Bài viết của Lê Minh
[MINH HUỆ 24-08-2022] Theo nhiều hãng tin, Trung Quốc đang trải qua một mùa hè bất thường với hạn hán và các đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong vòng 60 năm qua. Với 1,1 triệu km vuông (tương đương 11% diện tích đất của Trung Quốc) chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ trên 40o C (hay 104o F), nhiều vùng đất nông nghiệp ở nước này đã bị khô cạn. Nhiệt độ ở hơn 220 khu vực đã ở mức phá vỡ kỷ lục. Trong số đó, nhiệt độ tại huyện Bắc Bội ở Trùng Khánh đã lên tới 45o C, theo bài báo của BBC hôm 23 tháng 8 dưới tiêu đề “Ghi nhận về đợt hạn hán tồi tệ nhất Trung Quốc ra sao”.
Trong xã hội hiện đại, hiện tượng hạn hán thường được cho là do biến đổi khí hậu hoặc các yếu tố khí tượng. Nhưng tôi tin rằng còn có cách lý giải khác. Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, mỗi lần xuất hiện hạn hán hay nhiệt độ cực đoan đều được coi là lời cảnh báo từ thiên thượng. Trí huệ phương Đông vốn có từ lâu đời, thâm sâu và siêu việt, cũng không bị biến đổi theo thời gian.
Sự hòa hợp giữa Thiên và Nhân
Về đại hạn, Khổng Tử từng nói: “Đất nước bị hạn hán. Chẳng phải do quan lại lạm quyền, không trọng đức sao?” Ông cho rằng thiên tai là do hành vi bất chính của con người gây ra.
Đổng Trọng Thư thời Hán Vũ Đế đã làm rõ mối quan hệ tương hỗ giữa Trời và Người, ông nói “Thiên Nhân cảm ứng”. Ông tin rằng khi một quốc gia không theo luân thường đạo lý, đạo đức tụt dốc, Trời sẽ giáng tai họa để cảnh báo. Nếu con người không xét lại mình, sai lầm không được sửa chữa, thì những tai họa lớn hơn sẽ tiếp tục xảy ra.
Sau thời Tây Hán, tư tưởng “Thiên Nhân cảm ứng” đã ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử Trung Quốc suốt 2.000 năm. Trong 25 bộ chính sử (gồm cả Thanh Sử cảo-bản thảo về lịch sử thời nhà Thanh), có hơn 470 ghi chép về các đợt hạn hán trên khắp Trung Quốc. Mỗi khi xuất hiện hạn hán nghiêm trọng, từ quân vương cho đến triều thần đều nghĩ đến nguyên nhân căn bản là việc thiếu đạo đức trong các vụ xét xử kiện tụng, bởi vậy, việc xét xử công tâm, tránh oan sai đã trở thành truyền thống của Trung Quốc. Trong sử sách chính thống của Trung Quốc, những ghi chép như vậy có rất nhiều.
Một ví dụ khác xảy ra vào thời Đông Hán. Có một năm xảy ra đại hạn hán, triều đình dùng rất nhiều biện pháp nhưng không thể làm cho trời đổ mưa. Trương Phấn, một viên quan giữ chức Tư Không, một trong ba chức quan quan trọng nhất thời nhà Hán quản việc ruộng đất và dân sự, biết rõ nguyên nhân là do triều đình phạm sai sót trong việc cầm quyền trị nước nên bị trời giáng thiên tai. Trương Phấn vốn bản tính thiện lương, kính Thần kính Thiên, căn cơ, hiếu học. Ông đã dâng thư lên hoàng đế yêu cầu hoàng đế mau chóng triệu kiến ông, nghe ông trình bày việc cấp bách cần giải quyết để tránh tiếp tục bị trời trừng phạt. Hoàng đế đã tiếp thu ý kiến của ông. Ngay ngày hôm sau đã triệu Thái úy, Tư Đồ và các đại thần đi tới Lạc Dương xem xét lại tội trạng của tù nhân và phát hiện ra nhiều trường hợp oan sai, theo đó lập tức hạ lệnh thẩm tra xét xử lại, đồng thời trừng trị thích đáng Trần Hâm, người đứng đầu huyện Lạc Dương.
Sau đó, mưa liên tiếp đổ xuống trong ba ngày ba đêm và hạn hán đã được giải quyết. Câu chuyện này được ghi lại trong Hậu Hán Thư, một bộ sử ghi chép về lịch sử thời Đông Hán. Điều này cho thấy những người cổ đại nói chung, từ quan lại đến dân thường, đều biết hành vi của họ có thể dẫn đến những hậu quả khác nhau như thế nào.
Cuộc bức hại lớn nhất trong xã hội hiện đại
Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, hàng chục triệu học viên đã bị bức hại vì niềm tin vào Chân-Thiện-Nhẫn. Một lượng lớn trong số họ đã bị bắt, bị giam giữ và bị tra tấn. ĐCSTQ đã sử dụng “hàng trăm kiểu tra tấn” từ cổ đại đến hiện đại của Trung Quốc và nước ngoài để bức hại tàn bạo các học viên.
Tính đến tháng 3 năm 2019, Minh Huệ đã thu thập được 109.579 trường hợp học viên bị tra tấn vì đức tin của họ. Các phương pháp tra tấn bao gồm đánh đập, trừng phạt thể xác, còng tay, sốc điện, bức thực, treo lên, đóng băng, tiêm thuốc độc, trói, đốt, tấn công tình dục, nghiền nát, nghẹt thở, côn trùng cắn, thú dữ tấn công, v.v. Mỗi loại bao gồm các dụng cụ tra tấn khác nhau và áp dụng cho các bộ phận khác nhau của cơ thể.
