Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 29-10-2023] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp khi còn nhỏ, và tôi đã được Sư phụ bảo hộ từ thuở ấu thơ, đến khi đi học và cả khi đi làm.

Khi còn trẻ, tôi rất dễ bị ảnh hưởng bởi những xu hướng xã hội không lành mạnh. Hành vi của tôi có thể đã vô tình vi phạm các giá trị truyền thống. Thật may mắn, nhờ có Sư phụ dẫn dắt nên tôi đã không chạy theo đám đông, mà tôi ngày càng nhận thức được những yếu tố lệch lạc trong suy nghĩ của mình và nỗ lực loại bỏ chúng. Tôi muốn chia sẻ một số thể ngộ gần đây của mình về các giá trị truyền thống và bày tỏ lòng biết ơn cũng như kính trọng sâu sắc đối với Sư phụ từ bi và Đại Pháp.

Sư phụ đã nhiều lần đề cập đến các cụm từ “truyền thống” và “quan niệm hiện đại” trong Hồng Ngâm V, Hồng Ngâm VI, và nhiều bài viết trên trang web Minh Huệ về việc trở lại với truyền thống và rũ bỏ những quan niệm hiện đại biến dị. Tôi nhận ra rằng mặc dù tôi là người thích văn hóa truyền thống nhưng lại hiểu rất nông cạn về ý nghĩa và nội hàm của nó.

Tôi cứ nghĩ rằng chỉ cần làm người tốt, làm việc tốt, tích đức là đủ, v.v.. Tôi nghĩ là mình đang tuân theo những giá trị truyền thống, nhưng đồng thời tôi cũng nhận thấy mình vẫn còn một số quan niệm biến dị.

Hiếu thảo thực sự là gì?

Gần đây tôi mới hiểu sâu sắc hơn về đức tính hiếu thảo. Người xưa có câu: “Bách hiếu vi tiên (trăm điều thiện, chữ hiếu đứng đầu)”. Nhưng ngày nay, những giá trị như lòng hiếu thảo ít được nhắc tới.

Ví dụ, một số trẻ nhỏ tỏ ra bất kính khi nói chuyện với bố mẹ hoặc người lớn tuổi. Họ có xu hướng cao giọng tranh luận. Một số bậc cha mẹ dù biết rõ vấn đề của con nhưng không dám nói gì vì sợ tình hình nghiêm trọng hơn, khiến con càng nổi loạn và càng khó xử lý.

Tôi được xem là một đứa trẻ ngoan. Nhưng khi lớn lên, mặc dù bản tính hiền lành của tôi vẫn thế, nhưng tôi lại trở nên có chút bất kính với bố mẹ. Tôi không phải là người nổi loạn, nhưng hồi học cấp hai, thỉnh thoảng tôi cũng cãi lại bố. Tôi có xu hướng “phơi bày” những khuyết điểm của bố và không chấp nhận quan điểm của ông. Khi học đại học, tôi cảm thấy mình hiểu biết hơn cả bố mẹ rất nhiều và không còn là một đứa trẻ nữa.

Đôi khi tôi nói năng hồ đồ hoặc cáu gắt. Vì tôi là con gái, nên bố tôi chưa bao giờ khiển trách tôi nặng nề, kể cả khi tôi tranh cãi với ông. Tôi không nghĩ mình đã cư xử sai, mặc dù tôi có thể cảm nhận được rằng bố có mặc cảm với tôi. Tôi cho rằng tôi không mắc nợ bố mẹ gì cả; tôi đã tỏ ra thiếu tôn trọng và khác biệt với thế hệ của họ.

Vào thời điểm đó, tôi chưa hiểu rõ các Pháp lý và không tinh tấn trong tu luyện. Tôi đã không nhận ra rằng chúng ta không những cần tu luyện tâm tính khi giao tiếp với mọi người mà còn phải tuân theo tiêu chuẩn của người tu luyện khi đối đãi với người thân, vì gia đình cũng là một phần trong môi trường tu luyện của chúng ta. Là người tu luyện, tôi cần buông bỏ những chấp trước con người và trở thành một người tốt hơn nữa. Vậy thì tại sao tôi lại có thể bất kính với bố mẹ chứ?

