Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 07-01-2024] Sau 24 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, các học viên từ 44 quốc gia đã đệ trình bản danh sách cập nhật các thủ phạm của cuộc bức hại lên chính phủ nước sở tại trước Ngày Nhân quyền, ngày 10 tháng 12 năm 2023, nhằm kêu gọi chính phủ truy cứu trách nhiệm của những cá nhân tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Các học viên đề nghị chính phủ của họ cấm những thủ phạm này cũng như người nhà họ nhập cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản của họ ở nước ngoài.

Một trong những thủ phạm trong danh sách này là Vương Tân Hoa, đội trưởng đội “chống tà giáo” của Sở Cảnh sát tỉnh Vân Nam.

Thông tin về thủ phạm

Tên đầy đủ: Vương Tân Hoa (王新华)

Giới tính: Nam

Quốc gia: Trung Quốc

Ngày sinh: Tháng 5 năm 1964

Nơi sinh: Không rõ

9904437084e6044287b04ce143f4b998.jpg

Vương Tân Hoa

Chức danh/chức vụ:

12/2018 – nay: Đội trưởng đội chống tà giáo của Sở Cảnh sát tỉnh Vân Nam

5/2017 – 11/2018: Phó trưởng phòng – Văn phòng tiểu tổ lãnh đạo Phòng chống và xử lý các vấn đề tà giáo tỉnh Vân Nam (Phòng 610)

Tháng 4/2016: Trưởng phòng – Văn phòng tiểu tổ lãnh đạo Phòng chống và xử lý các vấn đề tà giáo của chính quyền tỉnh Vân Nam

Các chức vụ trước đây: Phó Tổng thư ký Ủy ban thường vụ Đại hội nhân dân toàn quốc tỉnh Sở Hùng; Phó Bí thư huyện ủy Song Bách và Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật; Phó Tổng thư ký và Chánh văn phòng Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tỉnh Sở Hùng.

Những tội ác chính

Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Vân Nam (PLAC) đã cùng Phòng 610 tích cực thực hiện chính sách bức hại của Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo ĐCSTQ) đối với các học viên Pháp Luân Công, bao gồm: “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể”.

Theo chỉ thị của PLAC và Phòng 610, cảnh sát đã tiến hành bắt giữ các học viên rồi sau đó đưa họ đến các trại lao động hoặc nhà tù. Một số học viên bị đưa đến bệnh viện tâm thần và bị cưỡng chế dùng thuốc. Trong thời gian bị giam giữ, họ phải đối mặt với việc bị tẩy não và tra tấn về thể xác, bao gồm bức thực, sốc điện, đâm tăm tre vào dưới móng tay hoặc bị bắt phải ngồi trên ghế đẩu nhỏ trong nhiều giờ mà không được cử động.

Ngoài việc bị dày vò về thể chất và tinh thần, các học viên còn phải chịu sự bức hại về tài chính, bao gồm bị sa thải vô lý, đình chỉ lương hưu hoặc bị lục soát nhà và tịch thu tài sản cá nhân.

Vương Tân Hoa, một thành viên của Phòng 610 tỉnh Vân Nam, kể từ năm 2010 đã đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh việc bức hại trên toàn tỉnh. Vào tháng 4 năm 2016, Vương trở thành Phó trưởng phòng Phòng 610 tỉnh, rồi sau đó đảm nhận vị trí lãnh đạo của đơn vị chống tà giáo của Sở Cảnh sát tỉnh vào cuối năm 2018.

Năm 2017, trước khi diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội nghị Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc tổ chức tại Thành phố Côn Minh vào ngày 4 tháng 8 và ngày 5 tháng 1 năm 2017, PLAC tỉnh Vân Nam và Phòng 610 đã thực hiện cái gọi là “Trận chiến đặc biệt chống lại Pháp Luân Công”. Trong chiến dịch này, ít nhất 36 học viên ở thành phố Côn Minh đã bị bắt hoặc bị sách nhiễu, 24 học viên bị truy tố hoặc bị kết án.

Ngày 19 tháng 4 năm 2018, Vương, với tư cách là Phó trưởng phòng Phòng 610 tỉnh, đã dẫn một nhóm cán bộ đến huyện Chiêu Thông để giám sát công tác “chống tà giáo” ở đây. Vương yêu cầu chính quyền địa phương “tăng cường thúc đẩy tuyên truyền [chống Pháp Luân Công]”, “thực hiện công tác giáo dục và chuyển hóa chuyên sâu” và “nỗ lực tăng cường bắt giữ các học viên.”

