Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-05-2022] Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, các quan chức của xã Giang Thành cũ (tên mới là thị trấn Đại Cấp Điếm) ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc đã rất tích cực theo sát chính sách bức hại.

Họ bắt giữ, đột kích nhà, tống tiền, thu giữ thẻ căn cước, giam cầm các học viên địa phương kiên định đức tin trong các Trại tạm giam và trung tâm tẩy não, kết án lao động cưỡng bức và bỏ tù các học viên.

Những quan chức này bao gồm:

– Vương Đan (王丹), bí thư Uỷ ban Chính trị và Pháp luật xã Giang Thành từ 20 tháng 7 năm 1999 đến 2001
– Trương Ái Thần (张爱臣), bí thư Uỷ ban Chính trị và Pháp luật xã Giang Thành sau Vương Đan
– Bạch Thiện (白善), chủ tịch xã Giang Thành năm 2001, hiện đã qua đời
– Vương Khắc Lâm (王克林), trưởng Đồn Công an Làng Giang Thành, hiện đã qua đời
– Vương Vệ Quân (王卫军), trưởng Đồn Công an Làng Giang Thành sau Vương Khắc Lâm
– Lưu Quế Đường (刘桂堂), bí thư Đảng của thôn Lưu Trang, xã Giang Thành
– Cát Lợi Dân (葛利民) và Hoàng Đào (黄涛), nhân viên hợp đồng của chính quyền xã Giang Thành, trợ thử đắc lực cho chính quyền trong việc bức hại các học viên địa phương

Sau đây là một số trường hợp học viên bị bức hại trong nhiệm kỳ của những quan chức nói trên.

Cô Triển Kim Yến bị bức hại đến chết sau vài ngày bị bắt

Tại thời điểm cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, cô Triển Kim Yến ở thôn Lưu Trang, xã Giang Thành mới ngoài 20 tuổi. Cô bị bắt giữ vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công và Hoàng Đào đã đánh đập cô tàn bạo trong thời gian giam giữ cô. Sau khi cô được thả, điện nhà cô bị cắt khiến sinh hoạt của cô gặp khó khăn.

Ngày 26 tháng 11 năm 2001, cô Triển đi Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công, và chồng cô do không hiểu chân tướng, đã báo cô với cảnh sát vào ngày hôm sau. Người của Đồn Công an xã Giang Thành đã lập tức lái xe đi Bắc Kinh. Khi họ đến Bắc Kinh, cô Triển đã bị cảnh sát Bắc Kinh bắt giam. Họ tìm thấy cô ở trong trại tạm giam huyện Diên Khánh và đưa cô về địa phương.

Ngày 29 tháng 11, chính quyền xã Giang Thành thông báo gia đình cô Triển đến Bệnh viện huyện Diên Khánh. Họ lập tức đến bệnh viện và thấy cô đã bất tỉnh, với hàm trên và hàm dưới bị lệch nghiêm trọng. Ba ngày sau cô qua đời, để lại đứa con trai nhỏ mới chỉ 2 tuổi.

Trương Ái Thần, Vương Khắc Lâm và Hoàng Đào là những thủ phạm phải chịu trách nhiệm cho cái chết của cô Triển.

Ông Lý Thuận Lợi liên tục phải thường xuyên thay đổi chỗ ở trong nhiều năm và cuối cùng ông đã qua đời vì cuộc bức hại

Các quan chức thôn Giang Thành đã liên tục giam giữ và tra tấn ông Lý Thuận Lợi, khiến ông buộc lòng phải rời khỏi nhà vào năm 2002 và phải sống lang thang trong nhiều năm. Ông đã qua đời vào năm 2015.

Lưu Quế Đường đã ra lệnh cho kế toán thôn Lưu Điện Cách dẫn Vương Đan và bốn người khác đi bắt giữ ông Lý vào ngày 1 tháng 1 năm 2000. Ông Lý bị bắt đến đồn công an, tại đây, Hoàng Đào dùng cuốn sách Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công) để đánh vào mặt ông. Sau đó khoảng mười người của chính quyền xã và đồn công an đã đánh đập ông Lý trước khi đưa ông đến trại tạm giam địa phương.

