Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 24-05-2020] Ông Lưu Hoành Vỹ, 54 tuổi, ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, đã bị bắt giữ nhiều lần vì đức tin vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Sau vụ bắt giữ năm 2006, ông bị tra tấn đến không thể đi lại được và sau đó bị kết án 13 năm tù.
Bởi bị ngược đãi ở trong tù, ông Lưu bị rụng gần hết răng và thị lực bị tổn thương nặng nề; cột sống của ông bị biến dạng nghiêm trọng sau 13 năm nằm liệt giường; ông cũng thường bị chóng mặt, tim đập nhanh, ho, kèm theo ói mửa, thường xuyên cảm thấy đau tim và đau đầu.
Ông Lưu đã được thả vào ngày 24 tháng 10 năm 2019, và bị đưa tới viện dưỡng lão. Nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, cũng là học viên Pháp Luân Công, ông Lưu đã có thể rời khỏi viện dưỡng lão và ở trong một căn hộ đi thuê.
Ảnh chụp ông Lưu Hoành Vỹ ngồi trên xe lăn ở hiện tại
Ảnh trước kia của ông Lưu Hoành Vỹ
Dưới đây là lời kể của ông về sự bức hại mà bản thân đã trải qua:
Bắt giữ và tống vào trại lao động cưỡng bức
Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, vợ tôi Vu Lập Tân (sau này bà đã bị bức hại đến chết vào ngày 13 tháng 5 năm 2002), con gái 5 tuổi của chúng tôi, và tôi đã đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện vào ngày 6 tháng 9 năm 1999. Công an đã bắt giữ chúng tôi vào ngày 11 tháng 11 và tịch thu toàn bộ số tiền mà chúng tôi mang theo trước khi đưa chúng tôi về quê nhà. Sau ba ngày ở trong một Trại tạm giam, hai vợ chồng tôi bị chuyển tới trại tạm giam Số 3 Thành phố Cát Lâm, và chúng tôi bị giam ở đó trong 42 ngày kế tiếp.
Tháng 6 năm 2000, tôi lại bị bắt trong khi đang nói chuyện với các học viên khác ở Mai Hà Khẩu, tỉnh Cát Lâm. Trong khi tôi bị giam, công an đã tra tấn khiến lưng tôi bị thương, và tôi không thể đi lại được. Tôi được thả sau 28 ngày bị giam cầm.
Ngày 6 tháng 9 năm 2000, tôi đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công lần ba và lại bị bắt giữ. Sau hơn 20 ngày bị giam trong trại tạm giam Huyện Đại Hưng, vào tháng 10, tôi bị đưa tới Đồn Công an Trí Hòa ở quận Thuyền Doanh thuộc thành phố Cát Lâm. Sau đó tôi bị trưởng đồn công an đưa tới Đội Công an Hình sự Số 4 trực thuộc Công an Quận Thuyền Doanh. Công an còng tay tôi vào một chiếc ghế sắt trong 17 tiếng. Tôi chỉ mặc phong phanh một bộ quần áo dù lúc đó trời đang lạnh. Công an đã tra tấn bức cung tôi.
Sau đó, tôi bị giam trong trại tạm giam Số 3 Cát Lâm một tháng trước khi bị kết án hai năm lao động cưỡng bức trong Trại Lao động Cưỡng bức Hoan Hỷ Lĩnh ở thành phố Cát Lâm.
Trong khi ở tại Đội 4 của Trại Lao động Cưỡng bức Hoan Hỷ Lĩnh, tôi và các học viên khác cùng nhau luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công và đã bị công an trại đánh đập thậm tệ. Mặc dù bị đối xử tàn nhẫn như vậy, nhưng tôi và các học viên kiên định khác vẫn yêu cầu trả tự do cho chúng tôi vô điều kiện. Họ xem đây là sự thách thức, và đã trừng phạt chúng tôi bằng cách nhốt chúng tôi trong các buồng giam nhỏ trong bảy ngày.
Ngày 27 tháng 3 năm 2001, tôi bị chuyển tới Trại Lao động Cưỡng bức Thông Hóa. Tại đó, tôi từ chối lao động khổ sai và cũng khích lệ các cựu học viên từng tuyên bố từ bỏ đức tin do áp lực quay trở lại tu luyện Pháp Luân Công.
