Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Bắc Kinh
[MINH HUỆ 16-08-2021] Xử phạt những kẻ vi phạm nhân quyền đã trở thành một trọng tâm ở các quốc gia dân chủ như một cách để chống lại những hành vi vi phạm nhân quyền tàn bạo trên toàn cầu. Sau khi Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Magnitsky vào năm 2016, Canada, Anh và 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu đã ban hành luật tương tự. Úc và Nhật Bản cũng đang làm giống vậy.
Theo luật này, vốn để áp dụng trừng phạt với những kẻ vi phạm nhân quyền đã biết, các học viên Pháp Luân Công đã lập ra các danh sách của những thủ phạm tham gia bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Hàng năm, họ nộp nhiều danh sách lên các quốc gia dân chủ, hối thúc họ trừng phạt những thủ phạm bị nêu tên.
Bắt đầu từ ngày 14 tháng 7 năm 2021, các học viên Pháp Luân Công ở hơn 30 quốc gia đã nộp danh sách gần đây nhất của những thủ phạm tham gia bức hại Pháp Luân Công cho chính phủ của họ. Các học viên đang kêu gọi trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền này, gồm việc từ chối không cho họ được nhập cảnh và đóng băng tài sản ở nước ngoài của họ.
Một cái tên trong danh sách này là Hoàng Thanh Hoa.
Thông tin về thủ phạm
Tên đầy đủ của kẻ bức hại: Hoàng (họ) Thanh Hoa (tên) (tiếng Hán: 黄清华)
Giới tính: Nữ
Quốc tịch: Trung Quốc
Chức vụ:
2000 – 2008: Trưởng khu số 8 của Nhà tù nữ Bắc Kinh
2008 – Hiện tại: Trưởng Phòng 610 của Nhà tù nữ Bắc Kinh
Tiểu sử
Khu số 8 của Nhà tù nữ Bắc Kinh từng là Trại tạm giam trẻ vị thành niên Bắc Kinh. Vào năm 2004 trại đã được sáp nhập vào Nhà tù nữ Bắc Kinh và trở thành Khu số 8 của nhà tù. Do Hoàng Thanh Hoa đứng đầu, nơi này vẫn là “khu nhà tù kiểu mẫu” dưới sự quản lý của Cục Quản lý nhà tù Bắc Kinh vì bức hại Pháp Luân Công cả trước và sau khi được sát nhập vào Nhà tù nữ Bắc Kinh.
Năm 2001, nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại dã man tại trại tạm giam vị thành niên Bắc Kinh khi trung tâm này nhận được giải thưởng “đơn vị tiên tiến và văn minh” trong hệ thống an ninh công cộng. Trong nhiều lần, bí thư của Ủy ban Pháp chế thành phố Bắc Kinh, Cường Vệ, đã đến thăm địa điểm này để kiểm tra và khen ngợi các lính canh. Hoàng Thanh Hoa cũng được đề bạt làm trưởng khu vì “những đóng góp tốt” của bà ta trong việc chỉ đạo cuộc bức hại.
Một khía cạnh quan trọng của cuộc bức hại là buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ, mà chính quyền gọi là “chuyển hóa”. Trong số tất cả các lính canh làm việc cho Nhà tù nữ Bắc Kinh, Hoàng Thanh Hoa đã nhận được nhiều giải thưởng nhất vì đã buộc các học viên từ bỏ đức tin của họ, bao gồm “Đảng viên Đảng Cộng sản xuất sắc”, “Cán bộ tiên tiến quốc gia trong hệ thống hành chính tư pháp”, “Cán bộ Ủy ban Chính trị và Pháp luật được bầu chọn bởi Cục nhà tù thành phố Bắc Kinh” “Cán bộ kiểu mẫu của Uy ban Chính trị và Pháp luật Bắc Kinh”,“Cán bộ được lòng dân của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Bắc Kinh”,“ Hình mẫu quốc gia và Cán bộ lãnh đạo ”và“ Chuyên gia chuyển hóa cấp độ Cục.“
Ngày 1 tháng 12 năm 2005, Nhật báo Bắc Kinh đưa tin: “Hoàng Thanh Hoa, nữ, là trưởng Khu số 8 của Nhà tù nữ Bắc Kinh. Bà đã lãnh đạo các Đảng viên và cán bộ công an trong khu, đặc biệt là trong công tác chuyển hóa ‘Pháp Luân Công’… đã góp phần cùng toàn xã hội đấu tranh chống lại tà giáo này”.