Sau khi ông được thả, chính quyền xã đã cho người đến nhà ông để kiểm tra ông hàng ngày vì họ sợ ông sẽ đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Khi ông đến Bảo Định để lo việc kinh doanh, Vương Đan đã lái xe đến đó mỗi ngày để sách nhiễu ông, khiến ông không thể tiếp tục làm ăn buôn bán.

Trương Ái Thần đã lên thay Vương Đan vào năm 2001 và tiếp tục sách nhiễu ông Lý vào những ngày nhạy cảm. Có thời gian Trương còn đến nhà ông Lý sách nhiễu ông nhiều lần trong một ngày, thậm chí có khi vào giữa đêm.

Ông Lý cố gắng ra khỏi nhà để đi Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào ngày 26 tháng 4 năm 2001. Cảnh sát địa phương và các cán bộ xã đã đến nhà ông nhiều lần để sách nhiễu gia đình ông. Khi ông quay về, Trương Ái Thần, Hoàng Đào và một người khác lập tức bắt ông và đưa ông đến trụ sở chính quyền xã.

Khi xe chở ông Lý vừa mới đến cổng chính quyền, đã có hơn mười người đứng đợi sẵn ở đó. Họ lao tới lôi ông Lý ra khỏi xe và đánh đập ông. Mặt ông bị đánh đếnh bầm tím. Sau đó họ trói ông vào ghế cọp (một dụng cụ tra tấn) với hai tay bị còng ra sau lưng và bắt đầu đặt những viên gạch vào dưới chân ông cho đến khi ông ngất đi.

Hoàng Đào dùng xẻng đập vào mắt cá chân trái của ông nhiều lần khiến chân trái ông sưng lên nghiêm trọng. Sau đó, họ còng tay ông vào một cái cột ở trong phòng họp và hàng chục người đánh hội đồng ông đến khi ông bất tỉnh. Tiếp theo, họ còng tay ông vào một cái ống sắt và để ông nằm trên sàn bê tông cả đêm với hai người canh chừng.

Trưa hôm sau ông Lý bị đưa đến trại tạm giam. Mười sáu ngày sau, ông bị đưa đến một lớp tẩy não được tổ chức ở Trường Tiểu học Đông Doãn Trang, do người của Phòng 610 quận Tân Thị tổ chức. Hàng ngày, ông và các học viên khác bị ép phải tập thể dục thể chất và đọc những cuốn sách có nội dung lăng mạ Pháp Luân Công. Bất kỳ ai từ chối từ bỏ Pháp Luân Công sẽ bị đánh đập một cách tùy tiện. Ông Lý bị tát vào mặt nhiều lần. Có lần, sau khi bị tát, ông còn bị hai người dùng gậy cao su đánh hàng chục cái vào mông, khiến mông ông sưng lên nghiêm trọng.

Trong khi ông Lý bị nhốt ở lớp tẩy não, Lưu Quế Đường và Trương Ái Thần đã đến nhà ông và yêu cầu cha ông phải đóng “chi phí tẩy não” là 100 nhân dân tệ một ngày. Cha ông bị cưỡng chế nộp 800 nhân dân tệ. Hôm sau, các viên chức chính quyền lại đến trung tâm tẩy não để yêu cầu ông Lý trả 3.000 nhân dân tệ tiền thức ăn. Cuối cùng, ông Lý phải vay mượn 2.000 nhân dân tệ để nộp khoản tiền phi lý này trước khi được thả.