Ngày 24 tháng 11 năm 2021, Vương, khi đó là trưởng ban chống tà giáo của Sở Cảnh sát tỉnh Vân Nam, đã đến thăm Sở Cảnh sát Dương Nhai ở huyện Nguyên Mưu để kiểm tra chỉ đạo công tác “chống tà giáo” ở cấp cơ sở. Các cuộc thảo luận tập trung vào việc làm thế nào để cảnh sát triển khai tổ chức và thực hiện được nhiều hoạt động chống tà giáo hơn nữa, đặc biệt là nhắm vào các học viên Pháp Luân Công.

Sáng ngày 14 tháng 4 năm 2023, nhân dịp “Ngày Giáo dục An ninh Quốc gia lần thứ tám”, Sở Cảnh sát tỉnh Vân Nam đã phối hợp với Đội chống tà giáo và Phòng An ninh Nội địa thành phố Côn Minh tổ chức lễ kỷ niệm tại Trung tâm Văn hóa Pháp lý ở đường Hải Khẩu, quận Tây Sơn, thành phố Côn Minh, và sự kiện cũng có sự tham gia của Vương.

Tổng quan về cuộc bức hại trong những năm qua

Năm 2016, toàn tỉnh Vân Nam có 20 học viên bị bắt, 27 học viên bị sách nhiễu, 18 học viên bị giam giữ và 19 học viên khác bị xét xử hoặc kết án.

Trong thời gian từ ngày 9 tháng 10 đến ngày 9 tháng 12 năm 2016, tại huyện Lô Tây tỉnh Hồng Hà, hơn 30 học viên đã bị nhân viên Phòng An ninh Nội địa, đồn cảnh sát địa phương, ủy ban thôn và khu phố tiến hành bắt giữ và lục soát nhà. Sau khi bị đưa đến các đồn cảnh sát khác nhau, các học viên bị thẩm vấn và bị ép phải ký các văn bản trong hồ sơ vụ án. Trong số này, một học viên đã bị giam giữ trong 10 ngày.

Từ năm 2017 đến năm 2019, cuộc bức hại đã gây ra cái chết của ba học viên: ông Liêu Kiện Phủ, ông Trương Thế Ninh và bà Hạ Mai Tiên. Ngoài ra, 64 học viên đã bị kết án, 136 học viên bị bắt và 91 học viên bị lục soát nhà.

Tối ngày 27 tháng 8 năm 2019, các cảnh sát từ Đồn cảnh sát Tung Dương, Dương Kiều và Dương Lâm thuộc Sở Cảnh sát huyện Tung Minh đã đến gõ cửa và lục soát từng nhà của các học viên Pháp Luân Công. Nếu tìm thấy bất kỳ thứ gì liên quan đến Pháp Luân Công, các học viên sẽ bị bắt giữ và người nhà của họ cũng bị thẩm vấn trong các cuộc đột kích này.

Chiều ngày 11 tháng 12 năm 2018, ông Khâu An bị cảnh sát từ Đồn cảnh sát Tiểu Bản Kiều, quận Quan Độ, thành phố Côn Minh bắt giữ. Sự việc xảy ra sau khi ông đưa tặng một tấm thẻ hướng dẫn cách vượt tường lửa của Trung Quốc và một cuốn sách nhỏ giới thiệu về Pháp Luân Công cho khách hàng trong cửa hàng điện thoại di động của mình. Ông đã bị lục soát nhà. Tại đồn cảnh sát, ông Khâu bị cảnh sát đánh đập đến gãy xương chậu và xương sườn, nhiều chỗ bị bầm tím và còn liên tục bị xịt nước ớt vào mắt.

Năm 2020, 26 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Vân Nam đã bị kết án, 68 học viên bị bắt, 51 học viên bị lục soát nhà, 45 học viên bị sách nhiễu và 7 học viên bị giam trong các trung tâm tẩy não.

Tối ngày 29 tháng 9 năm 2020, ông Trương Hưng Ngọc, 74 tuổi, cùng 10 người thân trong nhà, trong đó có cháu gái hai tuổi, đã bị bắt tại nhà. Cảnh sát đã đột nhập và lục soát nhà ông. Cả gia đình ông bị thẩm vấn và giam giữ qua đêm tại hai đồn cảnh sát và mãi đến 10 giờ tối ngày hôm sau họ mới được thả về nhà. Ngày 5 tháng 10, cảnh sát lại bắt giữ gia đình ông một lần nữa và đưa họ đến một trung tâm tẩy não ở huyện Lộc Khuyến, lần bắt giữ này không có con dâu và cháu gái của ông.

