Bài viết của Lưu Nhất Thuần

[MINH HUỆ 27-08-2021]

Đại y học gia Tôn Tư Mạc viết trong tác phẩm “Thiên kim yếu phương” rằng: “Đức hạnh không ước thúc thì dẫu uống kim đan ngọc dịch cũng không thể sống lâu”; “Đạo đức một ngày nào đó đủ đầy thì không cầu thiện mà tự có phúc, không cầu thọ mà tự sống lâu”.

Ý nghĩa là, nếu đạo đức con người bất hảo thì dẫu có uống Tiên đan diệu dược thì cũng không thể kéo dài tuổi thọ được. Nếu đạo đức cao thượng hoàn mỹ, thì dẫu không cầu nguyện cũng có được đa phúc đa thọ.

Vậy người xưa dưỡng đức như thế nào?

(Tiếp theo Phần 1)

Hỉ nộ sủng nhục không kinh

Trong tác phẩm “Phạm Tiến trúng cử” của Ngô Kính Tử, Phạm Tiến vì quá vui mừng phát cuồng, bị anh đồ tể đánh mới tỉnh ra. Đại thư pháp gia Vương Hi Chi vì tranh cao thấp với đồng môn là Tiêu Kỵ tướng quân Vương Thuật mà mất đi sinh mạng. Vui mừng vì đắc được, đau buồn vì mất đi, tâm bị mệt mỏi, bị trói buộc, bị mê bởi những vật ngoại thân. Con người sống một cuộc đời cũng giống như cỏ cây sống một mùa, được mất vinh nhục giống như khói mây bay qua trước mắt.

Trong tác phẩm “U song tiểu ký” có một câu đối nói lên tình cảm chí hướng rằng: “Nhất sủng nhất nhục bất kinh, khán đình tiền hoa khai hoa lạc; Khứ lưu vô ý, vọng thiên thượng vân quyển vân thư”. Đại ý là: Coi việc vinh nhục được mất trong cuộc đời như hoa nở hoa tàn, coi công danh lợi lộc là mộng ảo như mây cuộn mây tan.

Thời kỳ Đường Thái Tông, Lư Thừa Khánh do xử lý sự việc công chính nên được Đường Thái Tông bổ nhiệm làm Khảo công Viên ngoại lang, quản lý việc khảo sát thành tích các quan lại. Một lần, trong quá trình Lư Thừa Khánh đánh giá các quan lại, có một viên quan quản lý vận tải thủy vì thuyền chở lương thực bị chìm mà mất thành tích. Lư Thừa Khánh viết lời đánh giá cho viên quan này là: “Đánh mất đồ chuyên chở, đánh giá dưới mức đạt”.

Điều khiến ông bất ngờ là sau khi viên quan đó nghe được tin nhưng không có bất kỳ lời giải thích nào, cũng không biểu lộ bất kỳ sự nghi ngại e sợ nào, và cũng không hề tức giận chút nào, vô cùng bình thản đón nhận. Lư Thừa Khánh sau đó nghĩ, thuyền lương thực bị chìm không phải là trách nhiệm cá nhân của ông ấy, cũng không phải là việc mà cá nhân ông ấy có thể cứu vãn được, thế là sửa thành “đạt mức dưới trung bình”. Nhưng viên quan đó vẫn không có ý kiến gì, không nói một lời cảm kích, cũng không có dáng vẻ xúc động gì, chỉ cười một cái mà thôi. Lư Thừa Khánh rất tán thưởng thái độ xử sự của ông ta, khen rằng: “Sủng nhục không kinh, hiếm có, hiếm có”. Cuối cùng ông sửa đánh giá thành “sủng nhục không kinh, đạt mức trên trung bình”.

Thời Bắc Tống, Phạm Trọng Yêm kiên trì “Khánh Lịch tân chính”. Khi ông bị giáng đày đến Đặng Châu, ông vẫn có thể có được cảnh giới thoáng đạt “tâm rộng mở, tinh thần vui vẻ, sủng nhục đều quên hết, nâng chén rượu đón gió mát, niềm vui dạt dào”; “Không vui buồn vì được mất cá nhân”; “Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ”.

(Còn tiếp)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/27/429979.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/2/196421.html

Đăng ngày 09-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share