Vào ngày 11 tháng 3 năm 2009, Trang mạng phụ nữ Bắc Kinh báo cáo rằng: “[Nhà tù nữ Bắc Kinh] đã liên tục duy trì sự ổn định và an ninh kể từ khi thành lập. Nơi đây dẫn đầu trong việc chuyển hóa tội phạm ‘Pháp Luân Công’ trên khắp cả nước. Nhà tù đã nhận được nhiều danh hiệu danh dự, chẳng hạn như ‘Văn minh cho phụ nữ’, ‘Lãnh đạo tổ chức hàng đầu đấu tranh với Pháp Luân Công’ và ‘Tổ chức cờ đỏ Bắc Kinh‘ngày 8 tháng3’.” (Ngày 8 tháng 3 là Ngày Quốc tế Phụ nữ ở Trung Quốc.)
Tội ác chính
Các phương pháp bức hại mà Hoàng Thanh Hoa sử dụng đối với các học viên Pháp Luân Công là vô cùng xấu xa. Ngoài các phương pháp tra tấn thường được sử dụng, chẳng hạn như cấm ngủ, không cho phép sử dụng nhà vệ sinh, sử dụng nhục hình và thẩm vấn không ngừng nghỉ, Hoàng còn triển khai hai phương pháp đặc biệt khác đó là “gặp gỡ xây dựng thiện cảm” và “Tội do liên đới”.
“Gặp gỡ xây dựng thiện cảm” thực chất là các buổi chỉ trích, trong đó các tù nhân bị buộc phải kích động lòng thù hận đối với các học viên Pháp Luân Công. Phương pháp này đi đôi với “Tội do liên đới”, trong đó các tù nhân bị cấm ngủ hoặc không được tắm, hoặc bị cấm các quyền cơ bản khác, nếu họ được giao nhiệm vụ giám sát các học viên. Điều này sẽ gây áp lực to lớn lên các học viên, để buộc họ phải khuất phục.
Ngoài việc bức hại cá nhân các học viên Pháp Luân Công, Hoàng Thanh Hoa còn huấn luyện nhiều lính canh bao gồm Trịnh Ngọc Mai, Trương Hải Na, Lý Hiểu Na, Tào Diễm Mai và Lý Trị. Sau khi trở thành đội trưởng “Phòng 610” của Nhà tù nữ Bắc Kinh vào năm 2009, Hoàng đã trực tiếp giám sát cuộc bức hại đối với các học viên Pháp Luân Công trong nhà tù và thường làm ngơ trước những hành vi ngược đãi thân thể của các học viên, đặc biệt là các hành vi thực hiện bởi các lính canh Lưu Nghịnh Xuân và Trương Hải Na.
Kết quả của tra tấn, học viên bà Cung Thụy Bình bị suy sụp tinh thần và bà Dương Kim Hương bị ngã và gãy răng cửa, sau khi bà rơi vào trạng thái mê sảng vì bị cấm ngủ thời gian dài.
Hoàng cũng hướng dẫn các tù nhân khác bắt nạt và xúc phạm bà Viên Lâm để khiến bà rút đơn kiện nhà tù. Khi bà ta chỉ thị cho lính canh Tào Diễm Mai và những người khác tra tấn bà Lý Tuyết Bân, họ cho rằng bà Lý bị bệnh tâm thần.
Các học viên khác bị Hoàng tra tấn bao gồm bà Trữ Đồng, bà Ngu Bồi Linh và bà Trần Phượng Tiên.
Với tư cách là người đứng đầu Khu số 8, Hoàng Thanh Hoa phải chịu trách nhiệm chính về tất cả các cuộc bức hại đối với các học viên Pháp Luân Công trong khu. Với tư cách là trưởng Phòng 610 của nhà tù, bà ta phải trực tiếp chịu trách nhiệm về việc tra tấn và tẩy não các học viên Pháp Luân Công trong nhà tù.
Sau đây là một số trường hợp bị bức hại trong nhà tù:
Trường hợp 1
Bà Cảnh Kim Nga 60 tuổi, bị tra tấn cả về tinh thần và thể xác khi ở trong nhà tù. Do bị tra tấn trong thời gian dài và bị bức hại tàn nhẫn, bà đã mắc bệnh tiểu đường. Các lính canh ra lệnh cho các tù nhân khác theo dõi bà và không cho bà ăn. Mặc dù thực tế bà gầy gò và rất yếu, bà vẫn bị buộc phải làm công việc không công hàng ngày. Khi gia đình thấy tình trạng sức khỏe của bà xấu đi, họ đã yêu cầu tạm tha y tế cho bà nhiều lần. Tuy nhiên, mọi yêu cầu đều bị nhà tù từ chối. Bà đã qua đời trong nhà tù vào ngày 10 tháng 6 năm 2010.
