Bài viết của Arnaud H.

[MINH HUỆ 09-08-2021]

(Tiếp theo Phần 1)

Do các triều đại khác nhau tôn sùng các màu sắc khác nhau, nên cái gọi là “màu đỏ là màu lễ hội truyền thống” là không chính xác. Thời nhà Thương là một ví dụ điển hình, người dân thời đó tin rằng màu đỏ là màu của máu, tượng trưng cho cái chết, vì vậy màu đỏ trở thành màu được dùng trong tang lễ, ma chay thời bấy giờ.

Trang phục mặc trong hôn lễ của người xưa cũng có tình huống như thế. Trong các thời đại khác nhau, người ta sử dụng các màu sắc khác nhau như màu đen, trắng, đậm, nhạt, xanh, đỏ và nhiều màu khác. Hơn nữa ở Trung Quốc cổ đại, hiếm khi nghe nói cô dâu và chú rể đều được trang trí toàn bằng màu đỏ như bây giờ. Hầu hết, dù mặc đồ đỏ thì cũng chỉ là một bên thôi, bởi vì sự khác biệt giữa nam và nữ nên người xưa đặc biệt coi trọng chuyện đó hơn.

Một ví dụ khác là câu đối xuân, có nhiều ý kiến ​​khác nhau về nguồn gốc của chúng, trải qua quá trình lịch sử lâu dài, chúng đã dần phát triển để giống ngày nay, nhưng ban đầu chúng không được viết trên giấy đỏ. Một số quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng của văn hóa truyền thống Trung Quốc nên từ xa xưa đã kế thừa phong tục treo câu đối vào đầu năm mới hoặc đầu xuân, và nó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Ví dụ, người Hàn Quốc cũng treo các câu đối xuân và mọi người có thể thấy rằng, hầu hết họ đều sử dụng chữ giấy trắng mực đen.

Ấn tượng của người Trung Quốc về câu đối xuân màu đỏ bắt đầu từ thời nhà Minh, những người viết chữ viết câu đối trên giấy đỏ nhạt hơn và dán chúng lên tường hoặc cửa. Theo quan điểm màu sắc, màu này chỉ được sử dụng như một màu tô điểm cho môi trường xung quanh.

Nhưng vào thời nhà Thanh, giấy đỏ không được sử dụng để viết các câu đối xuân trong hoàng cung. Theo ghi chép của “Thanh bại loại sao” rằng: “Câu đối xuân trong các cung điện đại nội theo thường lệ dùng lụa trắng, do Hàn lâm cẩn thận viết dâng lên”. Ngày nay nhiều người đến thăm Tử Cấm Thành thấy ngạc nhiên khi thấy màu trắng bên trong câu đối xuân, bởi vì họ cho rằng câu đối xuân màu đỏ mới là quan niệm truyền thống.

Ngoài ra, các nơi tôn giáo truyền thống của Trung Quốc, chẳng hạn như câu đối xuân ở các âm quán và tự viện cổ, thường sử dụng giấy màu vàng nhạt thay vì màu đỏ.

Màu kiêng kỵ

Từ chính sử ghi chép có thể thấy, người Trung Quốc cổ đại không phải thời đại nào cũng tôn sùng màu đỏ, nhất là đối với màu đỏ chót hiện nay, dùng kỹ thuật nhuộm cổ đại càng khó thấy. Trong số những phong tục được dân gian lưu truyền, màu đỏ có vẻ như được nhiều người coi là biểu tượng của điềm lành nhưng lại có rất nhiều điều kiêng kị và ngoại lệ.

Nhiều người am hiểu phong tục dân gian đều biết rằng dân gian lưu truyền rằng túi tiền không được màu đỏ, nếu không sẽ phá tài. Có nhiều cách giải thích khác nhau cho câu nói này: một số người nói rằng vì màu đỏ là Hỏa, theo Ngũ hành sinh khắc thì Hỏa khắc Kim, nên túi màu đỏ khắc tiền tài. Cũng có người lại cho rằng màu đỏ là ẩn dụ của “thiếu hụt”, nghĩa là rằng dễ dàng tiêu tiền, hoặc là mất cả vốn lẫn lãi… Có đúng là như thế hay không thì chúng ta không bàn tới ở đây, nhưng mọi người sẽ không vô duyên vô cớ mà kiêng kị với một loài màu sắc nào đó. Từ góc độ tâm lý học mà xét, thì chắc hẳn trong tiềm thức của mọi người đã có một chủng tâm thái phòng bị.

