Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 21-08-2021] Việc trừng phạt những cá nhân và tổ chức vi phạm nhân quyền đã trở nên phổ biến tại các quốc gia dân chủ. Sau khi Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Magnitsky vào năm 2016, Canada, Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu gồm 27 thành viên đã ban hành các luật tương tự. Úc và Nhật Bản cũng đang làm điều này.
Theo các luật này, trong nhiều năm qua, các học viên Pháp Luân Công đã lập danh sách các thủ phạm liên quan đến cuộc bức hại Pháp Luân Công. Hàng năm, các học viên đã đệ trình một số danh sách lên các chính phủ dân chủ, thúc giục họ trừng phạt những thủ phạm được nêu tên.
Bắt đầu từ ngày 14 tháng 7 năm 2021, các học viên Pháp Luân Công tại hơn 30 quốc gia đang đệ trình danh sách mới nhất về những thủ phạm liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công lên chính phủ của họ, yêu cầu các biện pháp trừng phạt nhằm vào những đối tượng vi phạm nhân quyền này, trong đó gồm cả việc từ chối cho những người này nhập cảnh vào đất nước của họ và đóng băng tài sản của họ tại nước ngoài.
Ba cái tên trong danh sách này là Tạ Thụ Lâm, Ngô Chí Bân và Ngô Khải Minh.
Thông tin của thủ phạm tham gia bức hại
Tên đầy đủ của thủ phạm: Tạ (họ) Thụ Lâm (tên) (tiếng Trung: 谢树林)
Giới tính: Nam
Quốc gia: Trung Quốc
Ngày/năm sinh: Tháng 5 năm 1954
Nơi sinh: Thành phố Trưởng Sa, tỉnh Hồ Nam
Chức vụ:
Tháng 10/1996 – Tháng 9/2000: Bí thư Ủy ban Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quận Khai Phúc, Thành phố Trưởng Sa, tỉnh Hồ Nam
Tháng 9/2000 – Tháng 11/2007: Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Trưởng Sa, Bí thư Đảng ủy ĐCSTQ của Sở Công an Thành phố Trưởng Sa.
Tháng 11/2007 – Tháng 5/2008: Bí thư Thường vụ Thành ủy Trưởng Sa, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Trưởng Sa, Bí thư Đảng ủy ĐCSTQ Sở Công an Thành phố Trưởng Sa.
Tạ Thụ Lâm là người chịu trách nhiệm đầu tiên về việc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở quận Khai Phúc từ tháng 7 năm 1999 đến tháng 9 năm 2000. Vào ngày 1 tháng 11 năm 1999, Tạ Thụ Lâm đã đăng một bài báo trên Nhân dân Nhật báo, vu khống Pháp Luân Công và tuyên bố tiến hành chiến dịch “vạch trần và chiến đấu với Pháp Luân Công” đến cùng. Tạ Thụ Lâm là Chủ tịch danh dự của “Hiệp hội chống tà giáo” tại Trưởng Sa, và ông ta đã công bố một bài báo bôi nhọ Pháp Luân Công trong quá trình tố tụng tại Hội nghị thường niên của “Hiệp hội chống tà giáo” của Trung Quốc.
Tên đầy đủ của thủ phạm: Ngô (họ) Chí Bân (họ) (tiếng Trung: 吴志斌)
Giới tính: Nam
Quốc gia: Trung Quốc
Ngày/năm sinh: Không xác định
Nơi sinh: Không xác định
Chức vụ:
Ngô Chí Bân là cựu Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật và là trưởng Phòng 610 của Thành phố Trưởng Sa từ tháng 3 năm 2001 hoặc sớm hơn cho đến năm 2011. Trong nhiệm kỳ của mình, Ngô Chí Bân đã công bố một số bài báo phỉ báng Pháp Luân Công.
