Bài viết của Lưu Nhất Thuần

[MINH HUỆ 23-08-2021] (Tiếp theo Phần 2 Phần 1)

Chồng trọng nghĩa: Trọng Liên khí tiết cao thượng

Những năm cuối thời nhà Chu, cao sĩ nước Tề là Lỗ Trọng Liên là người có mưu lược trác tuyệt, khí tiết phi thường. Ông giúp người dẹp trừ chiến loạn nhưng không nhận một xu nào.

Năm Triệu Hiếu Thành Vương thứ 6 (năm 260 TCN), quân đội của Tần Vương bao vây Hàm Đan, binh mã nước Ngụy cứu nước Triệu đóng quân ở Thang Âm không dám tiến quân. Thế là Ngụy Vương phái Tân Viên Diễn thông qua Bình Nguyên Quân thuyết phục Triệu Vương quy thuận Tần Vương. Bình Nguyên Quân không biết quyết định ra sao.

Lúc này, Lỗ Trọng Liên đang du hành ở nước Triệu, nghe nói chuyện này, ông liền đi gặp Bình Nguyên Quân, thỉnh cầu thay Bình Nguyên Quân đến gặp tướng quân Tân Viên Diễn của nước Ngụy. Lỗ Trọng Liên nói với Tân Viên Diễn rằng: “Tần Vương vứt bỏ lễ nghĩa, dùng vũ lực khiến nước khác xưng thần, dùng quyền lực dụ dỗ kẻ sĩ, nô dịch bách tính. Nếu Tần Vương xưng đế cai quản thiên hạ… nước Ngụy sẽ trở thành nô bộc nô tì của nước Tần. Tần Vương sẽ thay đổi các đại thần các chư hầu, thay bởi những bề tôi mà ông ta thích, rồi lại phái con gái của ông ta làm phi của các chư hầu, sống trong cung điện nước Ngụy, Ngụy Vương sao có thể yên ổn được? Tướng quân còn được sủng ái vá tín nhiệm như trước không?”

Thế là Tân Viên Diễn bái tạ Lỗ Trọng Liên, sau đó xin được trở về. Điệt Ly, tướng quân nước Tần, cũng lui quân 50 dặm.

Bình Nguyên Quân vô cùng cảm tạ Lỗ Trọng Liên, muốn gia phong cho Lỗ Trọng Liên nhưng ông từ chối không nhận. Bình Nguyên Quân lại bày tiệc rượu, dùng ngàn lạng vàng làm lễ chúc thọ cho Lỗ Trọng Liên. Lỗ Trọng Liên cười đáp rằng: “Đối với nhân sĩ trong thiên hạ mà nói, thứ quý giá nhất chính là giải tỏa ưu lo họa hoạn, giải quyết tranh chấp cho người mà không lấy một xu nào. Nếu nhận thù lao thì đó chẳng phải hành vi mua bán của con buôn đó sao?”. Nói xong, ông cáo từ Bình Nguyên Quân rồi ra đi, cả đời không gặp lại nữa.

Người trên gia ân cho người dưới: Trịnh Liêm nghiền nát trái lê

Minh Sử ghi chép, Trịnh gia là Thiên hạ đệ nhất gia, được phong là Nghĩa môn, gia tộc này đời đời sống chung với nhau, đã trải qua 300 năm. Trong “Tống sử – Hiếu nghĩa truyền” và “Nguyên sử – Hiếu hữu truyền” cũng đều có ghi chép. Cả gia tộc họ Trịnh hơn 1000 người, một người làm chủ sự việc, 7 đời chung sống cùng nhau, cha từ ái, con hiếu kính, anh em nhường nhịn lẫn nhau.

Có lần, Minh Thái Tổ hỏi Trịnh Liêm về đạo quản lý gia tộc lâu bền. Trịnh Liêm nói: “Cẩn thận tuân thủ giáo huấn tổ tiên, không nghe lời phụ ngôn.” (Lời phụ ngôn ở đây là chỉ những lời nông cạn trái ngược với lời dạy của các bậc Thánh hiền). Minh Thái Tổ Hoàng đế cảm thán rằng: “Hơn 1000 người sống chung một mái nhà, quả là thế gian hiếm có, quả thực là Thiên hạ đệ nhất gia.” Thái Tổ Hoàng đế ban cho Trịnh Liêm 2 trái lê. Trịnh Liêm bái tạ rồi trở về nhà. Thái Tổ ngầm lệnh cho một viên hiệu úy đi theo Trịnh Liêm, xem ông xử lý 2 trái lê này như thế nào. Trịnh Liêm trở về nhà, cho gọi hơn 1000 người trong gia tộc đến tập trung ở sân, đứng ở hai bên, sau đó ông dẫn đầu mọi người bái tạ ân Hoàng đế. Sau đó, Trịnh Liêm lệnh cho người đem ra 2 vại nước lớn, chứa đầy nước. Trịnh Liêm nghiền nát 2 trái lê rồi bỏ vào 2 vại nước, mỗi người được chia một bát nước lê uống.

