Bài viết của Thanh Nguyên

Không chỉ các học viên và người thân của họ mới là nạn nhân của cuộc bức hại này. Nhìn vào xã hội Trung Quốc hiện nay, chúng ta có thể thấy ĐCSTQ đã áp dụng nhiều thủ đoạn bức hại các học viên Pháp Luân Công đối với dân thường.

Giám sát toàn dân bằng kỹ thuật số

Nhiều người ở xã hội phương Tây có thể không biết các kênh truyền thông xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, và công cụ tìm kiếm Google, đều bị cấm ở Trung Quốc. Đây là một nội dung kiểm duyệt và kiểm soát thông tin của ĐCSTQ.

Nhiều nguồn khác nhau cho thấy Trung Quốc có hơn 500 triệu camera giám sát. Tình trạng giám sát công dân càng gắt gao hơn trong giai đoạn đại dịch. Với danh nghĩa phòng chống dịch, chính quyền đã bắt buộc cài đặt ứng dụng mã sức khỏe (xanh lá cây, vàng và đỏ) trên mọi điện thoại di động. Ứng dụng này được kết nối với hệ thống giám sát rộng lớn hơn, về cơ bản đã trở thành một nhà tù điện tử hạn chế quyền tự do của công dân.

Nhiều người có thể không biết hệ thống giám sát nghiêm ngặt như thế đã được áp dụng với các học viên Pháp Luân Công từ lâu.

Sau khi Giang phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, ông ta đã ra lệnh cho chính phủ giám sát chặt chẽ các học viên và chặn thông tin liên quan đến Pháp Luân Công trên mạng internet. Tôi có người bạn làm việc tại một công ty công nghệ thông tin ở Trung Quan Thôn, Bắc Kinh (khu vực được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của Trung Quốc”). Anh ấy kể, năm 2000, Sở Cảnh sát Bắc Kinh đã làm việc với công ty của anh ấy để phát triển máy quay video cực nhỏ. Với kích thước bằng lỗ kim hoặc cái đinh, chúng được lắp đặt cạnh lối vào nhà của các học viên Pháp Luân Công. Cảnh sát có thể theo dõi bất kỳ ai ra vào mà mọi người không nhìn thấy camera.

Hơn nữa, Giang Trạch Dân còn cho con trai Giang Miên Hằng lãnh đạo Dự án Lá chắn Vàng để gia tăng sức mạnh của tường lửa đã có bằng cách bổ sung chức năng chặn trang web, giám sát internet, gửi vi-rút Trojan, nhận dạng khuôn mặt và nghe lén điện thoại.

Hệ thống trại tập trung

Trong ba năm qua, đã có nhiều trường hợp bắt buộc người một nhà phải tách ra và đưa đến các bệnh viện dã chiến khác nhau. Vấn đề nhức nhối của những bệnh viện dã chiến như vậy là thực phẩm, vệ sinh và dịch vụ chăm sóc y tế kém, còn người bị cách ly ở đó thường gọi những bệnh viên này là trại tập trung.

Một số người cho rằng các bệnh viện dã chiến này là phần mở rộng của các “trại cải tạo” hoặc “trường dạy nghề” đã tồn tại ở tỉnh Tân Cương. Sự khác biệt duy nhất là trong các bệnh viện dã chiến không có tẩy não hay tra tấn như trại cải tạo.

Điều mà nhiều người không nhận ra là, các trại cải tạo ở Tân Cương được làm phỏng theo các trại lao động và trung tâm tẩy não được sử dụng để giam giữ và tra tấn các học viên Pháp Luân Công. Sau khi Giang bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, ông ta đã thành lập một lượng lớn các trại lao động và trung tâm tẩy não – nhiều trung tâm này được gọi là “trung tâm giáo dục pháp luật”.

Thông tin do Minh Huệ thu thập cho thấy các trại lao động và trung tâm tẩy não này về cơ bản là các nhà tù đen, nơi các học viên bị tra tấn dã man và các tù nhân được thưởng vì đã tra tấn các học viên Pháp Luân Công.

Lạm dụng tình dục

Một số phụ nữ trốn thoát khỏi các trại tập trung ở Tân Cương cho biết họ đã bị hãm hiếp ở đó. Họ không phải là những người duy nhất bị hãm hiếp trong các cơ sở giam giữ của Trung Quốc. Các nữ học viên Pháp Luân Công từ lâu đã phải chịu đựng việc bị cưỡng hiếp và các hình thức lạm dụng tình dục khác.