Xông nóng
Một quan chức cấp cao của ĐCSTQ cho biết chi phí cho chiến dịch chống lại Pháp Luân Công đã vượt quá chi phí chiến tranh. Các nguồn tin khác ước tính rằng ĐCSTQ đã chi khoảng 1/4 GDP của đất nước cho cuộc bức hại trong thời gian đầu của chiến dịch. Cả quy mô và mức độ nghiêm trọng của cuộc bức hại đều nằm ngoài sức tưởng tượng.
Ngày 14 tháng 6 năm 2012, cô Vương Pháp Phượng, một học viên ở tỉnh Sơn Đông, bị đưa đến một trung tâm tẩy não ở thành phố Lâm Nghi. Để buộc cô từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công, lính canh đã đưa cô vào một căn phòng rồi đóng kín cửa sổ và cửa ra vào. Trong năm ngày biệt giam đó, cô được cho ăn rất ít và bị buộc phải đứng úp mặt vào tường trong hai ngày liền. Trong cái nóng oi ả của mùa hè, cô cảm thấy ngột ngạt khó thở.
Bà Lưu Quế Phù bị đưa đến Trại Lao động Nữ Bắc Kinh vào năm 2005. “Dạo đó là mùa hè với nhiệt độ cao tới 38o C. Các lính canh đã đóng tất cả các cửa ra vào, cửa sổ và kéo kín rèm. Họ còn bắt tôi mặc chiếc áo khoác mùa đông mà tôi đã mặc khi bị bắt vài tháng trước đó,” bà nhớ lại, “Ngay cả một số tù nhân được giao theo dõi tôi cũng bị say nắng. Nhưng lính canh bảo họ cứ tiếp tục xông nóng tôi như thế…”
Bị nướng trong 12 giờ
Cô Vương Ngọc Khiết là một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Tiên Đào, tỉnh Hồ Bắc. Ngày 31 tháng 3 năm 2010, các công an từ Đồn Cảnh sát Mãn Xuân đã bắt cô và đưa cô đến Trung tâm Tẩy não Nhị Đạo Bằng ở quận Giang Hán. Hòng buộc cô từ bỏ tu luyện, vào mùa hè nóng nực, các lính canh đã nhốt cô trong một buồng nướng trong suốt 12 giờ, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Cô đổ mồ hôi đầm đìa và cho biết đầu cô gần như nổ tung. Cuối cùng, cô đã qua đời một cách thương tâm vào sáng ngày 3 tháng 9 năm 2011 khi cô mới 24 tuổi.
Đến tháng 3 năm 2019, Minh Huệ đã thu thập được 1.342 trường hợp học viên bị tra tấn bằng cách đốt/làm nóng bởi các vật dụng như bật lửa, đầu thuốc lá, nến, bàn là, gạch nung đỏ (gạch chịu lửa), than nóng, nước sôi, bóng đèn, dầu nóng, cháo nóng, v.v. Thủ đoạn tra tấn vô liêm xỉ này nhắm vào các bộ phận khác nhau của cơ thể, từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài với mức độ tàn bạo chưa từng thấy.
Một chiếc bật lửa thông thường có nhiệt độ cao tới 2.000o C. Ngay cả những ngọn nến cũng có nhiệt độ tới hàng trăm độ. Thế nhưng, da người chỉ có thể chịu đựng tối đa 60-70o C. Vậy mà lính canh tại các cơ sở giam giữ trên khắp Trung Quốc tàn nhẫn đến mức tra tấn các học viên Pháp Luân Công bằng các hình thức nêu trên (xông nóng, nướng hoặc đốt).
Ngoài việc hủy hoại về mặt thể xác đối với các học viên, những kẻ hành ác còn đốt các sách Pháp Luân Công. Trong ba tháng đầu của cuộc bức hại, từ tháng 7 đến tháng 10 năm 1999, Phòng 610 của ĐCSTQ đã thu giữ và tiêu hủy hàng trăm triệu cuốn sách Pháp Luân Công, hơn 50 triệu sản phẩm nghe nhìn và 10 triệu ấn phẩm Pháp Luân Công, gây ra trọng tội không thể tha thứ.
Lời kết
Nếu sự hòa hợp giữa Thiên và Nhân là có thật, thì Thần sẽ không cho phép cuộc bức hại vô nhân đạo đó tiếp tục kéo dài mãi. Khi bức hại các học viên Pháp Luân Công vì niềm tin của họ vào Chân-Thiện-Nhẫn, ĐCSTQ đang phá hoại nền tảng đạo đức của xã hội và nhân loại. Khi nhiều người chọn cách phớt lờ điều này, có thể họ sẽ phải đối mặt với một tương lai ảm đạm. Họ có thể không lường trước được những hậu quả có thể xảy ra như đợt hạn hán và nắng nóng mà Trung Quốc đang phải đối mặt vào mùa hè này.
Hiện vẫn còn khá nhiều nhân viên trong ngành công-kiểm-pháp bị lợi ích và quyền lực của ĐCSTQ mê hoặc, làm ra những chuyện thương thiên hại lý. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Mỗi người đều phải chịu trách nhiệm với việc làm của mình, và tương lai của mỗi người là do chính mình lựa chọn, không ai có thể thay thế được.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả.Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/8/24/448025.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/8/26/202967.html
Đăng ngày 29-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.