Bài viết của một phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 11-01-2024] 24 năm sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, các học viên từ 44 quốc gia đã đệ trình danh sách thủ phạm mới lên chính phủ nước sở tại trước Ngày Nhân quyền, ngày 10 tháng 12 năm 2023, nhằm kêu gọi chính phủ truy cứu trách nhiệm của những người tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Các học viên đã đề xuất chính phủ của họ cấm những thủ phạm này cũng như người nhà của họ nhập cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản của họ ở nước ngoài.

Một trong những thủ phạm trong danh sách này là Tiết Thế Khiêm, trưởng phòng “Chống tà giáo” của Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang.

Thông tin về thủ phạm

Họ và tên: Tiết (họ) Thế Khiêm (tên) (薛世谦)
Giới tính: Nam
Quốc gia: Trung Quốc
Ngày/năm sinh: Không rõ
Nơi sinh: Không rõ

804f2f59d0bbc86644ab64e253437819.jpg

Tiết Thế Khiêm

Chức vụ

2016 -2019: Phó trưởng Phòng Điều tra Kinh tế, Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang

2019 – hiện nay: Trưởng phòng Chống tà giáo, Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang

Những tội ác chính

Ngày 21 tháng 3 năm 2018, ĐCSTQ đã tiến hành cải cách cơ cấu, đặt “Phòng 610” Trung ương trực thuộc Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương và Bộ Công an. Sự thay đổi này cũng được áp dụng xuống các cấp tỉnh, thành phố, và quận.

Văn phòng Chống tà giáo của Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang thực thi một số trách nhiệm và quyền hạn của Phòng 610 tỉnh Hắc Long Giang. Tiết Thế Khiêm, trưởng Phòng Chống tà giáo, đã trở thành một trong những người lãnh đạo chính trong việc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hắc Long Giang.

Hắc Long Giang là một trong những tỉnh bức hại các học viên nghiêm trọng nhất. Trong số 31 tỉnh, thành phố và khu tự trị ở Trung Quốc, tỉnh này ghi nhận nhiều trường hợp tử vong nhất, với 645 trường hợp trong 25 năm qua.

Tiết tích cực thực hiện chính sách bức hại bằng cách tổ chức các hoạt động vu khống, kích động và gieo rắc hận thù đối với Pháp Luân Công. Vào tháng 4 năm 2021, Tiết tham gia Lễ phát động Giáo dục chống tà giáo trong khuôn viên trường Đại học Hắc Long Giang do Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang chủ trì.

Ngày 15 tháng 4 năm 2023, Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang tổ chức một buổi lễ khác trong “Chiến dịch giáo dục chống tà giáo” nhằm kỷ niệm việc áp dụng rộng rãi chiến dịch này tại các trường học trên toàn tỉnh, bao gồm 80 cơ sở giáo dục đại học và 3.055 trường tiểu học, trung học, và nhà trẻ. Chiến dịch này đã tiếp cận 2,85 triệu học sinh và 248.000 giáo viên. Đồng thời, Công an tỉnh còn phối hợp với Sở Giáo dục gửi 320 tài liệu tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công tới các trường đại học trong tỉnh.

Tiết cũng chỉ đạo nhiều vụ bắt giữ quy mô lớn, lục soát nhà cửa và sách nhiễu các học viên. Trong nửa đầu năm 2023, ít nhất 12 học viên ở tỉnh Hắc Long Giang đã qua đời do bị bức hại, 78 người bị kết án, 161 người bị bắt và 80 người bị sách nhiễu.

Năm 2022, 22 học viên đã bị tra tấn đến chết, 35 người bị kết án, 477 người bị bắt, và 388 người bị sách nhiễu, đây là tình trạng tồi tệ nhất cả nước.