Sau khi Thái Tổ Hoàng đế biết chuyện, Hoàng đế vừa vui mừng, vừa cảm thán, muốn phong chức quan cho Trịnh Liêm, nhưng Trịnh Liêm lấy lý do tuổi tác đã cao, tạ từ ý tốt của Thái Tổ.

Trẻ thuận theo bề trên: Cát Phân chịu hành hình thay cha

Hiếu Kinh có viết: “Thân thể tóc da, nhận từ mẹ cha, không dám tổn hại, khởi đầu của hiếu.” Những người con hiếu thời xưa đều yêu quý thân thể mình, không dám làm tổn hại dẫu chỉ một chút, nhưng để cứu cha mẹ lúc nguy nan thì lập tức sẵn sàng.

Chủ bạ Tương Châu thời Lương là Cát Phân. Cha Cát Phân bị người ta vu cáo, bị thẩm vấn. Xấu hổ vì bị cai ngục thẩm vấn nên ông cố ý thừa nhận có tội, mà tội này phải chém đầu. Cát Phân liền một mình đến nha môn đánh trống, thỉnh cầu chịu tội thay cha. Lương Vũ Đế vô cùng tò mò về cậu thiếu niên này, nghi là có người dạy cậu. Thế là Vũ Đế lệnh cho Đình úy Thái Pháp Độ thẩm vấn nghiêm minh. Thái Pháp Độ hỏi Cát Phân rằng: “Ngươi thỉnh cầu chịu tội chết thay cha, Hoàng thượng đã đồng ý rồi, ngươi hãy chịu hành hình theo pháp luật đi. Nhưng đao phủ vô tình, người là đứa trẻ, hãy thận trọng suy nghĩ kỹ. Nếu có người dạy ngươi thì có thể nói ra, chúng ta sẽ xem xét lại”.

Cát Phân trả lời rằng: “Chỉ vì trong nhà mấy đứa em còn quá nhỏ, chỉ cháu là lớn nhất, không nỡ thấy cha chịu cực hình, một mình cháu sống trên đời. Do đó cháu tự quyết định, chết thay cha”.

Thái Pháp Độ rất thương cậu, lệnh cho người dùng đồ hành hình khá nhẹ cho cậu, Cát Phân yêu cầu cai ngục dùng đồ hành hình cho tử tù. Lòng hiếu thuận của Cát Phân đã cảm động đến Hoàng đế, thế là Hoàng đế ban sắc lệnh miễn hình phạt cho cha con Cát Phân.

Huyện doãn Đan Dương Vương Chí biết được thiện cử của Cát Phân, dự định tiến cử cậu là hình mẫu hiếu thuận cha mẹ. Cát Phân nói: “Phụ thân gặp nạn, con lấy cái chết để cứu là lẽ thường tình của con người, chịu tội thay cha cầu danh tiếng thì không phải việc làm của người con có hiếu”.

Hoàng đế nhân từ: Hạ chiếu lệnh Luân Đài

Hán Vũ Đế là một vị Hoàng đế nhân từ.

Hán Vũ Đế cùng với Tần Thủy Hoàng được tôn xưng là “Tần Hoàng Hán Vũ”, ông cùng với Đường Thái Tông cùng sáng lập nên danh hiệu Thiên cổ nhất để “Hán Đường thịnh thế”.

