Bài viết của một phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 03-01-2024] 24 năm sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, các học viên từ 44 quốc gia đã đệ trình danh sách thủ phạm mới lên chính phủ nước sở tại trước Ngày Nhân quyền, ngày 10 tháng 12 năm 2023, nhằm kêu gọi chính phủ truy cứu trách nhiệm của những người tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Các học viên đề xuất chính phủ của họ cấm những thủ phạm này cũng như người nhà của họ nhập cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản của họ ở nước ngoài.

Một trong những thủ phạm trong danh sách này là Vương Hưng Vu, nguyên phó bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) tỉnh Hồ Bắc.

Thông tin về thủ phạm:

Họ tên đầy đủ: Vương Hưng Vu (王兴于)
Giới tính: Nam
Quốc tịch: Trung Quốc
Ngày tháng năm sinh: tháng 12 năm 1965
Nơi sinh: Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc

d14ea97806bb6090c15d4acef9e37679.jpg

Vương Hưng Vu

Chức vụ

Hiện tại: Phó Chủ tịch Tỉnh ủy Hồ Bắc, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Giám đốc Văn phòng Tổng hợp tỉnh ủy.

4/2017 – 4/2022: Phó bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Hồ Bắc, Giám đốc Ban Quản lý toàn diện quản lý xã hội tỉnh.

9/2015 – 4/2017: Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giám sát Chất lượng Kỹ thuật tỉnh Hồ Bắc.

12/2011 – 9/2015: Phó Bí thư Thành ủy Nghi Xương kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Nghi Xương.

11/2011 – 12/2011: Phó Bí thư Thành ủy Nghi Xương

Các tội ác chính

Tỉnh Hồ Bắc là một trong những tỉnh mà cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ diễn ra khốc liệt nhất. Theo dữ liệu do Minh Huệ thu thập được, có ít nhất 233 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết ở tỉnh Hồ Bắc trong 25 năm qua, đứng thứ bảy trong cả nước.

Kể từ tháng 4 năm 2017, khi Vương Hưng Vu trở thành Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Hồ Bắc kiêm Giám đốc Ủy ban Quản lý Toàn diện Xã hội Tỉnh Hồ Bắc, ông ta đã chỉ đạo Sở Công an và Sở Tư pháp tỉnh Hồ Bắc tiếp tục bức hại Pháp Luân Công.

Vương liên tục phỉ báng Pháp Luân Công tại các hội nghị chính trị và chống tà giáo của tỉnh, đồng thời ủng hộ bức hại. Ông ta cũng tổ chức các chiến dịch tuyên truyền tại nhiều trường cao đẳng, đại học và trong cộng đồng, nhằm kích động hận thù và tăng cường cuộc bức hại.

Ngày 3 tháng 1 năm 2019, Phòng 610 thành phố Vũ Hán, kết hợp với Sở Văn hóa và Sở Giáo dục, đã tổ chức “Triển lãm những thành tựu chống tà giáo năm 2018” tại Cung Thanh Thiếu niên Vũ Hán. Phim hoạt hình, video ngắn và các chương trình văn hóa phỉ báng Pháp Luân Công được trình chiếu tại đây. Vương Hưng Vu đã tham dự sự kiện này.

Ngày 30 tháng 11 năm 2019, Vương đã có bài phát biểu tại cuộc họp hội đồng lần thứ ba của Hiệp hội chống tà giáo tỉnh Hồ Bắc, yêu cầu “tận dụng tối đa ảnh hưởng của ‘Trung tâm nghiên cứu các vấn đề tà giáo quốc tế’ tại Đại học Vũ Hán” và “truyền bá thông điệp này ra nước ngoài”. “Chúng ta phải đạt được những thành tựu học thuật lớn hơn về chủ đề chống tà giáo, đào tạo ra nhiều chuyên gia về vấn đề này và chuyển hóa họ [các học viên Pháp Luân Công]”.

Ngày 15 tháng 5 năm 2021, hội nghị lần thứ tư của Hiệp hội Chống Tà giáo tỉnh Hồ Bắc đã được tổ chức tại Vũ Hán. Vương phát biểu tại cuộc họp này và nhấn mạnh trọng tâm là tiếp tục thúc đẩy và mở rộng hoạt động tẩy não công chúng cũng như bức hại Pháp Luân Công.