Tháng 7 năm 2001, Trương Ái Thần và cảnh sát đã triệu tập tất cả học viên Pháp Luân Công trong thôn của ông Lý đến văn phòng thôn và cố cưỡng ép họ ký tên vào những bản cam kết hối cải và từ bỏ đức tin của mình. Ông Lý đã từ chối. Sau đó, ông buộc phải rời khỏi nhà để tránh bị bức hại thêm nữa. Họ đã liệt ông vào danh sách truy nã trên toàn tỉnh Hà Bắc.

Một buổi tối năm 2002, khi trở về nhà, ông Lý phát hiện có cảnh sát đang mai phục gần nhà để bắt giữ ông. Ông đã thoát khỏi vụ bắt giữ này.

Một tuần trước Tết Nguyên đán 2004, ông Lý mang theo một ít đồ trở về nhà để đón năm mới cùng gia đình, nhưng người giám sát nhà ông đã trình báo ông. Vương Vệ Quân và 6 người khác đã xông vào nhà ông và đẩy ông ra sân. Thắt lưng của ông bị đứt trong lúc giằng co và quần ông cũng bị rách. Khi ông bị đưa đến đồn công an, Trương Trường Lâm, trưởng Đội An ninh Nội địa quận Tân Thị đã chờ sẵn ở đó. Ông ta dùng bật lửa đốt hai bà tay ông Lý. Ông Lý bị đưa đến trại tạm giam ngay trong tối hôm đó.

Ông Lý đã tuyệt thực 11 ngày ở trại tạm giam. Hai ngày sau, trại tạm giam gọi gia đình ông đến để xem tình hình của ông. Khi đó, ông chỉ còn da bọc xương. Hai ngày sau, ông đã được về nhà.

Sau đó, cảnh sát đến nhà ông mỗi ngày để kiểm tra tình hình của ông. Ngay khi thấy ông hồi phục, họ đã bắt giữ ông vào ngày 16 tháng 2 năm 2004 và kết án ông 3 năm ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Bảo Định. Sau khi trại lao động từ chối nhận ông vì ông không vượt qua cuộc kiểm tra sức khoẻ đầu vào, cảnh sát buộc phải thả ông lần nữa. Sáng hôm sau, vào lúc 6 giờ sáng (1 tiếng trước khi cảnh sát đến), ông đã phải rời khỏi nhà một lần nữa. Ông đã phải sống trôi giạt khắp nơi để tránh bị cầm tù.

Chính quyền đã giám sát chặt chẽ nhà ông trước thềm Thế Vận hội Bắc Kinh 2008. Không nhận thức được nguy hiểm này, ông đã quay về nhà vào tháng 7 năm 2008. Lo lắng cho sự an toàn của ông, mẹ ông đã bảo ông rời đi ngay lập tức. Ngay sau khi ông rời đi, người của chính quyền xã và đồn công an đã ập vào nhà ông. Sau đó họ tìm kiếm ông ở khu vực lân cận.

Ông Lý bị bắt vào ngày 17 tháng 7 năm 2008. Cả trại tạm giam và trại cưỡng bức lao động đều từ chối nhận ông. Ông được thả vào ngày 21 tháng 9 năm 2008 sau khi Thế Vận hội Bắc Kinh kết thúc.

Ngày 7 tháng 9 năm 2009, Hoàng Đào và bốn người khác đến nhà ông để sách nhiễu gia đình và lấy đi sổ hộ khẩu gia đình.

Ngoài việc bị bức hại ở xã Giang Thành, ông Lý đã bị tra tấn sau khi bị bắt ở Bắc Kinh và những khu vực lân cận khác. Với việc liên tục bị tra tấn, giam cầm, sống lang thang trong thời gian dài và sách nhiễu triền miên đã tàn phá nghiêm trọng sức khoẻ của ông. Ông đã qua đời vào ngày 24 tháng 1 năm 2015.