Ngày 24 tháng 12 năm 2001, tôi bị chuyển tới Đội 3 của Trại Lao động Cưỡng bức Triêu Dương Câu ở thành phố Trường Xuân. Trong thời gian này, tôi bị tra tấn bằng nhiều hình thức. Lính canh dùng dùi cui điện sốc vào hậu môn của tôi, dùng gậy gỗ cứng đánh tôi. Tôi cũng phải chịu sự hành hạ thể xác và dày vò tinh thần trong một khoảng thời gian dài khác. Sau khi hết thời hạn thụ án, họ giữ tôi thêm 50 ngày sau ngày mãn hạn, và cuối cùng họ cũng trả tự do cho tôi vào ngày 11 tháng 12 năm 2003.
Tái hiện phương thức tra tấn: Sốc bằng dùi cui điện
Bên bờ vực của cái chết, tôi trốn khỏi phòng cấp cứu để tránh bị bức hại thêm nữa
Ngày 16 tháng 9 năm 2004, tôi bị người của Phòng 610, Đội An ninh Nội địa, và Đồn Công an Vận Hà Lý bắt giữ. Công an thẩm vấn tôi tại đồn, và khi tôi từ chối hợp tác, họ đã đánh tôi tàn nhẫn vào đầu. Tôi lên cơn đau tim nghiêm trọng và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Cát Lâm.
Ba ngày sau, tôi đã thoát khỏi phòng cấp cứu trong khi bị công an giám sát chặt chẽ. Sau đó công an đã liệt tôi vào danh sách truy nã. Tôi phải rời khỏi nhà sống trôi dạt khắp nơi để tránh bị bức hại thêm nữa.
Minh họa phương thức tra tấn: Đánh đập
Bị bắt và tra tấn đến bị liệt
Ngày 23 tháng 10 năm 2006, hơn mười công an đã bám theo tôi và Mục Bình (là người vợ hai mà tôi tái hôn sau khi người vợ đầu tiên của tôi qua đời) tới căn hộ đi thuê và giám sát chúng tôi. Tôi bị bắt tại Cục Thuế Quận Triều Dương ở thành phố Trường Xuân. Công an đã còng tay tôi, tháo thắt lưng của tôi, sau đó dùng áo sơ mi của tôi để trùm đầu tôi và tống tôi vào xe hơi. Vợ tôi, là học viên Pháp Luân Công, cũng bị bắt giữ.
Công an lục soát nhà chúng tôi và tịch thu máy tính, tiền mặt, sổ tiết kiệm, và các sách và tài liệu Pháp Luân Công. Tôi bị đưa tới một khách sạn cách nhà tôi không xa.
Ở trong phòng của khách sạn, tôi bị còng tay vào ghế và một công an đã giẫm lên tay tôi. Anh ta chửi rủa tôi và chụp một chiếc túi lên đầu tôi trước khi tống tôi trở lại chiếc xe hơi đó và đưa tôi đến Công an Cát Lâm. Chiều hôm đó, tôi bị đưa tới cơ sở huấn luyện chó công an và bị thẩm vấn.
Tôi bị đưa tới phòng tra tấn, ở đó có đủ mọi loại dụng cụ tra tấn được treo trên tường. Tôi bị còng tay vào ghế và công an tên Địch Sỹ Cương đã đe dọa tôi và đưa cho tôi hai lựa chọn: thú nhận mọi thứ hoặc là chết.
Tôi từ chối hợp tác với họ nên bị tra tấn. Ban đầu họ bức thực tôi bằng dầu mù tạt. Họ rót nó vào chai nước, sau đó vài công an ghì tôi xuống, dùng kìm cạy miệng tôi và bức thực. Tôi không thở nổi. Nước mù tạt chảy vào khí quản và thực quản của tôi. Thậm chí, công an còn dùng dây thừng siết chặt đầu tôi ngược ra sau; tôi không nhúc nhích nổi và răng tôi lung lay. Tôi ngất xỉu vài lần.
Họ làm vậy với tôi vài tiếng đồng hồ. Dù rất đau đớn, nhưng tôi vẫn không phản bội bất kỳ học viên nào, tôi không thể để các học viên khác bị chịu khổ như tôi.
Tiếp đó, họ còng tay tôi ra sau lưng và kéo căng hai chân tôi. Họ đặt một miếng vải lên chân tôi, rồi đặt một tấm thép lên trên. Sau đó hai người đứng lên trên hai đầu tấm thép và bắt đầu lăn tấm thép qua lại. Tôi đau thấu xương và gần ngất lịm. Chân tôi suýt tàn phế.
