Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 09-02-2022] Bà Tống Hội Lan, một cư dân thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang đã từ chối từ bỏ đức tin của mình đối với Pháp Luân Công sau khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa này vào tháng 7 năm 1999. Bà đã bị bắt sáu lần trong nhiều năm qua và bị tra tấn mỗi lần.
Vào năm 2002, cảnh sát đưa bà Tống vào trại lao động cưỡng bức. Sau khi được thả ba năm sau đó, bà buộc phải rời khỏi nhà để tránh bị bức hại thêm. Vào năm 2011, bà lại bị bắt và bị giam trong một trại tạm giam. Các lính canh đã tiêm cho bà những loại thuốc không rõ nguồn gốc, gây hoại tử mô nghiêm trọng dẫn đến bà bị hỏng bàn chân phải và khiến chân trái của bà gần như không hoạt động được.
Các lính canh chỉ thả bà Tống khi bà đã ở bên bờ vực của cái chết. Vào ngày 29 tháng 9 năm 2021, người phụ nữ 70 tuổi này lại bị bắt. Bà được thả 25 ngày sau đó với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và luật sư.
Bà Tống Hội Lan (mất chi phải do hoại tử mô nặng)
Lần bức hại gần đây nhất
Vào ngày 29 tháng 9 năm 2021, bà Tống và hai học viên Pháp Luân Công khác là bà Viên Lệ Tân và bà Tả Tú Văn đến một công viên để nói với mọi người về cuộc bức hại tàn bạo của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công. Một người đã tố cáo họ với chính quyền và các cảnh sát từ Đồn Công an Bảo Vệ đã bắt giữ ba người phụ nữ này.
Khi cảnh sát đưa các học viên đến Bệnh viện trực thuộc số 1 của Đại học Giai Mộc Tư để kiểm tra sức khỏe, một bác sĩ cho biết rằng huyết áp của bà Tống quá cao, nhưng cảnh sát vẫn không thả bà. Thay vào đó, họ tống giam bà và hai học viên khác trong đồn công an vào đêm hôm đó. Ngày hôm sau, cảnh sát đưa bà Tống vào trại tạm giam huyện Hoa Nam, và hai học viên còn lại vào trại tạm giam Thang Nguyên.
Khi bà Tống đến trại tạm giam, cảnh sát đưa bà đến đó nói với nhân viên lễ tân rằng chân phải của bà là chân giả. Bà Tống nói với nhân viên lễ tân về việc bà đã bị tiêm thuốc độc cách đây nhiều năm vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Thuốc đã làm hỏng các mạch máu lớn ở đùi khiến bàn chân phải của bà bị hoại tử nặng và thối rữa. Thuốc còn khiến chân trái của bà bị tê liệt vĩnh viễn. Nhân viên lễ tân không hề tỏ ra thiện cảm với bà và vẫn tiến hành các thủ tục giấy tờ để giam giữ bà, tuy nhiên bà Tống đã từ chối ký. Cảnh sát đã tự ý ký giấy tờ thay bà.
Hai lính canh để bà Tống lên xe lăn và đưa bà đến một căn phòng ở đằng xa. Một trong số họ nói với bà: “Bà phải nghe lời chúng tôi ở đây.” Họ đưa cho bà một mảnh giấy khác để ký. Bà vẫn từ chối ký, vì vậy họ đã nắm lấy tay bà và bắt bà phải ký và lăn tay. Một nữ lính canh sau đó đã vào khám xét người bà và cố gắng cắt khóa kéo trên quần của bà. Bà Tống ngăn cô ta lại vì bà cần giữ ấm chân, nếu không chúng sẽ bị đau. Lính canh vẫn cắt hết khóa kéo trên quần áo mà gia đình gửi cho bà. Lính canh cũng đã vứt chiếc giày bên trái của bà đi và thay vào đó là một chiếc dép.
20 ngày dài trong trại tạm giam
Các lính canh đã tịch thu đôi nạng của bà Tống và kê cho bà chiếc giường xa cửa phòng giam nhất. Bộ đồ chăn gối của bà rất mỏng và bẩn thỉu, tuy nhiên bà bị buộc phải trả 240 nhân dân tệ. Giường của bà ngay cạnh cửa sổ luôn mở để lấy không khí vì phòng đông người. Gió lạnh vào tháng 10 đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bà Tống. Bà bị đau liên tục và dữ dội ở chân, tim bà cũng bị đau nhói. Cơn đau khiến bà không thể ngồi hoặc nằm xuống một cách thoải mái. Một đêm nọ, một tù nhân nhìn thấy bà vật vã và gọi bác sĩ cho bà. Bác sĩ đo huyết áp cho bà và nói rằng bà vẫn ổn. Một lính canh đã chửi bới và đổ lỗi cho bà vì đã “gây rắc rối”.