Ngày 12 tháng 7 năm 2022, cảnh sát khắp thành phố Đại Khánh đã bắt giữ hơn 100 học viên, trong đó có một học viên 98 tuổi và nhiều học viên khác ở độ tuổi 70 – 80. Cảnh sát lục soát nhà của các học viên mà không có lệnh. Tất cả các vật dụng và tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công đều được sử dụng làm bằng chứng truy tố các học viên. Theo cảnh sát, các học viên đã bị theo dõi và ghi hình trong hơn 9 tháng.

Vào tháng 7 năm 2022, 33 học viên ở Cáp Nhĩ Tân đã bị bắt và 39 học viên bị sách nhiễu.

Chiều ngày 27 tháng 8 năm 2022, ít nhất 11 học viên ở thành phố Tuy Hóa đã bị bắt. Theo một người trong cuộc, cảnh sát đã bắt đầu theo dõi các học viên từ ba tháng trước. Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Tuy Hóa và Phòng 610 gọi đó là “trận chiến 100 ngày”.

Vào năm 2021, ít nhất 24 học viên đã chết do bị bức hại ở tỉnh Hắc Long Giang, đứng thứ hai cả nước. Số học viên bị kết án là 125 người, cũng đứng thứ hai cả nước. Số học viên bị bắt là 463, bị sách nhiễu là người, cao thứ tư cả nước.

Vào năm 2020, ĐCSTQ đã thực hiện chiến dịch “Xóa sổ” trong đó chính quyền địa phương gây áp lực buộc các học viên Pháp Luân Công phải ký tuyên bố từ bỏ tu luyện. Trong chiến dịch này, một số lượng lớn các học viên đã bị bắt giữ hoặc sách nhiễu tại nhà hoặc nơi làm việc.

Tháng 4 năm 2020, trong vòng hai ngày, 12 học viên ở quận Tương Phương, thành phố Cáp Nhĩ Tân đã bị cảnh sát từ Phòng An ninh Nội địa Thành phố Đại Khánh và khu Long Nam của Quận Nhượng Hồ Lô bắt giữ. Được biết, vụ bắt giữ hàng loạt này do Văn phòng Chống tà giáo của Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang thực hiện, cơ quan này đã chỉ đạo Cục Công an thành phố Đại Khánh bắt giữ các học viên ở các khu vực khác.

Ngày 22-23 tháng 9 năm 2020, trong một cuộc truy quét phối hợp của cảnh sát ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, 27 học viên và ba người trong gia đình họ đã bị bắt giữ. Được biết, Ủy ban Chính trị và Pháp luật và Sở Công an tỉnh có liên quan đến vụ bắt giữ hàng loạt này. Những học viên bị bắt là những người có tên trong danh sách đen và cảnh sát sẽ nhận được tiền thưởng nếu bắt được một học viên.

Năm 2019, Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Hắc Long Giang, Phòng 610 và hệ thống Công an đã tăng cường sách nhiễu và bắt giữ các học viên Pháp Luân Công nhằm “duy trì ổn định” trong Lễ kỷ niệm 70 năm ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát đất nước. Ít nhất 384 học viên đã bị bắt và 118 người bị kết án.

Hồi đầu tháng 6 năm 2019, Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang đã chỉ đạo các thành phố bức hại các học viên Pháp Luân Công và ban hành hạn mức bắt giữ. Vào ngày 25 tháng 7, “Đội giám sát và bức hại” của Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang đã đến thành phố Giai Mộc Tư và làm việc với cảnh sát địa phương để bắt giữ ít nhất 40 học viên. Ông Dương Thắng Quân đã bị tra tấn đến chết.