Ông Phùng Kế Anh bị bức hại tài chính vì gia đình giàu có và kinh doanh phát đạt

Gia đình ông Phùng Kế Anh mở một nhà máy bột mì và có tài chính khá giả. Để ngăn ông Phùng đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, Trương Ái Thần đã phái người đến ăn ngủ tại nhà ông, nhằm giám sát ông 24/24 trong suốt 15 ngày (chia ba ca mỗi ngày, với 6 người 1ca). Họ cưỡng chế gia đình ông cung cấp đồ ăn cho họ, thậm chí có lúc họ còn lôi ông ra ngoài để đi mua rượu, thịt, rau, v.v…

Họ nhắm tới ông Phùng vì sự giàu có của ông và đã nhiều lần đổ bộ vào nhà ông, lấy đi những thứ có giá trị, gồm đồ nội thất, đồ điện, đồ trang trí cùng các sách và tài liệu Pháp Luân Công của ông. Họ tịch thu xe hơi của ông hai lần và ép ông phải chi tiền để chuộc lại. Họ đập vỡ kính trong sáu căn phòng trong một ngôi nhà mới xây của ông và còn cắt điện của ngôi nhà.

Sau đó, họ kéo đến nhà máy bột mì và lấy đi tất cả lúa mì, bột mì và cám. Họ đe doạ đập phá máy sản xuất bột mì và dỡ bỏ nhà máy. Ông Phùng bị tống tiền 5.000 nhân dân tệ để cứu lấy nhà máy.

Những người này cũng liên tục đột nhập vào nhà mẹ ông để sách nhiễu và đe doạ bà cụ, có lúc còn đẩy bà ngã xuống đất. Bà cụ bị suy sụp tinh thần do liên tục bị bức hại.

Bà Phùng Tố Trân và người chồng không tu luyện bị bức hại

Sau khi bà Phùng Tố Trân đến Bắc Kinh để tìm kiếm công lý cho Pháp Luân Công sau ngày 20 tháng 7 năm 1999, các quan chức và nhân viên của chính quyền xã, đồn công an và thôn làng đã liên tục bắt giữ, giam cầm và sách nhiễu bà. Có lúc họ đến gõ cửa nhà bà vào ban đêm và réo gọi tên bà, gây phiền hà cho hàng xóm. Bà bị theo dõi mỗi khi đi ra ngoài và không thể sống một cuộc sống bình thường.

Ngày 1 tháng 10 năm 1999, Vương Đan dẫn theo hơn 20 người đi xe máy và xe hơi đến nhà bà Phùng, chật ních con hẻm nhà bà. Họ lục soát nhà bà, ném mọi thứ xuống sàn. Khi Cát Lợi Dân hỏi bà có sách Pháp Luân Công không, bà không trả lời, nên Cát đã đám vào mặt bà, khiến bà chị choáng váng và mặt bà sưng lên. Họ tịch thu tất cả sách Pháp Luân Công và đưa bà đến Đồn Công an xã Giang Thành. Khi đó, con gái bà đang ở cữ tại nhà bà sau khi sinh và vô cùng sợ hãi trước cuộc đổ bộ này.

Tại đồn công an, một người đàn ông ngoài 30 tuổi đã dùng một quyển sách của Pháp Luân Công đánh vào mặt bà, khiến mặt bà bầm tím. Sau đó, bà bị còng tay ra sau lưng vào cột điện. Hoàng Đào và những người khác đã đưa bà đến trại tạm giam Bảo Định sau khi Vương Đan thẩm vấn bà.

Cùng lúc đó, chồng bà là ông Hàn Vĩnh Tường đã đưa con gái họ về nhà mẹ chồng. Tuy nhiên, ngay sau khi vừa về đến nhà, Cát Lợi Dân đã bắt ông và đưa đến chính quyền thôn. Họ đưa ông đến một căn phòng và Cát đá vào chân ông để ông quỳ xuống, và bức ép ông lăng mạ Nhà sáng lập Pháp Luân Công. Một thanh niên trẻ tát vào mặt ông hơn mười cái. Sau đó, họ ép ông đi về nhà lấy 600 nhân dân tệ để nộp tiền ăn uống cho bà Phùng. Ông phải kéo lê thân thể yếu ớt của mình đi bộ hơn 3,2 km từ chính quyền thôn về lấy tiền.

