Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 23-12-2023] Vào dịp trước Ngày Nhân quyền 10 tháng 12 năm 2023, 24 năm sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công từ năm 1999, các học viên từ 44 quốc gia đã đệ trình lên chính phủ của họ danh sách mới bao gồm các thủ phạm, kêu gọi họ buộc những cá nhân này phải chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Các học viên đề nghị chính phủ của họ cấm những thủ phạm và các thành viên gia đình nhập cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản ở nước ngoài của họ.

Trong số những thủ phạm được liệt kê có ông Trương Cao Lệ, Nguyên Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Phó Thủ tướng Quốc vụ viện.

Thông tin thủ phạm

Tên đầy đủ của thủ phạm: Trương Cao Lệ (张高丽)
Giới tính: Nam
Quốc gia: Trung Quốc
Ngày tháng năm sinh: Tháng 8 năm 1946
Nơi sinh: Huyện Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến

71a368280a5ec4ad55533045ff6217be.jpg

Ông Trương Cao Lệ

Chức vụ

2013 – 2018: Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc
2012 – 2017: Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương
2007 – 2012: Bí thư Thành ủy Thiên Tân
2002 – 2007: Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông
2001 – 2003: Chủ tịch Tỉnh tỉnh Sơn Đông
1998 – 2001: Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, Bí thư Thành ủy Thâm Quyến

Kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, ông Trương Cao Lệ đã tuân thủ chặt chẽ chính sách đàn áp diệt chủng của cựu Chủ tịch ĐCSTQ Giang Trạch Dân nhằm “bôi nhọ thanh danh, hủy hoại thân thể và vắt kiệt tài chính.” Trong thời gian đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau ở Quảng Đông, Thâm Quyến, Sơn Đông, Thiên Tân và những nơi khác, ông Trương đã tích cực tham gia vào cuộc đàn áp, khiến nhiều học viên bị bắt và bị kết án. Một số người bị tàn tật hoặc tử vong vì bị tra tấn.

Những tội ác chính

1. Tội ác của ông Trương Cao Lệ trong thời gian nhậm chức ở Thâm Quyến

Từ năm 1998 đến 2001, ông Trương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, Bí thư Thành ủy Thâm Quyến và Bí thư thứ nhất Quận ủy Công an Thâm Quyến. Trong thời gian đó, ông Trương đã tích cực thúc đẩy chính sách đàn áp của ĐCSTQ. Vào tháng 3 năm 2001, ông Trương chỉ đạo và phát động chiến dịch “tấn công mạnh mẽ” kéo dài 90 ngày ở Thâm Quyến, nhấn mạnh sự cần thiết phải nhắm vào mục tiêu và “kiên quyết trấn áp Pháp Luân Công.”

Theo dữ liệu thống kê chưa đầy đủ, từ khi bắt đầu cuộc đàn áp vào ngày 20 tháng 7 năm 1999 cho đến cuối năm 2000, ít nhất 152 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt ở Thâm Quyến. Năm 2001, ít nhất 60 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt.

Dưới sự chỉ đạo của ông Trương, cảnh sát, tòa án và viện kiểm sát ở thành phố Thâm Quyến đã phối hợp chặt chẽ để tống giam các học viên Pháp Luân Công. Vào tháng 3 năm 2000, ông Lý Kiến Huy bị Tòa án quận Phúc Điền kết án bốn năm, trở thành học viên Pháp Luân Công đầu tiên bị kết án ở tỉnh Quảng Đông. Vợ ông, bà Đới Anh, bị kết án ba năm tù. Vào tháng 10 năm 2000, ông Chu Lỗi, ông Trang Văn Thư, ông Lý Chấn Dân, ông Triều Hạo và ông Lê Phú Lâm bị kết án từ 7 đến 12 năm tù vì phát tờ rơi Pháp Luân Công trên Đại lộ Thâm Nam, đường Hoa Cường và những phố chính khác ở Thâm Quyến.