Tháng 11 năm 2021, theo chỉ thị của Ủy ban Chính trị và Pháp luật cấp tỉnh, Hiệp hội Chống Tà giáo tỉnh Hồ Bắc đã kêu gọi gửi bài viết về chủ đề “Đổi mới và triển vọng của công tác chống tà giáo theo mô hình phát triển mới.”

Năm 2021, Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Vũ Hán và Hiệp hội chống tà giáo đã tổ chức các cuộc hội thảo mang tên “Ủng hộ khoa học và bài trừ tà giáo” nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công.

Trong nhiệm kỳ phó bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Hồ Bắc kiêm giám đốc Phòng Quản lý Tổng hợp của Vương Hưng Vu (từ tháng 4 năm 2017 tới tháng 4 năm 2022), có ít nhất 9 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết, trong đó có bà Hồ Hán Giảo, ông Trần Vọng Thu, bà Nguy Hữu Tú, ông Lưu Tế Cương, ông Lý Đại Nghiêu, bà Vạn Đại Cửu, bà Đường Thường Tuấn, bà Lý Cúc Hoa và bà Tần Hàn Mai. Nhiều người khác cũng bị thương hoặc tàn tật do tra tấn khi bị giam giữ.

Các trung tâm tẩy não ở tỉnh Hồ Bắc

Trọng tâm của cuộc bức hại Pháp Luân Công là buộc các học viên từ bỏ đức tin của mình, ĐCSTQ gọi quá trình này là “giáo dục chuyển hóa”. Để đạt được cái gọi là “tỷ lệ chuyển hóa”, ĐCSTQ đã ngược đãi các học viên cả về thể chất lẫn tinh thần.

Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, là thành phố đầu tiên xây dựng trung tâm tẩy não nhắm vào các học viên, cũng là thành phố có nhiều trung tâm tẩy não nhất Trung Quốc. Một số trung tâm tẩy não khét tiếng như Trung tâm Tẩy não Dương Nguyên, Trung tâm Tẩy não Thang Tốn Hồ, Trung tâm Tẩy não Bản Kiều, Trung tâm Tẩy não Ngạch Đầu Loan, Trung tâm Tẩy não Kham Gia Ki, Trung tâm Tẩy não Nhị Đạo Bằng, Trung tâm Tẩy não Ngọc Duẩn Sơn và Trung tâm Tẩy não Đào Gia Lĩnh. Các trung tâm này được lấy làm “hình mẫu chuyển hóa” cho các trung tâm tẩy não khác trên khắpTrung Quốc.

Mặc dù một số trung tâm tẩy não đã đóng cửa trước năm 2017, nhưng trong nhiệm kỳ của mình, Vương Hưng Vu đã ra lệnh mở lại các trung tâm này. Ít nhất 10 trung tâm tẩy não đã được dựng lên ở Vũ Hán kể từ đầu năm 2021. Các trung tâm mới thành lập này đã nâng tổng số trung tâm tẩy não dùng để giam giữ và tra tấn các học viên Pháp Luân Công địa phương lên 14 trung tâm trên toàn thành phố Vũ Hán. Trên toàn tỉnh Vũ Hán, có ít nhất 27 trung tâm tẩy não đang hoạt động, với ít nhất 123 học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại đó.

Cũng trong năm 2021, để thực hiện chiến dịch “xóa sổ”, Ủy ban Chính trị Pháp luật và Phòng 610 thành phố Vũ Hán đã huy động cảnh sát các quận bắt giữ các học viên địa phương và đưa họ vào các trung tâm tẩy não nếu họ không ký tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 6 tháng 6 năm 2021, Bà Lý Ngọc Trân, 72 tuổi, bị bắt tại nhà và bị đưa vào Trung tâm Tẩy não Vương Gia Hòa. Lính canh đã ép bà xem các video phỉ báng Pháp Luân Công và ra lệnh cho bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà Lý không hợp tác và đã tuyệt thực để phản đối. Các lính canh thay phiên nhau theo dõi và không cho bà ngủ trong bốn ngày. Bà cũng bị bắt phải đứng trong thời gian dài. Vào ngày thứ năm, lính canh bức thực bà Lý, khiến bà vô cùng đau đớn và rơi vào tình trạng nguy kịch.

Được biết, tại Trung tâm Tẩy não Ngọc Duẩn Sơn, một số học viên đã bị tiêm thuốc kích thích thần kinh, khiến họ bị kích động, đau đầu và đau ngực, tăng nhịp tim và huyết áp. Họ không thể nhớ được điều gì và trở nên phấn khích quá mức mà ca hát, nhảy múa một cách vô thức và nói những điều vô nghĩa.