Là một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập đặc biệt để đàn áp Pháp Luân Công, Phòng 610 Trưởng Sa đã đứng sau các vụ bắt bớ và giam giữ các học viên. Cơ quan này ấn định trước tất cả các điều khoản nhà tù và trại lao động đối với các vụ việc Pháp Luân Công và liệu các học viên có thể được tại ngoại hoặc tạm tha vì lý do y tế hay không, hay liệu gia đình của các học viên có thể đến thăm gặp tại nhà tù hay không.
Tên đầy đủ của thủ phạm: Ngô (họ) Khải Minh (họ) (tiếng Trung: 吴凯明)
Giới tính: Nam
Quốc gia: Trung Quốc
Ngày/năm sinh: Không xác định
Nơi sinh: Không xác định
Chức vụ:
Ngô Khải Minh nguyên là Phó Giám đốc Phòng 610 Trưởng Sa. Ông ta phụ trách Trung tâm Tẩy não Lao Đao Hà, tiền thân được gọi là “Trung tâm Giáo dục Đào tạo Pháp luật Thành phố Trưởng Sa”, một nhà tù đen tối được chỉ định để ép các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ. Ngô Khải Minh giữ chức vụ này từ tháng 11 năm 2002 hoặc sớm hơn cho đến năm 2011.
Các tội ác chính:
Kể từ khi Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, Ủy ban Thường vụ Thành phố Trưởng Sa, Ủy ban Chính trị và Pháp luật, cùng với Phòng 610 đã theo sát Giang trong việc bức hại các học viên. Tạ Thụ Lâm, Ngô Chí Bân và Ngô Khải Minh đã cùng dẫn đầu cuộc đàn áp ở Trưởng Sa, ra lệnh cho đồn công an các cấp, Văn phòng An ninh Nội địa, viện kiểm sát, tòa án cùng Trại Lao động Cưỡng bức trong khu vực để tiến hành cuộc đàn áp này. Họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho những tội ác đã gây ra trong nhiệm kỳ của mình. Hơn 100 học viên Pháp Luân Công ở Trưởng Sa đã được xác nhận là đã bị kết án tù hoặc bị kết án lao động cưỡng bức khi những người này còn đương chức.
Phối hợp với Trại Lao động Cưỡng bức Tân Khai Phô, Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Bạch Mã Lũng, Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Nam và Nhà tù Xích Sơn, cả Ngô Chí Bân và Ngô Khải Minh đã trực tiếp đưa nhiều học viên Pháp Luân Công đến các Trung tâm Tẩy não khi hết hạn tạm giam của họ. Thỉnh thoảng, Phòng 610 Trưởng Sa sẽ điều chuyển nhân viên từ các Trại Lao động Cưỡng bức và nhà tù đến Trung tâm Tẩy não Lao Đao Hà để tham gia vào việc bức hại.
Chịu trách nhiệm về các ca tử vong hoặc suy sụp tinh thần của một số học viên Pháp Luân Công
Theo thống kê hiện có, một số học viên Pháp Luân Công – bị kết án tù hoặc lao động cưỡng bức dưới sự điều hành của Tạ Thụ Lâm, Ngô Chí Bân và Ngô Khải Minh – đã bị bức hại đến chết. Những học viên này bao gồm Lý Đức Ngân, Tưởng Đức Anh, Tạ Vụ Đường, Hà Ưng Thanh và Trần Kiến Trung. Các học viên Khang Thuỵ Kỳ và Ngô Kim Bình đã bị suy sụp tinh thần do hậu quả của việc bức hại.
1. Bà Trâu Cẩm 67 tuổi bị cưỡng hiếp
Bà Trâu Cẩm, lúc đó 67 tuổi, bị bắt vào tháng 2 năm 2001. Nhà của bà bị lục soát và cảnh sát đã tịch thu 3.000 Nhân dân tệ tiền mặt cùng một sổ ngân hàng. Sau đó bà được đưa đến Trại tạm giam số 1 Thành phố Trưởng Sa. Vào ngày 18 tháng 11 năm 2001, bà bị kết án 9 năm tù bằng tội danh được ngụy tạo. Trong trại giam, bà Trâu đã bị tra tấn một cách vô nhân tính. Các lính canh thường xuyên thẩm vấn bà, dùng dùi cui điện giật điện bà, kéo và đập đầu bà vào tường. Họ còn cấm không cho bà ngủ, bắt bà đứng cả đêm mà đưa không cho bà thức ăn hay nước uống gì.
