[MINH HUỆ 03-09-2021] Xử phạt những kẻ vi phạm nhân quyền đã trở thành sự đồng thuận tại các quốc gia dân chủ. Sau khi Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Magnitsky vào năm 2016, chính phủ các nước như Canada, Vương quốc Anh và 27 nước thành viên khối Thịnh vượng chung Châu Âu (EU) cũng đã ban hành những đạo luật tương tự. Úc và Nhật Bản cũng đang xúc tiến trong vấn đề này.
Theo đạo luật này, học viên Pháp Luân Công đã lập danh sách các thủ phạm liên quan đến cuộc bức hại Pháp Luân Công trong những năm qua. Hàng năm, họ đã đệ trình nhiều danh sách lên các chính phủ, thúc giục họ xử phạt những kẻ vi phạm có tên trong danh sách.
Từ ngày 14/7/2021 học viên Pháp Luân Công ở hơn 30 quốc gia đã đệ trình danh sách các thủ phạm liên quan đến cuộc bức hại Pháp Luân Công lên chính phủ nước sở tại, kêu gọi xử phạt những kẻ vi phạm nhân quyền, bao gồm từ chối nhập cảnh và phong tỏa tài sản ở nước ngoài.
Một đối tượng được nêu tên trong danh sách này là Trương Giang Đinh.
Thông tin thủ phạm
Tên đầy đủ: Trương (họ) Giang Đinh (tên)
Giới tính: Nam
Quốc tịch: Trung Quốc
Năm sinh: tháng 9 năm 1961
Nơi sinh: thành phố Xương Ấp, tỉnh Sơn Đông
Chức danh
Tháng 1/1998: Chủ tịch kiêm Phó Bí thư Thành ủy thành phố Chư Thành, tỉnh Sơn Đông
Tháng 1/2001: Ủy viên Ban thường vụ thành ủy Duy Phường, Bí thư Thành ủy thành phố Chư Thành (tháng 7/1999 – tháng 3/2002)
Tháng 12/2002: Ủy viên Ban thường vụ thành ủy thành phố Duy Phường
Tháng 3/2003: Phó Chủ tịch kiêm phó Bí thư Thành ủy thành phố Duy Phường
Tháng 10/2006: Phó Bí thư Thành ủy , Quyền Chủ tịch và Chủ tịch thành phố Yên Đài (tháng 10/2006 – tháng 3/2015)
Tháng 5/2011: Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng ban Thường trực Đại hội đại biểu nhân dân thành phố Yên Đài
Tháng 4/2015: Ủy viên Ban thường vụ kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Sơn Đông (tháng 4/2015 – tháng 5/2017)
Tháng 3/2017: Ủy viên ban Thường vụ kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Sơn Đông, kiêm Bí thư Thành ủy thành phố Thanh Đảo
Tháng 6/2007: Ủy viên ban Thường vụ tỉnh Sơn Đông, kiêm Bí thư Thành ủy thành phố Thanh Đảo (tháng 6/2017 – tháng 12/2018)
Tháng 1/2019: Miễn nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy Thanh Đảo
Tháng 2/2019: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn Đông, Bộ trưởng Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất
Những tội ác chính:
Kể từ khi cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7/1999, Sơn Đông là một trong những tỉnh thực hiện gắt gao những chính sách này. Các lãnh đạo tỉnh Sơn Đông đã mạnh tay triển khai thừa lệnh Giang Trạch Dân tiến hành cuộc đàn áp.
Từ tháng 12/2001, Trương Giang Đinh đã được Minh Huệ Net liệt vào danh sách đối tượng phạm tội chủ chốt. Những vụ đàn áp nghiêm trọng nhất diễn ra tại các thành phố nơi Trương Giang Đinh từng giữ các chức vụ quan trọng. Theo số liệu thống kê hiện có, trong nhiệm kỳ của ông ta, ít nhất 23 học viên Pháp Luân Công đã chết do bị bức hại và nhiều người bị buộc phải lao động cưỡng bức hoặc bị kết án tù. Nhiều học viên đã bị bắt, bị giam giữ, bị tống tiền, mất việc làm, hoặc họ bị buộc phải rời khỏi nhà để tránh bị bắt giữ. Trương Giang Đinh phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những tội ác tra tấn và những cái chết diễn ra trong thời gian ông ta cầm quyền.
