Bài viết của Viên Đinh

[MINH HUỆ 06-12-2022] Theo một báo cáo thống kê chưa đầy đủ do Quỹ Nhi đồng Quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố vào tháng 12 năm 2005, trong 140 triệu dân số lưu động [người nông thôn di cư lên thành phố kiếm việc làm] ở Trung Quốc đại lục có khoảng 20 triệu trẻ em từ 6 – 14 tuổi. Trong đó, 1/10 số trẻ em này không được đến trường.

Một quan chức Liên Hợp Quốc bình luận rằng đầu tư của Trung Quốc vào giáo dục thậm chí còn thấp hơn Uganda, một trong những quốc gia nghèo nhất ở Châu Phi. Điều đó cho thấy tình trạng tồi tệ của hệ thống giáo dục ở Trung Quốc, vốn đã xuống cấp dưới nhiệm kỳ của Giang, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới qua đời vào ngày 30 tháng 11.

Truyền thống coi trọng giáo dục

Trung Quốc có truyền thống 5.000 văn hiến, việc đọc sách thánh hiền trở thành một chuẩn tắc giáo dục mà các triều đại đều tuân theo.

Từ xưa đến nay, bất kể Trung Quốc hay phương Tây, giáo dục đều đóng vai trò quan trọng trong việc tu dưỡng tinh thần và đạo đức của người dân. Học giả, nhà văn nổi tiếng Romain Rolland từng nói: “Không gì có thể thay thế được giáo dục. Mỗi thế hệ đều có trách nhiệm bảo vệ, đồng thời phát huy và truyền lại nền văn hóa cho thế hệ tương lai. Hệ thống do con người phát triển vì mục đích này, được gọi là hệ thống giáo dục.”

Khổng Tử nói: “Không dạy mà giết là nghiệt ác, để mặc không khuyên răn là tàn bạo.” Còn Đường Thái Tông nói: “Ta tra cứu trong sử sách, các bậc thánh vương thời cổ đại có vị nào không có thầy đâu? Huống hồ hiện nay đạo đức không còn được như xưa, không có thầy thì dân chúng làm sao yên?” Đường Thái Tông ngoài việc thúc đẩy giáo dục trong triều đình, ông còn thành lập các trường học trong nước, nơi các học giả dạy lễ nghi, cách cư xử và kiến ​​thức cho người dân. Nhờ đó người dân trở nên thuần phác, dĩ đức vi tôn, làm gì cũng đặt đạo đức lên hàng đầu.

Năm Khang Hy thứ 54, hoàng đế Khang Hy đi thị sát khu vực ngoại thành thuộc tỉnh Hà Bắc ngày nay, ông nói với tuần phủ Triệu Hồng Tiếp rằng ông nhận thấy cuộc sống của người dân đã ấm no hơn trước, “Nhưng ít người đọc sách và điều đó liên quan đến phong tục địa phương. Chúng ta cần phải lập các trường học miễn phí ở các vùng hẻo lánh và khuyến khích mọi người đi học.” Sau khi một trận động đất lớn xảy ra, ông đã kiểm điểm lại bản thân, ưu tiên cho bách tính, đưa ra chính sách để cải thiện cuộc sống của người dân và thiết lập phổ cập giáo dục.

Ngân sách dành cho giáo dục của Trung Quốc đi đâu?

Năm 1998, Giang Trạch Dân đã bổ nhiệm Trần Chí Lập, người chưa từng công tác trong lĩnh vực giáo dục, làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Trần đã làm theo mưu kế của Giang và bắt đầu thương mại hóa giáo dục, biến giáo dục thành phương tiện làm ăn, nhanh chóng làm cho hệ thống giáo dục Trung Quốc rơi vào khủng hoảng. Đây là màn kịch có một không hai trong lịch sử.

