã bị bắt bất hợp pháp bởi công an ĐCSTQ. Con gái của ông Chung (đầu tiên từ trái sang), vợ (thứ hai từ trái), mẹ của ông (thứ ba từ trái sang), Chủ tịch Phật học hội Pháp Luân Đại Pháp Đài Loan Trương Thanh Khê (thứ hai từ phải) và phát ngôn viên Chu Uyển Kỳ của Nhóm Nhân quyền Pháp Luân Công Đài Loan (đầu tiên từ bên phải), đã tham gia buổi họp báo. 

Vợ của ông Chung cho biết: “Chồng tôi lên kế hoạch quay trở lại Đài Loan vào ngày 18 tháng 06. Sau khi họ hàng của ông tiễn ông tại sân bay Cống Châu, ông đã không liên lạc với gia đình tại Đài Loan. Họ hàng của ông tìm kiếm ông thông qua nhiều mối liên lạc khác nhau và biết được rằng ông đã bị bắt đi bởi công an địa phương. Lý do ông bị giam giữ bất hợp pháp là vì ông cần phải ‘hỗ trợ trong việc điều tra Pháp Luân Công.'” 

Ông Chung, 53 tuổi, có bằng thạc sĩ Kỹ thuật điều khiển tại Đại học Giao thông Quốc gia. Ông có một con trai và một con gái. Cha ông là một cựu chiến binh đã di cư sang Đài Loan vào năm 1949. Ông Chung có hai người anh em cùng cha khác mẹ ở Trung Quốc, và thường chu cấp cho họ. Ông đã tập luyện Pháp Luân Công trong nhiều năm. Lần cuối cùng ông đến thăm Trung Quốc là vào năm 2007.

Mẹ của ông Chung nói tại buổi họp báo: “Pháp Luân Đại Pháp là rất tốt. ĐCSTQ không nên bức hại Pháp Luân Công. Hãy thả con trai của tôi càng sớm càng tốt.” Con gái của ông Chung tốt nghiệp Đại học Đài Loan năm nay. Cô đã đăng một lời kêu khẩn cấp trên trang Facebook của mình: “Cha tôi đã gặp phải rắc rối. Chính phủ Đài Loan phải giúp chúng tôi thúc giục ĐCSTQ phóng thích ông ấy.”

Yêu cầu Chính phủ giải cứu ông Chung Đỉnh Bang

Ủy viên Hội đồng Lập pháp Trịnh Lệ Quân cho biết: “Hãy trả tự do cho ông Chung Đỉnh Bang ngay lập tức. Chúng tôi kêu gọi chính phủ của chúng ta giải cứu ông Chung bằng mọi biện pháp có thể.” Cô nói rằng trước khi ông Chung bị bắt, vụ giam giữ học viên Pháp Luân Công Lâm Hiểu Khải ở Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của Văn phòng Tổng thống. “Chúng tôi đã gọi đến Văn phòng Tổng thống để làm mọi việc có thể để ông Chung được trả tự do và có thể đoàn tụ với gia đình tại Đài Loan.”

Ủy viên Hội đồng Lập pháp Vưu Mỹ Nữ lưu ý rằng chính phủ hai bên eo biển đã ký Hiệp định Chống tội phạm và tương trợ Tư pháp ở khu vực eo biển chung. Thỏa thuận này nói rằng khi một người từ phía bên kia bị giam giữ, chính phủ của người đó phải được thông báo một cách kịp thời.

Chủ tịch Hội đồng lập pháp Hoàng Côn Huy cho biết rằng vụ bắt giữ ông Chung của ĐCSTQ là vi phạm nhân quyền. Vụ bắt giữ cũng là bằng chứng rõ ràng rằng ĐCSTQ đã thâm nhập, do thám và thu thập thông tin từ Đài Loan. Ông kêu gọi Chính phủ Đài Loan hỗ trợ để ông Chung được an toàn tự do.

