Bài viết của Nhất Minh

[MINH HUỆ 23-03-2022] Khoa học là gì? Trong xã hội phương Tây, người ta thường xem khoa học là khoa học thực nghiệm. Ở Trung Quốc Cộng sản, khoa học bị thao túng làm công cụ chính trị để tẩy não công chúng hoặc công kích các nhóm thiểu số. Ở đây, tôi muốn lùi lại một bước và khám phá xem khoa học thực sự là gì.

Định nghĩa về “Khoa học”

Triết học gia người Đức Friedrich Nietzsche từng nói rằng chỉ có dạng tồn tại mà không có lịch sử mới có thể được định nghĩa một cách thích hợp. Nhận định này có thể có nhiều cách lý giải. Nhưng bất kể hiểu như thế nào, nó đã chỉ ra rằng để định nghĩa rõ ràng một thuật ngữ – chẳng hạn như “khoa học” – có thể không hề đơn giản, một phần vì ý nghĩa của nó thay đổi theo thời gian.

Từ “khoa học” trong tiếng Anh có nguồn gốc từ từ scire (hiểu biết) hay scientia (kiến thức) trong tiếng Latin. Từ 科学 (khoa học) trong tiếng Trung thực ra lại bắt nguồn từ tiếng Nhật, có nghĩa là một lĩnh vực kiến ​​thức. Trên thực tế, trong lịch sử Trung Quốc cận đại đã xuất hiện nhiều thuật ngữ từ tiếng Nhật nhưng từ được dịch ra lại không chuẩn xác. Một ví dụ khác là từ “triết học”. Từ này bắt nguồn từ từ philo (tình yêu) và sophia (thông thái) trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “tình yêu dành cho sự thông thái”. Tuy nhiên, thuật ngữ hiện đại trong tiếng Nhật, 哲 (triết), có nghĩa là thông minh, rất khác với ý nghĩa ban đầu của nghĩa thông thái.

Điều đáng nói là, thuật ngữ 哲 (triết) cũng mang nghĩa thông thái ở Trung Quốc cổ đại, tương tự như từ sophia trong tiếng Hy Lạp cổ đại. Ở cả hai nền văn hóa, ý nghĩa của thuật ngữ này dần dần đã hẹp lại, đặc biệt là trong xã hội hiện đại.

Với từ “khoa học” cũng vậy. Đặc biệt là sau giữa thế kỷ 19, “khoa học” đã mất đi ý nghĩa “hiểu biết” hay “kiến ​​thức”, mà đã trở thành “khoa học hiện đại”, một thuật ngữ dùng để chỉ “khoa học tự nhiên”.

Lịch sử của Khoa học

Ngoài định nghĩa, chúng ta cũng có thể tìm hiểu sâu hơn khi phân tích một số thay đổi trong lịch sử.

Trong tiếng Hy Lạp, từ “kiến ​​thức” là epistēmē. Aristotle tin rằng kiến ​​thức có nghĩa là hiểu biết các nguyên nhân thiết yếu – đặc biệt là nguyên nhân cuối cùng, thay vì mô tả hời hợt về các dự đoán. Đặc biệt, ông nhấn mạnh rằng kiến ​​thức là hiểu biết mục đích tồn tại của sự vật.

Điều này phù hợp với quan điểm của các nền văn hóa cổ đại khác. Các dấu tích toán học được tìm thấy ở Lưỡng Hà và Ai Cập cổ đại vào khoảng năm 2000 trước Công Nguyên, trong khi ở Trung Quốc, toán học có từ thời Hiên Viên Hoàng đế cách đây 4.700 năm. Công sứ Lishou được cho là người đã phát minh ra toán học và các công cụ như bàn tính. 2.000 năm sau, cả Phật giáo và Đạo giáo cùng xuất hiện ở phương Đông, mang đến một tầm hiểu biết hoàn toàn mới về nhân loại, xã hội và vũ trụ của chúng ta.

