Bài viết của Mịch Chân
[MINH HUỆ 03-10-2022] Lại một Tết Trùng Cửu nữa đang đến, hằng năm, cứ vào dịp này chúng ta lại tưởng nhớ đến các đồng tu cao tuổi đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại đến nhà tan cửa nát, thậm chí mất đi sinh mạng. Tết Trùng Cửu năm nay rơi vào ngày 4 tháng 10 và là một lời nhắc nhở đáng buồn khác rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn tiếp tục diễn ra và nhiều người cao tuổi tu luyện Pháp Luân Công vẫn không thể tận hưởng ngày lễ tôn vinh người cao tuổi này.
Kể từ khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, vô số học viên đã bị sách nhiễu, bắt giữ, bỏ tù, tra tấn hoặc thậm chí bị thu hoạch nội tạng vì kiên định đức tin của họ. Những người cao tuổi cũng không được buông tha khỏi cuộc bức hại. Thay vì được tôn trọng và đối xử tốt, nhiều người trong số họ đã bị giam giữ và tra tấn vì niềm tin vào Chân-Thiện-Nhẫn. Một số người thậm chí đã qua đời như một số trường hợp mô tả dưới đây.
Không được ăn, không được đi vệ sinh, không được ngủ
Bà Lý Quế Vinh, nguyên hiệu trưởng trường Tiểu học Hợp Tác ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, từng được công nhận là một trong những hiệu trưởng xuất sắc nhất khu vực. Song, chỉ vì bà tu luyện Pháp Luân Công, bà đã bị bắt vào tháng 10 năm 2006 và sau đó bị kết án bảy năm tù.
Sau khi bị bắt lại vào tháng 2 năm 2015, bà Lý bị Tòa án Hồ Nam kết án 5 năm tù giam và bị đưa đến Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh. Tại Khu 5, nơi được chỉ định để giam giữ người già và ốm yếu, các lính canh và tù nhân đã đánh đập bà dã man để “chuyển hóa” bà. Họ dùng giày đánh mạnh vào tay bà. Toàn thân bà đầy những vết bầm tím.
Có lần, một tù nhân túm tóc bà lôi khi khắp buồng giam làm bà rụng rất nhiều tóc sau lần đó. Để buộc bà từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công, lính canh và các tù nhân khác còn bắt bà ngồi xổm bất động, một lần trong 36 giờ và lần khác kéo dài hơn 60 giờ, trong thời gian đó bà không được cho ăn, không được đi vệ sinh và bị cấm ngủ. Bà Lý đã qua đời vào tháng 1 năm 2020 ở tuổi 78.
Tù nhân: “Biến cuộc sống của các vị thành địa ngục trần gian”
Ông Công Phi Khải nguyên là Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn Pháo phòng không Dự bị tỉnh Sơn Đông. Theo chỉ thị của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thanh Đảo (PLAC), Phòng 610 và Đội An ninh Nội địa Thị Bắc, Viện Kiểm sát Thị Bắc và Tòa án Thị Bắc đã kết án ông Công 7,5 năm vào ngày 20 tháng 7 năm 2018. Ông được lệnh thụ án tại Nhà tù Sơn Đông ở Tế Nam.
Ông Công đã qua đời trong tù vào ngày 12 tháng 4 năm 2021, thọ 66 tuổi. Gia đình ông nhìn thấy ông bị những vết thương trên đầu, sưng tấy và ướt sũng. Ông còn bị chảy máu tai.
Nhà tù Sơn Đông khét tiếng với việc tra tấn các học viên Pháp Luân Công. Nhiều học viên đã bị thương, trở nên tàn tật, thậm chí bị giết ở đó. Một số tù nhân bị lính canh xúi giục tra tấn các học viên tuyên bố, “Họ bảo chúng tôi không được giết các vị, mà là biến cuộc sống các vị thành địa ngục trần gian – để cho các vị sống không bằng chết.”
Chỉ trả tự do khi tuyên bố từ bỏ đức tin
Bà Tô Vân Hà là một học viên ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang. Bà bị kết án 5 năm tù giam và qua đời hai ngày trước khi dự kiến được thả vào ngày 6 tháng 9 năm 2021. Bà thọ 67 tuổi.