Lại Trung Cường, người chủ trì Liên minh Hiệp nghị hai bờ eo biển, nhấn mạnh rằng Trung Quốc không có bộ máy tư pháp độc lập, và cảnh sát có thể giam giữ bất cứ ai theo ý muốn. Đây là cách chủ yếu mà cuộc bức hại Pháp Luân Công được thực hiện. Ông Lại nói rằng trong thực tế, Ủy ban Chính trị và Pháp luật là nguyên nhân gốc rễ của nhiều vụ vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Chỉ đến khi nào Ủy ban Chính trị và Pháp luật bị giải tán, thì mới có hệ thống tư pháp công bằng. Ông Lại nói:  “Chính phủ [Đài Loan] nên ngay lập tức tiến tới đàm phán về việc phóng thích ông Chung càng sớm càng tốt. Nếu không Liên minh của chúng tôi và các nhóm dân sự sẽ phát động một chiến dịch để thu hút sự chú ý đến các trường hợp quyền tự do cá nhân của người dân Đài Loan bị vi phạm ở đại lục “.

Mã Thiệu Chương, Phó Tổng thư ký của Quỹ Trao đổi qua eo biển, nhận được kiến ​​nghị từ gia đình ông Chung vào buổi sáng ngày 19 tháng 06. Ông nói rằng trong cùng ngày, Quỹ đã gửi một bức thư cho Hiệp hội Quan hệ qua eo biển của Trung Quốc, và yêu cầu các quan chức đại lục hỗ trợ. Các thành viên trong gia đình của ông Chung gọi một lần nữa vào tối ngày 20 tháng 06 và nói rằng vụ giam giữ ông Chung bị nghi ngờ là có liên quan đến Pháp Luân Công. Quỹ Trao đổi qua eo biển sau đó đã gửi một bức thư cho Bộ Tư pháp và Cục Điều tra hình sự với hy vọng rằng vấn đề sẽ được giải quyết thông qua Hiệp nghị Chống tội phạm và tương trợ Tư pháp hai bờ eo biển.

Chế độ Cộng sản Trung Quốc đã không ra thông báo về bất kỳ vụ giam giữ nào cho đến năm ngày sau vụ bắt giữ ông Chung. Hội đồng Quan hệ với Đại lục tại Đài Loan cho biết các cơ quan đại lục phải xem xét vấn đề một cách nghiêm túc, và tôn trọng các giá trị phổ quát về quyền tự do ngôn luận và các quyền cơ bản của con người. Hội đồng sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và cung cấp cho gia đình sự hỗ trợ cần thiết.

Phát ngôn viên Chu Uyển Kỳ của Nhóm Nhân quyền Pháp Luân Công Đài Loan cho biết: “Theo tin tức mới nhất, Phòng công an tại Cống Châu, Giang Tây chỉ ra rằng Cục An ninh Quốc gia và Phòng 610 phụ trách trường hợp của ông Chung. Pháp Luân Công và Nhóm Nhân quyền Pháp Luân Công sẽ đưa những thủ phạm của  Cục An ninh Quốc gia và Phòng 610 dưới sự kiểm soát của Uỷ ban Chính trị và Luật pháp ĐCSTQ ra công lý.”

Giáo sư Trương Thanh Khê, Chủ tịch Phật Học Hội Pháp Luân Đại Pháp Đài Loan, kêu gọi chính quyền Trung Quốc phóng thích ông Chung ngay lập tức và vô điều kiện, và đảm bảo rằng họ sẽ chấm dứt bất kỳ vụ giam giữ bất hợp pháp các công dân tuân thủ pháp luật nào trong tương lai.

Danh sách các học viên Pháp Luân Công Đài Loan bị bức hại khi sang thăm Trung Quốc (1998 – 2009)

Thiệu Ngọc Hoa, nữ, đã đến Hà Nam để thăm họ hàng vào cuối tháng 07 năm 2009. Khi cô đi ra ngoài vào ngày 31 tháng 07, nhân viên Cục An ninh Quốc gia đã đưa cô đi. Cô đã phải chịu chiến thuật tẩy não khắc nghiệt, bao gồm cả việc không cho ngủ.

Lý Hâm Cúc, nữ, đã  đến Nam Xương, tỉnh Giang Tây để thăm thân nhân vào ngày 29 tháng 01 năm 2004. Nhân viên từ Cục An ninh Quốc gia Nam Xương đã giam giữ trái phép cô 96 giờ. Cô đã bị thẩm vấn vô nhân đạo, bao gồm cả khám xét cởi quần áo. Nhân viên Cục An ninh Quốc gia đã cố gắng dọa dẫm cô Lý để cô trở thành gián điệp và thu thập thông tin về Pháp Luân Công tại Đài Loan và khắp nơi trên thế giới, và thông báo cho họ về cuộc bầu cử của Đài Loan. Cô đã bị ép ký vào “đơn thú tội.”

