Bài viết của một phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 24-12-2023] 24 năm sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, các học viên từ 44 quốc gia đã đệ trình danh sách thủ phạm mới lên chính phủ nước sở tại trước Ngày Nhân quyền, ngày 10 tháng 12 năm 2023, nhằm kêu gọi chính phủ truy cứu trách nhiệm của những người tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Các học viên đề xuất chính phủ của họ cấm những thủ phạm này cũng như người nhà của họ nhập cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản của họ ở nước ngoài.
Một trong những thủ phạm trong danh sách này là Trần Nhuận Nhi, đương kim Phó Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp và Nông thôn của Quốc hội.
Thông tin về thủ phạm
Tên đầy đủ của thủ phạm: Trần (họ) Nhuận Nhi (tên) (陈润儿)
Giới tính: Nam
Quốc gia: Trung Quốc
Ngày/năm sinh: Tháng 10 năm 1957
Nơi sinh: Huyện Trà Lăng, tỉnh Hồ Nam
Trần Nhuận Nhi
Chức danh, chức vụ
Tháng 4 năm 2000 – tháng 11 năm 2006: Phó Bí thư Thành ủy Tương Đàm, quyền Thị trưởng, Thị trưởng thành phố Tương Đàm, Bí thư Thành ủy Tương Đàm
Tháng 11 năm 2006 – tháng 4 năm 2013: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Hồ Nam, Bí thư của Thành ủy Trường Sa
Tháng 4 năm 2013 – tháng 3 năm 2016: Phó Bí thư Tỉnh ủy Hắc Long Giang, Chủ tịch Ủy ban Quản lý An sinh Xã hội Tổng hợp tỉnh Hắc Long Giang
Tháng 3 năm 2016 – Tháng 10 năm 2019: Tỉnh trưởng tỉnh Hà Nam kiêm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam
Tháng 10 năm 2019 – Tháng 3/2022: Bí thư Khu tự trị Dân tộc Hồi tỉnh Ninh Hạ
Tháng 4 năm 2022 – Hiện tại: Phó Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp và Nông thôn Quốc hội
Những tội ác chính
Kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, Trần Nhuận Nhi đã tích cực triển khai chính sách tiêu diệt Pháp Luân Công của ĐCSTQ và là đồng phạm trong cuộc bức hại này. Từ tháng 4 năm 2000, Trần đã nhậm chức ở bốn tỉnh: thành phố Tương Đàm và thành phố Trường Sa của tỉnh Hồ Nam, tỉnh Hắc Long Giang, tỉnh Hà Nam, và Khu tự trị Dân tộc Hồi tỉnh Ninh Hạ.
Trong nhiệm kỳ của mình, Trần trực tiếp phụ trách giám sát việc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở địa phương, khiến họ bị bắt giữ, tẩy não, đưa vào trại lao động cưỡng bức và kết án. Ít nhất 71 học viên đã bị bức hại đến chết ở nhiều nơi khi ông này còn đương chức; nhiều học viên khác bị thương, bị tàn tật hoặc bị bệnh tâm thần; một số bị buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại; một số bị mất tích.
Sau đây là những trường hợp tử vong điển hình trong nhiệm kỳ của Trần.
Các trường hợp tử vong ở thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam
Từ tháng 4 năm 2000 đến tháng 11 năm 2006, Trần giữ chức phó bí thư Thành ủy Tương Đàm, quyền thị trưởng và thị trưởng thành phố Tương Đàm, kiêm Bí thư Thành ủy Tương Đàm. Ít nhất bảy học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết ở thành phố Tương Đàm trong thời gian này.
Trường hợp 1: Bà Thành Linh Huy bị suy kiệt do bị tra tấn trong trại lao động, và qua đời sau bốn năm được thả ra
Tháng 1 năm 2001, bà Thành Linh Huy, ở thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện và bị giam giữ 15 ngày. Tháng 5 năm 2001, bà lại đi kháng cáo và bị kết án một năm lao động cưỡng bức. Trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Bạch Mã Long ở thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam, bà từ chối mặc đồng phục tù nhân và đeo thẻ số tù, nên bị lính canh treo cổ tay lên khiến người bà lơ lửng trên không, và để bà dưới ánh nắng thiêu đốt.
Hình thức tra tấn này đã khiến bà bị liệt và không thể tự chăm sóc bản thân. Mãi cho đến khi bà rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh, trại lao động cưỡng bức mới thả bà ra. Tháng 5 năm 2002, cảnh sát lại bắt giữ bà và đưa bà trở lại trại lao động 36 ngày sau đó. Bà không được nhận vì tình trạng sức khỏe kém. Sau khi được trả về nhà, bà cũng không thể hồi phục và qua đời vào ngày 17 tháng 8 năm 2006 ở tuổi 67.