Sư phụ giảng:

“Tất nhiên, chúng ta tu luyện trong xã hội người thường, [thì] hiếu kính cha mẹ, dạy dỗ con cái đều cần phải [làm]; tại các hoàn cảnh đều đối xử tốt với người khác, lấy Thiện đãi người, huống là thân nhân chư vị. Đối với ai cũng vậy, đối với cha mẹ, đối với con cái đều tốt, ở đâu cũng cân nhắc đến người khác; cái tâm ấy không phải là tự tư, mà là tâm từ thiện, là từ bi.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Thông qua học Pháp và đọc các bài chia sẻ của các học viên, tôi dần nhìn ra vấn đề của mình và bắt đầu xem xét mối quan hệ của tôi với bố từ cơ điểm của người tu luyện.

Tôi chú ý đến ngữ khí khi nói chuyện với bố và ngừng cằn nhằn ông về việc ông uống rượu. Thay vào đó, tôi ân cần giải thích với ông về việc ông nên chăm sóc sức khỏe bản thân như thế nào để ông cảm thấy rằng con gái của ông thực sự quan tâm đến ông.

Đôi khi tôi không đồng tình với những gì bố nói. Tôi biết mình đang tự cho mình là đúng nên tôi nhắc nhở bản thân không được tranh cãi và cần phải nói năng bình tĩnh khi chia sẻ quan điểm với ông.

Khi bố chỉ cho tôi thấy những điều tôi làm sai trong công việc, tôi tự nhắc nhở mình không được cãi lại hay giải thích, mà cần cố gắng đứng ở vị trí của ông để hiểu suy nghĩ và ý kiến của ông. Đồng thời, tôi cần buông bỏ tâm tranh luận và chấp trước vào thể diện.

Sư phụ giúp loại bỏ những quan niệm biến dị

Thật không hề dễ dàng, nhưng tôi coi những tình huống đó như khảo nghiệm mà tôi phải vượt qua trong tu luyện và những chấp trước mà tôi phải buông bỏ. Dần dần, mọi thứ bắt đầu thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Tôi không còn ham muốn tranh luận hay bào chữa cho mình nữa, và bầu không khí trong gia đình tôi trở nên hòa thuận hơn. Tôi hiểu rằng:

“Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Sư phụ thấy tôi thành tâm muốn loại bỏ những nhân tố biến dị của bản thân và cố gắng hết sức để rèn luyện hành vi của mình nên Ngài đã loại bỏ chúng cho tôi.

Một điều nữa đã cho tôi thấy được lối suy nghĩ lệch lạc ẩn giấu rất sâu của mình. Bố tôi hầu như không đụng tay vào bất kỳ công việc nhà nào. Việc nhà chủ yếu là mẹ tôi làm và tôi thỉnh thoảng giúp đỡ bà. Tuy nhiên, mỗi khi nhìn thấy bố nằm trên giường chơi điện thoại di động trong khi mẹ con tôi dọn dẹp nhà cửa, tôi lại cảm thấy khó chịu và nghĩ: “Con và mẹ đã quá mệt, chẳng lẽ bố không thể giúp một chút sao?”

Một ngày nọ, tôi chợt nghĩ: “Người xưa có mong đợi bố mẹ làm việc nhà không? Liệu họ có thấy khó chịu nếu cha họ không làm bất kỳ công việc nhà nào không?” Người xưa sẽ cho rằng hành vi của tôi là sai trái vì họ coi trọng đức hạnh và kính trọng người lớn tuổi. Điều đó cho thấy tôi đã hình thành lối suy nghĩ lệch lạc, đi ngược lại với truyền thống.

Tôi ngộ ra rằng, phản ứng của tôi với bố đã bộc lộ tâm tranh đấu, tâm tật đố và tâm oán giận. Từ lâu, tôi đã đặt mình ngang hàng với bố mẹ và nghĩ rằng chúng tôi ai cũng có trách nhiệm làm việc nhà như nhau.

Tuy nhiên, bố mẹ là bố mẹ và họ là bề trên trong gia đình. Từ khi sinh ra, con cái đã được bố mẹ chăm sóc, cho nên cần phải báo đáp công ơn nuôi dạy của bố mẹ, và cần tham gia vào các công việc ở nhà nhiều hơn nữa.

Tôi cũng nhận thấy, trong tiềm thức, tôi cảm thấy bố mẹ phải đối xử tốt với tôi. Nếu không, thì là họ sai. Tôi hầu như không nghĩ tới những gì mình đã làm cho bố mẹ; trên thực tế, tôi chưa biết trân quý họ, cho những gì họ làm cho tôi là đương nhiên.