Phòng giam có 13 người nhưng chỉ có 9 chiếc giường, được nối liền với nhau. Mọi người đều phải ngủ nghiêng khiến bà Tống càng khó điều chỉnh tư thế nằm.
Ngoài điều kiện sống tồi tàn, thức ăn ở trại tạm giam cũng rất nghèo nàn: Bữa sáng bà chỉ ăn bánh bao và canh, bữa trưa mỗi ngày một bát cháo.
Bà Tống đã hai lần viết thư cho các lính canh đang làm nhiệm vụ giải thích về việc bà không thể đi lại và chăm sóc bản thân được nữa, đồng thời yêu cầu được thả. “Chân trái của tôi bị tê liệt và đầu gối phải của tôi tuột khỏi chân giả vì tôi bị sụt cân. Kết quả là tôi không thể gập đầu gối của mình” bà viết. Bà không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Một ngày nọ khi Giả Bân, người đứng đầu trại tạm giam, đi ngang qua phòng của bà Tống, bà đã kể cho ông ta nghe về hoàn cảnh của mình. Giả nói với bà nên có một bộ phận chi giả mới. “Không phải việc của tôi khi mà bà không thể tự chăm sóc bản thân. Bà phải nghe lời tôi khi ở đây. Hãy cố đi lại ngay cả khi bà không thể” ông ta nói.
Một lần khác, bà Tống nói với một lính canh rằng chân trái của bà rất đau vì thời tiết lạnh và nó khiến tim bà đau nhói. Lính canh đã mắng bà: “Tôi sẽ mua cho bà một đôi giày ấm nếu chân bà tệ như vậy. Bà có tiền trong tài khoản của mình không?”
Nhà bị lục soát và con gái đau khổ sau vụ bắt giữ
Vào đêm bà Tống bị bắt, chồng bà bắt đầu lo lắng cho bà vì bà đã không về nhà vào đêm muộn. Sau đó, ông nghe thấy tiếng ai đó gõ cửa và nói rằng đang tiến hành kiểm tra hộ gia đình định kỳ. Ngay khi ông vừa mở cửa, một nhóm cảnh sát đã xông vào lục soát nơi này và tịch thu sách, ảnh và các tài sản liên quan đến Pháp Luân Công. Đây là lúc chồng của bà Tống nhận ra rằng bà đã bị bắt.
Ngày hôm sau, con gái của bà Tống đến đồn công an và nhìn thấy mẹ mình đang ngồi trên chiếc ghế đẩu với chân giả để bên cạnh. Con gái bà ôm mẹ và bắt đầu khóc. Cảnh sát lập tức lôi cô ra ngoài. Cô muốn để lại cho bà Tống một ít mì gói và quần áo, nhưng cảnh sát không cho phép vì nói rằng không có nước để nấu mì.
Vào buổi tối, một người lính canh đã gọi cho con gái bà Tống, nói với cô rằng bà Tống đã bị chuyển đến trại tạm giam huyện Hoa Nam. Sáng hôm sau, cô con gái đến đồn công an yêu cầu được xem giấy tờ liên quan đến việc mẹ cô bị giam giữ. Một cảnh sát nói với cô: “Đó chỉ là một tờ giấy. Chúng tôi sẽ gọi cho cô trong vài ngày tới.” Một cảnh sát khác đã hét vào mặt cô: “Nếu gia đình cô tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công, con cháu của cô sẽ bị cấm học đại học và kiếm việc làm!”
Để giải cứu bà Tống, con gái bà đã nhiều lần đến đồn công an để yêu cầu thả bà. Sau đó, cô đến trại tạm giam để giao những nhu yếu phẩm thiết yếu hàng ngày. Cuối cùng cô đã thuê một luật sư đại diện cho bà Tống. Với tất cả trách nhiệm đè nặng lên cô, cô đã phải nghỉ việc. Vào ngày 5 tháng 10, cuối cùng cô cũng nhận được thông báo tạm giữ hình sự do phó cảnh sát trưởng Mẫn Khánh ký. Trên thông báo có ghi rằng bà Tống bị buộc tội “lợi dụng tổ chức tà giáo phá hoại việc thực thi pháp luật,” một cái cớ quy chuẩn được sử dụng để hình sự hóa Pháp Luân Công.
Vào ngày 18 tháng 10, luật sư của bà Tống đã đến thăm bà tại trại tạm giam Hoa Nam. Một người bị giam giữ đã đưa bà ra khỏi phòng giam và đẩy bà vào xe lăn. Bà đã nói chuyện với luật sư thông qua hội thoại trực tuyến. Luật sư đã động viên bà và nói với bà rằng bà không phạm tội, không làm hại ai và không phá hoại luật pháp. Ông nói rằng quyền tự do tín ngưỡng của bà được Hiến pháp bảo vệ và không có tài sản nào mà cảnh sát tịch thu từ nhà bà sẽ trở thành bằng chứng tội phạm.