Sau đó công an chụp một chiếc mũ bảo hiểm lên đầu tôi rồi dùng gậy cao su dày đập vào mũ. Tôi inh tai nhức óc và tai tôi bị chảy máu. Tiếp đó, họ mặc vào người tôi bộ quần áo dày và đá tôi ngã lăn ra đất, sau đó dùng một chiếc gậy đánh mạnh vào lưng tôi. Họ lặp lại hình thức tra tấn này nhiều lần. Tôi gần như suy sụp tinh thần, đầu óc rối loạn.
Tái hiện cảnh tra tấn: Đập gậy vào đầu
Ngày 25 tháng 10, tôi không thể cử động, và tôi đã gần như tàn phế sau khi bị tra tấn ba ngày hai đêm. Trong toàn bộ thời gian thẩm vấn đó, tôi không được cung cấp đồ ăn hay nước uống.
Chuyên gia IT của công an muốn truy cập vào máy tính của tôi, nhưng tôi từ chối nói mật khẩu truy cập. Khi tôi từ chối hợp tác, họ đã giữ tay tôi ấn ngón cái của tôi điểm chỉ vào một biên bản mà họ đã viết sẵn. Mặc dù tôi bị bắt vào ngày 23 tháng 10 và bị thẩm vấn từ đó cho đến ngày 25 tháng 10, công an lại viết ngày bắt giữ tôi là 25 tháng 10.
Ngày 25 tháng 10, tôi bị đưa tới trại tạm giam Cát Lâm. Khi trại từ chối tiếp nhận tôi vì tình trạng của tôi lúc ấy, công an đã lệnh cho trại phải nhận tôi và giam giữ tôi ở đó, hơn nữa còn gán nhãn cho tôi là “người đứng đầu” của Pháp Luân Công ở thành phố Cát Lâm. Trại tạm giam đã chụp hình tôi vào ngày hôm sau.
Bởi tôi chỉ có thể ăn được một chút và uống nước vào là nôn ra, nên mỗi sáng bác sỹ trại đều đo huyết áp cho tôi và vợ tôi. Trại tạm giam còn phân công người ghi chép lại chế độ ăn uống của tôi, như tôi ăn bao nhiêu cơm, uống bao nhiêu nước, và đi vệ sinh bao nhiêu lần trong ngày. Họ sợ tôi sẽ chết ở đó và muốn ghi lại chế độ ăn của tôi để làm chứng cứ thoái thác trách nhiệm. Lúc đó, huyết áp của tôi rất thấp, và tôi tính mạng tôi đã vài lần gặp nguy hiểm.
Vợ tôi cũng bị tra tấn. Công an đặt chiếc cán chổi lau nhà lên chân cô ấy và lăn nó qua lại. Họ bức thực cô ấy bằng nước mù tạt. Sau khi tới trại tạm giam, cô ấy đã tuyệt thực và mỗi ngày đều bị bức thực.
Kết án 13 năm tù
Tôi đã viết thư khiếu nại gửi tới công tố viên trú tại trại giam. Tôi muốn kiện những công an đã bức cung tôi khiến tôi bị tàn tận. Bởi lúc đó tôi không thể cầm bút, nên tôi đã nhờ một tù nhân viết giúp. Vài ngày sau, một công tố viên đến tìm tôi và hỏi tôi thêm thông tin. Sau đó, họ đe dọa sẽ đưa tôi ra khỏi trại để bức hại thêm nữa nếu tôi vẫn còn dám kiện cáo.
Bởi bị bức hại nghiêm trọng, thân thể yếu ớt, chảy máu dạ dày, không thể đi lại, và hai màng nhĩ bị thủng, tôi phải nằm bẹp trên giường cả ngày. Nhưng công an sợ công chúng sẽ nói rằng tôi bị tra tấn đến tàn tật, nên đã chỉ đạo các tù nhân khiêng tôi ra ngoài và cưỡng chế tôi tập thể dục.
Mặc dù tình trạng của tôi như vậy, công an còn còng tay, cùm chân và còn bắt tôi đeo một chiếc mặt nạ màu đen trước khi đưa tôi tới Bệnh viện Số 3 Cát Lâm. Sau khi từ bệnh viện trở về, công an không cưỡng chế tôi tập thể dục nữa, có thể là do kết quả kiểm tra cho thấy tình trạng của tôi rất nghiêm trọng.