Vào một đêm, hai lính canh đã đến phòng giam của bà Trâu và thẩm vấn bà suốt đêm. Họ kéo bà lên giường và trói tay chân bà vào giường. Họ đã cởi quần của bà ra và cưỡng hiếp bà. Sau đó, họ nhét dùi cui điện vào âm đạo của bà để giật điện bà. Bà Trâu đã kêu khóc trong đau đớn. Mãi cho đến khi bà bất tỉnh, các lính canh này mới lấy dùi cui ra. Âm đạo của bà đã bị chảy máu, sưng lên và bà vô cùng đau đớn. Trong hơn một tháng sau đó, bà Trâu đã không thể ngồi hay đi lại.
Chỉ khi bà Trâu cận kề cái chết, bà mới được trả tự do với điều kiện phải thụ án tại ngoại. Bà bị theo dõi suốt ngày đêm. Cảnh sát đã đến nhà bà để sách nhiễu và đe dọa bà. Việc quấy rối cùng đau khổ tinh thần to lớn từ việc bị cưỡng hiếp đã khiến sức khỏe của bà Trâu suy sụp từng ngày. Bà đã bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Bà qua đời vào tháng 3 năm 2011 ở tuổi 77.
2. Bà Lý Đức Ngân qua đời trong Nhà tù Nữ Hồ Nam
Vào tháng 8 năm 2002, bà Lý Đức Ngân bị bắt và bị kết án 4 năm tù. Trong Nhà tù Nữ Trưởng Sa, bà Lý đã phải chịu sự tra tấn và ngược đãi. Năm 2003, bà bị buộc phải đứng từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối trong suốt bốn ngày liên tiếp. Bà bị cấm không được ngồi ngay cả khi đang ăn. Mỗi ngày bà đều bị tra tấn. Vào ngày 26 tháng 5 năm 2006, chỉ ba tháng trước khi mãn hạn, bà Lý đã qua đời trong tù, lúc này bà 55 tuổi.
3. Bà Hà Ưng Thanh qua đời vì bị tra tấn trong trại lao động
Bà Hà Ưng Thanh là một giảng viên cao cấp tại Học viện Dạy nghề Công nghệ Sinh học, Cơ khí & Điện Hồ Nam. Bà đã bị bắt và giam giữ nhiều lần vì đức tin của mình. Vào tháng 10 năm 2003, bà Hà bị đưa đến Trại lao động Bạch Mã Lũng tại thành phố Chu Châu. Trong suốt hai năm ở Trại lao động Bạch Mã Lũng, bà Hà đã phải chịu nhiều phương pháp tra tấn khác nhau. Trong khoảng thời gian khoảng 60 ngày, bà chỉ được phép ngủ ba tiếng mỗi ngày. Bà bị buộc phải đứng yên trong thời gian dài và thậm chí còn bị cấm sử dụng phòng tắm. Bà bị còng tay liên tục trong 40 ngày suốt hơn 20 giờ mỗi ngày, chỉ trừ giờ ăn. Thậm chí sau khi đã tháo còng, một bàn tay của bà vẫn còn bị tê liệt và mất cảm giác. Do bị còng tay lâu ngày, trên mỗi cổ tay đã in một vết thương rộng khoảng một inch (khoảng 2,54cm) và sâu tới mức chạm đến xương. Có lần, lính canh đã dùng dùi cui điện giật điện bà suốt cả ngày trời, khiến cánh tay bà chuyển thành màu xanh đen cùng với những vết bầm tím.
