Bài của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 30-12-2021] “Tôi nghe nói bà không còn lông ở vùng kín, vậy thì tôi sẽ nhổ hết tóc của bà”, đây là những lời nhục mạ mà một hộ lý làm việc tại Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Chúng Hân Nhất ở thành phố Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam đã nói với bà Lưu Ngọc Nga chỉ một ngày trước khi bà được thả. Người đó còn tiến đến tát vào mặt và đập đầu bà Lưu vào giường kim loại.

Ngày 31 tháng 7 năm 2021, bà Lưu ở thành phố Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam đã bị bắt tại quê nhà vì nói với mọi người về Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Bà bị đưa đến Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Chúng Hân Nhất và bị tra tấn trong 3,5 tháng với các hình thức tra tấn như đánh đập, bị ép uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, bị véo đầu vú, bị nhổ lông vùng kín và bị đâm kim. Bà cũng bị buộc phải nộp số tiền 18.000 nhân dân tệ cho khoảng thời gian ở trong trung tâm này.

Bà Lưu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 1 năm 2006 và không lâu sau bà đã khỏi bệnh xoang, suy nhược thần kinh. Bà cảm thấy cần phải nói với mọi người rằng Pháp Luân Công không giống như những gì mà chính quyền cộng sản Trung Quốc tuyên truyền. Thế nhưng việc làm này lại khiến bà nhiều lần bị bắt và giam giữ ở cả tỉnh Hồ Nam và tỉnh Quảng Đông (nơi bà đã từng sinh sống trong nhiều năm).

Một trung tâm chăm sóc người cao tuổi trở thành nơi bức hại các học viên Pháp Luân Công

Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Chúng Hân Nhất là một viện dưỡng lão chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chăm sóc cá nhân–thuộc sở hữu của Công ty Viện dưỡng lão Chúng Hân Nhất (bắt đầu hoạt động vào ngày 24 tháng 8 năm 2020) và Bệnh viện Chúng Hân Nhất Hoài Hóa bắt đầu hoạt động vào ngày 29 tháng 12 năm 2020),

Trong Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Chung Hân Nhất, tầng 1 là bệnh viện bệnh ngươi già, tầng hai là viện dưỡng lão, còn tầng 3 là khoa tâm thần, và đây chính là nơi bà Lưu bị tra tấn.

Trung tâm còn hợp tác với Bệnh viện Nhân dân Hoài Hóa Số 4 (trước đó là Bệnh viện Tâm thần Hoài Hóa), nơi khét tiếng trong việc bức hại học viên Pháp Luân Công bằng cách tiêm các chất không rõ nguồn gốc vào cơ thể họ và sử dụng bạo lực đối với họ trong các lớp tẩy não. Đối với những học viên không chịu uống thuốc, người của trung tâm sẽ bí mật trộn thuốc vào thức ăn của họ hoặc dùng bạo lực để ép họ uống thuốc.

Nhiều học viên bị bắt uống thuốc trong khi bị giam giữ tại các lớp tẩy não, nhà tù hoặc bệnh viện tâm thần ở Hoài Hóa. Những thứ thuốc đó khiến họ chảy nước dãi, đi lại chậm chạp, nói lắp, run rẩy, buồn nôn và bất tỉnh. Kết quả là một số học viên đã chết.

Bà Lưu bị tra tấn bằng nhiều cách thức khác nhau

Sáng ngày 31 tháng 7 năm 2021, khi bà Lưu ra ngoài để giảng rõ sự thật cho mọi người về Pháp Luân Công thì bị tố giác với cảnh sát. Hai cảnh sát từ Đồn Công an Hồ Thiên bắt bà đưa về đồn. Một cảnh sát tìm thấy tài liệu Pháp Luân Công trong túi xách của bà và dọa sẽ đốt chúng. Một cảnh sát khác nói rằng để cô ta đọc nội dung tài liệu đó, nhưng bị nam cảnh sát kia từ chối.

Sau khi viên cảnh sát thứ ba gọi cho cấp trên của họ, bà Lưu bị chuyển đến một địa điểm mà bà không biết. Lúc bà còn ở trong xe, một cảnh sát mặc thường phục đến hỏi tên và địa chỉ của bà nhưng bà không trả lời.

Sau đó, bà Lưu bị đưa đến Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Chúng Hân Nhất. Cảnh sát nói với hộ lý Dương Hương Xuân rằng bà Lưu không chịu nói chuyện. Vì vậy, bà bị đưa lên tầng ba và đánh số “7-31“ (tức là ngày bà vào trung tâm). Bà được gọi theo con số này hoặc “người vô danh”.

Lúc bà vừa đến, nhân viên khoa tâm thần ra lệnh cho bà đi tắm. Khi bà từ chối, vài hộ lý đã lột quần áo của bà và bắt bà đi tắm. Sau đó, bà được phát đồng phục bệnh nhân và bị đưa đến một căn phòng khác để làm xét nghiệm PCR Covid-19. Bởi bà không hợp tác nên bị hộ lý Dương Hương Xuân tát vào mặt nhiều lần. Khi bà không đồng ý cho chụp CT ở tầng một, hộ lý Dương túm tóc và tát bà một lần nữa. Bà Lưu vẫn khẳng định rằng bà khỏe mạnh và không thỏa hiệp với họ trong cuộc bức hại.

