Bài viết của Kim Nghiêu, đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 07-09-2022] Từ năm 2020, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiến hành chiến dịch “Xóa sổ” nhằm buộc mọi học viên Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp) trong danh sách đen của chính phủ từ bỏ đức tin của họ.

Với mục tiêu đó, chính quyền đã huy động lực lượng cảnh sát, quan chức chính phủ và ủy ban cư trú đến tận nhà sách nhiễu các học viên. Các học viên đã bị đe dọa đến giáo dục, việc làm hoặc lương hưu của bản thân họ và người thân của họ nếu họ không chịu từ bỏ tu luyện.

Bất chấp áp lực, nhiều học viên, trong đó có tôi, vẫn kiên định giữ vững đức tin chỉ bởi một lý do rất đơn giản. Tất cả chúng tôi đều đã được thụ ích rất nhiều từ việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, vậy nên chúng tôi sẽ không bị dao động bởi những tuyên truyền vu khống của ĐCSTQ.

Trở thành một người tốt

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996 và đã được thụ ích rất nhiều cả về thể chất lẫn tinh thần. Thế nhưng, sau khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, cuộc sống đang yên bình và hạnh phúc của tôi đã bị xáo trộn. Hồi đó, tôi sống gần Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Hàng ngày, có rất nhiều học viên từ các vùng miền khác của Trung Quốc đến đó để giương các biểu ngữ mang thông điệp như “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Các cảnh sát phụ trách khu phố của tôi đã được điều động đi tuần tra trên con đường đi bộ chính dẫn đến Quảng trường nhằm chặn không cho các học viên Pháp Luân Công tiến vào đó.

Không chỉ cảnh sát, ủy ban dân cư địa phương của tôi cũng được yêu cầu đến nhà “thăm hỏi” các học viên. Một ngày nọ vào năm 2000, một phụ nữ đến nhà tôi và nói rằng bà ấy là chủ nhiệm ủy ban khu phố. Bà ấy bảo rằng bà ấy tín Phật và khuyên tôi nên chuyển sang Phật giáo thay vì tu luyện Pháp Luân Công.

Tôi đáp lại rằng, “Chị à, chị tín Phật là tốt, ít nhất cũng không có ý định làm điều xấu. Pháp Luân Công cũng là công pháp của Phật gia, đều dạy người ta tu tâm hướng thiện. Vì vậy, đối với tín Phật của chị không có gì mâu thuẫn cả.”

Nghe tôi nói vậy, bà ấy không biết phải nói gì. Một lúc sau, bà ấy bảo: “Cô tin thì cứ tin thôi, nhưng cô không nên đi ra ngoài giảng cho mọi người.”

Tôi trả lời, “Chị à, là người tu luyện, em không tùy tiện can thiệp vào các vấn đề thế tục. Nhưng Sư phụ Lý, nhà sáng lập Pháp Luân Công, cũng giảng rằng một học viên khi trông thấy việc giết người đốt phá, liên quan đến mạng sống của mọi người thì nhất định phải quản, nếu không sẽ không phải là người tu luyện.”

Bà ấy lập tức hỏi vặn lại, “Nhưng cô có thấy ai giết người đốt phá đâu?”

“Khi ĐCSTQ bịa đặt những lời nói dối để phỉ báng và bôi nhọ Pháp Luân Công, hậu quả có thể còn nghiêm trọng hơn cả việc sát nhân phóng hỏa” tôi trả lời, “Chị xem, Pháp Luân Công đã cứu biết bao mạng người, giúp họ trừ bệnh khỏe thân và trở thành những công dân tốt hơn nhờ chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn. Hiện giờ, ĐCSTQ tuyên truyền lừa dối dân chúng chống lại Pháp Luân Công, đó chẳng phải là làm hại dân sao?”

Có lẽ vị chủ nhiệm thực sự là người tín Phật. Bà ấy lắng nghe tôi nói một lúc với vẻ mặt trầm tư rồi ra về.

Kiên định với đức tin

Ngày 23 tháng 1 năm 2001, trước Tết cổ truyền, ĐCSTQ đã dàn dựng vụ tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn để bôi nhọ Pháp Luân Công. Thời điểm đó, tôi không ở nhà mà đang bị giam trong một trại tạm giam vì niềm tin của mình.