Vào tháng 7 năm 2005, bà Hà lại bị bắt và bị đưa đến Trại lao động Bạch Mã Lũng, tại đây bà còn bị tra tấn và ngược đãi nhiều hơn nữa. Trong thời hạn tạm giam, bà Hà bắt đầu bị đi tiểu ra máu và thường cảm thấy đau ở các chỗ khác nhau trên cơ thể, tình trạng đó vẫn tiếp diễn ngay cả sau khi bà được thả ra. Bà đã qua đời vào ngày 24 tháng 6 năm 2007, ở tuổi 41.
4. Hai chị em gái qua đời do bị bức hại
Hai chị em, Đặng Dục Quần và Đặng Dục Liên, đã bị các cảnh sát của Đồn Công an Thiều Sơn Xung bắt vào ngày 30 tháng 11 năm 2004. Người em gái, bà Đặng Dục Liên, bị đưa đến Trại lao động Bạch Mã Lũng với thời hạn 18 tháng. Vào ngày 12 tháng 3 năm 2007, bà đã qua đời do hậu quả tra tấn và ngược đãi mà bà đã phải chịu đựng trong trại lao động. Lúc này, bà đã 42 tuổi. Chị gái của bà, Đặng Dục Quần, đã trốn khỏi đồn công an. Bà đã buộc phải sống phiêu bạt nhiều nơi để tránh bị bức hại. Trong ba năm sau đó, công an và cảnh sát địa phương đã thường xuyên sách nhiễu các thành viên trong gia đình bà. Khi trở về nhà vào đầu năm 2008, bà đã tiều tụy và khó lòng nhận ra. Bà đã qua đời vào ngày 3 tháng 3 năm 2008 ở tuổi 47.
5. Bị cưỡng bức tiêm thuốc trong trại lao động khiến bà Khang Thuỵ Kỳ bị rối loạn thần kinh
Bà Khang Thuỵ Kỳ, 70 tuổi, là chủ một tiệm tạp hóa tại Thành phố Trưởng Sa. Vào ngày 6 tháng 8 năm 2008, bà đã bị bắt và bị giam tại Trại Lao động Cưỡng bức Bạch Mã Lũng trong một năm. Khi được thả vào tháng 8 năm 2009, bà đã mất năng lực tư duy lý trí và bị mất trí nhớ. Bà thường xuyên bị ngơ ngác và nói ra những điều vô nghĩa. Về sau, một người từ trại lao động tiết lộ rằng bà Khang đã thường xuyên bị nhục mạ và đánh đập trong trại lao động. Các lính canh đã túm tóc và đập đầu bà vào tường. Sau đó, họ đã tiêm vào người bà những loại thuốc không rõ tên. Bà đã trở nên rối loạn thần kinh ngay sau đó.
Kích động thù hận và xúc tiến việc bức hại đối với các học viên Pháp Luân Công
Vào tháng 3 năm 2006, Phòng 610 Trưởng Sa và Phòng Giáo dục Thành phố đã cùng ban hành một văn bản yêu cầu tất cả những ai trong hệ thống giáo dục đều phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công. Sau đó, giáo viên và học sinh bị yêu cầu viết ra những suy nghĩ của họ.
Vào ngày 2 tháng 2 năm 2006, theo một báo cáo trên trang Minh Huệ, Phòng 610 Trưởng Sa đã thuê hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học đang thất nghiệp để theo dõi các học viên Pháp Luân Công và cố gắng “thâm nhập” vào các nhóm học viên Pháp Luân Công.
Vào tháng 5 năm 2011, Phòng 610 tỉnh Hồ Nam đã yêu cầu các Phòng 610 cấp thấp hơn hỗ trợ chiếu bộ phim “Awakening”, một bộ phim có nội dung phỉ báng Pháp Luân Công. Ngô Chí Bân và Ngô Khải Minh đã tổ chức khoảng mười buổi chiếu phim ở Trưởng Sa. Hơn một nghìn người, trong đó gồm cả nhiều học sinh trung học cơ sở, đã tham dự những buổi trình chiếu này.
