Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Đài Loan

[MINH HUỆ 14-07-2023] Tôi là một giáo viên và cảm thấy vô cùng biết ơn Sư phụ vì đã truyền rộng Pháp Luân Đại Pháp, để tôi có thể sống với tâm trí trong sáng và không lạc lối giữa thế gian hỗn loạn này.

Tôi từng quan tâm rất nhiều về việc người khác nghĩ gì về mình. Trước khi bước vào tu luyện, tôi rất chăm chỉ và nghiêm khắc với học sinh của mình. Đó là vì tôi muốn được công nhận và được coi là một giáo viên giỏi. Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi biết việc này phản ánh chấp trước vào danh của tôi. Là người tu luyện, chúng ta nên làm tốt bổn phận và trách nhiệm của mình mà không quan tâm đến lợi ích cá nhân, và không nên truy cầu mọi việc.

Tôi thường cố gắng hết sức để thiết lập quyền uy của mình đối với học sinh và muốn các em ngoan ngoãn. Tuy nhiên những phương pháp mà tôi sử dụng không thích hợp với người tu luyện và tôi không có lòng từ bi. Các học sinh nghe lời tôi vì các em sợ tôi. Sau khi bước vào tu luyện, tôi bắt đầu quan tâm hơn đến những đứa trẻ có tính cách khác biệt và tìm hiểu lý do tại sao các em lại cư xử như vậy. Tôi đã cố gắng hết sức để nhìn vào mặt tích cực của mọi sự việc và giúp học sinh của mình trở thành những người tốt hơn.

Tôi có một học sinh biểu hiện trong lớp là thường xuyên ngắt lời tôi. Tôi đã nhiều lần nhắc nhở em không nên làm vậy nữa nhưng cậu ấy dường như không coi trọng tôi. Có lần, tôi đã cao giọng và nghiêm túc nói: “Bây giờ em hãy im lặng. Thầy (cô) không muốn nghe gì từ em nữa.” Cậu học sinh thì thầm với học sinh bên cạnh và nói: “Vậy tiếng đập của tim mình có được tính không?” Tôi cảm thấy cậu ấy đang cố tình làm vậy và muốn chọc giận tôi. Tôi cảm thấy rất tức giận và đã nén cơn giận trong vài ngày.

Tôi bắt đầu hướng nội. Tại sao tôi không thích nghe cậu ấy nói. Tại sao tôi lại nổi giận khi nghe cậu ấy nói? Chẳng lẽ tôi có quan niệm hay định kiến gì về cậu ấy? Có phải cậu học sinh đã làm xấu hình ảnh của tôi trước mặt mọi người khi từ chối nghe lời cảnh báo của tôi? Tôi bực mình vì cậu ấy làm tôi cảm thấy mất mặt trước tất cả mọi người. Liệu tôi có thực sự khó chịu vì lo lắng rằng cậu học sinh này sẽ học không được tốt, hay tôi chỉ quan tâm đến bản thân mình? Tôi đã nhìn ra chấp trước vào tự ngã của mình và chỉ nghĩ cho bản thân thay vì nghĩ cho người khác.

Có lần sau giờ học tôi đã hỏi cậu học sinh này: “Có phải em đang cố thu hút sự chú ý của thầy (cô) bằng cách hành động như vậy hay không?” Cậu học sinh này nói: “Thưa thầy (cô), cuối cùng thì thầy (cô) cũng đã nhận ra!” Hóa ra cậu ấy làm vậy là để thu hút sự chú ý của tôi, trong khi tôi luôn nghĩ rằng cậu ấy đang quậy phá tôi.

Kể từ đó, tôi đã tương tác với cậu học sinh thường xuyên hơn và để ý tới cậu ấy nhiều hơn. Sau này tôi mới biết cậu ấy mồ côi cha và thiếu sự quan tâm của gia đình. Theo thời gian hành vi của cậu ấy cũng có tiến bộ. Dù vẫn hay nói chuyện riêng trong giờ học nhưng cậu ấy đã dừng lại khi được tôi nhắc nhở.

Tôi đã trở nên thiện và biết quan tâm đến người khác hơn kể từ khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Đại Pháp giúp tôi trở nên tốt hơn. Tôi học được cách dùng thiện để giáo dục trẻ; đây là cách duy nhất để thay đổi trẻ. Những thay đổi này cũng là bền bỉ và xuất phát từ nội tâm. Các học sinh sẵn lòng lắng nghe tôi không còn chỉ vì các em sợ tôi nữa, mà là vì các em biết rằng tôi thật sự quan tâm đến các em.

Con xin cảm tạ Sư phụ, vì đã dạy con cách để trở thành một người giáo viên tốt. Tôi hy vọng mình có thể loại bỏ được cái tôi của bản thân và trở thành một người tu luyện vô tư vô ngã, đồng thời gieo càng nhiều những hạt giống thiện trong khu vườn giáo dục. Tôi hy vọng rằng học sinh của tôi đều có thể trở thành người tốt.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/7/14/462903.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/9/13/211311.html

Đăng ngày 26-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share