Trường hợp 2: Ông Lý Chấn bị cảnh sát đánh gãy xương sườn và qua đời hai năm sau đó
Ông Lý Chấn bị cảnh sát Phòng An ninh Nội địa Thành phố Tương Đàm bắt vì phát tài liệu Pháp Luân Công vào ngày 2 tháng 2 năm 2002. Cảnh sát đã đánh ông dã man trong khi thẩm vấn, khiến ông bị gãy xương sườn. Ông bị kết án hai năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Tân Khai Phố, nhưng bị từ chối nhập viện do tình trạng sức khỏe kém. Ông được tại ngoại để điều trị y tế. Ông qua đời vào ngày 26 tháng 5 năm 2004, ở tuổi 52.
Trường hợp 3: Bà Quách Lợi Phương qua đời sau 17 ngày bị bắt
Ngày 31 tháng 3 năm 2005, bà Quách Lợi Phương, khi đó 54 tuổi, bị bắt tại nhà và bị đưa đến Trại giam Tam Giao Bình ở thành phố Tương Đàm. 17 ngày sau vào sáng ngày 17 tháng 4, gia đình bà được thông báo về cái chết của bà. Thi thể của bà được đưa vào nhà tang lễ. Được biết, cổ bà có dấu hiệu bị siết cổ. Cảnh sát không cho phép gia đình bà chạm vào hay đến gần thi thể bà. Một người trong cuộc tiết lộ rằng toàn bộ nội tạng của bà đã bị cắt bỏ.
Các trường hợp tử vong ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam
Từ tháng 11 năm 2006 đến tháng 4 năm 2013, trong bảy năm Trần làm bí thư Thành ủy Trường Sa, ít nhất 12 học viên đã bị bức hại đến chết.
Trường hợp 4: Ông Tạ Vụ Đường và vợ ông, bà Đàm Hương Ngọc bị bức hại đến chết
Ông Tạ Vụ Đường bị cảnh sát từ Phòng An ninh Nội địa quận Thiên Tâm bắt giữ vào ngày 14 tháng 7 năm 2007, sau đó bị kết án 4 năm 8 tháng tù. Ông bị tra tấn tại trại tạm giam Thành phố Trường Sa và Trung tâm Giam giữ và Điều phái Số 2 Thành phố Thường Đức Tân. Tháng 2 năm 2008, khi bị đưa đến Nhà tù Vũ Lăng, ông đã rất yếu. Ông bị bệnh tim, ung thư tuyến tiền liệt, và các bệnh khác do liên tục bị tra tấn trong tù. Gia đình ông đã nhiều lần yêu cầu cho ông được tạm tha để chữa bệnh, nhưng đều bị chính quyền nhà tù từ chối với lý do ông Tạ không chịu từ bỏ Pháp Luân Công. Mãi đến khi căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt di căn vào xương, tháng 3 năm 2010, nhà tù mới thả ông ra để chữa bệnh. Ông nằm liệt giường hơn một năm, rồi qua đời vào ngày 12 tháng 4 năm 2011, ở tuổi 71.
Vợ của ông Tạ, bà Đàm Hương Ngọc, bị bắt cùng ông vào ngày 14 tháng 7 năm 2007. Bà bị đưa thẳng đến Nhà tù Nữ tỉnh Hồ Nam và bị tra tấn trong hơn năm tháng. Khi mãn hạn tù vào ngày 16 tháng 12 năm 2007, bà được thả về trong tình trạng mắc bệnh lao phổi ở giai đoạn khuếch tán, tính mạng nguy kịch độ 3. Sau đó, bà còn được bệnh viên chẩn đoán phát hiện bị viêm gan cổ trướng. Bà qua đời vào ngày 14 tháng 2 năm 2014, ở tuổi 66.
Trường hợp 5: Bà Tưởng Đức Anh, cán bộ Trường Đại học Sư phạm Hồ Nam qua đời sau khi bị bức hại liên tục
Bà Tưởng Đức Anh, một nhân viên hành chính của Đại học Sư phạm Hồ Nam, bị kết án một năm lao động cưỡng bức vào năm 2005. Tháng 4 năm 2009, một năm sau, bà lại bị bắt lại khi đang phải sống xa nhà để tránh bị bức hại. Bà bị kết án thêm hai năm nữa trong trại lao động. Khi bà bị giam ở Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Bạch Mã Long, phần thân dưới, chân, bàn chân bà bị phù thũng, bụng trướng to do bị tra tấn. Bà được thả ra trong tình trạng cận kề cái chết, và qua đời vào ngày 18 tháng 8 năm 2010, ở tuổi 59.