Vào tháng 10 và tháng 11 năm 2011, một số trường cao đẳng, gồm cả Đại học Thiệu Dương và Đại học Sư phạm Hồ Nam, đã tổ chức các hội thảo hoặc các buổi diễn thuyết để bôi nhọ Pháp Luân Công. Vào giữa tháng 11, Ngô Khải Minh đã đích thân giảng bài về “chống tà giáo” tại Đại học Sư phạm Hồ Nam. Sau đó, nhiều giáo viên và học sinh đã bị yêu cầu phải ký tên trên các biểu ngữ có thông tin phỉ báng Pháp Luân Công.
Thành lập Trung tâm Tẩy não
Với sự hỗ trợ của Phòng 610 tỉnh Hồ Nam, dưới sự lãnh đạo của Ngô Chí Bân và Ngô Khải Minh, đã chi một khoản tiền khổng lồ để xây dựng một Trung tâm Tẩy não, mang tên “Trung tâm Giáo dục Đào tạo Pháp luật Thành phố Trưởng Sa” (Trung tâm Tẩy não Lao Đao Hà), tại ngoại ô Thành phố Trưởng Sa. Các học viên Pháp Luân Công trên toàn tỉnh đã bị bắt và giam giữ tại đó mà không theo thủ tục hợp pháp. Vào tháng 11 năm 2002, trung tâm này đã chính thức khai trương. Đến năm 2011, hàng trăm học viên Pháp Luân Công tại tỉnh Hồ Nam đã bị giam giữ tại đây.
Vào cuối tháng 6 năm 2010, Ngô Chí Bân và Ngô Khải Minh đã tập hợp hàng chục “trợ thủ có kinh nghiệm” tại Trung tâm Tẩy não này và tổ chức đào tạo họ để chuyển hóa các học viên Pháp Luân Công. Trong vòng 40 ngày từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 8, hơn 30 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt và tẩy não tại đó.
Tại trung tâm tẩy não này, các học viên Pháp Luân Công đã bị buộc phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công. Họ cũng bị trừng phạt bằng cách buộc phải đứng trong thời gian dài hoặc bị cấm ngủ. Thậm chí họ còn bị buộc phải trả một khoản phí cao làm “học phí”.
Các lính canh đe dọa các học viên rằng, “Một khi đã tới đây, chỉ có ba kết quả: bị chuyển hóa, bị đưa vào bệnh viện tâm thần, hoặc bị đưa vào trại lao động.” Trong số các học viên bị giam giữ, bà Đường Mẫn đã bị gửi đến bệnh viện tâm thần và bà Khương Thượng Liên đã bị nhốt trong phòng biệt giam và bị đánh đập. Trung tâm Tẩy não này được đặt tên là “Đơn vị Kiểu mẫu Quốc gia” và tuyên bố “tỷ lệ chuyển hóa” của các học viên cao tới 90%.
Dưới sự lãnh đạo của Ngô Chí Bân và Ngô Khải Minh, vào tất cả những cái gọi là “ngày nhạy cảm” của Trung Cộng, các thành viên từ Phòng 610 quận và huyện, các đồn công an và văn phòng cộng đồng sẽ giám sát, theo dõi hoặc sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công cùng các thân nhân trong gia đình của họ. Ngô Chí Bân và Ngô Khải Minh thường đến các văn phòng cấp quận và huyện để “kiểm tra”, khuyến khích nhân viên ở các cấp khác nhau tham gia vào việc bức hại.
Theo thống kê hiện có, từ năm 2001 đến năm 2011, ít nhất 42 học viên Pháp Luân Công ở Thành phố Trưởng Sa đã bị bức hại đến chết. Tạ Thụ Lâm, Ngô Chí Bân và Ngô Khải Minh đều phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho tất cả các vụ bắt giữ, giam cầm, tẩy não, cưỡng bức lao động và các án tù mà các học viên Pháp Luân Công ở Thành phố Trưởng Sa đã phải chịu, cũng như những nguyên nhân dẫn đến sự tử vong, suy sụp tinh thần, vô gia cư, hay cả những người hiện vẫn đang mất tích.
Mọi bài viết, hìnhảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/21/429828.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/8/194976.html
Đăng ngày 04-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.