Người ta nói rằng các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại Nhà tù Nữ Hắc Long Giang muốn nhận được thông báo thả, họ phải tuyên bố từ bỏ đức tin của mình bằng cách ký vào ba loại giấy; nếu không, họ sẽ bị lính canh và các tù nhân khác “cho một bài học”. Một số người bị tạm giữ cho biết họ nghe nói bà Tô bị đánh đập tại Khu 8 vào ngày 4 tháng 9 năm 2021, đúng ngày bà qua đời.
Giống như nhiều học viên khác, bà Tô đã bị giam giữ nhiều lần vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi bị đưa vào Trại lao động Vạn Gia năm 2001, bà bị còng tay sau lưng vào song sắt tầng trên của một chiếc giường tầng. Chân bà hầu như không chạm đất và miệng bà bị dán băng dính.
Vô số thủ đoạn tra tấn
Trước khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, ông Sơ Lập Văn, 65 tuổi, từng là phụ đạo viên tình nguyện tại điểm luyện công địa phương ở thành phố Thường Nghi, tỉnh Sơn Đông. Sau đó, ông bị bắt giam và bỏ tù nhiều lần trong tổng số 11 năm. Sau khi bị bắt lại vào ngày 22 tháng 9 năm 2019, ông bị kết án oan sai 8 năm tù giam vào ngày 28 tháng 12 âm lịch, hai ngày trước Tết Cổ truyền 2021 của Trung Quốc. Sau khi được trả tự do vì sức khỏe nguy kịch, ông đã qua đời vào ngày 1 tháng 7 năm 2021.
Trong thời gian bị giam giữ tại Trại tạm giam, trại lao động và nhà tù, ông Sơ đã phải chịu đựng rất nhiều thủ đoạn tra tấn vì kiên định với đức tin của mình. Ông bị còng tay sau lưng vào gốc cây trong mùa đông lạnh giá, bị buộc phải ngồi trên ghế băng trong một thời gian dài, bị còng chân, xích chân, bị bức thực, bị bắt lao động không công, bị dội nước lạnh, bị đâm bằng kim, bị buộc phải đứng yên, bị đứng úp mặt vào tường, bị trói, bị kéo căng tứ chi, bị đánh bằng ống cao su, bị sốc điện, bị bóp nghẹt cổ và bị biệt giam. Ngoài ra, lính canh và tù nhân còn dẫm đạp lên bắp chân ông và trói ông trong một khu vực nhiều muỗi cho đến khi toàn thân ông bị muỗi đốt.
Các lính canh và tù nhân đã dùng roi điện sốc điện ông Sơ vào tháng 12 năm 2003 khiến khuôn mặt ông bị biến dạng và toàn thân ông bị lở loét. Sau khi bị đưa đến trung tâm tẩy não ở thành phố Duy Phường vào tháng 8 năm 2008, ông Sơ bị còng tay vào ống sưởi và một ghế kim loại. Với đầu bị trùm kín, ông Sơ bị các tù nhân khác đánh đập. Họ còn dùng dây thừng nhỏ trói xiết ông khiến ông vô cùng đau đớn.
Các trường hợp khác
Ông Lưu Hy Vĩnh, 80 tuổi, một cư dân ở thôn Thạch Hà, khu Kim Châu, thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, dự kiến sẽ được thả vào ngày 9 tháng 4 năm 2021, sau khi thụ án ba năm vì đức tin của mình. Đúng ngày hôm đó, cảnh sát khu Kim Châu đã đưa ông đến trại tạm giam Tam Lý. Các quan chức từ viện kiểm sát địa phương và tòa án đã kết tội ông một lần nữa và kết án ông thêm bốn năm tù. Mặc dù sức khỏe ông Lưu ở tình trạng đe dọa đến tính mạng nhưng các quan chức Nhà tù Số 3 Đại Liên đã từ chối thả ông. Một quan chức tuyên bố: “Ông ta phải ở lại đây chừng nào ông ấy còn sống”. Cuối cùng, ông Lưu đã chết trong nhà tù vào ngày 29 tháng 12 năm 2021.
Bà Vương Liễu Trân, một kỹ sư nghỉ hưu ở độ tuổi 80, đã qua đời vào ngày 1 tháng 1 năm 2022. Cư dân Trùng Khánh này đã hai lần bị cưỡng bức lao động và ba lần bị giam tại bệnh viện tâm thần, nơi bà bị ép tiêm thuốc gây tổn hại thần kinh và bức thực các loại thuộc không rõ nguồn gốc. Những thứ này đã làm các cơ quan nội tạng của bà tổn thương nghiêm trọng. Ngoài ra, cảnh sát đã giám sát chặt chẽ bà suốt ngày đêm trong hơn 10 năm. Họ dựng một căn nhà nhỏ gần nhà bà để theo dõi bà và các nhân viên được cử theo dõi bà thường xuyên đánh đập và mắng mỏ bà. Họ từng một chiếc ghế băng đánh bà khiến bà bị thương ở mũi và chân.