Những trường hợp tử vong điển hình

Kể từ khi Tiết trở thành trưởng Phòng Chống tà giáo của Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang, ít nhất 26 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hắc Long Giang đã bị tra tấn đến chết. Họ là: Bà Trương Xuân Úc, bà Vương Thư Mỹ, bà Vương Ngọc Phương, bà Tả Tú Văn, ông Trương Hưng Quốc, ông Đại Chí Đông, bà Quản Phượng Hà, ông Chung Quốc Toàn, bà Diêm Kim Hà, ​​bà. Lý Song Yến, bà Lưu Phượng Vân, bà Tôn Ngọc Mai, bà Lý Cảnh Hà, bà Lý Huệ Phong, ông Dương Thắng Quân, bà Đằng Thục Lệ, bà Thôi Kim Thật, ông Lưu Vận Tường, bà Khang Ái Phân, bà. Vương Thục Khôn, bà Lý Cảnh Hà, bà Lý Diễm Kiệt, bà Mã Thục Phương, ông Triệu Thành Hiếu, bà Cao Tú Lan và bà Mưu Vĩnh Hà. Dưới đây là những trường hợp tử vong điển hình.

Trường hợp 1: Cô Lý Song Yến bị bắt và tra tấn đến chết trong cùng một ngày

Cô Lý Song Yến bị bắt vào ngày 16 tháng 12 năm 2021 vì sản xuất tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Cô bị thẩm vấn và tra tấn trong suốt gần 30 tiếng đồng hồ tại Đồn Công an Phú Lực. Khi cô sắp chết, cảnh sát mới ra lệnh cho chồng cô đến đón cô sau khi anh tan sở.

Khi chồng của cô Lý đến đồn công an, cô Lý đã không thể tự đi lại được và đã bị ba cảnh sát khiêng ra. Khi về đến nhà, chồng cô đã gọi xe cấp cứu, nhưng xe cấp cứu chưa kịp đến thì cô Lý đã qua đời.

Trường hợp 2: Bác sỹ Vương Thục Khôn qua đời vài ngày sau khi bị cảnh sát đánh đập

Bà Vương Thục Khôn, một bác sỹ 66 tuổi ở thành phố Hải Ninh, tỉnh Hắc Long Giang, bị yêu cầu từ bỏ Pháp Luân Công vào cuối tháng 6 năm 2020. Khi bà từ chối, cảnh sát đã đánh đập bà trong nhiều giờ. Bà bị đau dữ dội ở chân và xin cảnh sát thả bà ra. Họ đồng ý nhưng đe dọa rằng vài ngày sau họ sẽ đến tìm bà lần nữa.

Bác sỹ Vương phải bò lên cầu thang để trở về căn hộ của mình. Chồng bà cho hay trên người bà có những vết bầm tím. Đầu gối của bà bị dập và bà ướt đẫm mồ hôi. Chiều ngày 1 tháng 7, bà bị xuất huyết não. Bà vô cùng chóng mặt và cảm thấy buồn nôn. Bà qua đời vào khoảng 4 giờ 25 phút sáng ngày 2 tháng 7.

Trường hợp 3: Bà Khang Ái Phân qua đời năm tháng sau lần bắt giữ mới nhất

Bà Khang Ái Phân, ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt tại nhà vào ngày 17 tháng 6 năm 2021 và bị đưa đến trại tạm giam Thành phố Giai Mộc Tư. Trong thời gian bị giam giữ, bà bị bệnh tim nặng và phù nề toàn thân. Bà không thể đứng lên hay đi lại, bà cũng bị khó thở và thị lực suy giảm đến mức gần như bị mù hoàn toàn.

Ngày 17 tháng 8, trước lúc cận kề cái chết, bà Khang được trả tự do và bị quản thúc tại gia. Ba tháng sau, bà qua đời vào ngày 18 tháng 11 năm 2021, ở tuổi 64.

Trường hợp 4. Ông Dương Thắng Quân qua đời sau khi bị bắt chín ngày

Ông Dương Thắng Quân, 61 tuổi, ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, và mẹ ông, 81 tuổi, đã bị bắt tại nhà vào ngày 2 tháng 8 năm 2019. Mẹ ông được thả ngay trong đêm đó, nhưng ông Dương bị giam trong một trại tạm giam. Sáng ngày 11 tháng 8, công an báo cho mẹ ông rằng ông bị nôn ra máu vào buổi sáng trong trại tạm giam và đã được đưa đến bệnh viện để điều trị. Ông Dương qua đời lúc 9 giờ tối hôm đó. Bệnh viện bắt gia đình ông thanh toán 30.000 nhân dân tệ cho việc điều trị ông.