Tôi từ chối ký tên vào lệnh bắt giữ chính thức khi công an thẩm vấn tôi; tôi cũng từ chối ký tên vào bản cáo trạng khi công tố viên nói chuyện với tôi.
Trong khi bị giam, tôi tận dùng từng cơ hội để nói với công an và quản giáo về việc tôi đã bị bức hại ra sao và bảo họ ngừng phạm tội đối với các học viên Pháp Luân Công. Một công an trẻ tuổi thậm chí còn bảo tôi có thể bảo các học viên xóa tên anh ta ra khỏi danh sách các thủ phạm bức hại được không.
Tôi từ chối mặc quần áo tù nhân hay trả lời điểm danh hằng đêm.
Một hôm, nhân lúc được ra ngoài, tôi đã tranh thủ nói lớn tiếng để mọi người có thể nghe thấy rằng tôi đang bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công và tên của những người bức hại tôi. Mọi người trong trại tạm giam đều có thể nghe thấy tiếng tôi nói; thậm chí cả những lính canh đi tuần cũng ngừng lại lắng nghe. Không ai ngăn cản tôi. Tuy nhiên, trại tạm giam không cho tôi ra ngoài nữa.
Năm 2006, Ủy ban Chính trị và Pháp luật địa phương đã lập ra tổ “chuyển hóa” và cử vài người trong số họ đế trại tạm giam để thẩm vấn tôi. Họ cố gắng ép tôi từ bỏ tu luyện và nói rằng tôi sẽ không bị bức hại nếu hợp tác với họ. Tôi đã từ chối.
Tôi bị đưa trở lại phòng giam vì cơ thể tôi quá yếu ớt, không thể chịu đựng thêm được nữa. Khi tôi nói với quản giáo về việc nhóm người kia cố gắng ép tôi từ bỏ đức tin của mình, quản giáo nói rằng họ không thể “chọc” vào đội đó, nên họ không thể can thiệp.
Tháng 6 năm 2007, tôi bị đưa ra xét xử. Bốn công an đã đã khiêng tôi và tôi ngồi xe lăn tới Tòa án Quận Thuyền Doanh.
Sau khi thẩm phán chủ tọa tuyên bố khai mạc phiên tòa, tôi thấy có hai luật sư, một công tố viên, và vài quan chức có mặt ở trong phòng. Khi thẩm phán hỏi tôi có yêu cầu gì không, tôi đã yêu cầu đổi công tố viên khác, bởi lẽ người này trước đó đã chửi rủa tôi một cách vô lý, và anh ta không phù hợp để làm công tố viên.
Thẩm phán cho hoãn phiên xét xử. Một lúc sau, một nữ thẩm phán đi tới và bảo rằng yêu cầu của tôi đã bị từ chối. Bà ta bảo tôi phải phối hợp với họ để phiên tòa có thể kết thúc sớm, bởi vì với những vụ án của chúng tôi (học viên Pháp Luân Công) họ không có quyền tự định đoạt, phải nghe theo chỉ thị từ các cấp cao hơn.
Khi tiếp tục phiên xét xử, hai luật sư của tôi cố gắng bào chữa cho tôi nhưng thẩm phán đã ngăn cản họ. Thẩm phán cho hoãn phiên tòa một lần nữa khi hai luật sư của tôi khẳng định rằng họ có quyền thay mặt thân chủ của mình biện hộ vô tội cho thân chủ của mình. Các quan chức địa phương nói chuyện với một trong hai luật sư của tôi khi phiên toàn tạm nghỉ. Tôi nghĩ là luật sư của tôi đã bị uy hiếp, bởi sau đó bà ấy không lên tiếng cho tôi trong suốt phần còn lại của phiên tòa.
Trong phiên tòa, tôi bảo với công tố viên rằng anh ta hãy học cách tôn trọng người khác, khiến anh ta đỏ mặt vì xấu hổ. Sau đó anh ta lắp bắp khi đọc bản cáo trạng.
Khi tôi thấy một viên công an từng bức hại tôi trước kia cũng có mặt ở đó, tôi bảo thẩm phán rằng người công an này nên bị đưa ra trước công lý. Tuy nhiên, thẩm phán nhanh chóng cho kết thúc phiên tòa.
Sau khi quay trở lại trại tạm giam, tôi bị kết án 13 năm tù. Tôi đã kháng cáo, nhưng bản án ban đầu vẫn bị giữ nguyên.