Trường hợp 6: Bà Tưởng Mỹ Lan bị tra tấn đến chết trong trung tâm tẩy não
Bà Tưởng Mỹ Lan bị cảnh sát Phòng An ninh Nội địa Huyện Tân Điền bắt tại nhà vào ngày 7 tháng 9 năm 2012. Trong 23 ngày bị giam trong Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Pháp luật Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, bà đã bị bức hại đến mức chỉ còn hấp hối. Ngày 1 tháng 10 năm 2012, gia đình đưa bà đến bệnh viện. Bệnh viện kiểm tra, cho biết người đầy thương tích, đều do bị trích điện bằng dùi cui điện, khắp miệng lở loét, lục phủ ngũ tạng đã hỏng, thân dưới chảy máu. Bệnh viện đã cấp cứu cho bà, nhưng vô hiệu, bà qua đời oan uổng vào ngày hôm sau, ở tuổi 65.
Các trường hợp tử vong ở tỉnh Hắc Long Giang
Tỉnh Hắc Long Giang là một trong những tỉnh mà ĐCSTQ bức hại các học viên Pháp Luân Công nghiêm trọng nhất. Trần Nhuận Nhi giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Quản lý Tổng hợp tỉnh Hắc Long Giang từ tháng 4 năm 2013 đến tháng 3 năm 2016. Trong thời gian này, ít nhất 30 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết ở tỉnh Hắc Long Giang.
Trường hợp 7: Bà Hạng Hiểu Ba tử vong do bị tra tấn và cưỡng chế uống thuốc không rõ chủng loại
Bà Hạng Hiểu Ba bị bắt vào ngày 10 tháng 9 năm 2012 và bị kết án hai năm lao động cưỡng bức. Tại Trại Lao động Cai nghiện Ma túy Tỉnh Hắc Long Giang, bà bị biệt giam, bị còng tay sau lưng, bị bắt ngồi bất động trên chiếc ghế nhỏ trong nhiều giờ và bị cấm ngủ, và bị cưỡng chế uống thuốc có độc khiến bà bị tinh thần thất thường. Sau khi gia đình liên tục yêu cầu thả bà, bà mới được thả về nhà. Ngày 20 tháng 2 năm 2014, bà đã qua đời trong đau đớn cùng cực, ở tuổi 55.
Trường hợp 8: Ông Chu Kim Thụy bị tra tấn đến chết ở Nhà tù Bắc An
Tháng 1 năm 2013, ông Chu Kim Thụy, lúc đó 44 tuổi, bị bắt, sau đó bị kết án 4 năm ở Nhà tù Bắc An. Ngày 23 tháng 4 năm 2014, khi gọi điện cho vợ, ông vẫn còn khỏe mạnh. 13 ngày sau, tối ngày 6 tháng 5, nhà tù đã thông báo cho gia đình ông Chu rằng ông đã qua đời vì bị nhồi máu cơ tim đột ngột. Khi gia đình thay quần áo cho thi thể ông, họ thấy máu chảy ra từ miệng ông, nên đã nghi ngờ ông đã bị đánh đến chết.
Trường hợp 9: Ông Phùng Tuyết bị bức hại đến chết trong tù sau khi bị từ chối bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế
Ông Phùng Tuyết và vợ ông, bà Quan Thục Lệ, bị bắt vào ngày 6 tháng 12 năm 2013. Họ bị kết án lần lượt là 9 và 11 năm tù. Trước khi bị bắt, ông Phùng bị nhồi máu sọ não nặng và bệnh tim, nhưng Nhà tù Hô Lan vẫn tiếp nhận ông. Ông được điều trị y tế trong thời gian bị giam giữ, nhưng tình trạng ngày càng xấu đi.
Tháng 2 năm 2015, gia đình ông đã nộp đơn xin tạm tha để chữa bệnh cho ông, nhưng bị nhà tù từ chối với lý do là ông không đáp ứng được yêu cầu. Chiều ngày 10 tháng 8 năm 2015, ông rơi vào tình trạng nguy kịch. Khi nhà tù đưa ông đến bệnh viện thì ông đã chết. Ông mới 47 tuổi.
Các trường hợp tử vong ở tỉnh Hà Nam
Khi còn là tỉnh trưởng kiêm Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Nam, Trần Nhuận Nhi đã kêu gọi “nghiêm khắc đả kích các tổ chức tà giáo” trong báo cáo công tác của mình. Ít nhất 17 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết ở tỉnh Hà Nam trong thời gian này.
Trường hợp 10: Ông Dương Trung Tỉnh bị tra tấn đến chết
Ngày 10 tháng 4 năm 2016, ông Dương Trung Tỉnh, lúc đó 38 tuổi, bị bắt và bị giam tại Trại giam Số 3 thành phố Trịnh Châu. Ông bị tra tấn đến chết vài ngày sau đó. Theo lời của gia đình ông, họ đã xem thi thể ông, đỉnh đầu sưng ụ, tai và mũi bị bịt bông để ngăn máu chảy ra ngoài. Vì thi thể ông đã bị đóng băng nên họ không thể mở miệng ông được, chỉ có thể nhìn thấy bốn chiếc răng cửa của ông rõ ràng là giả và mới được lắp. Móng tay ở cả hai bàn tay của ông đều bị thâm đen lại, bộ phận sinh dục bị bỏng.