Năm 1999, ở Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của cư dân ở thành thị chỉ là 5.854 nhân dân tệ và ở nông thôn là 2.210 nhân dân tệ. Việc thương mại hóa giáo dục khiến học phí đại học năm 2000 lên tới hơn 5.000 nhân dân tệ. Chi phí cao khiến nhiều gia đình không đủ khả năng chi trả cho việc học của con. Nhiều phụ huynh ở vùng nông thôn phải bán máu để nuôi con học đại học, dẫn đến hiện tượng “học phí sát nhân” hiếm thấy. Nói cách khác, vào đầu thế kỷ này, nền giáo dục của Trung Quốc đã rơi vào tình trạng hết sức khó khăn.

Tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ X, Lý Kim Hoa, kiểm toán trưởng của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia, đã chỉ rõ trong báo cáo dự trù ngân sách năm 2003 rằng Bộ Giáo dục sẽ cấp 2,466 tỷ nhân dân tệ vào ngân sách của chính quyền trung ương nhằm trợ cấp cho chi phí giáo dục ở các cấp địa phương (do Bộ Giáo dục trung ương dự trù), do đó việc sử dụng khoản kinh phí này tách biệt khỏi sự quản lý và giám sát của chính quyền địa phương. Như vậy, khoản ngân sách đó đã đi đâu?

Hàng năm, chính quyền trung ương đều phân bổ khoản ngân sách nhất định cho giáo dục, và quỹ giáo dục được phân bổ cho Trần Chí Lập trong thời gian Giang Trạch Dân cầm quyền cao một cách đáng kinh ngạc. Vậy Trần đã sử dụng tất cả số tiền đó vào đâu?

Giáo dục trở thành công cụ bức hại

Pháp Luân Công là một phương pháp thiền định ôn hòa dựa trên nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn. Sau khi Giang bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, ngành giáo dục đã bị đẩy vào quốc nạn bức hại người dân vô tội không chút lương tri chưa từng có này. Đặc biệt là sau Vụ tự thiêu được dàn dựng trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 23 tháng 1 năm 2001 một tuần, ngày 1 tháng 2, Bộ Giáo dục do Trần Chí Lập đứng đầu đã ra thông tri yêu cầu các loại, các cấp trường học trên toàn quốc khởi động các chiến dịch nhằm phỉ báng Pháp Luân Công, trong đó có phong trào “Một triệu chữ ký” đã đầu độc đầu óc non trẻ của hàng trăm triệu học sinh. Trong chiến dịch này, 8 triệu thanh thiếu niên ở gần 1.000 địa khu của 100 thành phố lớn và vừa trên cả nước đã trực tiếp bị lợi dụng để tham gia các hoạt động tuyên truyền nhằm chống lại Pháp Luân Công. Họ đã dán hơn 500.000 áp phích, phân phát hơn 10 triệu bản tài liệu và tổ chức hơn 200 cuộc hội họp.

Vào tháng 2 năm 2001, bị những sinh viên trẻ tuổi không biết sự thật lôi kéo, hơn 1.500 thanh niên ở 100 thành phố lớn và vừa trên toàn Trung Quốc đã vận động hơn 12 triệu cư dân cộng đồng ký cam kết “không tin, không truyền và tẩy chay” Pháp Luân Công.

Trần Chí Lập đã biến các cơ sở học thuật thành nơi bức hại Pháp Luân Công, bà ta đã chỉ thị cho các trường các cấp cao đẳng và đại học “Yết phê” (Vạch trần và chỉ trích) Pháp Luân Công và tăng cường cổ xúy chủ nghĩa vô thần. Trần còn yêu cầu các trường cao đẳng và đại học tăng cường công nghệ chặn mạng internet và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật mạng để chặn bất kỳ thông tin nào về Pháp Luân Công.

Nội dung vu khống và công kích Pháp Luân Công đã được biên soạn trong sách giáo khoa tiểu học, trung học và đề thi các cấp, thậm chí còn được đưa vào đề thi của kỳ thi tuyển sinh đại học và sau đại học để tẩy não các em.