Năm 2014, nhà báo Đỗ Bân đã xuất bản cuốn sách Vaginal Coma (Tra tấn âm đạo), tiết lộ sự tàn bạo tại Trại lao động Mã Tam Gia. Cuốn sách viết: “Là một con người, không có lý do hay cớ gì để dung thứ cho những hành động tàn ác tại ‘Trại Lao động Nữ Mã Tam Gia’, như dùng dụng cụ nong tử cung trong thời gian dài để xông ăn cho phụ nữ, buộc mấy cái bàn chải đánh răng lại và ngoáy vào âm đạo của phụ nữ, đặt bột tiêu vào âm đạo của phụ nữ, sốc điện vào ngực và âm đạo của phụ nữ, và đưa phụ nữ vào phòng giam của nam giới.“

Cô Lý Văn Quyên đã làm chứng việc cô và 17 học viên nữ khác bị đưa vào phòng giam nam tại Trại Lao động Mã Tam Gia. Vụ việc kinh hoàng đến nỗi một số phụ nữ bị rối loạn tâm thần.

Lạm dụng thuốc tâm thần

Chính quyền ĐCSTQ thường đưa những người bất đồng chính kiến vào bệnh viện tâm thần mặc dù họ hoàn toàn khỏe mạnh. Trong số các nạn nhân có cô Đổng Dao Quỳnh đã đổ mực lên chân dung của một lãnh đạo ĐCSTQ, cô Tống Canh Nhất và Lý Điền Điền, hai giáo viên, đã chất vấn về tuyên truyền của ĐCSTQ.

Trên thực tế, từ lâu nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị dán nhãn là “bệnh nhân tâm thần” khi kiên định đức tin của họ. Họ bị tiêm thuốc phá hủy hệ thần kinh hoặc bị trộn những loại thuốc đó và thức ăn, đồ uống. Kết quả là, một số học viên đã suy sụp tinh thần và thậm chí mất mạng.

Nhà nước cảnh sát

Theo báo cáo Minh Huệ, trong những năm đầu của cuộc bức hại Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã chi khoảng 25% GDP của Trung Quốc cho cuộc bức hại. Đến năm 2012, ngân sách dành riêng cho hệ thống Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) để “trị an” đã vượt quá ngân sách dành cho quốc phòng. PLAC là một cơ quan ngoài vòng pháp luật chuyên trách cuộc bức hại. Ngân sách “trị an” của nó thường được sử dụng để bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Huy động cảnh sát vũ trang để đàn áp những người biểu tình ôn hòa cũng bắt đầu từ cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày đầu tiên của cuộc bức hại, nhiều học viên đã bị bắt ở Bắc Kinh và bị giam tại Sân vận động Thạch Giang Sơn. Cảnh sát vũ trang đã được cử đến để theo dõi và tra tấn họ. Trung tâm Huấn luyện Pháp luật Bắc Kinh, còn gọi là Trại Lao động Thiên Đường, cũng có cảnh sát vũ trang canh gác 24 giờ mỗi ngày, trong đó, các học viên bị tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần.

Với những kinh nghiệm từ cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công, ĐCSTQ dễ dàng áp dụng các thủ đoạn tương tự đối với các nhóm bị coi là mối đe dọa đối với sự cai trị của nó. Không có gì ngạc nhiên khi Lhasa (thủ phủ của Tây Tạng) và Ürümqi (thủ phủ của tỉnh Tân Cương) về cơ bản đã bị biến thành các thành phố của cảnh sát.

Xã hội không có luật pháp và trật tự thì cũng không có công lý?

Vì tuyên truyền phỉ báng của ĐCSTQ, nhiều người chọn thái độ thờ ơ trước cuộc bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Công, thậm chí còn tát nước theo mưa. Nhưng khi ĐCSTQ biến cơ quan hành pháp, viện kiểm sát và tòa án thành những cơ quan bù nhìn thực thi cuộc bức hại Pháp Luân Công, thì luật pháp và pháp lệnh cũng không còn được tôn trọng để duy trì công lý cho công chúng.

Nhiều người khiếu kiện, có thể là hộ gia đình buộc phải di dời, người lao động nhập cư không được trả lương, hay nạn nhân của các bê bối tài chính, đều thấy không còn nơi nào để khiếu nại vì họ thường bị chặn lại và bắt giữ trên đường đến các văn phòng khiếu kiện cấp tỉnh hoặc trung ương. Điều này không có gì bất ngờ vì cảnh sát đã rất “có kinh nghiệm” trong việc ngăn chặn các học viên Pháp Luân Công đến Bắc Kinh thỉnh nguyện.