Trường hợp 5. Bà Diêm Kim Hà mắc bệnh ung thư trong khi bị giam giữ, qua đời sau khi được thả nhiều tháng

Bà Diêm Kim Hà, ​​ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt vào tối ngày 22 tháng 9 năm 2020, trong chiến dịch “Xóa sổ” đang lan rộng khắp cả nước vào năm 2020. Các lính canh của trại tạm giam đã buộc bà phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong nhiều giờ và tiếp xúc với nhiệt độ thấp khiến bà bị chảy máu âm đạo quá nhiều. Mãi đến khi gia đình ứng tiền trước, các lính canh mới chịu điều trị y tế cho bà. Mặc dù bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tử cung giai đoạn cuối, lính canh vẫn từ chối thả bà và tiếp tục gây áp lực buộc bà phải viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Bất chấp tình trạng sức khỏe yếu, bà Diêm vẫn bị đưa ra xét xử và bị kết án sáu tháng tù. Sau khi mãn hạn tù, bà được trả tự do nhưng sau khi về nhà tình trạng của bà tiếp tục xấu đi. Mặc dù người thân đã đưa bà đến bệnh viện nhưng bác sỹ cho biết họ không thể giúp được gì nữa. Bà qua đời chưa đầy một năm sau đó, vào ngày 17 tháng 1 năm 2022, ở tuổi 59.

Trường hợp 6: Bà Mưu Vĩnh Hà qua đời ở Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang

Bà Mưu Vĩnh Hà, một giáo viên đã nghỉ hưu 75 tuổi, bị tra tấn đến chết tại Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 13 tháng 7 năm 2023. Lính canh đã tùy tiện hỏa táng thi thể bà Mưu trước khi thông báo cho gia đình bà.

Bà Mưu bị bắt vào tháng 9 năm 2019 và bị Tòa án Quận Nhượng Hồ Lô kết án sáu năm tù vào tháng 5 năm 2020. Các lính canh tại Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang đã xúi giục các tù nhân đánh đập và lăng mạ bà. Việc bị tra tấn trong nhiều năm đã khiến sức khỏe của bà suy kiệt và bà hầu như không thể cử động được.

Sau khi bà Mưu bị đại tiện không tự chủ vào tháng 8 năm 2022, một tù nhân đã đánh bà và dội nước lạnh lên người bà. Sau đó, bà còn bị rối loạn tâm thần, nhưng lính canh và các tù nhân khác vẫn tiếp tục đánh đập bà.

Cuối tháng 12 năm 2022, một tù nhân phàn nàn rằng bà Mưu đi quá chậm và đã đẩy bà từ phía sau. Bà bị ngã xuống đất khiến mặt bà đầy những vết bầm tím. Đêm đó bà bắt đầu đi tiểu thường xuyên và phải thức dậy hơn 10 lần vào những đêm tiếp theo. Các tù nhân được giao nhiệm vụ trông chừng bà thường xuyên chửi bới và đánh đập bà vì điều này.

Vì không ngừng bị ngược đãi, bà Mưu thường thức dậy vào lúc nửa đêm và la hét. Nó ồn ào đến mức các tù nhân ở phòng giam khác có thể nghe thấy tiếng bà. Bà bị lẫn và thậm chí không thể nhận ra những học viên Pháp Luân Công khác đang ở cùng phòng giam với bà.

Con trai bà Mưu đã yêu cầu chính quyền nhà tù thả bà để chữa bệnh nhưng yêu cầu của anh liên tục bị từ chối.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/1/11/470810.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/2/4/214577.html

Đăng ngày 04-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share