Chẳng hạn, những điều mà tôi không dám nói với người khác ở nơi công cộng vì sợ làm tổn thương tình cảm của họ thì tôi lại nói với bố mẹ. Tôi nghĩ rằng họ là bố mẹ mình nên tôi có thể nói bất cứ điều gì tôi thích. Ngay cả khi tôi nói gì đó khiến họ cảm thấy khó chịu, thì tôi cũng không thấy có lỗi, vì họ là bố mẹ tôi và điều đó là bình thường.

Những suy nghĩ ẩn giấu này rất khó phát hiện. Tôi hiểu rằng là người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, ngay cả với những người mà chúng ta thậm chí không quen biết cũng cần đối xử tử tế, chứ chưa nói đến là bố mẹ mình. Đây không chỉ là để báo đáp công ơn của họ mà nó còn xuất phát từ tâm từ bi được tu xuất lai trong Đại Pháp.

Ngoài đức tính hiếu thảo, tôi còn có được một số thể hội sâu sắc về thói quen sinh hoạt của mình. Người xưa có câu: “Bắt đầu làm việc lúc mặt trời mọc và nghỉ ngơi sau khi mặt trời lặn”. Một thói quen như vậy tận dụng tốt thời gian mà chúng ta có, còn một lịch trình hàng ngày lộn xộn mang lại tác hại cho con người cả về thể chất và tinh thần.

Tôi rút ra kinh nghiệm rằng mình cần đi ngủ sớm và dậy sớm. Tôi cần cố gắng bỏ thói quen thức khuya vốn đã hình thành khi còn là sinh viên đại học. Là một học viên, tôi cần dậy sớm vào buổi sáng và luyện công. Thức rất khuya sẽ khiến buổi sáng khó dậy sớm và nó có thể ảnh hưởng đến tu luyện của tôi.

Chúng ta cần chú ý đến cách hành xử của mình. Cư xử tốt và thái độ ngay thẳng là những chuẩn mực hành vi của con người theo văn hóa truyền thống.

Tôi chưa làm tốt về phương diện này. Ví dụ, khi ngồi tôi thường bắt chéo chân hoặc ngồi xổm trên ghế. Tôi cần chú ý đến tư thế của mình.

Trong quá trình tu luyện, tôi học được rằng trân quý đồ vật và đồ ăn, tiết kiệm và không cầu kỳ về ăn mặc cũng là những đức tính được đề cao trong văn hóa truyền thống. Chúng phản ánh tâm tính của chúng ta. Nếu một người có thể làm tốt ở những phương diện này, thì những chấp trước vào vị tư, an dật, lười biếng, sắc dục, lợi ích cá nhân và hiển thị của họ sẽ giảm đi đáng kể.

Trong bài thơ “Tái tạo”, Sư phụ giảng:

“Tẩu hồi truyền thống lộ thông thiên.” (Tái tạo, Hồng Ngâm V)

Diễn nghĩa:

“Quay về truyền thống là con đường rộng mở lên trời.”

Tôi nhận ra rằng nhiều đức tính truyền thống không chỉ là tiêu chuẩn ứng xử của người thường mà còn có ý nghĩa to lớn đối với các học viên Đại Pháp. Tinh tấn có thể loại bỏ ham muốn an nhàn, sự kiên định có thể thay thế tâm tính nóng nảy, đức tính cần kiệm có thể loại bỏ chấp trước vào sự phù phiếm và tâm hiển thị, khiêm nhường có thể loại bỏ tâm tranh đấu và chấp trước chứng thực bản thân, v.v.. Những chấp trước và những nhân tố lệch lạc đằng sau chúng thường gia cường những thói quen đã bén rễ sâu và không phù hợp với các giá trị văn hóa truyền thống của chúng ta.

Là người tu luyện, tôi biết trong suy nghĩ của mình vẫn còn nhiều quan niệm sai lệch, một số rất khó phát hiện. Tôi thật may mắn khi đắc được Pháp Luân Đại Pháp, được Sư phụ và Đại Pháp dẫn dắt! Tôi sẽ quy chính bản thân trong quá trình tu luyện, quay về với truyền thống chân chính, theo Sư phụ trở về nhà.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/10/29/467567.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/23/213047.html

Đăng ngày 22-01-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share