Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 19-9-2023] Tôi vốn là người có tâm oán hận mạnh mẽ, dù chỉ hơi một chút chịu bất công liền ôm mối hận trong lòng, than thân trách phận, khiến bản thân vô cùng thống khổ. Trong quá trình tu luyện tôi đã nhận ra cái tâm này và cũng một mực nỗ lực loại bỏ nó.

1. Buông bỏ oán hận đối với cha mẹ

Từ nhỏ đến lớn, cha dượng luôn đối xử không tốt với tôi. Ông thường xuyên nhục mạ, dùng lời lẽ đay nghiến, ác độc với tôi (không chỉ đối với riêng tôi mà với cả bố mẹ, anh em, lãnh đạo và đồng nghiệp của ông, ông đều đối xử như vậy), khiến tôi bị tổn thương tâm lý rất lớn. Hồi ấy tôi còn trẻ người non dạ, cho rằng mình bị oan ức rất lớn và đã nảy sinh rất nhiều oán hận đối với bố dượng. Đồng thời, lúc nhỏ tôi cũng thường xuyên đau ốm, vì mẹ tôi phải đi làm nên đã gửi tôi về nhà bà ngoại chăm sóc, lâu lâu mới về thăm tôi một lần khiến tôi cảm thấy rất tủi thân và dằn vặt. Bà ngoại không biết nuôi dạy trẻ nhỏ, tôi từ bé không ai dạy bảo, không hiểu đạo lý đối nhân xử thế, cũng không giao thiệp với mọi người, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của tôi sau này. Ở trường tôi không có bạn, cũng không giao lưu gì, đặc biệt là tôi không dám tiếp xúc với các bạn nữ, mặc cảm tự ti rất lớn, tính cách rất thu mình, ở trường hay ở đơn vị công tác thường bị ức hiếp, luôn gặp nhiều chuyện rất không như ý. Điều này khiến tôi tích tụ rất nhiều oán hận đối với cha mẹ.

Thuở mới bắt đầu tu luyện, tôi vẫn chưa nhận ra rằng mình oán hận cha mẹ nhiều đến mức nào, tôi chỉ học cách nhẫn nhịn, dù trong tâm có ủy khuất và thống khổ đến đâu tôi cũng cố nhẫn. Tuy nhiên, khi tu luyện ngày càng thâm sâu hơn, nếu chỉ làm được nhẫn ở bề mặt thì chưa đủ, cần phải thực sự buông bỏ cái tâm này.

Có lần, khi ăn tối, bố tôi đưa ra một câu hỏi hóc búa (ông thường dùng chủ đề gây tranh cãi để giao lưu với mọi người, khiến mọi người cãi nhau với ông, ngoại trừ cách cãi vã này ra ông không có cách giao lưu nào khác). Sau khi tôi giải thích cho ông, không ngờ ông bắt đầu làm quá lên, cảm xúc càng lúc càng kích động, vẻ mặt càng lúc càng dữ tợn, lời nói càng lúc càng kịch liệt, dù tôi có giải thích thế nào ông cũng không chấp nhận, cứ khăng khăng rằng tôi sai. Trong cơn bốc đồng, ông túm lấy cánh tay tôi, nhất quyết tranh luận rõ ràng, tôi cũng bắt đầu hơi tức giận, và nói với ông bằng giọng nghiêm túc rằng tôi không muốn tiếp tục cuộc trò chuyện này nữa, bảo ông ngồi xuống và đừng dây dưa với tôi nữa.

Nhìn lại, tôi nhận ra mình đã nảy sinh tâm chấp trước. Nếu là người thường, tôi sẽ không tức giận cũng không kiên quyết tranh luận với bố như thế, không để ý đến ông thì đã không có chuyện gì, nhưng sự oán giận lâu ngày đã khiến tôi mất lý trí, luôn muốn tranh đúng sai với ông, muốn chứng minh rằng ông sai. Sau khi tôi bắt đầu tìm ở bản thân, tôi tìm thấy tâm oán hận, tâm tranh đấu, tâm tranh biện, tâm chứng thực bản thân, tâm không biết nói sao, tâm vội vàng thiếu kiên nhẫn, danh lợi tình, tư tâm, tâm trả thù, thật sự là quá kém cỏi! Trong khi tôi phát chính niệm để thanh trừ những chấp trước này, mẹ tôi ở bên cạnh cứ mắng tôi, khảo nghiệm sự nhẫn nại của tôi, thật may lúc đó tôi đã bình tĩnh lại, không còn bị ma tính chi phối nữa. Sau khi phát chính niệm xong, tôi cảm thấy dễ chịu hơn nhiều, khi vào phòng khách, tôi thấy bố đang nằm trên ghế sofa xem điện thoại di động như thể chưa có chuyện gì xảy ra, đều là giả tướng.