Về phương diện nhà ở, hầu hết các thầy phong thủy đều phản đối việc đặt quá nhiều đồ vật, tranh ảnh màu đỏ trong nhà khiến Ngũ hành mất cân bằng, phá hỏng thế phong thủy trong nhà, bất lợi cho tài vận của các hộ gia đình. Các nhà tâm lý học cũng cho rằng một lượng lớn màu đỏ dễ khiến con người dễ bị kích động về mặt tinh thần, và không nên để mọi người tiếp xúc với màu này quá nhiều. Ở góc độ y tế, các bác sĩ phản đối việc sử dụng màu đỏ làm màu chủ đạo trong nhà. Ở trong môi trường có màu đỏ lâu dễ gây mỏi thị giác, mắc một số bệnh liên quan, nguy hiểm đến sức khỏe.

Mọi người dường như có một bản năng cảnh giác và đề phòng màu đỏ và áp dụng nó vào đời sống xã hội, ví dụ, hầu hết các biển báo màu đỏ trên đường đều cho biết nguy hiểm hoặc cấm. Một số nghiên cứu tin rằng điều này có thể liên quan đến kinh nghiệm con người tích lũy trong tự nhiên. Trong tự nhiên, dù là động vật, thực vật hay côn trùng, tuy không phải là tất cả, nhưng rất nhiều sinh vật màu đỏ tươi đều có độc. Vì vậy, mọi người luôn cảm thấy nguy hiểm khi nhìn thấy những sinh vật có ngoại hình màu đỏ tươi, điều này làm nảy sinh bản năng cảnh giác với màu sắc này.

Trong lĩnh vực văn hóa cũng có một tình huống tương tự. Người Trung Quốc có một câu nói rằng “đan thư bất tường”, có nghĩa là nhận được thư viết bằng màu đỏ là điều không may mắn. Vì vậy, ngày nay một số người nói rằng bạn viết một lá thư thì không thể dùng bút đỏ, bởi vì các chữ trong một lá thư tuyệt giao thường có màu đỏ.

Cách lập luận này cũng là có nguyên nhân trong lịch sử. Thời xưa, nha môn ngày xưa dùng bút đỏ để ghi tên những người bị xử tử. Mặt khác, trong dân gian còn truyền tụng rằng Diêm Vương quen dùng bút chu sa để đánh dấu sổ sinh tử. Điều này cũng khiến nhiều người nghĩ rằng viết tên ai đó bằng mực đỏ có nghĩa là nguyền rủa người đó chết.

Dân gian còn lưu truyền rằng màu đỏ dễ thu hút ma quỷ nên một số người cao tuổi không cho người nhà mặc quần áo màu đỏ vào ban đêm. Tin đồn có đúng hay không thì không nói ở đây, nhưng nó liên quan đến một nền văn hóa cổ xưa mà nhiều người không biết nhiều về nó, đó là trong các cuốn sách cổ của Trung Quốc thời kỳ đầu có mô tả quỷ quái rất nhiều đều là màu đỏ.

Ví dụ, trong kinh điển Phật giáo thời nhà Đường “Pháp Uyển Châu Lâm” quyển 6 mô tả một con quỷ “có màu da đỏ và thân rất dài”; trong “Linh quỷ chí” của Đông Tấn, nó cũng nói về “một con quỷ màu đỏ, thân dài hơn một trượng” ; “Luận Hoành” của Đông Hán có ghi chép “người nhìn thấy ma, nói rằng nó màu đỏ”.

Không chỉ vậy, nhiều quỷ còn thích mặc quần áo màu đỏ. Cuốn 319 của “Thái bình quảng ký” kể rằng một người bị bốn đến năm trăm con quỷ vây quanh, chúng “toàn màu đỏ và dài hai thước”, về sau bởi vì người bị vậy một lòng mặc niệm Bắc Đẩu, nên mấy trăm con quỷ mặc áo đỏ kia cho rằng người này “chính tâm tại Thần“, liền buông tha cho anh ta.

Không những cơ thể có màu đỏ, các phương thức tấn công của quỷ cũng có màu đỏ. “Luận Hoành” quyển 22 trong chương về ma, có một câu nói rằng “quỷ và độc cùng một màu”, vì vậy những đòn tấn công của ma cũng có màu đỏ; bên trong mô tả “cung tên tất cả đều màu đỏ”, ý nói rằng tất cả vũ khí của chúng đều màu đỏ.

Tất cả những ví dụ trên đủ cho thấy rằng màu đỏ trong văn hóa truyền thống Trung Quốc không phải là điềm lành như người hiện đại tưởng tượng. Tất nhiên, màu đỏ không nên bị kỳ thị, bởi vì màu sắc có cấp độ khác nhau, và nội hàm của chúng cũng hoàn toàn khác nhau. Vì những gì tôi đang nói ở đây chỉ là biểu hiện ở phương diện văn hóa dân gian, cho nên nó hoàn toàn khác với màu đỏ ở các tầng thứ cao hơn.

(Còn tiếp)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/9/429236.html

Đăng ngày 15-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share