Bài viết của Mịch Chân

[MINH HUỆ 07-05-2022] Hôm nay là Ngày của Mẹ. Nó nhắc chúng ta về những phụ nữ vô tội đã bị giết hoặc vẫn bị giam giữ vì cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện cổ xưa dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, được Sư phụ Lý Hồng Chí truyền ra công chúng vào ngày 13 tháng 5 năm 1992. Vì pháp môn này phát triển quá nhanh, mà chính quyền cộng sản đã ra lệnh bức hại vào năm 1999, cho đến nay vẫn đang bức hại các học viên vì đức tin của họ.

Tính đến ngày 7 tháng 5 năm 2022, Minh Huệ đã ghi nhận tổng cộng 4.793 học viên Pháp Luân Công đã qua đời. Nhưng do sự kiểm duyệt thông tin chặt chẽ ở Trung Quốc, con số thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều.

Vợ tôi là một trong những người đã qua đời vì cuộc bức hại mà đã 23 năm rồi vẫn tiếp diễn. Cách đây 10 năm, bà ấy đã bị tra tấn đến chết vì không chịu từ bỏ tu luyện.

Báo cáo thường niên năm 2022 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), được công bố vào ngày 25 tháng 4, cho thấy “tình hình tự do tôn giáo [năm 2021] đã xấu đi ở Trung Quốc”. Theo định nghĩa của Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA), báo cáo một lần nữa lại liệt Trung Quốc vào diện “quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC)” vì “có những vi phạm mang tính hệ thống, liên tục và nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo”.

Báo cáo lưu ý rằng các nhóm ôn hòa như Pháp Luân Công thậm chí còn dễ bị bức hại hơn. Báo cáo viết: “Nguồn Minh Huệ của Pháp Luân Công đã báo cáo rằng vào năm 2021, chính quyền đã sách nhiễu, bắt giữ hàng nghìn học viên Pháp Luân Công và kết án tù 892 học viên. Ít nhất 101 học viên đã chết do hậu quả của cuộc bức hại của chính quyền.“ Trong đó, nhiều người là phụ nữ.

Dưới đây, tôi muốn nêu ra một vài trường hợp được báo cáo gần đây về các bà mẹ bị bức hại đến chết vì giữ vững đức tin vào Pháp Luân Công, theo các ghi chép của Minh Huệ. Đó chỉ là những giọt nước trong đại dương, nhưng lại là bằng chứng cho thấy sự độc ác và tàn nhẫn của cuộc bức hại của ĐCSTQ. Tôi muốn kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp chấm dứt cuộc bức hại này càng sớm càng tốt.

Bà Khúc Thái Linh từ thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, bị tra tấn khi trong trại lao động cưỡng bức trong 1,5 năm, sau đó bị kết án 9 năm tù vì giữ vững đức tin đối với Pháp Luân Công. Không chịu được áp lực của cuộc bức hại, chồng của bà Khúc đã ly hôn, và được quyền nuôi con gái duy nhất của họ đang ở tuổi vị thành niên. Công ty của bà đã đình chỉ lương hưu của bà vào năm 2000, sau lần đầu bà bị bắt vì đức tin của mình. Sau nhiều năm bị dày vò tinh thần và phải sống bần hàn, bà đã qua đời vào ngày 22 tháng 1 năm 2022, ở tuổi 70.

Bà Diệp Trung Thu là cựu giáo viên Vật lý của trường Trung học Cơ sở Đô thị Số 2 Huyện Liêu Trung, tỉnh Liêu Ninh. Bà đã bị kết án ba lần với tổng cộng 12 năm vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Khi bà Diệp được ra tù vào tháng 11 năm 2020 sau án tù bốn năm, bà không thể đi lại, không nói rõ ràng được. Bà qua đời vào ngày 25 tháng 1 năm 2022 ở tuổi 54.

Bà Trương Tư Cầm, 69 tuổi, ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, qua đời vào ngày 27 tháng 1 năm 2022, tại Trại giam Diêu Gia, tám ngày sau khi bị bắt. Khổ nạn của bà Trương bắt đầu từ ngày 12 tháng 11 năm 2019, khi bà bị báo cảnh sát vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công ở gần một chợ nông sản. Ngày 27 tháng 8 năm 2021, bà bị Tòa án Quận Kim Châu đã kết án hai năm tù cùng số tiền phạt 5.000 Nhân dân tệ.

Bà Quý Vân Chi đến từ thành phố Xích Phong, Nội Mông, và là mẹ của một cư dân Hoa Kỳ, đã qua đời tại Bệnh viện Xích Phong vào ngày 21 tháng 3 năm 2022, bảy tuần sau khi bà bị bắt vào ngày Tết cổ truyền (ngày 1 tháng 2), ở tuổi 66. Trong trại giam, bà bị lính canh và các tù nhân khác đánh đập dã man đến suýt chết. Có lần, bà Quý nói với những người cùng buồng giam: “Nếu tôi có chết thì là vì tôi bị tra tấn đến chết.”

Bà Vương Liễu Trân, một kỹ sư luyện kim về hưu của Nhà máy Trường An Số 2 ở Trùng Khánh, bị kết án lao động hai lần và bị giam trong bệnh viện tâm thần ba lần. Bà bị cho ăn và tiêm các loại thuốc độc hại, gây hủy hoại các cơ quan nội tạng và khiến bà bị mù. Bà Vương qua đời vào ngày 1 tháng 1 năm 2022, sau hàng thập kỷ bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã ngoài 80 tuổi.

Bà Hoàng Tố Lan ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt bên ngoài tòa nhà chung cư của bà vào ngày 20 tháng 1 năm 2022. Bà bị giam tại một cơ sở giam giữ bí mật ở Bành Châu. Ba ngày sau, vào ngày 23 tháng 1, cảnh sát thông báo cho gia đình bà rằng bà đã chết trong ngày hôm đó. Thi thể của bà đã được chuyển đến Nhà tang lễ Thành phố Bành Châu. Gia đình bà đã được xem thi thể của bà, nhưng chi tiết cụ thể về cái chết của bà vẫn cần được điều tra.

Bà Dương Tú Vinh ở thành phố Xích Phong, Nội Mông, đã nhiều lần bị bắt bớ, sách nhiễu, giam giữ và tra tấn trong 20 năm qua vì kiên định với đức tin của mình. Vào năm 2020, chính quyền đã đình chỉ lương hưu của bà, tuyên bố rằng bà không được hưởng lương hưu vì đã bị kết án tù. Bà đã chống chọi lại sự đau khổ về thể xác và tinh thần của cuộc bức hại và qua đời vào ngày 25 tháng 2 năm 2022, hưởng thọ 77 tuổi.

Các bài viết liên quan:

Tỉnh Liêu Ninh: Một người phụ nữ qua đời sau hai thập kỷ bị bức hại

Cựu giáo viên trung học cơ sở qua đời sau ba lần ngồi tù vì đức tin

Người phụ nữ 69 tuổi qua đời sau tám ngày bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công

“Nếu tôi chết, đó là vì tôi bị tra tấn đến chết”

Bị mù và gãy mũi là một trong những chấn thương của một nữ kỹ sư về hưu phải chịu đựng (Ảnh)

Thông tin bổ sung về trường hợp người phụ nữ ngoài 50 tuổi qua đời sau ba ngày bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/7/442077.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/8/200240.html

Đăng ngày 16-05-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share