Khi đến giờ ăn tối, bà được đưa trở lại tầng ba. Bà không được phát giày sau khi tắm nên bà phải đi chân trần trên hành lang. Sau bữa ăn, bà bị nhốt trong một căn phòng rộng khoảng 5-6 mét vuông chỉ có một chiếc giường, không có bồn rửa mặt hay nhà cầu.

Sáng hôm sau, bà Lưu bị cưỡng bức lấy máu. Khi bà từ chối, một nam hộ lý trẻ đã đánh bà cho đến khi mặt và mắt của bà sưng vù.

Bà Lưu ở trong phòng đó khoảng một tuần và không được ngủ trên giường. Bà đã tuyệt thực trong ba ngày đầu tiên và ngồi song bàn trên sàn nhà. Các hộ lý dùng muỗng cạy miệng bà, vừa đút nước vừa đánh đập bà. Đến ngày thứ ba, bà quyết định ăn trở lại.

Tuy nhiên, hộ lý bắt đầu ra lệnh cho bà Lưu uống thứ thuốc không rõ nguồn gốc. Bà đã từ chối nên bị bức thực và đánh đập. Việc này kéo dài gần 20 ngày. Mỗi lần bị bức thực, miệng bà đều chảy máu và răng bị lung lay.

12c887e7fe02d352ec79486a153651ac.jpg

Tái hiện tra tấn: Bị trói trên giường

Bà Lưu đã tuyệt thực vài lần nữa để kháng nghị và bị bức hại bằng bạo lực và sỉ nhục. Bà bị trói trên giường sắt nhiều lần, bị tát vào mặt cho đến khi mặt và mắt sưng lên, bị đá vào ngực cho đến khi thấy khó thở. Đôi khi, hộ lý còn túm tóc và đập đầu bà vào giường. Họ còn lột quần áo bà, véo đầu vú bà, và nhổ lông ở vùng kín của bà.

c91651edfb283782cabbe6a4b3908f2f.jpg

Tranh vẽ minh họa tra tấn: Bức thực

Y tá nhét ống dẫn qua mũi vào dạ dày để bức thực bà cho đến khi máu chảy ra và loang khắp nơi. Họ bức thực bà bằng thuốc, canh và nước. Để cưỡng bức tiêm thuốc, họ trói bà lại, đánh đập và đâm khắp người bà. Hộ lý Dương vốn không được đào tạo chuyên môn y tế, được yêu cầu dùng kim chọc vào tay và ngực bà.

Một ngày trước khi thả bà, một hộ lý nói với bà: “Tôi nghe nói bà không còn lông ở vùng kín, vậy thì tôi sẽ nhổ hết tóc của bà.” Cô ta tiến tới tát vào mặt bà và đập đầu bà vào giường, khiến rất nhiều tóc của bà rơi trên sàn nhà. Sau khi về nhà, bà Lưu lại tiếp tục bị rụng tóc.

Không rõ liệu trung tâm này có đối xử với những bệnh nhân khác theo cách mà họ đã làm đối với bà Lưu hay không.

Từng có người thiện ý bảo bà Lưu nên mau tìm cách thoát khỏi trung tâm này, nếu không bà có thể bị tra tấn đến chết. Một hôm, bà nhờ y tá liên lạc với người nhà giúp vì bà không có mang theo điện thoại. Người y tá đó đã từ chối với lý do rằng đó không phải là việc của mình. Sau đó, bà mới biết rằng các bệnh nhân bị đưa vào đây đều bị tịch thu điện thoại, không được giữ thẻ căn cước cũng như không được đeo trang sức. Không ai được ra ngoài nếu chưa được phép. Ngoài những bệnh nhân được gia đình gửi vào còn có những người do cảnh sát đưa vào như người say rượu, người bị mất thẻ căn cước hoặc tài sản, lao động nhập cư hoặc người vô gia cư, cả những người cãi vã với cảnh sát.

Có một người đàn ông ở một thành phố khác đã bị cảnh sát đưa vào trung tâm này. Gia đình ông lo lắng đi tìm ông. Cuối cùng, họ tìm được ông ở trung tâm này và muốn đưa ông về nhà. Trung tâm đã yêu cầu họ nộp 20.000 nhân dân tệ. Lúc đó, họ không có đủ tiền nên phải quay về kiếm thêm tiền và phải để ông ở lại đó hơn 6 tháng.

Không ai biết bà Lưu bị bắt. Bạn bè của bà chỉ biết rằng bà đã đi ra ngoài vào sáng ngày 31 tháng 7 để nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công và mấy ngày sau không trở về nhà. Linh cảm có điều bất trắc, bạn bè của bà đi đến các Trại tạm giam địa phương để tìm bà nhưng không thấy. Có người còn đến nhà bố mẹ bà để tìm bà. Đầu tháng 10, một người thân đã trình báo với cảnh sát về sự mất tích của bà với hy vọng cảnh sát có thể giúp tìm kiếm bà. Sau đó, người thân nhận được một bức thư cho biết nơi ở của bà Lưu.