Năm 2021, 11 học viên Pháp Luân Công được xác nhận đã qua đời, 6 học viên bị kết án, 33 học viên bị bắt, 56 học viên bị sách nhiễu, 29 học viên bị lục soát nhà và 12 học viên bị cắt lương hưu.

Năm 2022, tỉnh Vân Nam có 130 học viên bị bức hại, trong đó 2 học viên đã bị bức hại đến chết, 27 học viên bị kết án, 29 học viên bị bắt, 66 học viên bị sách nhiễu và 6 học viên bị lục soát nhà.

Một số trường hợp tử vong

Kể từ năm 2017, tỉnh Vân Nam có ít nhất 17 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết, bao gồm ông Lý Bồi Cao, ông Hàn Tuấn Nghị, bà Bành Học Bình, ông Ngô Quảng Thành, ông Bành Vân Khuê, bà Trương Công Cần, bà Đinh Quế Anh, bà Vương Hối Chân, Ông Thạch Kiến Vĩ, ông Lý Trị Sơ, ông Trương Lâm, bà Đặng Quế Anh, ông Liêu Kiện Phủ, ông Trương Thế Ninh, bà Hạ Mai Tiên, ông Chu Diễm Đông, và bà Mạnh Vân Anh. Nhiều học viên khác đã bị bắt và bị kết án. Dưới đây là một số trường hợp tử vong.

Trường hợp 1: Cụ ông 86 tuổi qua đời vài ngày trước khi mãn hạn án tù oan vì tu luyện Pháp Luân Công

Ông Lý Bồi Cao ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã qua đời vào ngày 4 tháng 1 năm 2023, vài ngày trước khi ông mãn hạn án tù bốn năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Theo những tù nhân được trả tự do trước ông, trong thời gian ở tù sức khỏe của ông Lý vẫn tốt và họ rất bất ngờ khi ông đột ngột qua đời chỉ vài ngày trước khi được thả. Ông ra đi ở tuổi 86.

Ông Lý bị bắt vào ngày 26 tháng 11 năm 2015 và bị kết án bốn năm tù vào ngày 8 tháng 10 năm 2016. Tháng 1 năm 2019, ông bị đưa đến nhà tù tỉnh Vân Nam để thụ án và gia đình ông không được phép vào thăm.

Trường hợp 2: Giám đốc điều hành công ty bất động sản qua đời sau ba tháng mãn hạn án tù năm năm

Ông Ngô Quảng Thành ở thành phố Côn Minh, cựu giám đốc điều hành công ty bất động sản, được trả tự do vào ngày 6 tháng 4 năm 2022, sau 5 năm thụ án tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Thời điểm được thả, sức khỏe của ông rất yếu và sau khi về nhà vẻn vẹn có ba tháng, ông đã đời vào ngày 27 tháng 7 ở tuổi 63.

Sự ra đi của ông Ngô chấm dứt những chuỗi ngày phải chịu đựng thống khổ trong suốt hai thập kỷ vì kiên định đức tin của mình. Ngoài bản án năm năm tù gần đây nhất, ông còn 2 lần phải thụ án trong trại lao động với tổng thời gian ba năm và một án tù 6,5 năm.

Không chỉ ông Ngô, mà vợ ông, bà Vương Đức Bình, cũng 2 lần bị kết án lao động cưỡng bức với tổng thời gian năm năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Con trai của họ bị tổn thương do cuộc bức hại và mắc chứng rối loạn tâm thần, không thể làm việc và phải ở nhà.

Trường hợp 3: Cụ bà 76 tuổi đột tử trong thời gian thụ án

Gia đình bà Đinh Quế Anh chịu cú sốc lớn khi Nhà tù Nữ số 2 tỉnh Vân Nam bất ngờ thông báo người thân của họ vừa qua đời vào giữa tháng 1 năm 2021. Trước đó, gia đình bà Đinh thậm chí còn không biết việc bà bị kết án vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Chỉ vài ngày sau khi bà qua đời, nhà tù đã vội vã hỏa táng thi thể của bà. Bà Đinh qua đời ở tuổi 76.

Bà Đinh, cư dân thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, bị bắt tại nhà vào ngày 28 tháng 8 năm 2019. Vì Trại tạm giam thành phố Côn Minh không cho phép gia đình bà Đinh được vào thăm và chính quyền chưa bao giờ cập nhật cho họ về tình trạng vụ việc của bà, nên gia đình bà vẫn nghĩ bà đang ở trong trại tạm giam và thường xuyên đến Đội An ninh Nội địa để yêu cầu thả bà.