Trường hợp 11: Bà Sài Ngọc Lan bị chết vì ung thư trong thời gian bị giam giữ
Bà Sài Ngọc Lan bị các viên chức Sở An ninh Nội địa Thành phố Mãng Châu bắt giữ vào ngày 19 tháng 4 năm 2016. Bà bị tra tấn trong trại giam cho đến gãy cột sống và một xương sườn, khiến bà đau đến không ăn uống được gì. Không lâu sau, bà chỉ còn da bọc xương, sinh bệnh ung thư xương di căn khắp cơ thể. Khi hấp hối, bà được đưa đến bệnh viện trong tình trạng vẫn bị còng tay và xiềng xích. Bà qua đời vào ngày 23 tháng 3 năm 2017, ở tuổi 62.
Trường hợp 12: Ông Trịnh Hiện Kim bị ung thư vòm họng trong thời gian bị giam giữ, và qua đời sau vài tháng được tạm tha để điều trị y tế
Vì không chịu từ bỏ đức tin của mình, ông Trịnh Hiện Kim, một cựu doanh nhân ở thành phố Hoài Dương, tỉnh Hà Nam, đã bị bắt giữ nhiều lần và phải ngồi tù gần 13 năm, trong đó có một án trại lao động và hai án tù. Ông và vợ, bà Vương Hảo Mai, bị bắt lần cuối vào tháng 7 năm 2016 và đều bị kết án 5 năm tù.
Trong thời gian thụ án tại Nhà tù Tân Mật, sức khỏe của ông Trịnh bị sa sút nhanh chóng và ông mắc bệnh ung thư vòm họng. Cuối năm 2018, ông được tại ngoại để điều trị y tế. Vì phần lớn tiền tiết kiệm và tài sản cá nhân của ông ta đã bị tịch thu trong các lần lục soát của cảnh sát, nên ông không còn đủ tiền để điều trị y tế và phải vật lộn để tự chăm sóc bản thân vì phải ở nhà một mình. Ông qua đời vào ngày 11 tháng 8 năm 2019, trong khi vợ ông vẫn đang bị giam tại Nhà tù Nữ Tân Hương.
Các trường hợp tử vong ở Khu tự trị Dân tộc Hồi tỉnh Ninh Hạ
Từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 3 năm 2022, Trần Nhuận Nhi giữ chức Bí thư Khu ủy Khu tự trị Dân tộc Hồi tỉnh Ninh Hạ. Trong nhiệm kỳ này, ít nhất 5 học viên là ông Tống Lai Bình, bà Trương Lan Phương, ông Hoàng Vân Long, bà Vương Hiểu Huệ và ông Tạ Nam Phương, đã bị bức hại đến chết.
Trường hợp 13: Ông Tống Lai Bình bị bắt dùng thuốc không tự nguyện, chết sau 18 tháng sau khi ra tù
Ông Tống Lai Bình ở huyện Diêm Trì, tỉnh Ninh Hạ, bị bắt vào tháng 4 năm 2018 và được tại ngoại ít lâu sau đó. Bốn tháng sau, ông bị bắt giam trở lại, gia đình ông chỉ được phép gặp ông một lần vào tháng 3 năm 2019, trước khi ông bị chuyển từ trại tạm giam địa phương đến nhà tù một mạch cho đến khi ông được thả ra.
Trước khi bị bắt, ông Tống vốn có khí sắc hồng hào, cao lớn khỏe mạnh, năng động, tư duy và khả năng ăn nói đều mẫn tiệp. Khi được thả ra vào ngày 10 tháng 2 năm 2020, ông như một người khác hẳn: đen gầy, tư duy và ngôn hành chậm chạp, đi lại tập tễnh, thường hay gắt gỏng. Ông thống khổ vì không sao tự kiềm chế được, khi phát tác thì đập phá đồ, đập cửa đập tường, không khống chế được đại tiểu tiện. Tần suất lên cơn ít thì chục ngày một lần, nhiều thì hai, ba ngày một lần, thậm chí hàng ngày. Theo trí nhớ rất hạn chế của mình, ông Tống đã bị cưỡng chế uống thuốc không rõ chủng loại trong thời gian bị giam giữ; ông còn bị nhục mạ và bỏ đói.
Cuối cùng, ông Tống không chịu đựng nổi những tổn thương trên thân. Ông qua đời vào ngày 31 tháng 7 năm 2021, ở tuổi 69.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/24/469649.html
Bản tiếng ông: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/24/214431.html
Đăng ngày 04-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.