2. Buông bỏ oán hận đối với người hại mình

Tôi vì giảng chân tướng Đại Pháp mà bị bắt cóc về đồn cảnh sát hai lần, bị đưa vào trại tạm giam một lần, bị đuổi khỏi nơi làm việc ba lần (nhiều công ty tư nhân ở Trung Quốc không dám nhận các đệ tử Đại Pháp, nếu không giảng chân tướng thì có thể miễn cưỡng giữ lại, còn nếu giảng chân tướng thì kiên quyết sa thải), cuộc sống của tôi không mấy thuận lợi. Mỗi khi có chuyện gì xảy ra, tôi đều sinh tâm oán hận với người tố giác và cảnh sát, oán trách họ bức hại người tốt, oán trách họ tước đoạt cơ hội việc làm của tôi, khiến tôi không còn kế sinh nhai. Nhưng giờ đây nghĩ lại, họ gây ra cho tôi biết bao chuyện xấu, chẳng phải là Sư tôn đã chuyển hóa thành biết bao chuyện tốt đó sao? Nếu không có những ma nạn này, tôi làm sao có thể thanh tỉnh lý trí và kiên định đối với Pháp được như hôm nay? Đó là bởi tôi không nhận ra rằng thực ra dù tôi có chịu bao nhiêu ma nạn đi nữa thì đều là giả tướng, đều là những biểu hiện cụ thể để thành tựu đệ tử Đại Pháp mà thôi. Điều tôi cần làm là đối đãi với những ma nạn này bằng chính niệm và từ đó tu luyện bản thân.

Hiện giờ, tôi không còn oán hận những người làm hại tôi nữa, cũng không vì hoàn cảnh của mình mà oán trời trách đất, tôi còn cảm ơn họ vì đã giúp tôi buông bỏ rất nhiều nhân tâm, giúp tôi đề cao, đồng thời cũng cảm thấy họ thật đáng thương. Bị tà ác che mắt, họ đã làm nhiều việc xấu. Tôi hy vọng họ còn có cơ hội biết chân tướng và được cứu độ.

3. Mối quan hệ giữa tâm oán hận và các tâm khác

Trong quá trình hướng nội tìm, tôi phát hiện ra tâm oán hận có quan hệ với rất nhiều tâm chấp trước khác. Đầu tiên, tâm oán hận bắt nguồn từ tư tâm, tâm tự ngã, thể hiện dưới dạng một loại cảm xúc phụ diện. Thứ hai, tâm oán hận thường đi kèm với những chấp trước khác như tâm tranh đấu, tâm tật đố, tâm trả thù v.v.. Chứ hiếm khi tồn tại đơn lẻ. Những chấp trước này củng cố lẫn nhau, liên hệ với nhau, và trước một sự việc chúng thường đồng thời nổi lên. Nếu một tâm không tu bỏ được thì những tâm khác cũng sẽ rất khó bỏ, nhưng nếu chỉ tu bỏ một tâm thì những tâm khác sẽ trỗi dậy trở lại. Cho nên phải đồng thời tu bỏ tất cả các tâm này. Thứ ba, những chấp trước này thường tương hỗ với nhau. Thoạt nhìn có vẻ như đang tranh cao thấp, biện giải đúng sai nhưng thực ra có thể là do oán hận, mà oán hận lại xuất phát từ tật đố. Khi danh lợi tình bị đụng chạm tới cũng sẽ sinh ra oán hận, nguồn gốc của oán hận lại nhất định là tự tư tự ngã. Nếu muốn thực sự trừ bỏ được cái tâm này, phải đào sâu tận gốc rễ, tìm ra ngọn nguồn, mới có thể biết tại sao bản thân lại có tâm đó.

Trải qua nhiều lần ma luyện, cuối cùng tôi đã hiểu ra rằng không có chuyện gì là bất công cả, cũng không có kẻ ác, chỉ là Sư tôn muốn thành tựu tôi, muốn tôi buông bỏ tâm này, muốn tôi ở trong ma nạn mà ngộ đạo, thực sự làm được “đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Giờ đây ngẫm lại, tôi thực sự đã quá ngốc, tu lâu như thế tôi mới ngộ ra đạo lý dễ hiểu này, tôi đã bị mắc kẹt mãi trong những biểu hiện giả tướng nực cười về ai đúng ai sai, ai tốt ai xấu, ai chịu thiệt thòi, bị cái tâm này hành hạ, kéo xuống không thể tiến bước, không thể tinh tấn, thật sự quá kém cỏi!

Từ nay trở đi tôi sẽ nghiêm khắc dùng Pháp yêu cầu bản thân, không thể lại cố tình vi phạm nữa.

(Phụ trách biên tập: Lý Minh)

Bản quyền © 2023 Minghui. Org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/9/19/465416.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/5/212779.html

Đăng ngày 28-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share