Ngày 15 tháng 11, vài người thân của bà Lưu đã đến Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Chúng Hân Nhất để yêu cầu thả người. Lãnh đạo trung tâm từ chối với lý do là bà tập Pháp Luân Công và họ cần sự xác nhận của cảnh sát trước khi cho bà về. Do trung tâm không nói cho họ biết cơ quan công an nào có thẩm quyền ra quyết định thả người, nên người nhà đã phải đi đến từng đồn công an trong thành phố để xin xác nhận, nhưng vô ích.

Sau đó, họ quay trở lại trung tâm và kiên quyết yêu cầu thả bà Lưu. Họ lập luận rằng tín ngưỡng là quyền cơ bản của con người và dọa sẽ tố cáo trung tâm nếu không thả bà. Cuối cùng, trung tâm cũng thả bà Lưu về nhưng ép người nhà bà phải nộp 18.000 nhân dân tệ chi phí ăn uống của bà.

Cuối cùng, bà Lưu đã được trở về nhau sau 3,5 tháng bị nhốt tại Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Chúng Hân Nhất.

Những lần bắt giữ và bị cầm tù trước đây

Trước vụ bắt giữ này bà Lưu từng hai lần bị kết án lao động cưỡng bức và nhiều lần bị giam trong trung tâm tẩy não. Bà còn bị kết án 4 năm tù giam.

Sáng ngày 31 tháng 5 năm 2006, khi bà Lưu đang phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công tại thôn Đào Nguyên thuộc quận Nam Sơn, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông thì bị tố giác và bị cảnh sát bắt giữ. Sau đó bà đã bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức. Không lâu sau khi bà được thả ra, Phòng 610 quận Nam Sơn đã bắt bà đến Trung tâm tẩy não Thâm Quyến và bị bức hại tại đây trong hơn 1 tháng. Sau khi bà được thả ra, ủy ban dân cư địa phương thường xuyên đến nhà sách nhiễu bà và bắt bà ký tên vào những tài liệu phỉ báng và vu khống Pháp Luân Công.

Ngày 22 tháng 10 năm 2010, bà lại bị Phòng 610 quận Nam Sơn bắt đến Trung tâm tẩy não Thâm Quyến một lần nữa. Do bà từ chối chuyển hóa và tuyệt thực để phản đối bức hại, trung tâm tẩy não đã bố trí nhiều nhân viên tẩy não thay phiên nhau tẩy não bà nhằm làm tiêu hao sức lực và suy yếu ý chí của bà. Sau hơn 1 tháng, bà được thả về nhà. Bởi lo sợ sẽ lại bị bức hại, bà đã phải sống xa nhà và chỉ thỉnh thoảng về thăm gia đình.

Ngày 8 tháng 4 năm 2014, bà Lưu lại bị bắt tại quê nhà ở thành phố Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam khi đang đến chơi nhà một cặp vợ chồng cũng tu luyện Pháp Luân Công mà không biết rằng họ đã bị bắt giữ. Bà bị giam tại Trại giam Hoài Hoa trong 44 ngày.

Năm 2015, bà Lưu nộp đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc vì đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ngày 5 tháng 9, bà bị bắt tại thành phố Thâm Quyến và bị giam 15 ngày.

Ngày 28 tháng 2 năm 2017, khi bà Lưu đang nói với mọi người về Pháp Luân Công tại Công viên Tứ Hải, thành phố Thâm Quyến thì bị cảnh sát thuộc Đồn Công an Chiêu Thương bắt và đưa vào trại tạm giam Nam Sơn. Cảnh sát trùm một chiếc mũ đen lên đầu bà và đưa bà về nhà lục soát. Trong trại tạm giam, để được mua nhu yếu phẩm hàng ngày, bà bị bắt phải ký vào một biên bản. Khi bà từ chối, lính canh dọa sẽ tra tấn bà và không cho phép bà mua giấy vệ sinh. Bà Lưu nhịn ăn trong hai ngày để tránh phải đi vệ sinh, nên trại tạm giam đã đưa bà đến Bệnh viện Nam Sơn để bức thực. Bà bị cùm tay vào ghế trong một thời gian dài và bị ép điểm chỉ vào một số giấy tờ.

53e0bb1fb1f1e00c24dd5bc3c102efcd.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Cùm tay vào ghế sắt

Đến tháng 7 năm 2017, bà Lưu bị kết án 4 năm tù và bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Quảng Đông. Bởi bà từ chối chuyển hóa, tù nhân không cho phép bà ngủ và bắt bà đứng bất động hoặc ngồi trên một chiếc ghế nhỏ suốt ngày đêm. Đôi khi, bà không được phép tắm hay sử dụng nhà vệ sinh trong nhiều ngày, và họ còn cưỡng chế bà phải một mình lau dọn nhà ăn có quy mô 700 chỗ ngồi.

Bài liên quan:

Abuse of Ms. Liu Yu’e Continues at Guangzhou Prison

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/30/435775.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/5/197983.html

Đăng ngày 12-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share