Ngày nay, các luật sư nhân quyền và những người bất đồng chính kiến thường bị bỏ tù vì tội “kích động lật đổ” hoặc “gây rối trật tự”. Từ lâu, tòa án Trung Quốc đã kết án hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công vô tội mà không cần dựa trên cơ sở pháp lý nào.

Cảnh sát thường tùy ý chặn người đi bộ hoặc lái xe để lục soát và kiểm tra điện thoại, hoặc tùy tiện đột nhập vào nhà riêng để đánh đập và bắt giữ người. Các học viên Pháp Luân Công cũng phải trải qua điều này suốt 23 năm qua.

Ngoài ra còn có nhiều ví dụ khác. Chính quyền ĐCSTQ đang dùng vũ lực để phá hủy tượng Phật và thánh giá của Cơ Đốc giáo. Đây là sự mở rộng của cuộc bức hại Pháp Luân Công, trong cuộc bức hại, ĐCSTQ cũng hủy sách của Pháp Luân Công. Trước chính sách “zero-Covid” của ĐCSTQ, khi Giang phát động cuộc bức hại vào năm 1999, ông ta cũng thề “tiêu diệt Pháp Luân Công trong vòng ba tháng”.

Cưỡng bức thu hoạch nội tạng

Trong những năm gần đây, nhiều sinh viên đại học, thậm chí cả thanh thiếu niên, đột nhiên mất tích. Có người nghi ngờ những người này đã trở thành nạn nhân của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ.

Năm 2006, khi tội ác thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống lần đầu tiên bị phanh phui, nhiều người không tin. Sau đó, có nhiều bằng chứng khẳng định Bạc Hy Lai, cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại, và Bạch Thư Trung, Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế của Tổng cục Hậu cần Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đã thừa nhận cưỡng bức thu hoạch nội tạng là mệnh lệnh của Giang.

Khi Giang phát động cuộc bức hại vào tháng 7 năm 1999, ông ta cũng ra lệnh “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể [các học viên].” Ngoài ra, ông ta còn tuyên bố: “đánh [các học viên] đến chết được coi là tự sát. Đưa xác đi hỏa táng mà không cần xác minh danh tính.”

Kết quả là, quân đội, cảnh sát vũ trang và các bệnh viện của ĐCSTQ đã hình thành một dây chuyền thu hoạch nội tạng ghê rợn để giết theo yêu cầu. Và giờ đây, chuỗi cung ứng này đã mở rộng đến học sinh, sinh viên.

Đạo đức suy đồi

Tất cả những điều đề cập bên trên cho thấy Giang và ĐCSTQ đã hủy hoại Trung Quốc về mặt xã hội và đạo đức vì cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Để lôi kéo nhiều người tham gia vào cuộc bức hại, chính quyền ĐCSTQ đã treo thưởng tiền mặt cho các cảnh sát bắt giữ các học viên và những người tố giác các học viên.

Giang cũng xét thành tích và tiền thưởng của các quan chức dựa trên sự tham gia của họ vào cuộc bức hại. Bất cứ ai tuân thủ chặt chẽ chính sách bức hại sẽ được khen thưởng hoặc thăng chức.

Tại các trại tạm giam, trại lao động và nhà tù, các học viên bị tra tấn vì không từ bỏ đức tin vào Chân-Thiện-Nhẫn, trong khi thủ phạm bức hại họ lại thường được khen ngợi và tặng thưởng.

Khi mọi sự đảo lộn này không được kiềm chế, nền tảng đạo đức của xã hội sớm muộn cũng sẽ sụp đổ. Nghĩa là, khi chúng ta không thể bảo vệ các học viên Pháp Luân Công vì đức tin chân chính của họ, chúng ta đang đưa xã hội vào tình trạng bấp bênh, nơi không ai được an toàn nữa.

Cuộc bức hại Pháp Luân Công của Giang và ĐCSTQ là một chương đen tối trong lịch sử Trung Quốc và thế giới. Chúng ta cần phải sửa sai trước khi quá muộn. “Cách mạng Giấy trắng” gần đây ở Trung Quốc có thể được coi là một sáng kiến để chống lại chế độ toàn trị của ĐCSTQ. Và ĐCSTQ sẽ trở thành lịch sử khi nhiều người Trung Quốc thoái xuất khỏi các tổ chức của ĐCSTQ, và nhiều công dân từ các quốc gia khác bài xích chính quyền này.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/8/452887.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/12/9/205100.html

Đăng ngày 16-12-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share