Lâm Hiểu Khải, nam, đã đi đến Thượng Hải để thăm các học viên Pháp Luân Công vào ngày 29 tháng 09 năm 2003. Vào ngày 07 tháng 10, ông bị bắt bởi Cục An ninh Quốc gia Thượng Hải trong 20 ngày. Tiếp đó ông bị xử trong 24 giờ. Ông bị yêu cầu từ bỏ niềm tin của mình và bị đe dọa lĩnh án tù giam nếu ông từ chối tiết lộ các hoạt động của các học viên Pháp Luân Công Đài Loan. Ông bị đe dọa rằng ông “sẽ không thể sống ở Đài Loan” nếu ông để tiết lộ chi tiết về những hình thức tra tấn ông trải qua trong trại giam Trung Quốc sau khi trở về Đài Loan. Cuối cùng, ông đã buộc phải ký một hối quá thư trước khi được phóng thích.

Vương Tú Hoa, nữ, đã đến Thượng Hải công tác vào ngày 02 tháng 01 năm 2003. Khi cô đến sân bay Phổ Đông, cảnh sát dùng vũ lực đưa cô đến Cục An ninh Quốc gia Thượng Hải. Cô đã bị giam giữ bất hợp pháp trong 28 ngày. Cô đã phải chịu hơn 18 tiếng đồng hồ thẩm vấn mỗi ngày, gồm cả việc bị chửi rủa và ngược đãi về thể xác, đe dọa, hăm dọa, không cho ngủ trong 30 – 40 giờ, và đã buộc phải đứng trong thời gian dài. Cô được thả sau khi gia đình cô đã dùng rất nhiều tiền để đàm phán dẫn đến việc cô được phóng thích.

Trình Sĩ Hoằng, nữ, bị bắt bất hợp pháp khi đến Thâm Quyến vào tháng 10 năm 2002.

Phạm Quốc Hoa, nam, đến Thanh Đảo để thăm họ hàng cùng gia đình. Ông bị đưa đến một đồn cảnh sát vào ngày thứ ba khi ở đó. Cảnh sát đánh đập ông và trục xuất toàn bộ gia đình của ông ngày hôm sau.

Chiêm Quân Bội, nữ, trở về nhà để thăm họ hàng vào ngày 08 tháng 02 năm 2002 với con gái. Họ đã bị bắt bởi công an tại sân bay Hợp Phì, và đã bị thẩm vấn và đe dọa. Cô con gái nhỏ của bà Chiêm vẫn còn bị chấn thương tâm lý vì bị ép cung và đã nói rằng sẽ không bao giờ trở lại Trung Quốc.

Trình Hy, nữ, đến thăm họ hàng ở Thâm Quyến vào ngày 09 tháng 01 năm 2002. Cô bị bắt và bị kết án tù bốn năm.

Đỗ Thế Hùng, nam, bị bắt tại Bắc Kinh ngày 05 tháng 02 năm 2000. Ông đã bị lạm dụng thân thể, hăm dọa, và tra tấn tinh thần. Ông đã bị ép phải tiết lộ tên của các học viên khác.

Tống Diễm, nữ, đến thăm thân nhân ở Sơn Đông vào ngày 14 tháng 09 năm 1999. Trên đường đến Bắc Kinh, cảnh sát đã bắt và giam giữ cô ở Truy Bác, Sơn Đông trong 13 ngày. Cô bị đe dọa ngược đãi. Sau khi gia đình cô trả tiền phạt và đã viết một tuyên bố bảo đảm, cô được thả.

Hạng Lợi Kiệt, nữ, đã đến thăm thân nhân ở Cát Lâm vào tháng 09 năm 1998. Cô bị bắt và bị kết án tù ba năm. Cô đã tiến hành tuyệt thực phản kháng 55 ngày, trong thời gian đó, cô bị ép ăn.

Những người bị giam giữ khác bao gồm Dương Vinh Sinh, nam, và Lâm Thiện Bản, nữ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/6/23/台湾科技经理赴大陆探亲-遭中共绑架(图)-259288.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/6/24/134104.html

Đăng ngày: 5– 7– 2012. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share