Tra tấn vô nhân đạo trong Nhà tù Công Chủ Lĩnh
Ngày 18 tháng 7 năm 2007, tôi bị đưa tới Nhà tù Công Chủ Lĩnh, sau hơn tám tháng bị giam trong trại tạm giam Cát Lâm. Trên đường tới nhà tù, viên công an mà tôi đã chỉ ra trong phiên tòa hỏi tôi tại sao lại chỉ vào anh ta trong khi anh ta không đánh đập tôi. Tôi bảo anh ta rằng anh ta cũng tham gia bức hại tôi khi ghi chép sai sự thật.
Người phụ trách tiếp nhận tù nhân từ chối tôi bởi thấy tôi đang bị liệt. Tuyên nhiên, công an của trại tạm giam đã gọi điện cho giám thị nhà tù, sau một vài thảo luận, tôi bị đưa tới bệnh viện nhà tù để kiểm tra y tế. Tôi bảo với các bác sỹ rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu họ tiếp nhận tôi và nếu tôi xảy ra bất kỳ vấn đề gì. Họ không nghe và bảo tôi mặc quần áo tù nhân, tôi từ chối. Sau khi thấy thái độ kiên quyết của tôi, họ đã bỏ cuộc.
Vài ngày sau, mẹ tôi tới thăm tôi. Bởi tôi từ chối mặc quần áo tù nhân, nên họ không cho tôi gặp mẹ. Khi mẹ tôi quay lại lần nữa, bởi nghĩ rằng mẹ tôi tuổi cao phải đi một chặng đường xa xôi như vậy cũng không dễ gì, nếu không gặp được tôi, mẹ tôi sẽ rất đau lòng, nên tôi đã phải miễn cưỡng mặc quần áo tù. Mẹ tôi đi cùng với chị gái và em trai tôi, họ đã khóc khi thấy tôi bị liệt. Chị tôi hỏi liệu tôi có thể được giảm án để ra tù sớm hay không, còn em trai tôi trông rất buồn rầu, im lặng không nói gì. Kể từ đó, chị tôi đã cắt đứt mọi liên hệ với tôi. Chị ấy thường xuyên bị chính quyền sách nhiễu và điều tra một cách vô lý.
Tháng 1 năm 2008, tôi đã bị chuyển tới khu phục hồi chức năng sau khi khu chữa bệnh của nhà tù bị xóa bỏ. Để kiếm tiền, nhà tù cưỡng bức tù nhân phải lao động không công, việc này đã khiến các tù nhân đánh nhau trong khi cố gắng làm được nhiều việc hơn để được giảm án.
Trương Á Quyền, phụ trách “chuyển hóa” học viên Pháp Luân Công, thường đến gặp tôi và bảo các tù nhân khác phải giám sát chặt chẽ tôi, không cho tôi nói chuyện với người khác.
Tháng 1 năm 2008, mẹ tôi đến thăm tôi lần nữa. Khi bà đang nói chuyện với tôi qua điện thoại thì Trương đứng bên cạnh bà và cố nghe lén cuộc trò chuyện của chúng tôi, khiến mẹ tôi cảm thấy lo lắng. Sau đó tôi nói với Trương: “Nếu ông là một người có tuổi và một công an đứng cạnh ông trong khi ông đang nói chuyện với con trai ông, ông cảm thấy thế nào?”
Ông ta không nói gì và rút lui về phía sau của căn phòng.
Sau khi cuộc gặp mặt kết thúc, Trương vẫn theo sát tôi. Khi tôi bảo ông ta cho phép tôi có cuộc gặp mặt trực tiếp đặc biệt với mẹ vì mẹ tôi bị nặng tai. Ông ta bảo tôi phải đồng ý “chuyển hóa” trước đã.
Khi tôi vừa mới đến nhà tù, tôi nói với mỗi cảnh vệ và tù nhân ở đây về việc tôi đang bị bức hại ra sao và cũng viết một lá thư dài 13 trang gửi cho Tòa án Cấp cao tỉnh Cát Lâm để nói với họ rằng tôi đã bị bức hại như thế nào vì kiên định đức tin của mình. Tôi cũng yêu cầu tòa án đưa những thủ phạm bức hại tôi ra công lý và trả tự do cho tôi vô điều kiện. Sau khi đọc lá thư, một số người đã bắt đầu thay đổi thái độ với tôi.