Trường hợp 2
Bà Đỗ Quyên là một thầy thuốc Trung Y. Vào năm 2004 bà bị bắt và bị kết án tại Nhà tù nữ Bắc Kinh vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Bởi vì bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, các lính canh đã biệt giam bà vào tháng 8 năm 2005 và giam bà ở đó trong một năm.
Các lính canh đã thành lập một “đội giáo huấn” gồm các tù nhân, những người theo dõi bà suốt ngày đêm. Đôi khi họ cấm bà ngủ vào ban đêm hoặc bắt bà đứng hoặc ngồi mà không được di chuyển trong nhiều giờ, điều này thường khiến bà bị phù nề nghiêm trọng. Việc tra tấn và đánh đập dã man khiến vùng xung quanh xương cụt của bà bị mưng và chảy mủ. Cơ thể bà đầy những vết bầm tím. Ngoài việc bị tra tấn về thể xác, bà còn liên tục bị chửi rủa và đe dọa.
Vào ngày 6 tháng 5 năm 2010 bà Đỗ lại bị bắt và bị đưa đến Nhà tù nữ Bắc Kinh vào năm 2011. Lần này, bà bị tra tấn dã man đến mức phát bệnh ung thư và bên bờ vực cái chết. Người thân của bà liên tục yêu cầu để bà được tạm tha điều trị y tế nhưng nhà tù đều từ chối yêu cầu. Bà đã qua đời vào ngày 14 tháng 6 năm 2011 ở tuổi 57.
Trường hợp 3
Vào ngày 29 tháng 11 năm 2016 bà Liễu Diễm Mai bị bắt và nhà của bà đã bị lục soát. Sau đó bà bị kết án bốn năm tại Nhà tù nữ Bắc Kinh. Vào ngày 24 tháng 1 năm 2018, gia đình nhận được cuộc gọi từ Nhà tù nữ Bắc Kinh, thông báo rằng bà Liễu đang bị bệnh nặng. Khi gia đình vội vã đến nhà tù, họ được thông báo rằng bà Liễu bị suy đa tạng và không có khả năng chữa trị. Bà mất vào ngày 12 tháng 11 năm 2018 ở tuổi 52.
Trường hợp 4
Vào ngày 21 tháng 6 năm 2017 bà Trương Thục Hương bị bắt và bị kết án ba năm tại Nhà tù nữ Bắc Kinh. Bà bị chuyển đến Khu số 3 của nhà tù cùng với hơn 60 học viên vào ngày 1 tháng 8 năm 2018, do Trương Hải Na quản lý, một trong những lính canh được Hoàng huấn luyện. Kết quả của sự tra tấn, bà Trương bị bệnh tiểu đường nghiêm trọng và huyết áp cao. Tự nhận mình là người “giúp đỡ bà” kiểm soát lượng đường trong máu, tù nhân được giao nhiệm vụ theo dõi bà Trương đã cho bà ăn rất ít trong mỗi bữa ăn và không cho bà uống nước. Bà Trương nhanh chóng trở nên tiều tụy và mất khả năng kiểm soát. Bà bắt đầu bị suy nội tạng và bên bờ vực cái chết. Bà được đưa về nhà trong xe cấp cứu vào ngày 3 tháng 4 năm 2019. Bà vẫn nằm liệt giường kể từ đó và qua đời một năm sau vào ngày 30 tháng 3 năm 2021 ở tuổi 73.
Trường hợp 5
Bà Lý Lị từng là phó giáo sư. Năm 2009, bà bị bỏ tù tại Nhà tù nữ Bắc Kinh. Để được giảm thời hạn, các tù nhân đã không nương tay trong việc tra tấn bà. Bà Lý bị quản thúc nghiêm ngặt, bị cấm ngủ hơn mười ngày và bị buộc phải ngồi thẳng lưng trên một chiếc ghế đẩu nhỏ bằng nhựa suốt ngày đêm. Bà không được phép tắm rửa hoặc sử dụng nhà vệ sinh. Bà bị buộc phải xem video và đọc những cuốn sách phỉ báng Pháp Luân Công và viết báo cáo tư tưởng. Bà đã viết một số bức thư vạch trần cuộc bức hại, sau đó đã bị chặn lại bởi các tù nhân khác được giao nhiệm vụ theo dõi bà. Bà cũng yêu cầu được gặp ban lãnh đạo nhà tù để khiếu nại về sự tra tấn mà bà phải chịu đựng, nhưng các lính canh và tù nhân đã chặn bà lại. Khi được thả, mắt của bà Lý đã bị tổn thương nghiêm trọng. Bà đã qua đời trong một căn hộ thuê ở Bắc Kinh vào ngày 6 tháng 11 năm 2015 ở tuổi 62.
