Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Úc
[MINH HUỆ 22-07-2021] Một bài hát có tên: “Quảng trường Thiên An Môn, xin hãy nói cho tôi biết” đã khiến nhiều người trên thế giới xúc động và rơi lệ.
Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công. Đối mặt với cuộc bức hại bàng hoàng đó, các học viên đã đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp). Họ đã đến Quảng trường Thiên An Môn để nói cho mọi người biết: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo! ”.
Trong những ngày đó, các biểu ngữ mang dòng chữ: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” và “Chân-Thiện-Nhẫn hảo!” có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi trên Quảng trường Thiên An Môn.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, rất nhiều học viên Pháp Luân Công đã đến Quảng trường Thiên An Môn và giương cao các biểu ngữ để nói với thế giới rằng “Pháp Luân Đại Pháp hảo, và Chân-Thiện-Nhẫn hảo!”
“Một trang sử huy hoàng!”
Mạnh Quân là một cựu giảng viên Khoa Điện tại Đại học Thanh Hoa, đã bị ĐCSTQ bắt giam phi pháp 10 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau đó, anh đã được giải cứu đến Úc và hiện đang là kỹ sư phần mềm cao cấp của một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Anh đã chia sẻ: “Sau ngần ấy năm, khi tôi nhớ lại những hành động anh hùng của vô số học viên Pháp Luân Công khi đến Quảng trường Thiên An Môn, đó là những khoảnh khắc cảm động và sẽ mãi mãi để lại một trang huy hoàng trong lịch sử. ĐCSTQ cuối cùng sẽ bị sụp đổ vì đã bức hại những người tốt, còn sự kiên định và dũng khí của các học viên Pháp Luân Công sẽ mãi mãi là một khoảnh khắc chói sáng trong lịch sử nhân loại”.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, Mạnh Quân đã biết được chuyện lúc họ đến Quảng trường Thiên An Môn, nhiều học viên đã bị cảnh sát đánh đập tàn bạo. Có nhiều người bị đánh đến bất tỉnh, cảnh sát đã chở những người này đến ngoại ô Bắc Kinh và bỏ lại họ bên lề đường cho đến chết. Khi các học viên tỉnh lại, một số thì đi bộ trở về Bắc Kinh còn số khác thì quay trở lại Quảng trường Thiên An Môn.
Mạnh Quân cảm thấy mình cũng nên đến Quảng trường Thiên An Môn. Anh nói: “Nếu tôi lùi bước khi đối mặt với khó khăn, tôi sẽ khiến bản thân mình thất vọng. Tôi cảm thấy mạnh mẽ khi nghĩ rằng các đệ tử Đại Pháp đều là người thân của nhau và tôi không thể chịu đựng được khi thấy họ đau khổ. Tôi cảm thấy mình cần phải phơi bày câu chuyện đau lòng này”.
Anh nói thêm: “Nhưng thực sự làm được điều này không hề dễ dàng, chủ yếu là vì tôi chưa vượt qua được quan sinh tử hoặc sợ bị bắt đi tù”.
Sau một lúc do dự, Mạnh Quân quyết định cần phải suy xét thật thấu đáo nên anh đã quay trở lại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 2000. Anh đã chứng kiến cảnh các học viên giơ cao biểu ngữ và hô vang: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” hoặc đứng ra luyện công ôn hòa. Họ nhanh chóng bị cảnh sát bắt đi và bị đánh đập.
Mạnh Quân nói: “Nhìn thấy những tên côn đồ (do cảnh sát thuê) siết cổ các học viên – một số người trong đó trông giống như họ đến từ các vùng nông thôn – tôi cảm thấy rất buồn nhưng tôi không dám tham gia cùng với họ”.
“Tôi đã nghĩ về chuyện này trong vài ngày. Và cuối cùng tôi cũng quyết định: ‘Tôi sẽ quyết tâm và không nghĩ về bất cứ điều gì khác, tôi sẽ đứng lên!’ Tôi đã đưa chứng minh nhân dân và các giấy tờ của mình cho người khác giữ và lên đường chỉ với một chai nước và một chiếc mũ.