ĐCSTQ tuyên bố rằng những người tự thiêu đã tuân theo lời dạy của Pháp Luân Công. Tuy nhiên Pháp Luân Công nghiêm cấm việc sát sinh, lại càng không được tự sát. Ngay cả đứa con trai 8 tuổi của tôi khi đó đã nói với ông nội của cháu rằng những người tự thiêu không thể là học viên Pháp Luân Công, rằng Pháp Luân Công không sát sinh. Nhưng đối với nhiều người không biết chân tướng, tuyên truyền này đã gây ra sự thù ghét đối với các học viên Pháp Luân Công vô tội.

Theo đó, một số người thân của tôi đã cố gắng thuyết phục tôi từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Họ cảnh báo tôi về những hậu quả có thể xảy ra nếu tôi “chống lại ĐCSTQ”. Tôi nói với họ rằng tôi không chống lại ĐCSTQ.

“Tôi chỉ nói với mọi người sự thật về Pháp Luân Công để mọi người biết Pháp Luân Công là tốt, là Chính Pháp. Thế giới cần Chân-Thiện-Nhẫn,” tôi nói thêm, “Tôn trọng nguyên tắc này và biết Pháp Luân Đại Pháp là tốt sẽ mang lại phước lành cho họ và có ích cho xã hội.”

Từ tháng 4 năm 2001, tôi đã phải trôi dạt khắp nơi để tránh bị ĐCSTQ bức hại. Về sau, ai đó đã báo cáo tôi cho cho cảnh sát và tôi đã bị bắt, rồi bị giam giữ phi pháp và bị tra tấn. Sau khi được thả 9 tháng, tôi phát hiện ra chồng tôi đã đơn phương đệ đơn ly hôn, vậy là tôi rời Bắc Kinh và trở về quê.

Con trai tôi cũng chuyển về quê cùng tôi, dạo đó cháu mới lên cấp hai. Cháu sống với ông bà nội của mình.

Bà nội của cháu thường phàn nàn với tôi rằng ở trường cháu rất tự ti và bị các bạn coi thường vì tôi tu luyện Pháp Luân Công. Tôi hỏi cháu về điều đó và cháu nói rằng hoàn toàn không phải như thế.

Tôi giải thích cho cháu, “Khi ĐCSTQ không cho phép mọi người sống theo Chân-Thiện-Nhẫn, các học viên Pháp Luân Công vẫn liều mạng nói với mọi người rằng cuộc bức hại là sai trái. Họ luôn kiên định với đức tin của họ. Hãy tin ở mẹ, một ngày nào đó con sẽ tự hào về mẹ”.

Con trai mỉm cười nói với tôi, “Mẹ ơi, con hiểu rồi.”

Vào tháng 1 năm 2022, cảnh sát và các quan chức địa phương lần lượt sách nhiễu người thân và hàng xóm của tôi vì tôi tu luyện Pháp Luân Công. Một người hàng xóm bảo tôi:

“Chị có thể nói với họ rằng chị đã ngừng tu luyện và họ sẽ không làm phiền chị nữa. Chị vẫn có thể làm bất cứ điều gì chị muốn. Được không?“

Tôi trả lời, “Không được đâu. Người tu Chân-Thiện-Nhẫn không thể nói dối. Nếu tôi nói dối, tôi sẽ không phải là một học viên cho dù tôi có luyện bao nhiêu bài đi chăng nữa”.

“Ngoài ra, nếu tất cả mọi người đều nói dối nhau như thế, không có ai nói thật, thế giới này chẳng phải sẽ kết thúc sao?”, tôi nói thêm.

Cô ấy hiểu ra, mỉm cười và gật đầu với tôi.

Khi các học viên Pháp Luân Công giảng chân tướng, không phải họ tìm đến mọi người để kêu oan, để thể hiện sự bất bình, mà là muốn nói cho mọi người đạo lý và phương cách giải cứu khi họ gặp nguy nan. Trong suy nghĩ của các học viên Pháp Luân Đại Pháp, mỗi mạng sống đều vô cùng đáng trân quý.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/9/7/448233.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/9/24/203998.html

Đăng ngày 27-09-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share