Trước Tết 2009, một học viên tên Vương Ân Huệ đã tuyệt thực để phản đối việc bị cầm tù phi pháp, và đã bị bức thực nhiều lần. Khi đang trên đường đi tới nhà vệ sinh, tôi thấy các tù nhân đang đá anh Vương, tôi đã kêu lớn bảo họ ngừng tay. Nhưng bởi tôi bị liệt, nên tôi không thể ngăn cản họ và họ lại tiếp tục đánh đập anh ấy. Tôi đến gặp chính trị viên nhà tù và yêu cầu trừng trị những tù nhân đã đánh đập anh Vương. Tối hôm đó, một tù nhân đã đến xin lỗi tôi và bảo tôi rằng cảnh sát đang điều tra việc bọn họ đánh anh Vương. Một thời gian sau, anh Vương đã bị bức hại đến chết.
Siêu thị của nhà tù còn được gọi là chợ đen. Không chỉ phải mua đồ với giá đắt, tù nhân còn phải hối lộ các giám thị khi mua các nhu yếu phẩm hàng ngày. Nếu nhà muốn mua một chiếc ti vi mới hay một món đồ đắt tiền nào khác, nhà tù sẽ tìm cách gián tiếp nào đó để tù nhân phải trả tiền – người nào đóng góp tiền sẽ được cộng điểm thưởng để được giảm án.
Trương cũng đưa cho mỗi tù nhân một cuốn sổ nhỏ để ghi chép lại nhất cử nhất động trong ngày của tôi, gồm cả tôi dậy lúc nào, ăn gì hay tiếp xúc với ai. Khi ông ta đến nói chuyện với tôi, tôi đã cố gắng giảng chân tướng Pháp Luân Công cho ông ấy, nhưng ông ấy từ chối nghe.
Một lần khác, khi tôi nói lớn tiếng về việc chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại Pháp Luân Công và công an đều là đồng phạm. Nghe vậy Trương liền rời đi mà không nói lời nào. Sau đó một tù nhân nói rằng xem ra Pháp Luân Công quả thực vô tội thì Trương mới không nói gì cả.
Có lần, phòng vệ sinh của nhà tù đến kiểm tra vệ sinh trong phòng. Mọi người đều đứng xếp hàng, ngoại từ tôi. Khi trưởng phòng y tế đi đến giường tôi, hỏi tại sao tôi không dậy được. Tôi nói rằng tôi vốn không có bệnh, là công an đã đánh đập khiến lưng tôi bị thương.
Hai tháng sau tôi bị cõng đến phòng giáo dục khi nhân viên của Ủy ban Chính trị và Pháp luật đến kiểm tra tình huống của tôi. Họ bảo người tù nhân cõng tôi đến đặt tôi lên chiếc ghế tựa nhưng tôi từ chối, và bảo họ rằng tôi không có tội, họ không có quyền thẩm vấn tôi. Tôi bảo người tù nhân kia đưa tôi lại chiếc ghế sofa.
Khi tôi hỏi tên và chức vụ của mấy người nhân viên kia, họ cảm thấy lo lắng. Tôi cũng bảo họ hãy đưa những viên công an đã khiến tôi bị liệt ra công lý. Họ nói rằng việc đó nằm ngoài thẩm quyền của họ.
Mẹ tôi bị ung thư giai đoạn cuối, và năm 2010 mẹ đến thăm tôi khi biết rằng đây có thể sẽ là lần cuối cùng mẹ gặp tôi. Mẹ tôi bảo rằng mẹ muốn nắm tay tôi lần nữa. Tôi đã nhờ cảnh sát giúp đỡ để thỏa tâm nguyện của mẹ tôi, nào ngờ họ đã từ chối.
Vài tháng sau, tôi hay tin mẹ tôi đã mất.
Ngày 11 tháng 9 năm 2012, tôi bị nôn ra máu. Lúc đó, những chiếc răng lung lay của tôi do bị bức thực bằng dầu mù tạt, bắt đầu rụng ra. Khi tôi không được phép đến bệnh viện, nên tôi chỉ có thể nhờ người khác dùng sợi chỉ mảnh nhổ ra cho tôi. Trong năm đến sáu năm, lợi của tôi bị sưng đỏ lên. Tôi thường bị đau đầu và mặt mũi sưng vù do đau răng. Có một thời gian khoảng một tháng, tôi gần như đã bị mù vì thân thể và tinh thần đau đớn cực độ.
Sau cái chết của mẹ tôi, mẹ vợ tôi cũng mất; bởi án tù của tôi dài, lại bị tàn tật, lại thêm bị ông an sách nhiễu thường xuyên, con gái và em trai tôi cũng dần dần cắt đứt quan hệ với tôi. Kể từ đó, bởi tôi bị tàn tật, nên không thể tự lo sinh hoạt của bản thân, mọi việc tôi đều phải nhờ người khác ở trong tù.