Ngoài ra, một số lượng lớn các học viên còn bị giam giữ tại “Trường Giáo dục Pháp luật Thâm Quyến” và bị tẩy não. Nhiều người khác bị đưa vào trại lao động cưỡng bức. Các học viên nam thường bị giam giữ tại Trại lao động cưỡng bức số 2 thành phố Thâm Quyến, trong khi các học viên nữ bị giam giữ tại Trại lao động cưỡng bức nữ tỉnh Quảng Đông. Ngay cả các học viên đến từ Hồng Kông, Đài Loan và hải ngoại cũng bị chính quyền Thâm Quyến nhắm đến.

2. Tội ác của ông Trương Cao Lệ trong thời gian nhậm chức ở Sơn Đông

Từ năm 2001 đến 2007, ông Trương giữ chức Chủ Tịch tỉnh Sơn Đông và Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông. Ông Trương liên tục ủng hộ việc đàn áp Pháp Luân Công trong các bài phát biểu trước công chúng và nội bộ. Tỉnh Sơn Đông trở thành một trong những tỉnh bị bức hại nghiêm trọng nhất.

Vào ngày 21 tháng 3 năm 2002, Trương đã trình bày báo cáo công việc của chính phủ với tư cách là Chủ tịch tỉnh Sơn Đông tại kỳ họp thứ năm của Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Sơn Đông lần thứ chín. Hắn kêu gọi tiếp tục đàn áp Pháp Luân Công để củng cố quyền lực chính trị của ĐCSTQ dưới danh nghĩa ổn định xã hội.

Vào ngày 8 tháng 12 năm 2002, ông Trương đến thăm Sở Công an tỉnh Sơn Đông, Cục Khiếu nại Tỉnh (nơi giải quyết các kiến nghị và khiếu nại), và các sở khác. Ông Trương nhấn mạnh: “Chúng ta phải kiên quyết đàn áp Pháp Luân Công, duy trì lập trường áp lực cao và không bao giờ buông lỏng hay mềm lòng.”

Vào ngày 8 tháng 1 năm 2003, ông Trương tham dự Hội nghị Chính trị và Pháp luật của ĐCSTQ tỉnh Sơn Đông, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải “tăng cường đấu tranh đối với Pháp Luân Công” và duy trì đàn áp nghiêm khắc.

Vào ngày 4 tháng 6 năm 2003, ông Trương phát biểu tại Hội nghị làm việc của Ủy ban ĐCSTQ tỉnh Sơn Đông và coi “kiên quyết đàn áp Pháp Luân Công” là trọng tâm công việc của mình nhằm “tạo ra một môi trường xã hội ổn định và hài hòa”.

Vào tháng 1 năm 2004, Tỉnh ủy Sơn Đông và Chính quyền tỉnh đã ban hành “Quyết định xây dựng một ‘Sơn Đông an toàn’” và liệt Pháp Luân Công vào danh sách mục tiêu bị đàn áp nghiêm trọng. Năm 2004, ông Trương đã 45 lần đưa ra chỉ thị về “Sơn Đông an toàn” khi còn là Chủ tịch tỉnh Sơn Đông.

Tính đến năm 2004, tỉnh Sơn Đông đứng thứ ba cả nước về số học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết. Lấy thành phố Duy Phường làm ví dụ. Trong nhiệm kỳ của ông Trương ở Sơn Đông (2001-2007), 59 học viên đã chết do bị bức hại trực tiếp, 67 học viên khác bị kết án ở thành phố Duy Phường (17 người năm 2002, 19 người năm 2003, 16 người năm 2004, 3 người năm 2005, 3 người năm 2006, và 9 người năm 2007) và 355 người bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức (74 người năm 2002, 28 người năm 2002). 2003, 44 năm 2004, 64 năm 2005, 44 năm 2006 và 101 năm 2007).

Một ví dụ khác là mỏ dầu Thắng Lợi và thành phố Đông Doanh ở Sơn Đông. Tính đến tháng 3 năm 2003, một học viên ở mỏ dầu Thắng Lợi đã bị bức hại đến chết, và ba người bị kết án tù. 57 người bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức, 142 người bị giam giữ, năm người bị giữ trong bệnh viện tâm thần, 67 người bị lục soát nhà, 77 người bị buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại, và 383 người bị bắt và bị giám sát.