“Vào tháng 6 ở Bắc Kinh trời rất nóng, Quảng trường Thiên An Môn luôn đông đúc khách du lịch. Ngay khi tôi đến nơi, tôi thấy một cảnh sát mặc thường phục đang quay video đám đông bằng một chiếc máy ảnh thu nhỏ. Tôi bước đến bên khi anh ấy vẫn tiếp tục quay phim.
“Trong vòng năm phút, có một nhóm học viên hô vang: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” gần chỗ tượng đài. Ngay lập tức tôi nhìn thấy cảnh sát mặc thường phục xông tới tấn công các học viên.
“Một số học viên ngay lập tức bắt đầu phản đối im lặng bằng cách luyện công. Tôi cũng cởi giày, ngồi xuống và bắt đầu luyện bài công pháp số 5. Trong hai phút, tôi bị một cảnh sát mặc sắc phục nhấc tôi lên, người này tóm cổ tôi và đẩy tôi về phía một chiếc xe tải của cảnh sát. Anh ta túm tôi bằng một tay và tay còn lại vung nắm đấm đánh vào gáy tôi.
“Nhiều học viên nữa cũng đã bị tống lên xe cảnh sát. Chúng tôi bị đưa đến đồn cảnh sát Thiên An Môn và bị nhốt trong một cái lồng kim loại lớn, có khoảng gần 100 người đang bị giam giữ ở đây. Chúng tôi đã bị đưa đi nơi khác vào cuối buổi tối hôm đó. Xe buýt chở tôi đến trại giam Bắc Kinh số 13 ở quận Trường Bình. Sau khi tịch thu hết đồ đạc của tôi, cảnh sát đã tống tôi vào xà lim và giam tôi ở đó trong năm ngày”.
Trải nghiệm này đã khắc sâu trong tâm trí của Mạnh Quân. Anh nói: “Tôi đã chứng kiến và trải nghiệm sự tàn bạo và vi phạm nhân quyền trắng trợn của ĐCSTQ, trải nghiệm được sự khó khăn như thế nào để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của một người dân dưới chế độ cai trị của ĐCSTQ.
“Khoảnh khắc sinh tử đó đối với các đồng tu ở Quảng trường Thiên An Môn đã cho tôi một chút an ủi: Tôi đã có thể tiến lên và không lùi bước. Dù đã làm chưa được tốt nhưng tôi đã không khoanh tay đứng nhìn”.
“Chuyến đi đến Thiên An Môn đã khẳng định niềm tin trong tôi rằng Pháp Luân Công là chính nghĩa!”
Emma đã rời Trung Quốc vào năm 2014 để đến Úc du học và hiện đang sống ở Queensland. Emma bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công với cha mẹ cô ở Trung Quốc vào năm 1996. Cha mẹ cô đã có được sức khỏe tốt và gia đình cô trở nên hòa thuận sau khi họ bước vào tu luyện.
Khi ĐCSTQ bắt đầu cuộc đàn áp trên toàn quốc vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, cô đã không bị lừa dối bởi những lời dối trá của ĐCSTQ. Cô đã cùng bố mẹ đi đến quảng trường Thiên An Môn. Cô kể lại: “Chuyến đi đến Quảng trường Thiên An Môn đã khẳng định niềm tin của tôi rằng Pháp Luân Công là chính nghĩa!”
Emma nhớ lại ngày hôm đó: “Vào cuối năm 1999 (khi Emma 10 tuổi), gia đình chúng tôi và một số học viên địa phương đã đi tàu đến Bắc Kinh. Chúng tôi đã đến Bắc Kinh vài ngày sau đó, các học viên ở địa phương đã đến đón chúng tôi và đưa chúng tôi đi trong đêm.
“Chúng tôi được đưa đến một căn hộ và thấy nhiều học viên đến từ nhiều nơi trên đất nước đã ở đó. Dù là lần đầu gặp mặt nhưng chúng tôi đều cảm thấy rất thân thiết. Một số học viên mời chúng tôi bánh bao hấp và dưa chua mà họ mang theo. Tôi đã nhai những chiếc bánh hấp lạnh và cứng mà trong lòng cảm thấy ấm áp hơn bao giờ hết.
“Sáng hôm sau, chúng tôi bắt taxi đến Quảng trường Thiên An Môn. Có một bầu không khí căng thẳng bao trùm khắp mọi nơi, đặc biệt là khu gần cầu Kim Sư, nơi các cảnh sát mặc thường phục đang dồn khách du lịch sang một bên và bắt ép họ nói những lời lăng mạ Pháp Luân Công.