Ông Lưu Hoành Vỹ với vài chiếc răng còn lại
Những chiếc răng bị rụng vì bị bức hại do chính ông Lưu Hồng Vĩ tự nhổ.
Năm 2014, công an Vương Nhận Kiên ở phòng giáo dục đã bảo một tù nhân cõng tôi tới một căn phòng ở tầng hai. Bởi tôi rất yếu, nên tôi đã bảo họ mang cả chiếc xe lăn của tôi lên cùng, nhưng công an không đồng ý.
Ông Vương bảo tôi rằng họ đã biết tình huống của tôi nên đã chuẩn bị sẵn cho tôi một chiếc ghế sofa và cố gắng “chuyển hóa” tôi. Tôi bảo họ rằng họ sẽ không thể chuyển hóa được tôi.
Vào buổi chiều, người tù nhân đó lại cõng tôi xuống. Vì tôi rất yếu, tay tôi run lên và không thể bám chặt được vào người tù nhân kia, tôi bị ngã ngửa ra, đầu và lưng đập xuống sàn xi măng, tôi ngất lịm.
Khi tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trên giường của mình trong phòng giam. Công an muốn đưa tôi đi bệnh viện nhưng tôi từ chối. Vài ngày sau, tôi không thể cử động được đầu; chân tay sưng lên và phải nhờ người đút đồ ăn cho tôi.
Sau khi tình trạng của tôi tốt lên một chút, thì Vương lại đến, lần này là đi cùng với hai người khác. Họ đẩy tôi vào xe lăn để đưa vào một căn phòng và bắt đầu thay nhau nói nhằm cố gắng “chuyển hóa” tôi. Tôi chỉ im lặng nghe nhìn họ. Hai ba tiếng sau, Vương hỏi tôi họ nói có đúng không. Tôi bảo họ rằng họ nói rất hay nhưng nó không có liên quan gì tới tôi cả. Kể từ đó Vương không đến quấy rầy tôi nữa.
Năm 2017, nhà tù dùng mọi thủ đoạn hòng chuyển hóa tôi, trong đó có một biện pháp giả nhân giả nghĩa, đó là chấm điểm cho tôi mỗi tháng (điểm này sau đó sẽ được dùng để xem xét giảm án). Tôi bảo họ rằng tôi không cần những điểm đó và từ chối ký tên vào những giấy tờ liên quan đến điểm thưởng đó. Họ đã thôi làm trò hề đó với tôi sau khi thấy không thể làm tôi động tâm.
Sau gần 13 năm bị bức hại và tra tấn, răng tôi đã rụng gần hết và tóc tôi đã ngả bạc. Thị lực của tôi bị tổn hại nghiêm trọng, gần như không nhìn được rõ, và tôi gặp khó khăn khi ngủ bởi lưng tôi bị biến dạng sau 13 năm nằm liệt giường. Chân tôi lạnh và tê, tôi cũng thường cảm thấy chóng mặt. Tim tôi đập nhanh, ho, kèm theo ói mửa, và tôi cũng thường bị tức ngực, đau đầu.
Tôi chỉ còn lại vài chiếc răng, ăn uống rất khó khăn và phải nuốt chửng thức ăn, thỉnh thoảng nó bị mắc ở khí quản. Việc nuốt thức ăn như vậy khiến thức ăn khó tiêu hóa nên tôi bị đau dạ dày và trướng bụng, thường gặp các vấn đề về đường ruột.
Tôi đã được thả vào ngày 24 tháng 10 năm 2019, sau 13 năm thụ án tù. Tôi rời khỏi nhà tù trên chiếc xe lăn.
Bị bức hại ở trong viện dưỡng lão
Vào ngày tôi được ra tù, ngay khi vừa mới ra khỏi cổng nhà tù, tôi liền bị đẩy vào một chiếc xe công an đã đậu sẵn chờ tôi ở ngoài. Những học viên ở thành phố Cát Lâm đến đón tôi đã chị chính quyền chụp hình lại.
Công an đưa tôi đến thành phố Tứ Bình tìm con gái tôi, nhưng con gái tôi từ chối nhận tôi vì không muốn lại bị liên lụy. Sau đó công an đưa tôi vào một viện dưỡng lão và đã giả chứ ký của tôi hòng khiến họ nhận tôi.