Bà Vạn Đại Cửu, ở quận Hán Dương, Vũ Hán, được trả tự do vào ngày 12 tháng 4 năm 2019, sau bốn năm thụ án vì tu luyện Pháp Luân Công. Chưa đầy một tháng sau, ngày 6 tháng 5 năm 2019, bà lại bị bắt lại và bị đưa vào Trung tâm Tẩy não Ngọc Duẩn Sơn ở quận Hán Dương. Bà đã mất ý thức và không thể tự chăm sóc bản thân khi được thả vài tháng sau đó. Bà qua đời vào tháng 10 năm 2019. Gia đình bà nghi ngờ bà đã bị các nhà chức trách tiêm thuốc có độc.

Bức hại trong năm 2021

Trong năm 2021, 11 học viên ở tỉnh Hồ Bắc đã bị bức hại đến chết, 38 học viên bị kết an, 123 học viên bị giam giữ trong các trung tâm tẩy não, 321 học viên bị bắt cóc, 485 học viên bị sách nhiễu và 21 học viên bị bức hại tài chính.

Ngày 11 tháng 3 năm 2021, khi 7 cư dân Vũ Hán, bao gồm bà Chu Ngọc Anh 83 tuổi, bà Lương 76 tuổi, bà Lưu Vân Lệ 71 tuổi, ông Từ Nam Sơn 70 tuổi, bà Đường Lệ Hoa, 66 tuổi, bà Dư Thế Phương 57 tuổi và bà Đồng Lợi khoảng 43 tuổi, đang học Pháp tại nhà bà Chu thì một viên công an bất ngờ xông vào sau khi cắt các thanh chấn song cửa sổ phòng bà Chu.

Viên cảnh sát này sau đó đã mở cửa chính để những cảnh sát khác vào trong. Cảnh sát đã bắt giữa tất cả các học viên có mặt tại đó và đưa họ tới đồn cảnh sát. Các học viên bị thẩm vấn, bị chụp ảnh, lấy mẫu máu và dấu vân chân vân tay. Bà Chu và bà Lưu đã bị đưa tới Trung tâm Tẩy não quận Vũ Xương.

Bà Hồ Hán Giảo, một cư dân ở huyện Hán Xuyên, tỉnh Hồ Bắc, đã bị bắt vào ngày 15 tháng 3 năm 2021 sau khi bị tố cáo vì phổ biến cho mọi người về Pháp Luân Công. Bà bị kết án 4 năm tù giam vào cuối tháng 6 năm 2021. Trong 7 tháng bị giam giữ tại Trại giam huyện Hán Xuyên, bà Hồ đã tuyệt thực để phản đối bức hại nhưng đã bị bức thực. Vào 8 giờ tối ngày 9 tháng 11 năm 2021, 13 ngày sau khi được chuyển tới Nhà tù Nữ tỉnh Hồ Bắc, một lính canh đã gọi điện cho chồng bà Hồ và nói rằng bà đã chết vì bạo bệnh trong bệnh viện.

Sáng hôm sau, chồng bà cùng một số thân nhân đã vội vã tới nhà tù ở thành phố Vũ Hán và yêu cầu được xem bệnh án của bà và thi thể nhưng nhà tù đã từ chối. Chồng bà đã thuê một luật sư để đòi lại công lý cho bà Hồ nhưng Ủy ban Chính trị và Pháp luật huyện Hán Xuyên đã gây áp lực buộc ông phải sa thải luật sư này và cấm ông không được bàn luận về cái chết của bà Hồ với các học viên Pháp Luân Công địa phương khác.

Bà Tôn Trạch Vinh, một cư dân thành phố Vũ Hán, đã nhiều lần bị bắt cóc và giam giữ tại các trung tâm tẩy não. Bà đã từng bị tra tấn đến mức nguy kịch tại Trung tâm Tẩy não Ngạch Đầu Loan. Việc bắt giữ và sách nhiễu không ngừng nghỉ trong nhiều năm đã khiến sức khỏe của bà bị tổn hại. Bà qua đời vào ngày 21 tháng 1 năm 2021, hưởng thọ 63 tuổi. Chỉ một năm sau khi bà qua đời, chồng bà, ông Dương Linh Phú cũng qua đời sau 4 năm thụ án tù và bị bức hại tài chính.