Ở phương Tây, nhà toán học Thales vùng Miletus ở Hy Lạp (khoảng 600 năm trước Công Nguyên) đã sử dụng hình học để giải quyết những vấn đề như đo chiều cao của kim tự tháp. Sau khi Đế chế La Mã phương Tây sụp đổ, các khu vực của Ả Rập đã thúc đẩy khoa học bằng thuật giả kim (tiếng Ả Rập là al-kimiya), đại số (tiếng Ả Rập là al-jabr), và thiên văn học; sự phát triển bùng nổ này kết thúc vào những năm 1200.

Khoa học ở Trung Quốc cổ đại phát triển vượt bậc từ thời nhà Đường cho đến cuối thời nhà Minh (những năm 1600) với sự phát triển của đức tin vào sự hòa hợp giữa Thiên-Địa-Nhân. Cụ thể, khoa học có bốn bộ phận chính bao gồm nông nghiệp, y học (trong đó, có y học gia lỗi lạc như Tôn Tư Mạc (孙思邈) và Lý Thời Trân (李時珍)), thiên văn học (nhân vật lỗi lạc là Lý Thuần Phong (李淳風) và Thẩm Quát (沈括)), và toán học, cũng như các công nghệ quan trọng trong lĩnh vực gốm sứ, lụa và xây dựng. Mãi cho đến các cuộc Thập tự chinh vào cuối thế kỷ 11, Tứ đại Phát minh của Trung Quốc (la bàn, thuốc súng, sản xuất giấy và in ấn) cũng như các ngành khoa học của Hy Lạp mới được người Ả Rập mang đến phương Tây.

Sau vinh quang trong lĩnh vực nghệ thuật, kiến ​​trúc, khoa học và văn học trong thời kỳ Phục hưng, khoa học hiện đại đã phát triển trong các lĩnh vực cơ học, hóa học, điện học, từ học và quang học. Tất cả đã đưa đến cuộc cách mạng công nghiệp và khoa học mà chúng ta thấy ngày nay.

Những hạn chế của Khoa học Hiện đại

Nhìn lại lịch sử, chúng ta sẽ thấy rằng những khám phá khoa học lớn, chẳng hạn như những khám phá khoa học của Nicolaus Copernicus và Isaac Newton, đều là kết quả của sự kiên trì theo đuổi chân lý. Điều này bao gồm nhưng không giới hạn ở việc thách thức các học thuyết hiện có. Ngoài ra, nhiều người trong số những học thuyết đó còn dựa trên giả thuyết, suy luận và suy diễn. Thông thường, thời đó không có bằng chứng thực nghiệm.

Khi hệ thống khoa học hiện đại được thiết lập, tư duy cởi mở như vậy thường bị lãng quên. Nhiều người, bao gồm cả các nhà khoa học, có xu hướng chỉ tuân theo hoặc bảo vệ hệ thống đã được thiết lập trong khi phản đối hoặc công kích những người có quan điểm khác. Điều này gần như trái ngược với những gì mà những người sáng lập nên nền khoa học đã làm trước đây.

Một ví dụ khác là thuyết tiến hóa. Từ khi xuất hiện cho đến ngày nay, nó có nhiều lỗ hổng chưa được giải đáp. Năm 2006, hơn 500 nhà khoa học có học vị tiến sỹ đã ký một tuyên bố đặt câu hỏi về tính hợp lệ của thuyết tiến hóa Darwin. Nhưng trái ngược với những sự kiện hiếm hoi như thế này, hầu hết các nhà khoa học đều bị các đồng nghiệp của họ hoặc công chúng công kích và xa lánh vì nghi ngờ thuyết tiến hóa.

Trong bài viết vào tháng 3 năm 2022 có tiêu đề “Các nhà khoa học có quyền tự do đặt câu hỏi về học thuyết Darwin không?”, ông John West viết “Danh sách ngày càng dài các nhà khoa học, giáo viên, sinh viên và những người khác phải đối mặt với sự trả thù hoặc kỳ thị vì thể hiện sự hoài nghi trước công chúng đối với học thuyết Darwin.” Trên thực tế, một số giáo sư sinh học đã mất việc vì điều này tại Đại học Bang San Francisco, Đại học George Mason và những đại học khác. Giảng viên ở các khoa khác cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và ngược đãi tương tự. Ví dụ như khoa Toán của Đại học Baylor, khoa Hóa học của Đại học Mississippi và khoa Vật lý của Đại học Ball State. Các trường đại học vốn được tôn trọng về quyền tự do học thuật. Nhưng khoa học hiện đại, từng có thời điểm, đã gần như tùy tiện xóa sổ những tiếng nói hoặc quan điểm đối lập.