“Sau đó, dưới chân trụ cột Huabiao (Trụ cột Bạch Ngọc) phía trước Cổng Thiên đường Hòa bình, cha mẹ tôi đã giơ cao biểu ngữ có dòng chữ: “ Pháp Luân Đại Pháp hảo!”. Tất cả các học viên khác đều đứng dưới biểu ngữ và bắt đầu biểu tình ôn hòa bằng cách luyện công.
“Trong vòng một phút, còi báo động vang lên từ xa và một số cảnh sát xuất hiện. Một trong số họ đã đấm cha tôi và đánh ông ngã gục xuống trong khi những người khác bắt giữ tất cả các học viên. Chúng tôi bị đưa lên một chiếc xe tải. Mặt cha tôi không ngừng chảy máu và máu chảy đầy sàn”.
“Chúng tôi bị đưa đến đồn cảnh sát Quảng trường Thiên An Môn. Cha tôi và một sinh viên đại học bị giam trong một phòng riêng biệt. Ngay sau đó tôi nghe thấy tiếng roi quất từ căn phòng đó phát ra. Trong phòng của chúng tôi, một sĩ quan giơ nắm đấm lên trời để đe dọa một cô gái. Một viên cảnh sát khác thì ném khăn giấy bẩn vào mặt mẹ tôi. Mẹ tôi không tỏ vẻ khó chịu mà cúi xuống nhặt rác dưới sàn.
“Một nữ cảnh sát bắt một cô gái phải viết bản thú tội. Sau khi cô ấy nói đã viết xong thì nữ cảnh sát trở nên rất tức giận vì cô gái đã viết về vẻ đẹp của việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi thấy thật ngưỡng mộ các học viên xung quanh mình.
“Đến đêm, cảnh sát đã ‘còng tay chéo’ các học viên (một trong hai tay bị còng vào nhau, với một tay vắt từ trên vai và một tay vắt từ sau lưng). Vào lúc nửa đêm, tôi và mẹ bị giam trong một cái sân. Một sĩ quan đưa tôi vào phòng tắm và khám xét tôi. Tôi bị yêu cầu phải cởi bỏ tất cả quần áo của mình, kể cả tất.
“Vào đêm thứ ba, tình cờ cũng là đêm giao thừa Tết cổ truyền của Trung Quốc, chúng tôi được đưa trở về nhà từ Bắc Kinh. Trên đường đi, tâm tôi ngập tràn cảm xúc, không biết cha tôi hiện giờ đang ở đâu hay điều gì đang chờ đợi chúng tôi khi về đến nhà”.
Cha của Emma đã bị ĐCSTQ bỏ tù 8 năm và mẹ của cô gần 5 năm. Đối mặt với thảm họa lớn như vậy, cô gái trẻ Emma càng quyết tâm tu luyện Pháp Luân Công.
Emma tin rằng những gì mà những năm tháng không thể nào quên đó đã mang lại cho cô là tinh thần quý giá của các học viên Pháp Luân Công, những người sẵn sàng từ bỏ mọi thứ chỉ để nói lên sự thật.
Cô đã chia sẻ: “Đất nước Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ đã trải qua những biến động thăng trầm, và giờ đây toàn bộ xã hội đang phải đối mặt với sự suy thoái về đạo đức. Mọi người dân Trung Quốc nên biết ơn một lượng lớn các học viên Pháp Luân Công, những người đang thực hành theo nguyên lý Chân–Thiện- Nhẫn — bất chấp nguy hiểm đến sinh mệnh. Họ đang cố gắng thay đổi xã hội Trung Quốc một cách vi tế và tốt đẹp hơn”.
Sự hoảng loạn trong ĐCSTQ
Các học viên ở Trung Quốc đã đến Quảng trường Thiên An Môn để nói với thế giới rằng cuộc bức hại là sai trái. ĐCSTQ đã lo sợ việc các học viên Pháp Luân Công dám hy sinh tất cả vì sự thật. Vào ngày 23 tháng 1 năm 2001, ĐCSTQ đã dàn dựng “vụ tự thiêu ở Thiên An Môn” nhằm kích động lòng thù hận của người dân Trung Quốc đối với Pháp Luân Công.
Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, “vụ tự thiêu ở Thiên An Môn” đã bị nhiều cơ quan và tổ chức khác nhau trên thế giới chỉ ra là đã được dàn dựng.
Vào ngày 14 tháng 8 năm đó, Tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế (IEDO) đã lên án mạnh mẽ “chủ nghĩa khủng bố nhà nước” của ĐCSTQ tại hội nghị Liên Hợp Quốc liên quan đến “vụ tự thiêu Thiên An Môn”. Họ lên án “vụ tự thiêu ở Thiên An Môn” là một vụ dàn dựng để hãm hại Pháp Luân Công, liên quan đến âm mưu và những vụ giết người gây chấn động.
Tuyên bố nói rằng đoạn video: “theo quan điểm của chúng tôi cho thấy rõ ràng sự kiện này được dàn dựng bởi chính quyền [Trung Quốc]”. Phái đoàn Trung Quốc lúc đó đã không có cách nào bào chữa trước những bằng chứng áp đảo được đưa ra.
John Dowie là một học viên Pháp Luân Công ở Queensland, Úc. Anh nhớ rằng sau vụ “tự thiêu ở Thiên An Môn” vào năm 2001, một người bạn không biết nhiều về Pháp Luân Công đã đến nói với anh rằng anh ta nghe nói các học viên đã tự thiêu ở Trung Quốc.
John đã không suy nghĩ gì nhiều mà nói với bạn của mình: “Hoàn toàn không có chuyện những người tự thiêu là học viên Pháp Luân Công, các học viên sẽ không bao giờ làm như vậy “. Anh và người bạn của mình đã sớm có một đoạn video tiết lộ rất chi tiết những sai sót trong vụ “tự thiêu”. Anh đã gửi video cho nhiều người để họ biết ĐCSTQ đã vu khống Pháp Luân Công như thế nào.
John biết về Pháp Luân Công qua một người bạn vào tháng 4 năm 1999 và bắt đầu bước vào tu luyện sau khi đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân. Anh chia sẻ: “Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công ở Úc ngay trước khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20 tháng 7”. Tôi nghe tin đồn rằng Pháp Luân Công có thể sẽ sớm bị cấm ở Trung Quốc.
“Sau đó, tôi nghe nói Pháp Luân Công thực sự bị cấm ở Trung Quốc, tôi cảm thấy thật khó tin điều này bởi vì Pháp Luân Công thực sự tuyệt vời — không chỉ được học miễn phí mà còn mang lại lợi ích cho mọi người về cả tâm lẫn thân”.
John nói rằng lúc đầu các học viên ở phương Tây đã rất tức giận ĐCSTQ vì đã bức hại Pháp Luân Công. Họ không hiểu tại sao ĐCSTQ lại hành động như vậy, nhưng họ không biết làm thế nào để giúp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Họ đã mất một thời gian để nhận ra rằng họ nên ra ngoài và nói với mọi người sự thật về Pháp Luân Công và vạch trần cuộc bức hại tàn ác của ĐCSTQ.
“Thực sự không dễ dàng đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc!”
Anna Triệu là một nữ doanh nhân kinh doanh tự do ở Queensland, Australia. Cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công ở Bắc Kinh vào năm 1998 và đã thu được rất nhiều lợi ích về sức khỏe và tinh thần.
Nhìn lại năm 1999 khó quên đó, cô xúc động nói: “Mỗi lần nhớ lại chuyện này, tôi lại thấy đau lòng. Điều đó thực sự không dễ dàng đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc! Kể từ ngày ’20 tháng 7′, mỗi ngày đều có các học viên giăng biểu ngữ ở Quảng trường Thiên An Môn. Điều này đã diễn ra trong nhiều năm qua, việc làm này của các học viên thực sự rất trân quý!”.
“Vào thời điểm đó, ở mọi ngã tư đường đều có kiểm tra an ninh. Những người tham gia lưu thông trên đường đi đến Bắc Kinh đều bị yêu cầu kiểm tra giấy tờ tùy thân và đều bị tra hỏi có phải là học viên Pháp Luân Công hay không. Nếu ai đó trả lời là có thì sẽ không được phép đi đến Bắc Kinh. Nhiều học viên đã sử dụng trí tuệ và tìm cách đến Bắc Kinh bằng taxi hoặc đi qua những con đường mòn nhỏ.
