Bài viết của Hằng Vọng

[MINH HUỆ 22-03-2022] Nhiều người đã nghe nói về Pháp Luân Công và cuộc bức hại ở Trung Quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong khi nỗ lực không mệt mỏi để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, các học viên Pháp Luân Công chưa bao giờ mưu cầu tham vọng chính trị hay lợi ích cá nhân nào. Họ chỉ muốn chia sẻ với mọi người vẻ đẹp của môn tu luyện và vạch trần tính phi pháp của cuộc bức hại. Ở đây, chúng tôi muốn điểm lại một số sự thật cơ bản giúp giải thích tại sao các học viên ở Trung Quốc lại kiên định giữ vững đức tin của họ đến vậy, cho dù cuộc bức hại không ngừng diễn ra.

Những nỗ lực vĩ đại

Trước khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, chính quyền cộng sản này đã hoan nghênh môn tu luyện cả thân lẫn tâm này trong những năm đầu vì những lợi ích to lớn mà môn tu luyện này mang đến cho xã hội.

Vào ngày 15 tháng 5 năm 1998, chương trình Bản tin Tối của CCTV1 và CCTV5 đều đưa tin về chuyến thăm của Ngũ Thiệu Tổ, Giám đốc Tổng cục Thể thao Nhà nước đi thăm các điểm luyện công của Pháp Luân Công ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, nơi xuất sinh môn tu luyện này. Trong chuyến thăm đó, ông đã quan sát nhiều người tập Pháp Luân Công.

Cũng trong năm 1998, các chuyên gia y tế từ Bắc Kinh, Vũ Hán, Đại Liên và Quảng Đông đã tiến hành 5 cuộc khảo sát độc lập với gần 30.000 người tham gia. Qua các cuộc khảo sát, trung bình 97,9% người tham gia cho hay bệnh tật của họ đã biến mất sau khi tu luyện Pháp Luân Công. Trong đó, cuộc khảo sát ở Quảng Đông với 10.000 người tham gia cho biết tỷ lệ chữa khỏi bệnh là 97,9%, và cuộc khảo sát ở Bắc Kinh, cũng với khoảng 10.000 người tham gia có tỷ lệ chữa khỏi bệnh là 99,1%.

Ngoài ra, Kiều Thạch, cựu Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, và hơn 180 quan chức cấp cao cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát vào nửa cuối năm 1998. Dựa trên kết quả khảo sát, họ đã đệ trình một báo cáo lên Bộ Chính trị nêu rõ: “Pháp Luân Công đối với đất nước và dân tộc chúng ta, chỉ có trăm điều lợi mà không có lấy một điều hại.”

Sự phổ biến của Pháp Luân Công

Những lợi ích to lớn của Pháp Luân Công là lý do vì sao môn tu luyện này được người dân Trung Quốc đón nhận rộng rãi.

Chẳng hạn, Đại sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, đã tham dự Triển lãm Sức khỏe Đông Phương trong cả hai năm 1992 và 1993. Những người tham dự cũng như nhân viên đã chứng kiến vô số huyền năng của Pháp Luân Công. Trong cả hai lần triển lãm, Pháp Luân Công đã nhận được nhiều giải thưởng về tác dụng chữa bệnh kỳ diệu. Trên thực tế, sau hội chợ năm 1993, nhà tổ chức còn ấn tượng đến mức đã mời Đại sư Lý tiến hành ba buổi hội thảo cho công chúng.

Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công) đã được dịch sang hơn 40 ngôn ngữ, và là một trong những cuốn sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới. Theo The Telegraph, Đại sư Lý được xếp thứ 12 trong “100 thiên tài đang sống” trong danh sách do Creators Synectics tổng hợp năm 2007. Do đó, ngày 13 tháng 5 được vinh danh là Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới để kỷ niệm việc môn tu luyện này được hồng truyền ra công chúng vào năm 1992. Hơn 5.000 tuyên bố và giải thưởng đã được nhiều chính phủ trên thế giới ban hành để tôn vinh những đóng góp to lớn của Đại sư Lý và Pháp Luân Công đối với xã hội.

Tuyên truyền phỉ báng đầy dối trá của ĐCSTQ

Sau khi cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, chính quyền này đã ngụy tạo đủ loại dối trá để vu khống môn tu luyện này và khiến công chúng quay lưng lại với các học viên ôn hòa, vô tội.

Một trong những lời nói dối trắng trợn nhất là vụ tự thiêu được dàn dựng trên Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 23 tháng 1 năm 2001, ngày Tết cổ truyền ở Trung Quốc. Khi nhiều gia đình quây quần trước tivi để đón xem Dạ tiệc mừng Năm mới, chương trình bất ngờ phát đi cảnh tượng kinh hoàng về mấy người tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn. Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ tuyên bố những người tự thiêu là học viên Pháp Luân Công. Sau đó, vô số tin tức đồng loạt xuất hiện trên các kênh truyền thông, tạp chí, ngành công nghiệp giải trí, văn học, và thậm chí cả sách giáo khoa để tẩy não người dân Trung Quốc.

Lửa giả (False Fire), một bộ phim tài liệu do Đài Truyền hình NTD sản xuất về chủ đề này, đã giành được giải thưởng danh dự tại Liên hoan Phim và Truyền hình Quốc tế Columbus lần thứ 51 vào ngày 8 tháng 11. Bộ phim đã phân tích và xác định nhiều sơ hở của các cảnh quay từ các chương trình phỉ báng do CCTV thực hiện, và chỉ ra cái gọi là tự thiêu là một vụ dàn dựng nhằm kích động sự sợ hãi và thù ghét Pháp Luân Công.

Tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc ngày 14 tháng 8 cùng năm, Tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế đã tuyên bố “Chúng tôi đã thu thập được một đoạn video về vụ việc đó, mà theo quan điểm của chúng tôi, chứng tỏ sự kiện này là do chính quyền dàn dựng. Chúng tôi có thể phát tặng cho mọi người đĩa ghi các đoạn video đó.” Tổ chức này cũng gọi vụ việc đó là một hành động khủng bố cấp nhà nước của ĐCSTQ. Các đại biểu Trung Quốc tại hội nghị không phản hồi gì về cáo buộc này.

Đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc là phi pháp

Là một trong những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất thế giới, cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn không suy giảm sau 23 năm. Nhưng cuộc bức hại này là phi pháp, ngay cả theo các điều lệ của luật pháp Trung Quốc.

Điều 36 của Hiến pháp Trung Quốc bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, cho phép công dân có quyền tu luyện Pháp Luân Công.

ĐCSTQ thường kết tội các học viên là vi phạm Điều 300 của Luật Hình sự, trong đó quy định việc sử dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật đều phải bị truy tố ở mức cao nhất của pháp luật. Tuy nhiên, không có luật hiến định nào ở Trung Quốc quy kết Pháp Luân Công là phạm pháp hay là tà giáo. Ngay cả danh sách các tổ chức tà giáo của Bộ Công an và Quốc Vụ Viện – đều không phải là cơ quan lập pháp ở Trung Quốc, cũng không có Pháp Luân Công. Nói cách khác, việc viện dẫn Điều 300 để kết tội và bỏ tù các học viên Pháp Luân Công là không có cơ sở pháp lý.

Hơn nữa, Thông cáo số 50 do Tổng cục Báo chí và Xuất bản ban hành ngày 1 tháng 3 năm 2011, đã bãi bỏ lệnh cấm đối với sách Pháp Luân Công. Vì vậy, việc xuất bản và sở hữu sách Pháp Luân Công ở Trung Quốc là hợp pháp.

Trong những năm gần đây, khoảng 100 luật sư ở Trung Quốc đã biện hộ cho sự vô tội của các học viên Pháp Luân Công trong khoảng 1.000 phiên tòa. Họ viện dẫn những lý do trên để chỉ ra thân chủ của họ lẽ ra không thể bị truy tố vì thực thi quyền tự do tín ngưỡng và tự do báo chí theo quy định Hiến pháp.

Thủ phạm cũng là nạn nhân

Khi ĐCSTQ tìm cách “nhổ tận gốc” Pháp Luân Công như Giang đã tuyên bố 23 năm trước, nó đã phát động rất nhiều chiến dịch nhằm ép buộc các học viên từ bỏ đức tin của họ. Đặc biệt, chiến dịch “xóa sổ” được phát động hai năm trước yêu cầu cảnh sát và quan chức sách nhiễu mọi học viên trong danh sách đen của chính quyền, hòng khiến họ từ bỏ đức tin của mình.

Trong khi mù quáng tuân theo chính sách bức hại vì lợi ích chính trị và lợi ích cá nhân, thủ phạm có thể không biết những chiến dịch “xóa sổ” như vậy đã vi phạm Hiến pháp (Điều 35, 36, 37, 38, 41) và Luật Hình sự (Điều 238, 243, 246, 397, 399), và họ có thể phải đối mặt với án tù lên đến 10 năm.

Tình huống tương tự đã xảy ra trong quá khứ. Sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, hàng trăm thủ phạm đã bị hành quyết bí mật để xoa dịu sự phẫn nộ của các quan chức cấp cao bị oan sai. Lưu Truyền Tân, khi đó là cảnh sát trưởng Bắc Kinh, đã nghe nói về điều này nên đã tự sát.

Có tin cho hay vào năm 2004, một số người trong Bộ Chính trị đề xuất chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công, nhưng Giang Trạch Dân đã cố gắng tìm con dê thế tội. Ông ta đề xuất giết số cảnh sát bằng với số học viên bị giết hại trong cuộc bức hại. Kế hoạch này không thành công vì Pháp Luân Công cấm giết người, và các học viên không bao giờ muốn thấy cảnh sát (hay bất kỳ ai) bị giết và tội ác của Giang lại được che đậy.

Điều 60 trong Luật Công chức của Trung Quốc quy định, “… công chức thực thi một quyết định hoặc mệnh lệnh mà rõ ràng là vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.” Vào tháng 2 năm 2021, Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) và Bộ Công an cũng triển khai các biện pháp tương tự. Tòa án Tối cao cũng đưa ra 12 tội danh có thể truy tố đặc biệt của cảnh sát, cán bộ viện kiểm sát và tòa án.

Nghĩa là, mặc dù một số thủ phạm bức hại các học viên vô tội khi tuân theo mệnh lệnh của “cấp trên”, thì cuối cùng bản thân họ cũng có thể phải chịu trách nhiệm về tội ác của mình. Bởi vậy, một cảnh sát nói với đồng nghiệp rằng: “Đừng nên quá cứng rắn với Pháp Luân Công như vậy. Nhiều cái gọi là ‘chính sách’ là phi pháp đấy, rồi rốt cuộc lại chuốc lấy hậu quả!“

Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, người ta tin rằng tốt xấu đều có lý do của nó. Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Điều này đúng với cả quan chức và dân thường ở Trung Quốc và mọi người trên khắp thế giới. Đi theo ĐCSTQ có thể dẫn đến nguy cơ mất tự do trong xã hội, còn đả đảo chế độ này có thể mang lại sự an toàn trong đại dịch và không chỉ có vậy.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/3/22/440332.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/29/199711.html

Đăng ngày 03-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share