Trong quy chế tuyển sinh, nhập học của các trường học các cấp, các loại đều có những quy định như “người tập Pháp Luân Công” không được “ghi danh” hay không được “trúng tuyển”, tạo ra tâm lý căm ghét, sợ hãi trong lòng các em đối với môn tu luyện.

Hệ thống giáo dục cũng tiến hành “thanh lọc”, “xóa sổ” đối với giáo viên và học sinh không từ bỏ Pháp Luân Công. Từ năm 1999, chỉ riêng tại Đại học Thanh Hoa, hơn 300 giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ và sinh viên bị giam giữ phi pháp vì tu luyện Pháp Luân Công, trong đó, nhiều người đã bị nhà trường sa thải hoặc đuổi học, thậm chí bị đưa đến các trại lao động. Theo thông tin trang Minh Huệ thu thập được, ít nhất 72 giáo viên, nhân viên và học sinh trên khắp Trung Quốc đã bị bức hại đến chết. Người trẻ nhất là cô Trần Anh, 17 tuổi, đến từ Trường Trung học Thụ Nhân ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang. Người lớn tuổi nhất là ông Chu Cảnh Sâm, giáo sư 68 tuổi của Trường Quản lý Cáp Nhĩ Tân (hiện là một nhánh của Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang).

Vì lòng trung thành với Giang, Trần đã được đề bạt làm Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách giáo dục vào năm 2003. Trong chuyến thăm Tanzania vào tháng 7 năm 2004, bà ta đã bị các học viên Pháp Luân Công kiện vì đã tra tấn và giết hại các học viên trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc. Trần đã bị triệu tập ra hầu tòa và là quan chức đầu tiên ra hầu tòa vì vai trò của họ trong cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Học đường trở thành đầm lầy đạo đức

Chỉ trong 10 năm, từ năm 1997 khi còn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục đến năm 2007, Trần Chí Lập đã cấu kết với Giang Trạch Dân để phá hoại nền tảng đạo đức của dân tộc Trung Hoa, dùng mọi thủ đoạn để phá hoại hệ thống giáo dục vốn đã rất yếu kém của Trung Quốc với cải cách giáo dục hỗn loạn, chất lượng giảng dạy thụt lùi, phong cách dạy và học buông thả, sa đọa. Việc bừa bãi cấp bằng đại học và các văn bằng khác diễn ra phổ biến trên cả nước. Bầu không khí trong các trường đại học và trung học cơ sở rất tồi tệ, nạn mại dâm, cờ bạc và quay cóp tràn ngập các khuôn viên trường.

Người ta ước tính rằng 5-10% bằng cấp ở Trung Quốc là giả. Chỉ cần đồng ý trả tiền là có thể mua bất kỳ văn bằng nào trên phố. Một bài viết trên tờ Nhật báo Thâm Quyến năm 2002 tiết lộ ít nhất 500.000 người đang sử dụng bằng cấp giả. “Với khoảng 38 đô la trong một giờ, bạn có thể nhận được bằng đại học giả ở Trung Quốc,” một bài báo của UNESCO năm 2009 viết.

Không chỉ bằng cấp giả được sản xuất công nghiệp, mà “người viết thuê” thấy ở khắp nơi, mọi loại luận văn đều có thể thuê người làm, như luận văn tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ, luận văn chức danh nghề nghiệp v.v..

Làn gió độc của chính quyền hủ bại của Giang Trạch Dân cũng đã tràn đến khuôn viên trường. Lĩnh vực giáo dục vốn luôn được coi là “Thanh thủy nha môn” (công minh liêm khiết) dần trở thành lĩnh vực có tỷ lệ tội phạm cao. Theo thống kê của Phòng Thanh tra và Giám sát Kỷ luật thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, trong 3 năm, 2007-2009, thành phố đã điều tra và xử lý 85 trường hợp hiệu trưởng trường tiểu học và trung học cơ sở vi phạm kỷ luật, pháp luật về giáo dục, liên quan đến tổng số tiền hơn 30 triệu nhân dân tệ. Nạn tham ô hủ bại trong giáo dục thường xuyên xảy ra trên cả nước.

