Bài viết của Lưu Nhất Thuần
[MINH HUỆ 29-08-2021] Đại y học gia Tôn Tư Mạc viết trong tác phẩm “Thiên kim yếu phương” rằng: “Đức hạnh không ước thúc thì dẫu uống kim đan ngọc dịch cũng không thể sống lâu”; “Đạo đức một ngày nào đó đủ đầy thì không cầu thiện mà tự có phúc, không cầu thọ mà tự sống lâu”.
Ý nghĩa là, nếu đạo đức con người bất hảo thì dẫu có uống Tiên đan diệu dược thì cũng không thể kéo dài tuổi thọ được. Nếu đạo đức cao thượng hoàn mỹ, thì dẫu không cầu nguyện cũng có được đa phúc đa thọ.
Vậy người xưa dưỡng đức như thế nào?
Hán Thành Đế tham luyến thanh sắc, và Gia Cát Lượng trí tuệ dùng gậy chặt đứt tơ tình
Năm 18 TCN, Hán Thành Đế 33 tuổi trên đường đi qua phủ Công Chúa Dương A đã vào phủ vui chơi. Triệu Phi Yến dâng điệu múa, Hán Thành Đế vừa xem đã say mê, đưa Phi Yến vào Hán cung thăng làm Tiệp dư. Một ngày nọ, Thành Đế dẫn Phi Yến cùng đi thuyền vãn cảnh. Phi Yến mặc váy tím tử vân anh do nước Nam Việt tiến cống, tơ nhẹ bích quỳnh, vừa hát ca khúc “Quy phượng tốn viễn”, vừa múa thướt tha. Thành Đế lệnh cho Thị lang Phùng Vô Phương thổi sênh để phối hợp với Phi Yến múa. Thuyền đến giữa dòng, một trận cuồng phong bỗng nổi lên, suýt nữa thổi ngã Phi Yến vốn thân hình nhẹ nhàng như con chim yến. Phùng Vô Phương phụng mệnh Thành Đế cứu hộ, quăng nhạc khí đi, nắm chặt lấy 2 chân của Phi Yến không buông tay. Phi Yến vẫn tiếp tục ca múa. Sau đó trong cung lưu truyền giai thoại “Phi Yến có thể múa trên lòng bàn tay”.
Đương thời có bài đồng dao rằng: “Yến yến, đuôi bóng loáng. Yến bay đến, mổ Hoàng tôn, Hoàng tôn chết, yến mổ tên”.
Chị em Triệu Phi Yến họa loạn hậu cung, vu oan Hoàng hậu, giết hại Hoàng tử, đã ứng nghiệm với lời đồng dao. Thành Đế vì phóng túng dục vọng quá độ mà tử vong, chết ở tuổi 44, không có người kế thừa hoàng vị.
Có bài thơ rằng:
Nhị bát thiếu nữ thể như tô
Yêu gian trượng kiếm trảm ngu phu
Tuy nhiên bất kiến nhân đầu lạc
Ám lý giáo quân cốt tủy khô
Tạm dịch:
Thiếu nữ mười sáu mềm như tơ
Eo thon có kiếm chém kẻ ngu
Tuy nhiên chẳng thấy đầu người rụng
Khiến người lặng lẽ cốt tủy khô
Và bài thơ:
Nga luyến đăng quang diệm bất tri
Ngư tham hương nhĩ diệc như tư
Nga tiều ngư lạn quân tri phẩu
Hảo hướng kỳ viên ký nhất chi
Như kim thức phá luyến đăng ngan
Ái nhĩ mê ngư hí hắc ba
Bản thị nhất đoàn tinh uế vật
Đồ trà mô dạng xảo thành ma
Tạm dịch:
Thiêu thân mê đèn lửa chẳng hay
Cá tham mồi ngon cũng thế này
Thiêu thân cá chết người có biết
Gửi đến Kỳ viên một nhành cây
Nay biết thiêu thân mê ánh đèn
Cá mê mồi béo giỡn sóng đen
Vốn dĩ tanh hôi và dơ dáy
Tô son trát phấn khéo thành ma
Vị quân chủ cuối cùng triều Hạ tên là Kiệt. Hạ Kiệt hoang dâm tàn bạo, chìm đắm trong tửu sắc, sủng ái Muội Hỷ, khiến cho Hạ Kiệt cuối cùng lâm vào cảnh người chết nước tan.
Vị quân chủ cuối cùng triều Thương là Trụ Vương. Trụ Vương thích rượu và dâm nhạc, sủng ái Đát Kỷ, lệnh cho nhạc sư sáng tác dâm nhạc, sử dụng hình phạt tàn khốc, cuối cùng Trụ Vương mất nước phải tự thiêu mình.
Đương nhiên cũng có các bậc Thánh hiền kiếm chém tơ tình. Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Gia Cát Lượng giỏi xem thiên văn, biết trước chuyện con người và vận mệnh quốc gia, ông phò tá Lưu Bị lập nên nước Thục. Tác phẩm “Mã tiền khóa” do ông viết đã dự đoán thế sự và sự biến đổi của các triều đại lịch sử về sau, mọi người ai nấy đều ca ngợi ông Thần cơ diệu toán, có trí tuệ vượt xa người thường.
Tương truyền Gia Cát Lượng thuở nhỏ thường lên núi học kinh thư, binh thư chiến pháp. Ông gặp một cô gái đẹp trên núi, cô gái mời Gia Cát Lượng chơi cờ, thưởng trà, trò chuyện. Sau này mỗi lần lên núi, Gia Cát Lượng đều đến thăm cô gái, hai người trò chuyện rất vui vẻ, nhưng những tri thức mà sư phụ truyền thị thì Gia Cát Lượng nghe không vào nữa.
Sư phụ thấy Gia Cát Lượng thần không thủ giữ trong thân, bèn nói: “Hủy cây dễ, trồng cây khó. Con thấy cô gái đó xinh đẹp động lòng, tình cảm không tự chủ được. Con có biết cô gái đó chính là một con Tiên hạc trên trời không? Nó thường xuống nhân gian để dụ dỗ phàm nhân”. Gia Cát Lượng cảm thấy xấu hổ vô cùng, xin sư phụ dạy biện pháp tránh cô ta. Sư phụ bảo Gia Cát Lượng rằng, nhân lúc cô ta tắm dưới hồ, hãy giấu y phục của cô ta. Khi cô ta đến tìm con, con hãy dùng gậy đánh cô ta. Quả nhiên, Tiên hạc tìm không thấy y phục nên đã hiện nguyên hình đến mổ mắt Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng tóm chặt lấy cái đuôi của nó, dùng gậy đánh. Bạch hạc vùng vẫy thoát ra và bay đi, cái đuôi của nó bị Gia Cát Lượng giật đứt, từ đó nó không thể đến nhân gian được nữa. Gia Cát Lượng dùng chiếc đuôi của nó làm thành chiếc quạt, mọi thời khắc đều cảnh tỉnh bản thân.
Khổng Tử nói: “Khi tuổi còn trẻ, khí huyết chưa định, cần giới sắc”. Gia Cát Lượng cẩn trọng nghe theo lời sư phụ, kịp thời hối lỗi tỉnh ngộ, khi lấy vợ ông đã chọn cô gái xấu nhưng là người hiền thục.
(Còn tiếp)
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/29/429980.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/3/196441.html
Đăng ngày 24-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.