Bức hại trong năm 2020

Trong đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 vào năm 2020, Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Hồ Bắc và Phòng 610 cũng không giảm cường độ bức hại. Trong năm này, 38 học viên đã bị kết án và 20 người bị xét xử, it nhất 573 học viên đã bị bắt hoặc bị sách nhiễu. Một số học viên đã bị cảnh sát khám xét nơi ở. Cảnh sát thành phố Tiên Đào thậm chí còn treo giải thưởng 1.000 nhân dân tệ cho ai tố cáo một học viên Pháp Luân Công.

Theo lệnh của Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Hoàng Cương, chính quyền ở thành phố Mã Thành, huyện Hồng An, huyện Hoàng Mai, huyện Tây Thủy, huyện Kỳ Xuân và thành phố Ngũ Huyệt đã huy động một số lượng lớn cảnh sát đến sách nhiễu các học viên tại nhà và bắt họ viết tuyên bố từ bỏ đức tin của mình. Các tuyên truyền phỉ báng được dán trên các bảng tin khu phố hoặc hiển thị trên các bảng quảng cáo điện tử. Người dân địa phương được khuyến khích tố cáo những học viên nâng cao nhận thức về cuộc bức hại.

Bà Vương Quỳnh, ở thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, bị kết án 2 năm với mức phạt 10.000 nhân dân tệ vào tháng 10 năm 2019. Người phụ nữ 59 tuổi này đã giảm gần 16kg trong 6 tháng do bị tra tấn tại Nhà tù Nữ tỉnh Hồ Bắc trong thời gian thụ án từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2020. Bà bị gãy hai xương sườn và mất một chiếc răng, huyết áp tăng cao, bàn chân và cẳng chân sưng phù, khó thở và phát hiện u nang gan và sỏi mật nghiêm trọng.

Bà Nguy Hữu Tú ở quận Kiều Khẩu, Vũ Hán đã bị bắt tại Công viên Trung Sơn sau gặp phải một cảnh sát mặc thường phục vào ngày 2 tháng 6 năm 2018. Cảnh sát đã giam giữ bà hơn một năm trong Trại giam Số 1 Vũ Hán. Có người đã nhìn thấy bà trong trại giam này, nói rằng trông bà gầy hốc hác và không tự đi lại được. Ngày 15 tháng 8 năm 2020, chính quyền đã thông báo cho gia đình bà Nguy rằng bà đã chết vì bệnh bạch cầu. Gia đình bà đã chất vấn chính quyền, tự hỏi làm sao một người hoàn toàn khỏe mạnh trước khi bị bắt, lại mắc bệnh bạch cầu và chết trong thời gian ngắn như vậy được?

Bức hại trong năm 2019

Năm 2011, Ủy ban Chính trị và Pháp luật và Phòng 610 tỉnh Hồ Bắc đã lợi dụng “Đại hội Thể thao Quân sự Thế giới” ở Vũ Hán làm cớ để tăng cường bức hại. Năm 2019, 23 học viên bị kết án, 353 người bị bắt và 176 người bị sách nhiễu. Chỉ riêng ở Vũ Hán đã có ít nhất 144 học viên bị bắt và 92 học viên bị sách nhiễu, ít nhất 30 người bị giam giữ trong các trung tâm tẩy não và 59 người trong các trại tạm giam, 4 học viên đã chết do bị bức hại.

Ông Vương Tinh Quốc, 67 tuổi, bị bắt tại Vũ Hán vào ngày 5 tháng 9 năm 2019 và bị giam trong hơn một năm. Sau đó, ông được chuyển đến Bệnh viện Phục hồi chức năng Vũ Hán. Ông gần như bị mù mắt trái và mất thính giác ở cả hai tai do bị tra tấn trong trại giam. Ông cũng bị cao huyết áp và bệnh tim.

Một vụ bắt giữ hàng loạt gồm ít nhất 40 học viên đã diễn ra vào ngày 23 tháng 9 năm 2019, ngay trước thềm Quốc khánh lần thứ 70 của ĐCSTQ vào ngày 1 tháng 10 và Đại hội Thể thao Quân sự Thế giới lần thứ 7 được tổ chức từ ngày 18 đến 27 tháng 10 tại Vũ Hán.