Dưới đây là một số tội ác của Trương Giang Đinh:
1. Từ tháng 6/2017 đến tháng 12/2018
Thời Trương Giang Đinh là Bí thư Thành ủy thành phố Thanh Đảo, cảnh sát Thanh Đảo đã lợi dụng Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải như một cái cớ để bắt giữ, đe dọa, theo dõi và sách nhiễu những người dân tu luyện Pháp Luân Công. Hầu như tất cả những người bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công trước khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999 đều bị sách nhiễu. Theo thống kê hiện có, ít nhất 227 người bị bắt, 29 người bị kết án, 30 người bị xét xử, 143 người bị cảnh sát quấy rối, và ít nhất 3 người (bà Lưu Thục Hương, bà Sinh Tích Lan và bà Thái Dĩnh) đã chết do bị bức hại.
Vào ngày 17/10/2017, vụ bắt giữ ông Công Phi Khải và vợ là một phần trong chiến lược bắt bớ trên diện rộng. Tháng 7 năm sau, ông bị kết án 7 năm rưỡi tù giam với khoản tiền phạt 20.000 nhân dân tệ. Vào ngày 12/4/2021, ông Công chết trong nhà tù Tế Nam. Theo các nhân chứng, đầu ông Công bị sưng và bị chảy máu ở tai.
Bà Thái Dĩnh, một phiên dịch viên, bị bắt vào ngày 26/4/2018. Bà bị đưa đến Trại giam số 2 Phố Đông vào ngày hôm sau. Bà Thái đã tuyệt thực và bị bức thực dã man. Bà qua đời vào ngày 8/5, chưa đầy hai tuần sau đó, hưởng thọ 48 tuổi.
2. Từ tháng 4/2015 đến tháng 5/2017
Từ tháng 4/2015 đến tháng 5/2017, Trương Giang Đinh giữ chức Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Sơn Đông. Trong thời gian này, nhiều học viên đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, kẻ đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công lên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao. Nhưng đổi lại, Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Sơn Đông dưới sự chỉ đạo của Trương Giang Đinh, đã ra lệnh bắt giữ và sách nhiễu quy mô lớn đối với các học viên. Riêng tại thành phố Đức Châu, ít nhất 158 học viên trở thành mục tiêu đàn áp sau ngày 31/72015. 81 người bị giam giữ, ít nhất 41 người bị quấy rối, và 10 người bị xử phạt tại nơi làm việc của họ sau khi bị sách nhiễu và giam giữ.
Ngày 22/10/2015 bà Tôn Tú Cúc bị bắt cóc và giam giữ tại nhà tù thành phố Đức Châu và qua đời vào ngày 3/11 khi mới 45 tuổi.
Vào ngày 20 và 24 tháng 8/2015, hơn 20 học viên ở thành phố Long Khẩu bị bắt, bao gồm cả ông Tống Hồng Điền và bà Trần Quế Hoa. Để buộc họ từ bỏ đức tin của mình, công an đã đánh đập, tra tấn và phạt tiền. Các thành viên trong gia đình họ cũng bị đe dọa. Thân thể của nhiều người trong số họ bị biến dạng do bị đánh đập.
Trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến ngày 16/11/2015, hơn 100 học viên đã bị bắt và giam giữ tại nhà tù thành phố Liêu Thành.
Bà Lý Tú Phần bị bắt cóc vào ngày 15/10/2015. Ngày 14/11 bà qua đời chỉ sau 1 tháng bị giam giữ bất hợp pháp. Thi thể của bà được hỏa táng vội vàng hai ngày sau đó. Gia đình bà Lý cho biết trông bà rất tiều tụy và hầu như không thể nhận ra. Các nguồn tin bên trong sở cảnh sát địa phương tiết lộ rằng bà Lý đã bị bức thực và đánh đập dã man sau khi bà tuyệt thực để phản đối việc bị giam giữ bất hợp pháp. Nhiều lần bà cũng bị cưỡng bức uống nhiều thuốc không rõ nguồn gốc.
Theo thống kê năm 2016, ít nhất 773 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông bị sách nhiễu, 643 người bị bắt và 132 người bị kết án tù. Các học viên qua đời do bị bức hại bao gồm bà Liễu Diệu Hoa, ông Vương Nghĩa Tuân và bà Lưu Hoài Phượng.
Vào ngày 6/9/2015 ông Vương Nghĩa Tuấn, 65 tuổi, bị bắt cóc và giam giữ. Tháng 7/2016 ông bị kết án phi pháp 3,5 năm tù. Vào ngày 25/9 ông Vương qua đời tại trại giam thành phố Thanh Châu. Gia đình ông nghi ngờ là có hành vi ngược đãi vì cơ thể ông Vương có màu xanh lam.