Một cai ngục từ Nhà tù Nữ số 2 tỉnh Vân Nam đã thông báo với họ rằng vào ngày 14 tháng 1 bà Đinh đột nhiên mắc “bệnh cấp tính” và qua đời lúc 8 giờ 53 phút sáng ngày 15 tháng 1. Nhà tù đã hỏa táng thi thể của bà vào ngày 19 tháng 1 mà không giải thích gì nhiều về tình trạng của bà. Vì trước khi bị bắt, bà Đinh hoàn toàn khỏe mạnh nên gia đình nghi ngờ rằng bà có thể đã bị ngược đãi đến chết trong khi bị giam giữ chứ không phải do bệnh tật như nhà tù tuyên bố.

Chỉ sau khi bà Đinh qua đời, gia đình bà mới nhận được bản án. Bà bị Tòa án quận Ngũ Hoa kết án 4 năm tù vào ngày 10 tháng 7 năm 2020.

Trường hợp 4: Ông Thạch Kiến Vĩ bị tra tấn đến chết và thi thể bị cưỡng chế hỏa táng

Ông Thạch Kiến Vĩ là một giáo viên tiếng Anh ở huyện Tân Xuyên, tỉnh Vân Nam. Ông qua đời ở tuổi 56 tại Nhà tù số 1 tỉnh Vân Nam khi đang thụ án 6,5 năm tù vì kiên định đức tin của mình. Nhà tù cho biết ông Thạch chết vì ung thư gan. Tuy nhiên, gia đình nghi ngờ ông đã bị tra tấn đến chết vì trên lưng ông có vết thâm tím và trong hồ sơ bệnh án không thấy có dấu hiệu ông bị ung thư gan. Thi thể của ông bị hỏa táng mà không được sự đồng ý của gia đình, đây là cách thức phổ biến nhằm che đậy bằng chứng về việc tra tấn cũng như các hành vi ngược đãi khác như cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Trường hợp 5: Ông Liêu Kiện Phủ bị bức hại đến chết trong nhà tù

Ông Liêu Kiện Phủ, cư dân thành phố Phàn Chi Hoa, tỉnh Tứ Xuyên bị bắt vào tháng 10 năm 2016 vì dán áp phích thông tin về Pháp Luân Công. Chính quyền đã kết án ông bốn năm tù tại Nhà tù số 1 tỉnh Vân Nam. Tháng 7 năm 2018, ông bị đưa vào tù và chưa đầy chín tháng sau đó thì ông qua đời.

Trong tù, ông Liêu bị huyết áp cao, nhưng cai ngục vẫn bắt ông phải ngồi hơn 10 tiếng mỗi ngày trong suốt ba tháng. Để gia tăng thêm áp lực đối với ông, cai ngục đo huyết áp của ông nhiều lần trong ngày và thậm chí còn đưa ông đến bệnh viện để kiểm tra. Gia đình ông đã hai lần vào thăm ông và biết huyết áp của ông cao đến mức nguy hiểm và trong não ông có cục máu đông. Gia đình đã yêu cầu ân xá để điều trị y tế cho ông nhưng liên tục bị từ chối. Ông Liêu qua đời ngày 19 tháng 1 năm 2019 ở tuổi 65.

Các trường hợp bị kết án

Trường hợp 1: Cụ bà 82 tuổi và phụ nữ 60 tuổi bị kết án tù

Bà Cao Quỳnh Tiên 82 tuổi và bà Vương Cẩn 60 tuổi, bị Đội An ninh Nội địa Thành phố An Ninh bắt giữ vào khoảng ngày 27 tháng 10 năm 2020. Bà Cao được thả tại ngoại với số tiền bảo lãnh 1.000 nhân dân tệ vì sức khỏe yếu, còn bà Vương vẫn bị giam giữ. Viện Kiểm sát quận Tây Sơn đã truy tố cả hai học viên ngay trong tháng.

Tòa án quận Tây Sơn đã tổ chức hai phiên tòa riêng biệt đối với bà Cao và bà Vương vào ngày 19 tháng 4 năm 2022. Bà Cao bị buộc tội tu luyện Pháp Luân Công, phân phát tài liệu và lưu giữ tài liệu Pháp Luân Công tại nhà. Vì bà vẫn đang trong thời gian quản chế kể từ đầu năm 2017 nên thẩm phán đã kết án bà sáu năm tù và phạt bà 13.000 nhân dân tệ.

Bà Vương cũng bị buộc tội phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Máy tính, máy in, điện thoại di động và các tài liệu Pháp Luân Công đã tịch thu từ bà đều được dùng làm bằng chứng truy tố. Bà bị kết án ba năm tù cùng số tiền phạt 5.000 nhân dân tệ.