Sau đó ông Hàn không thể ăn được nhiều và sức khoẻ ngày càng yếu đi. Ông mắc nhiều chứng bệnh và mất dần khả năng lao động. Hiện ông không thể tự chăm sóc bản thân.

Bức hại thông qua tẩy não

Sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, hầu hết các học viên Pháp Luân Công ở xã Giang Thành đều bị đưa đến một trung tâm tẩy não ở thôn Lưu Trang, xã Đại Mã Phường, ở đó họ bị cưỡng chế xem các tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công.

Đợt tẩy não đầu tiên kéo dài 7 ngày và mỗi học viên bị yêu cầu phải nộp 3.000 nhân dân tệ “học phí”. Khi họ phản đối, phí giảm xuống còn 2.000 nhân dân tệ. Các học viên phải đóng số tiền đó trước khi được thả.

Đợt thứ hai được tổ chức vào cuối tháng 5 năm 2001 và kéo dài ba ngày. Mỗi học viên bị cưỡng chế nộp 100 nhân dân tệ một ngày, và ai không hợp tác trong phiên tẩy não thì phải nộp 300 nhân dân tệ mỗi ngày.

Thỉnh thoảng cũng có những phiên tẩy não được tổ chức ở trụ sở chính quyền xã Giang Thành. Các học viên bị đưa đến đó và bị tẩy não, tra tấn và tống tiền.

Ông Phùng Thuỵ Hợp bị khiêng đi khi đang liệt giường

Không lâu sau khi cuộc đàn áp bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, ông Phùng Thuỵ Hợp đã đi Bắc Kinh thỉnh nguyện và bị bắt ở đó. Cảnh sát Bắc Kinh đã tra tấn ông đến mức khiến ông gãy nhiều xương sườn. Khi trở về nhà, ông vẫn phải nằm liệt giường để hồi phục. Tuy nhiên, các quan chức của chính quyền xã đã đến, khiêng ông vào xe hơi và đưa đến trung tâm tẩy não ở thông Doãn Trang.

Vì ông Phùng không thể tự chăm sóc bản thân, cảnh sát Lý Kế của đồn công an đã dẫn người đến nhà em gái ông, bà Phùng Tố Trân kể trên, và bắt bà đến trung tâm tẩy não để chăm sóc ông. Bữa ăn của họ là cơm thừa của trung tâm tẩy não.

Hai anh em bị cưỡng chế xem các video lăng mạ Pháp Luân Công mỗi ngày. Họ cũng bị bắt chửi rủa Pháp Luân Công và Nhà sáng lập pháp môn; và viết các tuyên bố từ bỏ tu luyện. Ba ngày sau, họ bị tống tiền 300 nhân dân tệ cho chi phí ăn uống và đã được thả. Tuy nhiên, người của chính quyền xã và đồn công an thường xuyên đến nhà ông Phùng để sách nhiễu ông. Thậm chí họ còn chửi mắng, đấm, đá và tát vợ chồng ông Phùng khi họ không hợp tác. Việc này tiếp diễn trong nhiều năm.

Ngày 18 tháng 4 năm 2000, ba cán bộ xã đã cưỡng chế bà Phùng đến văn phòng thôn, và tại đây bà bị tẩy não suốt cả ngày và bị ép viết các tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bà cố gắng nói với họ chân tướng Pháp Luân Công, họ đã tát bà và dùng gậy đánh vào mắt cá chân bà.

Bà Tương Ngọc Điền tàn tật, bị đánh đến chảy máu

Mặc dù bà Tương Ngọc Điền là một người phụ nữ tàn tật ngoài 60 tuổi, nhưng Trương Ái Thần và những người khác vẫn bắt bà đến một phiên tẩy não. Vì bà nói với họ chân tướng Pháp Luân Công, họ đã dùng những tấm ván tre mỏng và cành liễu nhỏ đánh bà bầm dập, và liên tục tát vào mặt bà.