Tôi bị đưa tới một căn phòng có ba chiếc giường, và có một cặp vợ chồng già đang ở đó. Tôi mệt mỏi muốn ngả lưng nghỉ ngơi, nhưng khi tôi vừa đắp chăn, thấy nó bốc mùi, tôi phát hiện ra có phân và nước tiểu ở trong chăn. Ở đó không chỉ tôi cùng cặp vợ chồng kia, còn có một căn phòng bị khóa cửa ở gần đó, trong đó nhốt có một người đàn ông 24 tuổi bị rối loạn tâm thần. Cậu ta không ngừng la hét khiến tôi không tài nào chợp mắt.
Ngày hôm sau, học viên Đại Bình, cũng là bạn thân của tôi, từ Trường Xuân đến thăm tôi. Phó giám đốc viện dưỡng lão đã cố ngăn anh ấy vào trong viện, vì trước đó công an đã chỉ đạo rằng bất kỳ ai vào thăm tôi đều phải có ba công an đi cùng.
Công an hỏi giấy tờ tùy thân của Đại Bình, anh ấy bảo công an rằng anh ấy đến để chăm sóc tôi với tư cách là bạn bè. Ngày hôm sau công an đã cho phép anh ấy vào gặp tôi.
Lần khác, khi Đại Bình trở lại, anh ấy mang cho tôi rất nhiều đồ ăn. Khi thấy điều kiện phòng ốc như vậy, anh ấy nói với viện dưỡng lão hãy chuyển tôi đến một căn phòng tốt hơn, và họ đã chuyển tôi đến phòng khác.
Những người ở trong viện dưỡng lão hoặc là mất trí hoặc là bị liệt. Điều kiện sống và đồ ăn cũng không khác nào của nhà tù. Hầu hết thời gian tôi chỉ nằm trên giường và không được phép đi bất kỳ nơi nào. Đây là viện dưỡng lão tư nhân, và vì muốn tiết kiệm tiền, nên họ không chạy máy sưởi. Phòng của tôi luôn ở trong trạng thái lạnh hơn 20 giờ mỗi ngày.
Trong thời gian ở trong viện dưỡng lão, chính quyền địa phương đã đến chụp hình tôi để làm thẻ căn cước và sổ hộ khẩu cho tôi.
Nhờ Đại Bình và các học viên khác giúp đỡ, tôi đã có một số nhu yếu phẩm hàng ngày để dùng.
Từ ngày 12 tháng 12, tôi bắt đầu viết thư cho chính quyền địa phương để nói với họ về việc tôi đã bị bức hại đến tàn tật ra sao, và tình huống thực tế trong viện dưỡng lão. Tôi yêu cầu để tôi về nhà sống một cuộc sống tự do bình thường. Đại Bình cũng cố gắng liên hệ với các cơ quan chức năng để đưa tôi ra khỏi viện dưỡng lão.
Sau Tết Nguyên đán, ban đầu, các nhà chức trách đồng ý yêu cầu của Đại Bình. Tuy nhiên, khi các nhà chức trách kiểm tra thẻ căn cước, thì phát hiện Đại Bình trước đó từng thụ án lao động cưỡng bức vì tu luyện Pháp Luân Công, nên họ đã trì hoãn giải quyết.
Tôi đã tuyệt thực và không ăn uống gì trong ba ngày ba đêm. Tôi gọi điện cho các quan chức có liên quan nói rằng tôi sẽ dùng tính mạng để bảo vệ cho quyền tự do của tôi. Giám đốc viện dưỡng lão cũng nói với các nhà chức trách có liên quan việc tôi tuyệt thực.
Ngày hôm sau, Đại Bình được thông báo rằng anh ấy có thể đến viện dưỡng lão đón tôi về nhà nếu anh ấy có thể tìm được ai đó không phải là học viên làm người giám hộ cho tôi. Đại Bình đã tìm cho tôi được một người giám hộ và cũng thuê cho tôi một căn hộ có hai giường ngủ.
Ngày 22 tháng 2 năm 2020, tôi được đưa từ viện dưỡng lão về căn hộ đi thuê đó. Chính quyền địa phương đã đến và chụp hình bên trong ngôi nhà.
Bài liên quan:
Ông Lưu Hoành Vỹ bị đưa tới nhà dưỡng lão sau 13 năm giam cầm sai trái
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/24/406750.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/21/185958.html
Đăng ngày 20-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.