Thái độ của lính canh đối với bà Tống được cải thiện sau chuyến thăm của luật sư. Luật sư đưa ra ba yêu cầu cho bà Tống: 1) cho phép gia đình đến thăm bà; 2) trả tự do cho bà do tình trạng sức khỏe và tuổi cao; 3) cung cấp báo cáo y tế của bà. Gia đình đã chuyển bức thư của luật sư đến Đồn Công an Bảo Vệ, trại tạm giam Hoa Nam và Công an Hướng Dương.
Được thả vô điều kiện
Vào ngày 20 tháng 10 năm 2021, sau hai mươi ngày tại trại tạm giam Hoa Nam, nhà chức trách đã chuyển bà Tống đến trại tạm giam Giai Mộc Tư. Gia đình đã đến nhiều cơ quan khác nhau để yêu cầu trả tự do cho bà. Nhiều học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc và ở nước ngoài đã không quản công sức gọi điện và viết thư cho nhà chức trách yêu cầu thả bà, nhấn mạnh rằng cuộc bức hại là sai trái. Bà Tống được thả vô điều kiện 5 ngày sau đó vào ngày 25 tháng 10.
Cuộc bức hại trong quá khứ
Bà Tống, sinh năm 1952, từng sống ở trang trại Tân Hoa ở thành phố Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang. Bà hiện đang sống gần chợ Qiaonan ở thành phố Giai Mộc Tư. Bà từng bị bệnh gan và thận, chảy máu tử cung thường xuyên và viêm khớp, tuy nhiên tất cả đều biến mất sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997. Bà không còn sống trong đau khổ và việc tu luyện đã giúp bà tiết kiệm được một khoản tiền lớn về chi phí y tế. Bà cũng học được cách sống tích cực hơn. “Tôi đã từng cãi vã và gây gổ với chồng rất nhiều. Sau khi học các bài giảng của Pháp Luân Công, tôi trở nên dễ tính và chu đáo hơn. Ở nhà không còn sự tranh cãi nữa, chỉ có tiếng cười và sự bình yên. Những thay đổi đáng kể của tôi đã khiến các gia đình và bạn bè khác ca ngợi Pháp Luân Công” bà nói.
Tóm tắt về cuộc bức hại của bà Tống
Vào tháng 3 năm 2002, khi bà Tống đi thăm chị gái, cảnh sát đã bắt bà tại nơi ở của chị bà vào ngày 4 tháng 3. Họ đã biệt giam bà trong 15 ngày.
Một tháng sau vào ngày 19 tháng 4, cảnh sát đến nhà bà và lôi bà ra khỏi nhà và đẩy bà vào xe cảnh sát. Không có bất kỳ thủ tục pháp lý nào, cảnh sát đã đưa bà Tống vào Trại lao động cưỡng bức Tây Cách Mộc ở thành phố Giai Mộc Tư để thụ án ba năm. Trong trại, bà từ chối từ bỏ đức tin của mình và thường bị đánh đập và còng tay. Các lính canh bắt bà Tống ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ có đóng ba chiếc đinh trên thành ghế. Họ sốc điện bà bằng gậy điện, bắt bà làm công việc nặng nhọc, bắt bà xem các video phỉ báng Pháp Luân Công, hạn chế sử dụng nhà vệ sinh và có hai người theo dõi khi bà đi vệ sinh.
Vào ngày 19 tháng 4 năm 2008, một số cảnh sát đã bắt bà Tống tại trang trại của bà, và đưa bà vào trại tạm giam Bảo Toàn Lĩnh, nơi các lính canh còng tay bà vào hàng rào sắt, đập đầu bà vào tường và không cho bà ăn trong 3 tuần. Bà ở bên bờ vực của cái chết. Không muốn bà chết trong cơ sở, các lính canh đã thả bà.
Bà Tống đã phải rời nhà để tránh bị tiếp tục bức hại. Cảnh sát tiếp tục khủng bố gia đình và tống tiền họ. Cảnh sát đã hai lần bắt con gái của bà Tống, đe dọa cô phải tiết lộ nơi ở của bà Tống. Con gái bà gần như bị suy nhược thần kinh vì căng thẳng.
Vào ngày 1 tháng 7 năm 2010, khi bà Tống đến thị trấn Cát Tường để phát tờ rơi Pháp Luân Công, cảnh sát địa phương đã bắt bà và tịch thu tiền mặt. Bà đã bị tra tấn tại Công an huyện Thang Nguyên trong một tuần trước khi bị chuyển đến trại tạm giam huyện Thang Nguyên, nơi bà tuyệt thực trong 18 ngày. Các lính canh chỉ thả bà khi bà đã ở bên bờ vực của cái chết.
