Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-06-2023]

Họ tên: Trần Hiểu Bân (陈晓彬)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 48
Thành phố: Yết Dương
Tỉnh: Quảng Đông
Nghề nghiệp: Không rõ
Ngày mất: Ngày 1 tháng 5 năm 2023
Ngày xảy ra vụ bắt cuối cùng: Ngày 22 tháng 5 năm 2017
Nơi giam giữ cuối cùng: Trại tạm giam Thành phố Yết Dương

Năm 2017, một phụ nữ 48 tuổi ở thành phố Yết Dương, tỉnh Quảng Đông bị kết án tù cùng với con trai bà vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã được trả tự do vào tháng 11 năm 2019, nhưng phải vật lộn với tình trạng sức khỏe yếu do những ngược đãi ở trong tù và 3,5 năm sau bà qua đời. Khi đó con trai bà vẫn đang thụ án tù.

Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cổ xưa, vào năm 1999, bà Trần Hiểu Bân, chồng bà, ông Ngô Mai Bình, và con trai cả của họ là anh Ngô Húc Khâm đã nhiều lần bị nhắm mục tiêu vì kiên định đức tin.

Năm 1999, ông Ngô đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công và bị công an đánh đập tàn bạo đến tàn phế. Ông hồi phục nhờ luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công ở trong trại tạm giam địa phương. Sau đó ông bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Tam Thủy để thụ án (không rõ thời hạn).

Sau Đại hội Toàn quốc lần thứ 12 của ĐCSTQ vào tháng 11 năm 2002, vợ chồng bà Trần đều bị bắt đến một trung tâm tẩy não địa phương, khiến ba người con nhỏ của họ, đứa lớn nhất lúc ấy mới 7 tuổi, bị bỏ mặc bơ vơ không ai chăm sóc.

Hai vợ chồng tiếp tục bị bắt vào năm 2003 và bị giam trong nhà tạm giữ địa phương.

Con trai họ, anh Ngô Húc Khâm, bị bắt vào ngày 22 tháng 5 năm 2017, sau khi cảnh sát nghi ngờ anh, lãnh đạo nơi anh công tác (một công ty do học viên điều hành) và một số đồng nghiệp truyền bá thông tin Pháp Luân Công trên WeChat (một nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất ở Trung Quốc và bị chính quyền Trung Quốc giám sát chặt chẽ).

Cảnh sát đưa anh Ngô về nhà, lục soát nơi ở và niêm phong cửa nhà. Họ cũng bắt giữ mẹ anh. Bố của anh may mắn thoát khỏi vụ bắt giữ đó vì không có ở nhà trong cuộc đột kích, nhưng lại bị đưa vào danh sách truy nã của Phòng 610 địa phương. Ngày 15 tháng 3 năm 2019, ông Ngô bị bắt khi đến nộp đơn xin được tham dự phiên xét xử vợ và con trai mình và bị giam giữ 29 ngày.

Cảnh sát cũng thẩm vấn các đồng nghiệp của anh Ngô và tra hỏi ai là người giới thiệu họ vào làm cho công ty và cũng cố gắng thu thập thông tin về người nhà của họ. Sau đó, cảnh sát đã có trong tay một số tài liệu liên quan đến công tác, trong đó có hồ sơ nhân viên cũ của công ty.

Chủ công ty là ông Ngô Xuân Hùng (không có quan hệ họ hàng với gia đình ông Ngô Mai Bình) đã buộc phải đóng cửa công ty và nhiều tài sản cá nhân của ông bị tịch thu.

Năm học viên, bao gồm ông Ngô Xuân Hùng, anh Ngô Húc Khâm, bà Trần Hiểu Bân, ông Đường Kiến Quần và bà Thái Lâm Hoa đã bị Viện Kiểm sát Quận Dong Thành truy tố vào ngày 29 tháng 1 năm 2019 và bị Tòa án Quận Dong Thành xét xử vào ngày 19 tháng 3 năm 2019.

Thẩm phán kết án tù họ vào giữa tháng 5 năm 2019, theo đó ông Ngô Xuân Hùng bị kết án 8,5 năm; bà Đường bị kết án 8 năm; anh Ngô Húc Khâm bị kết án 7,5 năm; bà Trần và bà Thái đều bị kết án 2,5 năm. Anh Ngô Húc Khâm và bà Trần cũng lần lượt bị phạt 40.000 và 10.000 Nhân dân tệ.

Cả 5 học viên đều đã kháng cáo, nhưng Tòa án Trung cấp Thành phố Yết Dương đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của họ. Ông Ngô Xuân Hùng và anh Ngô Húc Khâm đã bị chuyển đến Nhà tù Tứ Hội vào cuối tháng 10 năm 2019. Bà Đường bị chuyển đến Nhà tù Nữ Tỉnh Quảng Đông. Bà Trần và bà Thái thụ án tại trại tạm giam Thành phố Yết Dương và đã được trả tự do vào ngày 21 tháng 11 năm 2019.

Bố của bà Trần Hiểu Bân đã qua đời trong thời gian bà bị giam giữ, nhưng bà không được phép về tham dự đám tang của ông. Ở trong trại tạm giam, bà bị cưỡng bức lao động không công trong nhiều tiếng đồng hồ, khiến sức khỏe của bà bị tàn phá nghiêm trọng. Bà bị rối loạn kinh nguyệt, tay chân tê bì và thân thể tiều tụy, hốc hác.

Sau khi được trả tự do, bà Trần và chồng bắt đầu công việc kinh doanh nhỏ để mưu sinh, nhưng khá chật vật. Áp lực tinh thần từ cuộc bức hại tiếp tục đè nặng lên bà, đặc biệt là khi con trai bà vẫn đang thụ án trong tù. Cuối cùng, bà không gắng gượng nổi với sức khỏe yếu và qua đời vào ngày 1 tháng 5 năm 2023.

Theo dữ liệu Minghui.org thu thập, kể từ khi cuộc bức hại xảy ra, hơn 100 học viên Pháp Luân Đại Pháp ở thành phố Yết Dương bị bắt và lĩnh án lao động khổ sai và hàng chục người bị kết án tù. Ít nhất 28 học viên đã chết do bị bức hại, bao gồm Hoàng Dũng Trung, Trần Hán Ba, Lâm Thiếu Na, Ngô Tĩnh Phương, Hoàng Tố Quân (còn có tên khác là Hoàng Vi Quân), Đặng Vân Lan, Hoàng Đông Hoa, Ngô Thiền Kiều, Trần Huệ Quyên, Lâm Vưu Huy, Hoàng Liệt Na, Hồng Lệ Quyên, Lâm Lệ Phân, Phù Mạn Ngọc, Hứa Xảo Loan, Lâm Lưu Thiên, Hoàng Nhị Quân, Từ Ánh Nhu, Trương Hiền, Trần Quốc Tĩnh, Ngô Khiết, Hoàng Hán Lâm, Ngô Ngũ Tiêu, Ngô Ỷ Vân, Bội Hoa, Ngô Tái Nhạc, Ngô Vĩnh Minh và Trương Bích Hồng.

Bài liên quan:

Năm cư dân Quảng Đông bị kết án tù vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại đức tin của họ

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/6/12/461887.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/14/209878.html

Đăng ngày 02-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share