Tháng 4/2017, bà Quách Ái Liên, 73 tuổi, nhiều lần bị công an sách nhiễu. Bà bị bắt đến đồn cảnh sát, bị thẩm vấn và bị áp lực buộc phải từ bỏ đức tin. Vì liên tục bị quấy rối, đe dọa và giám sát, bà Quách rơi vào tình trạng căng thẳng tột độ, không ăn không ngủ được và qua đời vào ngày 10/5/2017.
3. Từ tháng 10/2006 đến tháng 3/2015
Khi Trương Giang Đinh là Phó Bí thư Thành ủy, Quyền Chủ tịch và Chủ tịch thành phố Yên Đài, nhiều học viên ở thành phố Yên Đài bị bắt cóc, đưa đến các trung tâm tẩy não và bị lục soát nhà cửa. Một số học viên bị kết án tù nặng nề. Ít nhất 8 học viên đã bị thiệt mạng bao gồm: Long Liên Chính, Từ Thừa Bổn, Vương Vĩnh Thượng, Lưu Lệ Hoa, Trương Quế Hiếu, Vương Quế Cần, Phó Tân Lập và Ngô Gia Tuấn.
Theo Minh Huệ Net, chỉ riêng năm 2011, có ít nhất 8 học viên tại Yên Đài bị kết án tù, 30 người bị bắt vào trại lao động, hơn 30 người bị đưa đến các trung tâm tẩy não và khoảng 300 người bị bắt bớ, sách nhiễu, lục soát nhà cửa. Ít nhất 4 học viên bị bức hại đến chết và khoảng 10 học viên buộc phải bỏ nhà để tránh bị bức hại. Chính quyền tống tiền các học viên ít nhất 1,4 tỷ nhân dân tệ và tịch thu nhiều tài sản cá nhân của họ.
Tháng 11/2011, ông Trương Quế Hiếu bị bắt và đưa đến trung tâm tẩy não. Người ta có thể nghe thấy tiếng ông gào thét vì bị tra tấn suốt ngày đêm. Ngày 1/12, chỉ 20 ngày sau đó, ông đã bị đánh đập đến chết. Gia đình ông không được phép nhìn thấy thi thể của ông.
Năm 2012, hơn 200 học viên Pháp Luân Công tại Yên Đài trở thành mục tiêu bức hại. 130 người bị bắt cóc; 17 người bị kết án tù phi pháp; 17 người khác bị đưa đến trại lao động cưỡng bức; 36 người bị sách nhiễu và nhà cửa bị lục soát; 4 người bị buộc phải rời khỏi nhà và 2 người chết.
Tháng 3/2013, ông Ngô Gia Tuấn bị bắt và bị kết án phi pháp 3 năm tù. Ông bị đã bị tra tấn nghiêm trọng. Quản lý nhà tù không cho ông tại ngoại để điều trị trước khi ông chết và cũng không giao thi thể của ông cho gia đình.
4. Từ tháng 7/1999 đến tháng 12/2002
Trong giai đoạn này, Trương Giang Đinh giữ chức chủ tịch kiêm Bí thư Thành ủy thành phố Chư Thành, tỉnh Sơn Đông. Các học viên gồm bà Dương Quế Chân, bà Mã Diễm Phương và bà Lý Hương Lan đã chết vì bị tra tấn.
Tháng 9/2000, bà Dương Quế Chân, khoảng 40 tuổi, bị bắt giam tại trại giam thành phố Chư Thành. Bà Dương đã bị tra tấn. Công an xúi giục các phạm nhân đánh đập, còng tay bà vào ghế sắt và tra tấn bà trong 4 ngày. Vào ngày 17/10, không còn chút sức lực và gần kề cái chết, bà bị ngã khụy và bất tỉnh khi cố gắng đi vào nhà vệ sinh. Lính canh vẫn còng tay bà vào ghế. Cuối cùng bà đã chết trong trại giam.
Bà Mã Diễm Phương, khoảng 30 tuổi, làm việc tại nhà máy gốm sứ thành phố Chư Thành. Bà bị Ủy ban Chính trị Pháp luật và Phòng 610 địa phương bắt và đưa đến một bệnh viện tâm thần dù bà không hề có vấn đề gì về thần kinh. Tháng 8/2000, bà bị tra tấn đến chết trong bệnh viện tâm thần.
Sáng ngày 15/4/2001, bà Lý Hương Lan, 49 tuổi, đã qua đời một ngày sau khi bà được thả ra, trên người đầy thương tích và hầu như không còn sống. Gia đình bà bị đe dọa không được khởi kiện hay khiếu kiện thay cho bà.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/5/429170.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/3/194907.html
Đăng ngày 30-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.