Tác hại thậm chí còn hơn cả việc hủy hoại sự nghiệp của những người bất đồng chính kiến. Khi con người trong xã hội hiện đại, đặc biệt là thế hệ trẻ, dán mắt vào thế giới ảo do máy tính và điện thoại tạo ra, họ bị kéo ra khỏi thế giới thực. Trong báo cáo vào tháng 5 năm 2020 có tiêu đề “Những tác động tiêu cực tiềm tàng của việc sử dụng internet.” Trung tâm Nghiên cứu của Nghị viện Châu Âu (EPRS) cho biết: “Có bằng chứng cho thấy sự phát triển nhận thức của trẻ em có thể bị tổn hại khi sử dụng Internet trong thời gian dài, bao gồm cả sự phát triển kỹ năng ghi nhớ, khả năng chú ý, khả năng phản biện, khả năng tiếp thụ ngôn ngữ, đọc và học. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thêm để đưa ra các kết luận.”

Bên cạnh tác động đối với trẻ em, những rủi ro khác liên quan đến khoa học hiện đại cũng nổi lên trong những năm gần đây, như mối đe dọa hạt nhân, khủng hoảng sinh thái, khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng văn hóa. Ngoài ra, với than đá và dầu mỏ là những nguồn năng lượng chính, những sự hạn chế của nguồn năng lượng này và sự phụ thuộc quá mức của thế giới một ngày nào đó cũng có thể gây ra những thảm họa nghiêm trọng cho nhân loại. Ngay cả trong thế kỷ 21, con người cũng không được chuẩn bị trước khi trận động đất ở Ấn Độ Dương năm 2004 và trận sóng thần sau đó đã lấy đi mạng sống của khoảng 230.000 người. Tương tự, đại dịch gần đây đã khiến gần 487 triệu người trên toàn thế giới bị nhiễm, trong đó số người chết lên đến hơn 6 triệu. Liệu chúng ta có thể phòng ngừa hay ngăn chặn các thảm họa trong tương lai như bệnh dịch, mất điện, v.v. Không? Chỉ có thời gian mới có thể trả lời.

Quay về chính lộ

Xuyên suốt các nền văn hóa, có những truyền thuyết cho rằng con người là do Thần tạo ra. Chỉ có giữ gìn đức hạnh và quan tâm đến nhau, nhân loại mới được ban phước lành để trường tồn và thịnh vượng. Nếu không có những giá trị này, bất kỳ nền văn minh tiên tiến nào cũng có thể bị giải thể ngay lập tức. Từ Atlantis đến Pompeii, từ nền văn minh Hy Lạp cổ đại đến Sodom và Gomorrah, có rất nhiều ví dụ về điều này. Tình huống này cũng đã được mô tả trong một câu nói cổ xưa của Trung Quốc: “Vật cực tất phản” (khi đạt đến cực điểm, vật chất tất yếu sẽ vận động theo hướng ngược lại).

Trên thực tế, nhiều nhà khoa học vĩ đại nhất là người có tín ngưỡng. Nicolaus Copernicus (sinh ngày 19 tháng 2 năm 1473 – mất ngày 24 tháng 5 năm 1543), một nhà toán học và vật lý học người Ba Lan đã viết, “Hiểu được các công trình quyền năng của Đức Chúa Trời, lý giải sự thông thái, uy nghiêm và quyền năng của Ngài, và trân quý sự vận hành tuyệt vời của các quy luật của Ngài, đều là một hình thức tôn thờ cao đẹp đối với Đấng Tối Cao, mà đối với Ngài, kẻ ngu dốt lại biết ơn hơn kẻ hiểu biết.”