Trong lúc họ đang đánh đập bà Trương, em dâu của bà đến thăm bà. Nhìn thấy tình huống này, bà đã van xin và cố ngăn vụ đánh đập: “Đừng đánh nữa. Nếu bà ấy chết thì các vị sẽ phải chịu trách nhiệm!”

Một người đàn ông nói: “Không ai phải chịu trách nhiệm cả. Đây là lệnh từ cấp trên. Đánh chết thì chôn thôi”. Họ tiếp tục đánh bà Tương trước mặt em dâu bà, toàn thân bà be bét máu.

Gia đình bà Tương bị phải trả một khoản tiền lớn để bà được về nhà.

Bà Vương Cầm bị tẩy não và sách nhiễu thời gian dài

Vừa trở vè nhà sau khi đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, bà Vương Cầm bị lừa đến văn phòng thôn và bị bắt ở đó. Các quan chức đã thẩm vấn và đe doạ bà, không cho gia đình gửi thức ăn cho bà. Bốn ngày sau bà mới được thả.

Không lâu sau, Trương Ái Thần dẫn một nhóm người đến nhà bà và bắt bà đến một lớp tẩy não ở xã Đại Mã Phường. Họ cưỡng chế bà xem các video lăng mạ Pháp Luân Công và viết lại những lời lăng mạ đó lên bảng đen. Bà không hợp tác.

Bà đã bị ngược đãi thể xác trong khi bị giam, gồm chạy bộ, lau dọn, cày xới và làm đất ruộng. Bốn ngày sau, bà bị tống tiền 200 nhân dân tệ trước khi được thả.

Sau đó, cảnh sát bắt bà mỗi ngày phải đến báo cáo chính quyền xã. Về sau, Lưu Tăng của chính quyền xã đã đến nhà bà mỗi ngày để kiểm tra bà. Sự sách nhiễu này diễn ra suốt gần một năm.

Một buổi sáng trong năm 2000, Lý Kế và một vài người khác kéo đến nhà bà Vương và cưỡng chế bà đến chính quyền thôn Giang Thành. Trên đường đi họ xô đẩy bà, một người đàn ông tát mạnh vào hai bên má bà và đánh vào mắt cá chân và cẳng chân của bà bằng một gậy nhỏ. Trương Ái Thần đến và lại tát vào mặt bà, khiến bà bị loạng choạng và suýt ngã xuống. Một nhóm nhân viên chính quyền đá cười hả hê khi chứng kiến cảnh đó. Người đàn ông kia sau đó lại tát vào mặt bà.

Gia đình đã cầu xin Trương Ái Thần và những người khác thả bà và bị tống tiền 500 nhân dân tệ. Trương tuyên bố số tiền này là tiền cọc để đảm bảo bà không đi thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công.

Những trường hợp khác

Tháng 5 năm 2001, hai học viên Pháp Luân Công đã bị bắt khi đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Trương Ái Thần đã tra tấn họ khiến mặt họ bị sưng vù và bầm tím. Mỗi người bị tống tiền 16.000 nhân dân tệ và bị giam giữ. Khi Trương và những người khác xông vào nhà của một học viên, ông ta đã tát vào mặt người con trai của học viên nhiều lần và tịch thu các thiết bị điện mà con trai bà mới mua để chuẩn bị cho đám cưới của mình.

Hoàng Đào và bốn người khác đã xông vào nhà của bà Lưu Phượng Lâm ở thôn Lưu Trang vào ngày 7 tháng 9 năm 2009. Họ lục lọi khắp căn phòng của người mẹ và lấy đi hai cuốn sách Pháp Luân Công.

Sau đó, họ đến nhà của học viên Lý Hỷ Vinh và lấy đi sổ hộ khẩu của gia đình bà.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/8/442204.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/24/202411.html

Đăng ngày 19-10-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share