Vài tháng trước khi vụ bắt giữ hàng loạt này diễn ra, cảnh sát của Đồn Công an Chợ Đa La Khẩu ở quận Đông Tây Hồ đã thu thập thông tin từ các cảnh quay các học viên Pháp Luân Công nói chuyện với người dân hoặc lan tỏa thông tin về Pháp Luân Công ở trong hoặc gần Chợ Đa La Khẩu được ghi lại trên camera giám sát. Cảnh sát đã in ảnh của các học viên và dán từng bức ảnh vào một chiếc túi lớn, sau đó dùng để đựng những đồ tịch thu từ mỗi học viên bị bắt.

Ông Lý Đại Nghiêu, cư dân thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, đã qua đời ở tuổi 67, vào ngày 30 tháng 11 năm 2019, trong khi đang thụ án vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông Lý bị bắt vào ngày 20 tháng 9 năm 2017 và bị kết án bốn năm tù vào ngày 9 tháng 4 năm 2018. Ông bị giam tại Trại giam huyện Giam Lợi trong một năm trước khi bị đưa vào Nhà tù Phạm Gia Đài vào ngày 5 tháng 9 năm 2018. Lính canh trại giam đã ép ông uống thuốc điều trị huyết áp cao, mặc dù ông không mắc bệnh gì. Cân nặng của ông Lý giảm từ 90kg xuống còn 68kg. Tại Nhà tù Phạm Gia Đài, ông Lý bị buộc phải lao động không công, ngay cả khi tay ông bị tê cứng.

Ông Lý nhập viện từ tháng 12 năm 2018 đến tháng 1 năm 2019. Ông được phát hiện có một lượng lớn sỏi mật, nhưng nhà tù không cho phép ông phẫu thuật để lấy sỏi. Ông chỉ được phát cho một số thuốc giảm đau và kháng sinh. Tình trạng của ông Lý đột ngột xấu đi vào tháng 8 năm 2019. Ngày 29 tháng 8, khi gia đình đến thăm ông, ông đã gặp khó khăn khi nói chuyện. Ngày 12 tháng 9, gia đình ông quay lại thăm ông thì được biết ông đã được đưa đến Bệnh viện Nhà tù Trường Lâm sau khi bị liệt và hoàn toàn không nói được. Gia đình ông không được phép gặp ông trong bệnh viện. Họ yêu cầu được bảo lãnh cho ông tại ngoại để chữa bệnh nhưng bị từ chối. Sức khỏe của ông tiếp tục suy giảm trong những tháng tiếp theo. Ông qua đời vào cuối tháng 11 năm 2019.

Bức hại trong năm 2018

Năm 2018, 49 học viên ở tỉnh Hồ Bắc bị kết án, 231 người bị bắt và 77 người bị sách nhiễu.

Ông Chu Quốc Cường, cựu nhân viên Ngân hàng Công thương thành phố Xích Bích, tỉnh Hồ Bắc, bị bắt vào khoảng 5 giờ chiều ngày 26 tháng 12 năm 2018, khi đang làm việc tại Vũ Hán. Cảnh sát đã tịch thu 80.000 nhân dân tệ khi lục soát nhà ông.

Ban đầu, ông Chu, hơn 50 tuổi, bị đưa đến Đồn Công an Dư Gia Đầu. Cảnh sát đã trói ông vào chiếc ghế kim loại, thẩm vấn và đánh đập ông. Sau đó, họ đưa ông đến bệnh viện để khám sức khỏe toàn diện. Mắt, tim, thận, gan và phổi của ông đều được kiểm tra. Y tá cũng lấy vài trăm mililít máu, nhiều hơn so với lượng máu thông thường, đồng thời cũng thu thập một mẫu tủy xương của ông.

Bà Vương Kỳ Hoa, 66 tuổi, bị bắt và đưa đến Trung tâm Tẩy não Ngọc Duẩn Sơn vào ngày 13 tháng 7 năm 2017. Bà bị chuyển đến Trại giam Số 1 Vũ Hán vài ngày sau đó. Bà bị Tòa án quận Tân Châu kết án 8 năm tù vào ngày 2 tháng 5 năm 2018.

Ông Hứa Kiến Tân bị bắt cóc vào chiều ngày 13 tháng 5 năm 2018, nhà ông cũng đã bị lục soát. Sáng hôm sau, khi người nhà đến thăm ông, họ phát hiện ông Hứa đã bị đánh đập rất tàn bạo; khắp người đầy vết thương và nhiều răng đã bị gãy.

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/1/3/470288.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/29/214492.html

Đăng ngày 14-02-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share