Bà Quý Vân Chi, một học viên ở Ba Lâm Tả Kỳ của Nội Mông, bị bắt đúng vào mồng một Tết 2022 (ngày 1 tháng 2 dương lịch). Chưa đầy ba tháng sau, vào ngày 21 tháng 3 năm 2022, bà Quý qua đời ở tuổi 66 tại Bệnh viện Ba Lâm Tả Kỳ. Thông tin do Minh Huệ Net thu được cho thấy các cai ngục và tù nhân đã đánh đập bà Quý thậm tệ trong trại giam tới khi bà hấp hối. Khi còn sống trong phòng giam, bà từng nói: “Nếu tôi chết, chính là bị bức hại đến chết.”
Thêm nhiều bi kịch
Trên đây chỉ là một vài trường hợp trong hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại vì niềm tin của họ. Mặc dù không có luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công, nhưng cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã tuyên bố lệnh cấm Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999 và chỉ thị cho toàn bộ bộ máy nhà nước tiến hành cuộc bức hại nhằm tìm cách tiêu diệt môn tu luyện trong vòng ba tháng.
Thế nhưng, cuộc bức hại đến nay đã kéo dài 23 năm. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2022, 92 học viên đã thiệt mạng và 366 học viên khác bị kết án tù. Trong đó, có 107 người từ 60 tuổi trở lên, người già nhất đã 85 tuổi.
Những học viên này thường bị bỏ lại trong bóng tối khi cảnh sát, viện kiểm sát và tòa án buộc tội họ.
Bà Đổng Thục Hiền, 73 tuổi, đến từ thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh. Khi sáu quan chức từ Tòa án Song Tháp và phòng cảnh sát địa phương đến nhà bà vào ngày 14 tháng 7 năm 2020, đầu tiên họ giả vờ ân cần hỏi han bà, bà Đổng cũng vui vẻ tiếp chuyện họ. Sau đó, họ đưa ra bản án 7 năm tù. “Cái này là gì vậy?” bà Đổng hỏi: “Tôi chỉ ở nhà chứ có làm gì đâu. Sao lại phạt tôi bảy năm”. Không ai trả lời câu hỏi của bà.
Lời kết
Theo truyền thống của Trung Quốc, người cao tuổi là nhóm người được tôn trọng nhất trong xã hội, bởi trí tuệ, sự trải nghiệm và lòng tốt của họ. Hoàng đế Khang Hy trong triều đại nhà Thanh từng hai lần tổ chức yến tiệc để gặp gỡ và tri ân các vị cao niên từ 65 tuổi trở lên. Họ bao gồm các văn võ đại thần và học giả từ các dân tộc Mông Cổ, Mãn Thanh và Hán với tổng cộng hơn 1.000 người. Trong khi các hoàng tử, hoàng tôn châm rượu cho các lão nhân, Hoàng đế và các quan chức cấp cao ngẫu hứng sáng tác thơ ca để kỷ niệm.
Song, mọi thứ đã thay đổi sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949. Nó đã gây hại cho vô số công dân Trung Quốc trong nhiều chiến dịch chính trị. Sau khi gần như xóa sổ văn hóa truyền thống Trung Quốc trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, ĐCSTQ đã nhắm vào các học viên Pháp Luân Công vô tội chỉ vì muốn trở thành công dân tốt theo nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn.
Tết Trùng Cửu gợi cho chúng ta nhớ lại chúng ta là ai và chúng ta đến từ đâu. Nếu chúng ta không trân trọng các giá trị truyền thống, không tôn trọng người cao tuổi và làm theo lương tâm của mình, chúng ta sẽ để cho ĐCSTQ đẩy xã hội Trung Quốc vào một tương lai đầy bất ổn. Bằng cách từ bỏ ĐCSTQ và vì lợi ích chung, chúng ta có thể chịu trách nhiệm với bản thân và giúp đỡ người khác. Theo đó, biết bao người cao tuổi thiện lương được hưởng những năm tháng cuối đời bình an, hạnh phúc.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/10/3/450172.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/10/4/204145.html
Đăng ngày 06-10-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.