Hán Vũ Đế tại vị 54 năm, văn trị võ công đều kiến lập lên công lao đại nghiệp chưa từng có. Hán Vũ Đế binh chinh Hung Nô liên tục hơn 40 năm. Lúc này đại thần phụ trách tài chính là Tang Hoằng Dương và một số người khác đề xuất, thực hiện đồn điền ở Luân Đài (huyện Luân Đài, Tân Cương ngày nay), tức chiêu mộ bách tính đến đó sản xuất nông nghiệp, bảo đảm thực lực của quân Hán ở Tây Vực. Hán Vũ Đế cho rằng, đồn điền ở Luân Đài sẽ tăng gánh nặng cho bách tính, chinh chiến nhiều năm đã khiến tài chính và sức dân cạn kiệt, việc làm cấp bách nhất hiện tại là để dân nghỉ ngơi, khôi phục nuôi ngựa, bãi miễn lao dịch.

Thế là Hán Vũ Đế đã phủ định đề xuất đó, đồng thời ban bố một chiếu thư bày tỏ rõ tâm chí mình, đó cũng chính là “Chiếu trách tội bản thân ở Luân Đài” nổi tiếng.

Đây là chiếu chỉ trách tội bản thân đầu tiên do hoàng đế ban bố trong lịch sử Trung Quốc. Sau đó, Hán Vũ Đế không dùng quân đội chinh chiến nữa, ông điều chỉnh quốc sách, hễ là việc tổn hại lợi ích người dân, hao tổn tài nguyên thiên hạ thì tất cả đều phải dừng lại.

Nhà sử học Ban Cố đã ca ngợi Hán Vũ Đế rằng: “Đây là việc những năm cuối, từ bỏ đất Luân Đài, xuống chiếu buồn đau, lẽ nào chẳng phải điều hối hận của bậc Thánh đế nhân đức sao.” Ban Cố cho rằng, Hán Vũ Đế thương xót dân, trách tội bản thân, dùng đức giáo hóa bách tính, chính là bậc minh quân Thánh đế nhân đức.

Bề tôi trung thành: Tỷ Can chết vẫn can gián

Tỷ Can là chú của Thương Trụ Vương. Khi phụ thân của Thương Trụ Vương là Đế Ất tại vị, Tỷ Can đảm nhiệm chức Phó thừa tướng Thiếu sư. Đế Ấn thác cô, Tỷ Can phò tá Đế Tân – Thương Trụ Vương.

Thương Trụ Vương hoang dâm vô đạo, đắm chìm trong hưởng thụ vật chất, tửu sắc, đặt ra hình phạt tàn khốc là Bào lạc. Các đại thần tới tấp rời xa Trụ Vương, Vi Tử chạy trốn, Cơ Tử giả điên, Tỷ Can nói: “Làm bề tôi, không thể không lấy cái chết để khuyên can”; “Quân chủ sai trái mà không can gián thì không phải là trung thành, sợ chết mà không nói thì không phải là dũng cảm, sai trái thì can gián, không nghe theo thì chết để tỏ rõ chí, đó là tột bậc của trung thành”.

Tỷ Can đi khuyên can Trụ Vương, Trụ Vương nổi giận, giết chết Tỷ Can, và moi tim ông ra.

Sau khi Chu Võ Vương diệt nhà Thương, ông lệnh cho đại thần Hoằng Yêu xây mộ đắp đất, hậu táng Tỷ Can.

Danh thần triều Đường là Lý Hàn viết trong “Thương Thiếu sư bia” rằng: Tỷ Can địa vị cao vẫn không quên tổ tiên, để cứu vãn sự nghiệp của Thương Thang, cứu quốc gia tránh khỏi suy bại diệt vong, ông đã gắng sức can gián và bị giết chết. Mất nước còn đau khổ hơn bị mổ bụng moi tim. Đây chính là thể hiện sự trung liệt của Tỷ Can.

Tài liệu tham khảo

  • “Thuyết uyển”
  • “Gia phạm”
  • “Liệt nữ truyện”
  • “Lễ ký”
  • “Sử ký, quyển 31 – Ngô Thái Bá thế gia đệ nhất”
  • “Tấn thư – Vương Tường (Vương Lãm) liệt truyện”
  • “Sử ký – Liệt truyện, quyển 80”
  • “Lỗ Trọng Liên Trâu Dương truyện”
  • “Minh sử, quyển 296 – Liệt truyện – Trịnh Liêm truyện”
  • “Trung Quốc lịch sử chính thuật, Thương (kỳ 36): Can gián mà chết, Tỷ Can trung trinh”.
  • “Ngày lễ Cha nói chuyện cha nghiêm – Cha nghiêm các thời đại dùng gia huấn dạy con trọng đức tu thân”.

(Hết)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/23/429673.html

Đăng ngày 06-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share