Vào ngày 2 tháng 11, trước khi bà có thể bình phục, một công tố viên đã đệ đơn buộc tội bà Tống và yêu cầu bà trở lại trại tạm giam. Bà Tống phải bỏ trốn khỏi nhà.
Vào ngày 13 tháng 12, khi bà đến nhà của một học viên, cảnh sát đã truy tìm và bắt bà, cũng như học viên khác và gia đình của học viên đó. Bà Tống đã tuyệt thực tại trại tạm giam huyện Hoa Xuyên để phản đối việc bắt giữ. Các lính canh đã bức thực và nhổ hai chiếc răng của bà trong quá trình này. Bà bắt đầu bị tiêu chảy sau đó và các lính canh đã trói bà vào giường và không cho bà sử dụng nhà vệ sinh. Quần và giường của bà ướt và bẩn thỉu và sức khỏe của bà giảm sút.
Vào ngày 30 tháng 12, cảnh sát chuyển bà Tống trở lại trại tạm giam huyện Thang Nguyên. Các lính canh ra lệnh cho bà ngủ trên mặt đất chỉ với tấm khăn trải giường mỏng. Cái lạnh đến tột độ khiến chân tay bà bất giác co giật. Ngực bà như thắt lại và bà cảm thấy khó thở. Cuối cùng, bà bị sa tử cung, dẫn đến tử cung của bà trượt ra ngoài cơ thể và treo lơ lửng giữa hai chân của bà khiến bà đau đớn tột cùng.
Vào ngày 23 tháng 2 năm 2011, các lính canh đè bà Tống xuống và tiêm cho bà một lọ thuốc không rõ nguồn gốc. Cơn đau khiến bà lăn lộn trên mặt đất và không thể thốt nên lời. Bà bị mất cảm giác ở chân, cơ thể trở nên cứng đờ, không tự chủ được. Vào ngày 28 tháng 2, bà không thể chịu đựng được những cơn đau dữ dội và đã yêu cầu người lính canh được chăm sóc y tế. Tuy nhiên lính canh đã phớt lờ yêu cầu của bà. Bàn chân phải của bà bắt đầu thâm đen và sưng tấy và bà nằm liệt giường. Giám đốc trại tạm giam vẫn khẳng định rằng bà đã giả vờ và nói rằng ông ta sẽ không thả bà “ngay cả khi bà chết”.
Mãi cho đến khi bác sĩ tại trại tạm giam nói rằng tình trạng của bà Tống là rất nghiêm trọng, giám đốc mới đưa bà đến bệnh viện địa phương vào ngày 1 tháng 3. Sau đó, chân của bà nổi đầy mụn nước màu tím và da đã đen sạm lại. Bác sĩ tại bệnh viện nói rằng bà bị đông máu nghiêm trọng trong các mạch máu lớn và chân cần được cắt bỏ ngay lập tức, nếu không vết hoại tử sẽ lan rộng và có thể giết chết bà. Bác sĩ đề nghị chuyển bà Tống đến một bệnh viện khác vì ông không thể điều trị cho bà ở đó. Giám đốc trại tạm giam đã nhanh chóng gọi điện cho gia đình vào chiều hôm đó và bảo họ đến đón bà tại trại tạm giam mà không cho họ biết tình trạng của bà nghiêm trọng như thế nào.
Bàn chân phải của bà Tống bị hoại tử mô nghiêm trọng và cuối cùng bị thối rữa sau khi các lính canh tại trại tạm giam tiêm cho bà những loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Khi về đến nhà, cơ thể và các khớp của bà Tống đã cứng lại và bà không thể phản ứng lại với mọi người. Chân phải của bà bị thâm đen và hoại tử với máu rỉ ra. Bàn chân phải của bà ngày càng sẫm màu và máu chảy ra ngay khi bà di chuyển. Ba tháng sau, vào ngày 25 tháng 5 năm 2011, bàn chân phải của bà giờ như một tảng đá.
Bà Tống đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Trung Quốc đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, và gửi đơn đến Viện Kiểm sát Tối cao và Tòa án Tối cao Trung Quốc vào ngày 18 tháng 6 năm 2015. Trong đơn khiếu nại, bà viết, “Bốn năm trôi qua và tôi vẫn còn rất đau. Da chân của tôi thỉnh thoảng bị bung ra và chảy máu. Đau đớn tột cùng và không thể tưởng tượng được. Đức tin của tôi vào Pháp Luân Công đã giúp tôi sống sót. Giang là thủ phạm của tất cả các tội ác diễn ra trong cuộc bức hại và ông ta phải bị đưa ra trước công lý”.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/2/9/438744.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/4/199399.html
Đăng ngày 07-05-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.