Trường hợp 6
Bà Ngu Bội Linh tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Y Bắc Kinh và làm việc như một nhà nghiên cứu khoa học y tế. Bà đã bị kết án ba lần với tổng cộng mười năm tù, trong đó có hai lần ở Nhà tù nữ Bắc Kinh. Năm 2005, bà Ngu bị bỏ tù tại Khu số 8 của Nhà tù nữ Bắc Kinh. Vì bà từ chối viết bản tuyên bố từ bỏ đức tin, Hoàng Thanh Hoa và các lính canh khác đã bỏ đói bà, cấm bà mua băng vệ sinh và giấy vệ sinh, hoặc thay đồ lót trong kỳ kinh nguyệt.
Ban đầu, bà không được phép sử dụng nhà vệ sinh. Bà buộc phải đi tiểu vào một cái xô lớn và tự mình đổ vào bồn cầu. Sau đó, bà không được phép đi tiểu hay đại tiện gì cả. Khi bà buộc phải đi tiểu tiện trong quần, các lính canh đã cấm bà không được giặt hoặc thay quần áo trong nhiều ngày, khiến phần hông của bà bị mưng mủ và không lành lại được sau thời gian dài.
Hoàng Thanh Hoa sau đó đã biệt giam bà Ngu và chỉ đạo các tù nhân tra tấn bà. Bà bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ mà không được cử động. Khi bà ngủ say, các tù nhân dội nước lạnh lên người bà. Họ còn đá vào đùi và mông khiến đùi phải của bà bị sưng tấy và thâm tím.
Bà Ngu trở nên vô cùng yếu ớt sau các cuộc tra tấn. Bà không thể giữ thăng bằng và thường bị ngã khi đi, đứng, hoặc thậm chí ngồi trên ghế đẩu. Vì bị cấm ngủ lâu ngày nên bà thường xuyên trong trạng thái mụ mị. Hoàng Thanh Hoa cáo buộc bà mắc chứng thần kinh và tiếp tục đánh đập và lăng mạ bà để buộc bà từ bỏ Pháp Luân Công.
Trường hợp 7
Một chân của bà Trần Phượng Tiên đã bị tàn tật. Bà đã bị kết án tám năm trong Nhà tù nữ Bắc Kinh vào năm 2009. Các lính canh và tù nhân đã tra tấn bà trong phòng vệ sinh không có camera giám sát. Bà bị cấm ngủ và buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ cả ngày. Bà luôn bị bỏ đói, không được mua những nhu yếu phẩm hàng ngày như giấy vệ sinh, hay liên lạc với người nhà. Bà chỉ được sử dụng nhà vệ sinh rất hạn chế và thường phải dùng hộp đựng đồ ăn trưa và bát để đi tiểu. Trong suốt mùa đông, bà chỉ được phép mặc một chiếc áo sơ mi duy nhất và bị giam giữ trong căn phòng với cửa sổ mở để chịu cái rét lạnh cóng.
Trường hợp 8
Vào tháng 10 năm 2003 bà Dương Anh bị kết án tám năm tù, trong khi chồng bà là ông Trương Ngạn Bân bị kết án chín năm tù. Tại Khu số 8 của Nhà tù nữ Bắc Kinh, các học viên đôi khi chia sẻ các bài giảng của Pháp Luân Công với nhau. Một lần, lính canh đã tìm thấy bài giảng. Không muốn các học viên khác bị tra tấn, bà Dương tuyên bố rằng các bài giảng là của bà. Kết quả là Hoàng Thanh Hoa bắt bà ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ quay mặt vào tường và viết lời khai thừa nhận hành vi sai trái của mình. Đầu năm 2007, bà Dương rơi vào trạng thái mê sảng và suy sụp tinh thần. Bà sợ người khác và hét lên bất cứ khi nào bà nhìn thấy ai đó. Tuy nhiên, các lính canh vẫn tiếp tục tra tấn bà.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/16/429648.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/4/194917.html
Đăng ngày 30-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.