Theo các báo cáo, từ tháng 3 năm 2003 đến tháng 11 năm 2009, hai học viên ở Mỏ dầu Thắng Lợi và thành phố Đông Doanh đã chết do bị bức hại, 71 người bị kết án tù hoặc bị đưa vào trại lao động cưỡng bức, và 198 người bị giam giữ và bị tẩy não. Trên đây chỉ là một phần những trường hợp bị bức hại. Do kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt nên con số thực tế được cho là cao hơn nhiều.

3. Tội ác của ông Trương Cao Lệ trong thời gian nhậm chức ở Thiên Tân

Từ năm 2007 đến 2012, ông Trương tiếp tục đàn áp Pháp Luân Công sau khi chuyển đến Thiên Tân để giữ chức Bí thư Thành ủy. Trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008, ông Trương đã kêu gọi “tăng cường đàn áp Pháp Luân Công” và “tiêu diệt Pháp Luân Công.” Ông ta đã ra lệnh cho các đồn cảnh sát ở tất cả các quận, huyện và thị trấn tiến hành khám xét từng nhà đối với các học viên Pháp Luân Công có tên trong danh sách của cảnh sát.

Ông Trương cũng đến quận Đại Cảng để đích thân chỉ đạo cảnh sát sách nhiễu và bắt giữ các học viên, buộc họ phải cam kết không thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công trong Thế vận hội. Nơi làm việc và gia đình của các học viên được lệnh phải theo dõi họ. Nhiều học viên đã bị bắt ở Thiên Tân trong thời gian này.

Dưới đây là một số trường hợp từ quận Vũ Thanh, Thiên Tân. Từ năm 2007 đến năm 2012, khi ông Trương nắm quyền ở Thiên Tân, ít nhất 9 học viên đã bị bức hại đến chết, 18 người bị kết án và 5 người bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức.

Tính đến tháng 7 năm 2009, tại quận Đại Cảng, Thiên Tân, hơn 400 học viên đã bị giam giữ, hơn 200 người bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức, 20 người bị sa thải và hơn 10 gia đình bị ly tán. Ít nhất 588 học viên ở quận Đại Cảng đã bị cảnh sát, ủy ban khu phố hoặc đảng viên sách nhiễu tại nơi làm việc, 236 người khác bị bắt và 67 người bị lục soát nhà cửa. Nhiều vật dụng cá nhân của họ như máy tính, TV, máy in và sách Pháp Luân Công đã bị tịch thu.

“Di sản” đàn áp của Trương vẫn tiếp tục ngay cả sau khi ông ta rời Thiên Tân. Tính đến tháng 8 năm 2017, tại quận Vũ Thanh, 27 học viên bị bức hại đến chết, 66 người bị kết án, 93 người bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức, 818 người bị bắt, 97 người bị giam trong các lớp tẩy não, 104 người bị sách nhiễu và 11 người bị chấm dứt công việc, và một học viên đã mất tích.

Ngoài ra, ông Trương còn ủng hộ việc thu hoạch nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công. Trong nhiệm kỳ của ông ta ở Sơn Đông và Thiên Tân, nhiều cơ sở cấy ghép nội tạng ở tỉnh Sơn Đông, ví dụ như Trung tâm Cấy ghép Gan Bệnh viện Thiên Phật Sơn và Trung tâm Cấy ghép Nội tạng Bệnh viện Trung ương Số 1 Thiên Tân, được cho là đã tiến hành cấy ghép nội tạng sống quy mô lớn. Vào tháng 7 năm 2010, ông Trương đã kiểm tra Trung tâm Cấy ghép Nội tạng của Bệnh viện Trung ương số 1 Thiên Tân và khuyến khích trung tâm này “tiếp tục tận dụng lợi thế của mình trong việc cấy ghép nội tạng.” Năm đó, tổng số ca ghép gan của trung tâm này chiếm 1/3 tổng số ca ghép gan của Trung Quốc.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/23/469582.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/23/214419.html

Đăng ngày 03-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share