Newton đã từng tạo ra một mô hình hệ mặt trời. Chỉ cần kéo cần, tất cả các hành tinh bắt đầu chuyển động theo quỹ đạo của riêng chúng. Khi người bạn của ông là Edmund Halley khen ngợi ông về công trình này, Newton đã trả lời rằng mặc dù mô hình rất phức tạp, nó gần như không là gì so với hệ mặt trời thực. Nếu mô hình này là do ông thiết kế và dựng lên, thì chẳng phải hệ mặt trời thực, còn phức tạp hơn, đã được tạo ra bởi Đấng Toàn Năng sao?

Newton từng nói: “Người mù không có khái niệm về màu sắc, vì vậy chúng ta không thể hiểu Đấng Toàn Năng nhìn nhận và lý giải vạn sự vạn vật như thế nào.”

Albert Einstein cũng vô cùng ngạc nhiên trước sự sắp xếp tinh vi của thế giới chúng ta. “Về tính hài hòa trong vũ trụ, tôi chỉ có thể thừa nhận bằng trí óc hạn hẹp của một con người, nhưng có những người nói rằng không có Chúa tồn tại. Nhưng điều khiến tôi thực sự tức giận là họ lấy lời của tôi để chứng minh cho những quan điểm như thế”, ông cho biết.

Gần như tất cả các nhà khoa học vĩ đại này đều khuyến khích tư duy cởi mở. Einstein từng nói, “Tìm hiểu vấn đề thường quan trọng hơn là tìm ra giải pháp, vốn có thể giải quyết bằng kỹ năng toán học hoặc kỹ năng thực nghiệm. Để đưa ra những câu hỏi mới, những khả năng mới, để xem xét những vấn đề cũ từ một góc độ mới, đòi hỏi trí tưởng tượng sáng tạo và tạo ra những tiến bộ thực sự trong khoa học.”

Vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp trong giới khoa học như Quái vật hồ Loch Ness, Tam giác quỷ Bermuda, Trải nghiệm Cận tử và Giác quan Thứ sáu. Trong lịch sử, nhiều sự tích đã được truyền lại từ hàng xa xưa như Đức Mẹ đồng trinh và sự phục sinh của Chúa Jesus. Ở Trung Quốc, truyền thuyết về Chu Dịch và các thầy thuốc vĩ đại như Tôn Tư Mạc và Biển Thước cũng đã để lại vô số truyền thuyết và trí huệ mà con người vẫn chưa hiểu hết.

Triết học gia người Anh gốc Áo, Karl Popper, từng lập luận rằng, để một học thuyết được coi là khoa học thì học thuyết đó phải có khả năng được kiểm chứng và được phép chứng minh là sai. Chẳng hạn, giả thuyết rằng “tất cả các con thiên nga đều có màu trắng” có thể bị phủ định bằng cách tìm ra một con thiên nga đen. Với rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời trong cuộc sống, trên trái đất của chúng ta và trong vũ trụ, nếu cứ phớt lờ chúng và bảo vệ khoa học hiện đại thì không phải là cách tiếp cận khôn ngoan nhất.

Đại dịch đang diễn ra đã mang đến cho chúng ta cơ hội để suy ngẫm về nhiều điều, kể cả chúng ta là ai và tại sao chúng ta đến thế giới này. Newton từng nói, “Tôi không biết mình có ý nghĩa như thế nào với thế giới, nhưng với bản thân, tôi dường như chỉ như một cậu bé đang chơi đùa trên bờ biển, và khi đang tiêu khiển trong hiện tại, tôi tìm thấy một viên sỏi mịn hơn hoặc một chiếc vỏ đẹp hơn bình thường, trong khi cả đại dương chân lý vẫn chưa được khám phá trước mắt tôi.” Chính sự khiêm tốn và lòng biết ơn ấy sẽ có thể giúp chúng ta hiểu rõ thế giới hơn, cả với bản thân chúng ta lẫn thế hệ tương lai.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/3/23/439757.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/4/1/199748.html

Đăng ngày 06-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share