“Mọi người muốn đến Bắc Kinh để nói với chính phủ rằng Pháp Luân Công đang bị bức hại sai trái dựa trên trải nghiệm tu luyện cá nhân của họ. Nhưng khi họ đến Văn phòng thỉnh nguyện của Bắc Kinh thì không ai muốn nghe họ nói. Thay vào đó, họ lại bị cảnh sát trực tiếp bắt đi. Sau đó, họ không đến Văn phòng thỉnh nguyện mà đi thẳng đến Quảng trường Thiên An Môn để thỉnh nguyện.
“Mỗi ngày, tại Quảng trường Thiên An Môn đều có các học viên giương cao biểu ngữ: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo!”. Dòng chữ này được viết trên đó, thực sự rất cảm động. Ngay sau khi họ giăng lên các biểu ngữ thì cảnh sát vũ trang và cảnh sát mặc thường phục sẽ xông tới và đánh họ, cảnh tượng đó khiến tôi rơm rớm nước mắt mỗi lần nhớ lại”.
Anna tu luyện Pháp Luân Công chưa đầy một năm thì ĐCSTQ phát động cuộc bức hại. Cô đã rất ngạc nhiên khi thấy tất cả những lời vu khống chống lại Pháp Luân Công xuất hiện trên TV.
Cô nhớ lại, “Tôi nghĩ thật là ngớ ngẩn nếu có ai đó từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công sau khi xem những lời vu khống trên TV, bởi vì tôi đã được hưởng lợi rất nhiều từ môn tu luyện này. Nhưng hồi đó tất cả các đài truyền hình đều chiếu những bài tuyên truyền vu khống được ghi âm sẵn suốt ngày đêm, nên có nhiều người không biết rõ về Pháp Luân Công đã bị tẩy não”.
Thời tiết nóng bất thường trong suốt tháng 7 và tháng 8 năm 1999. Anna và em gái của cô đều là cư dân của Bắc Kinh. Họ thấy rất nhiều học viên từ khắp nơi trên đất nước đã phải vượt qua nhiều khó khăn để đến được Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Hầu hết trong số họ đều là những người không khá giả về tài chính. Họ chờ đợi trên đường phố với hy vọng chính phủ sẽ đưa ra câu trả lời.
Anna và em gái của cô cũng muốn làm điều gì đó. Vài ngày sau ngày 20 tháng 7 năm 1999, Anna đang mang thai năm tháng cùng em gái đã mang rất nhiều thức ăn đến Quảng trường Thiên An Môn để đưa cho các học viên.
Em gái của Anna đã in nhiều bản sao các bài giảng mới của Sư phụ, một học viên đã nhận và hứa sẽ phân phát cho các học viên khác. Sau đó, Anna đã đọc được trên trang web Minh Huệ (Minghui.org) và biết được người học viên này đã bị ĐCSTQ tra tấn đến chết.
Khi con của Anna được bảy tháng tuổi, cô đã đi đến Quảng trường Thiên An Môn với đứa bé trên tay. Trong lúc các học viên đến từ các nơi khác đang giơ cao biểu ngữ thì cô vừa bế con vừa giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho những người dân xung quanh. Cô đã bị bắt giam ở đồn cảnh sát Thiên An Môn vào ngày hôm đó.
Khi con cô được mười tháng tuổi, cô lại đi đến Quảng trường Thiên An Môn. Lần này cô đã bị bắt giam tại nhà tù quận Đông Thành.
Cô nhớ lại: “Vào thời điểm đó, cũng có một học viên đến từ tỉnh Sơn Đông đang ôm đứa con mới mười tháng tuổi của mình. Sau đó, tôi đọc được thông tin trên Minh Huệ rằng có một em bé mười tháng tuổi đã qua đời vì cuộc bức hại. Thật quá buồn khi nhớ lại những chuyện này vì có quá nhiều bi thương đã xảy ra. Không có từ ngữ nào có thể mô tả hết sự tàn ác của ĐCSTQ!
“Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã thất bại, nhưng các học viên ở Trung Quốc vẫn kiên trì giảng rõ chân tướng cho con người thế gian”.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/22/428462.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/5/194454.html
Đăng ngày 10-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.