Bài viết của Lưu Nhất Thuần

[MINH HUỆ 19-08-2021] Những năm đầu thời Tây Chu, con trai của Chu Công là Bá Cầm đến bái khiến phụ thân nhưng không hành lễ, 3 lần bái kiến thì cả 3 lần bị phụ thân đánh. Sau này Bá Cầm thỉnh giáo Thương Tử, rồi lại đi bái kiến phụ thân. Vừa bước lên chính đường liền quỳ xuống. Chu Công khen Bá Cầm đã nhận được sự dạy bảo của người quân tử.

Tại sao người xưa coi trọng lễ như vậy? Khổng Tử nói: “Lễ là Tiên vương dùng để kế thừa Đạo của Trời, dùng để trị sửa cái tình của con người. Thế nên người thất lễ sẽ chết, người có lễ sẽ sống.”

Kinh Thi viết: “Tương thử hữu thể, nhân nhi vô lễ, nhân nhi vô lễ, hồ bất thuyên tử?” Đại ý rằng: Chuột còn có hình thể, làm người không thể vô lễ, nếu làm người mà không giữ lễ, thì sẽ rất nhanh chóng diệt vong.

Người có lễ thì an, vô lễ thì nguy, đạo đức nhân nghĩa mà không có lễ thì không thành. Do đó thuận theo lễ hành sự thì vua tôi già trẻ tôn ti đều có trật tự, xã tắc yên ổn, quốc gia hưng thịnh. Trái với lễ thì kỷ cương bị phế bỏ, nhân luân hỗn loạn, các loạn tượng trong xã hội nảy sinh khắp nơi.

Trong quan hệ xã giao, lễ còn được gọi là lễ nghĩa, tức là cha nhân ái, con hiếu kính, trẻ cung kính, chồng giữ nghĩa, vợ thuận theo, người trên thi ân huệ cho người dưới, trẻ em thuận theo người bề trên, vua nhân từ, bề tôi trung thành.

Cha nhân ái: Chu Công răn dạy con cháu

Chu Công là con thứ tư của Chu Văn Vương Cơ Xương, ông họ Cơ, tên Đán. Ông phò tá em trai là Chu Võ Vương đông phạt Trụ Vương, chế định lễ nhạc, là tiền bối của Nho học, được tôn làm Nguyên Thánh.

Gia huấn mà Chu Công răn dạy con cháu là “Cơ Đán gia huấn”, bao gồm “Giới tử Bá Cầm”, và “Giới điệt Thành Vương”. Tào Tháo ca ngợi phong thái mẫu mực trị gia quản lý triều chính “Chu Công thổ bộ, thiên hạ quy tâm” (Chu Công tiếp đãi hiền tài, một bữa ăn ba lần nhả thức ăn ra để đón tiếp hiền sĩ, thế nên lòng người trong thiên hạ đều quy về).

Có lần Chu Thành Vương cùng em trai đứng dưới gốc cây, ông lấy một chiếc lá ngô đồng đưa em trai và nói: “Ta phong cho đệ.” Chu Công nghe thấy bèn bái kiến Thành Vương và nói: “Đại Vương phong cho em trai, quả là rất thiện lành”.

Thành Vương nói: “Ta chỉ là vui đùa với tiểu đệ thôi.”

Chu Công nghiêm giọng nói: “Bậc quân vương không có hành động sai, không nên có lời đùa giỡn, đã nói thì ắt phải thực hiện.”

Thế là Thành Vương phong cho tiểu đệ làm Ứng Hầu. Đây chính là điển cố “Lá ngô đồng phong tiểu đệ.”

Thành Vương phong cho Bá Cầm làm Lỗ Công. Chu Công răn dạy con trong “Giới Bá Cầm thư” phải giữ lễ: “Không được vì được phong Lỗ quốc mà xem thường nhân tài. Ta khi tắm gội, ăn cơm, đều phải phản tỉnh bản thân có vì đối đãi không chu đáo mà đánh mất nhân tài hay không. Người đức cao là kính trọng người khác thì sẽ có được vinh quang. Người có nhiều của cải mà tiết kiệm thì sẽ không bị nguy hiểm. Người có địa vị cao bổng lộc lớn mà khiêm hạ thì có thể giữ được phú quý lâu dài. Người có nhiều nhân lực, quân đội mạnh mà tâm luôn kính sợ, thì sẽ đứng ở vị trí bất bại. Người thông minh trí tuệ sắc bén mà không kiêu ngạo thì đó là kẻ sĩ sáng suốt. Người học rộng nhớ nhiều mà không khoe khoang thì mới là thông minh thực sự.”

Bá Cầm cẩn thận ghi nhớ lời dạy bảo của phụ thân, rất nhanh chóng trị sửa nước Lỗ thành quốc gia lễ nghi, người dân có phong tục thuần phác, sùng chuộng và tôn kính việc học tập.

(Còn tiếp)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/19/429671.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/10/2/195999.html

Đăng ngày 03-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share