Không chỉ vậy, trường học vốn là nơi dạy dỗ, giáo dục con người nhưng lại thường xuyên xuất hiện những giáo viên cầm thú. Có học sinh bị hiếp rồi có thai, có học sinh bị hiếp rồi trở thành tình nhân, có giáo viên giết học sinh vì bị cự tuyệt, thậm chí có học sinh bị cưỡng hiếp khi tuổi còn rất nhỏ, nạn nhân nhỏ tuổi nhất mới học lớp ba (10 tuổi) ở tỉnh Sơn Đông. Tình trạng này xảy ra trên diện rộng và tồi tệ đến mức chưa từng có.

Hy vọng của xã hội chúng ta

Trong nhiều chiến dịch chính trị trong mấy thập kỷ qua, ĐCSTQ đã giết hại những sinh mạng vô tội, phá hủy văn hóa truyền thống Trung Quốc và đàn áp phong trào dân chủ. Nó cũng đã làm bại hoại hệ thống giáo dục trong khi kích động hận thù đối với các giá trị truyền thống như nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công.

Khi không có một hệ thống giáo dục đáng tín nhiệm và các tiêu chuẩn đạo đức, xã hội Trung Quốc sẽ đi trên con đường không thể quay đầu lại. Năm 2020, sau khi thông tin về những kẻ mạo danh được nhận vào các trường cao đẳng, đại học bị phanh phui, đông đảo cư dân mạng đã chỉ trích hệ thống giáo dục thối nát của ĐCSTQ, cùng năm đó, Bộ Giáo dục công bố “Bộ quy tắc ứng xử dành cho người hướng dẫn nghiên cứu sinh”, nhiều người đã ngạc nhiên khi thấy một trong những yêu cầu là “không có quan hệ bất chính đối với nghiên cứu sinh”. Một cư dân mạng viết: “Thật trớ trêu khi những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản như vậy lại trở thành quy tắc ứng xử của các vị hướng dẫn sau đại học”. Một người khác viết: “ĐCSTQ vô thần và không tin vào nhân quả báo ứng. Vậy nên, bản quy tắc có dài bao nhiêu cũng vô ích.”

Sự băng hoại của giáo dục khủng khiếp hơn bất kỳ sự băng hoại nào khác trong xã hội, vì nó không chỉ hủy hoại từng cá nhân. Giáo dục là cơ sở để cảm hóa tri thức, tâm hồn và đạo đức cho người dân của một quốc gia. Làm cho trẻ em thù hận Chân-Thiện-Nhẫn chính là hủy hoại các giá trị trong tâm hồn trẻ em; phá hủy giáo dục truyền thống là phá hủy sự kế thừa văn hóa giữa ông bà, cha mẹ và con cái, và phá hủy môi trường văn hóa xã hội tương lai của Trung Quốc. Thiện niệm và lương tri có được từ giáo dục là nền tảng cho sự kế thừa nền văn minh và đạo đức của một quốc gia. Việc cổ xúy, phóng túng cái ác và chống lại Chân-Thiện-Nhẫn nơi học đường chẳng phải là phá hoại xã hội và đất nước sao?

Khi đức hạnh của một người bị hủy hoại, mọi thứ đều bị hủy hoại, và xã hội cũng vậy. Khi nền tảng đạo đức của xã hội bị phá vỡ thì mọi thứ đều đổ vỡ. Giang Trạch Dân chết cũng là lúc chúng ta suy ngẫm về nhiệm kỳ của ông ta, cũng như nhiệm kỳ của Trần Chí Lập, đã hủy hoại hệ thống giáo dục Trung Quốc ra sao. Bằng cách học hỏi từ các bài học, chúng ta có thể từ bỏ ĐCSTQ, tiếp nhận các giá trị truyền thống và quyền lợi chung để trở lại đúng hướng.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả.Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/6/452721.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/12/7/205072.html

Đăng ngày 10-12-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share