Trường hợp 2: Cựu giáo viên tiểu học bị kết án bảy năm

Bà Lý Linh Trân 50 tuổi, cư dân thành phố Ngọc Khê, là cựu giáo viên tiểu học, bị bắt vào ngày 23 tháng 3 năm 2020 sau khi bị nhân viên an ninh tố cáo vì giảng chân tướng cho mọi người về Pháp Luân Công trong một trung tâm thương mại. Cảnh sát đã lục soát nhà bà và tịch thu của bà sách Pháp Luân Công, máy tính và 20.000 nhân dân tệ tiền mặt.

Trại giam địa phương từ chối tiếp nhận bà vì đại dịch nên bà được tại ngoại. Sau đó, bà bị triệu tập đến viện kiểm sát nhiều lần nhưng bà đều từ chối và khẳng định mình không làm gì sai khi thực hành đức tin của mình.

Vào đầu tháng 1 năm 2021, cảnh sát đã đột nhập vào nhà bà vào ban đêm và bắt bà trở lại nơi giam giữ. Khi bà Lý bị xét xử vào giữa tháng 5, nhân viên chấp hành ở tòa án đã đưa bà bằng xe lăn đến phòng xử án và thẩm phán kết án bà bảy năm tù.

Trường hợp 3: Cựu vận động viên quần vợt từng bị cầm tù 11 năm đã bị kết án thêm 4 năm vì kiên định đức tin của mình

Ông Hàn Chấn Côn, một cựu vận động viên quần vợt 55 tuổi ở thành phố Côn Minh, đã bị bắt vào tháng 9 năm 2019 khi đang đi công tác ở thành phố Cảnh Hồng. Cảnh sát đã nhắm vào ông sau khi nghi ngờ ông phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Ngày 31 tháng 7 năm 2020, ông Hàn ra hầu tòa tại Tòa án huyện Mãnh Lạp và bị kết án 4 năm cùng mức phạt 40.000 nhân dân tệ.

Trước bản án gần nhất, ông Hàn đã 2 lần bị kết án tù với tổng 11 năm. Vì cuộc bức hại, ông bị buộc phải ly hôn với vợ mình, bà Quách Quyên, cũng là một học viên Pháp Luân Công. Cả cha mẹ ông đều qua đời vào năm 2017 do sức khỏe suy sụp vì phải sống trong cảnh sợ hãi và bị sách nhiễu triền miên cũng vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công.

Trường hợp 4: Cụ bà 79 tuổi bị kết án 3 năm

Bà Đổng Vân Tiên, 79 tuổi, nhân viên đã nghỉ hưu của một công ty đường, thuốc lá và rượu ở thành phố Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, bị bắt vào ngày 30 tháng 6 năm 2020 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Ngày 30 tháng 11, Tòa án thành phố Văn Sơn đã thông báo cho gia đình bà thông qua cuộc gọi video rằng dự kiến bà phải ra hầu tòa vào ngày 1 tháng 12. Bà đã tự bào chữa mình vô tội và vài tuần sau phiên xét xử, thẩm phán đã kết án bà ba năm tù.

Trường hợp 5: Phụ nữ Vân Nam bị kết án bảy năm vì tặng lịch có thông tin về Pháp Luân Công

Bà Cao Huệ Tiên 56 tuổi, cư dân thành phố Côn Minh 56 tuổi, bị bắt vào ngày 7 tháng 12 năm 2018 sau khi bị tố cáo tặng lịch có thông tin về Pháp Luân Công. Viện Kiểm sát quận Tây Sơn đã phê chuẩn việc bắt giữ bà vào ngày 20 tháng 12 năm 2018. Bà ra hầu tòa tại Tòa án quận Tây Sơn vào ngày 22 tháng 10 năm 2019 và bị kết án bảy năm vào ngày 19 tháng 11 năm 2019.

Trường hợp 6: Kỹ sư Vân Nam bị kết án bảy năm

Bà Hà Lị Xuân, một kỹ sư xây dựng 46 tuổi ở thành phố Khúc Tĩnh, bị bắt vào ngày 23 tháng 8 năm 2017 sau khi bị tố cáo sử dụng tiền giấy có in thông tin về Pháp Luân Công. Bà bị khám xét, thẩm vấn và tra tấn trong đồn cảnh sát. Những vết bầm tím trên cổ tay, cánh tay, đầu gối trái và chân phải của bà phải sau nhiều tháng sau mới hết thâm. Năm 2018, Tòa án quận Kỳ Lân đã kết án bà 7 năm tù tại Nhà tù Nữ số 2 tỉnh Vân Nam.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/1/7/470626.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/2/2/214545.html

Đăng ngày 26-02-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share