Bài viết của một đệ tử Đại Pháp Canada

[MINH HUỆ 23-08-2021] Kính chào Sư tôn! Xin chào các đồng tu!

Vào tháng 5 năm 2019, khi quay trở lại tu luyện Đại Pháp, tôi đã đắm trong sự cảm ân, trong niềm vui và hạnh phúc khi được tu luyện mỗi ngày.

Cho đến tháng 3 năm 2020, khi gặp phải một tình huống rất khó khăn, tôi mới trải qua nỗi khổ của việc từ bỏ chấp trước. Cũng không quá khi nói tôi không có lấy một ngày tốt — mỗi ngày tôi đều phải đề cao tâm tính và vượt qua khảo nghiệm — nhưng chính quá trình tinh luyện quý giá này đã giúp tôi thực sự hiểu ý nghĩa của tu luyện.

Hướng nội khi chịu ủy khuất

Vì tôi không hay trao đổi với đệ tử về các chủ đề của người thường nên đệ tử thân thiết với tôi không biết rõ công việc của tôi ở Trung Quốc. Một hôm vào tháng 10 năm 2020, một ông sếp tôi ở Trung Quốc gọi cho tôi, nhờ tôi giúp đặt mua 10 chiếc Boeing đã qua sử dụng để tham gia vào một vụ đấu thầu cho một hãng hàng không nội địa (ở Trung Quốc). Tôi đã nhận lời giúp.

Nhận lời xong, tôi cảm thấy có gì đó không ổn. Lúc đó, tôi vừa đọc xong cuốn “Bóng ma của chủ nghĩa cộng sản đang thống trị thế giới chúng ta”, trong đó nói Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn thúc đẩy toàn cầu hóa. Tôi phân vân, đệ tử Đại Pháp nên trợ giúp ĐCSTQ thực hiện mục tiêu này chăng. Vì các nhà thầu là doanh nghiệp nhà nước, tôi không nghĩ đệ tử nên giúp các công ty của ĐCSTQ mua máy bay nước ngoài, đã vậy, còn phải giữ bí mật về việc này. Nhưng mà, vì lợi nhuận quá hấp dẫn, trong lòng tôi có chút do dự, thành ra không rõ nên phải ứng xử thế nào.

Tôi nghĩ: “Hay là đi hỏi ý kiến đồng tu, xem xem đệ tử có nên tham gia vào việc này không.” Tôi bèn gọi điện cho một đồng tu; xong câu trả lời của đồng tu lại có phần thô tháo: “Chị xem lại mình cẩn thận đi? Ngay cả kẻ khờ cũng có thể thấy đó là trò lừa đảo! Làm sao chị lại đi nhận lời chứ?”

Tôi muốn trả đũa, bởi vì câu hỏi của tôi không phải là việc đó có đúng hay không, mà là có nên làm hay không thôi. Anh ấy mới nghe thoáng qua mà đã chủ quan chỉ trích tôi. Anh không cho tôi nói, cũng không để tôi giải thích. Sau đó, anh ấy nói: “Tôi hỏi chị, tại sao sếp chị lại kiếm cho chị cơ hội kiếm tiền tốt thế? Ông ấy muốn gì ở chị? Có lẽ ông ta đang có ý đồ gì với chị đấy! Chị có phải là người tài giỏi đặc biệt không?” Tôi nhanh nhảu trả lời: “Có!” Nghe xong, đồng tu càng bực hơn, lời nói càng khó chịu hơn.

Tôi bị bẽ mặt đến mức không cất nên lời. Anh ấy không biết đây là chuyện gì. Anh xối xả nói tôi, không cho tôi cơ hội giải thích, cứ thao thao những điều mà tôi thấy chẳng liên quan gì đến tôi. Tôi không trả lời, cứ để anh ấy nói một hồi. Sau khi anh cúp máy, tôi nghĩ: “Tại sao mình lại động tâm? Tại sao mình thấy khó chịu thế này? Tại sao mình lại thấy bị oan? Hẳn là do mình có chấp trước nào đó!”

Tôi nhớ Sư phụ đã giảng:

“Mọi người biết, người tu luyện ấy, vẫn luôn giảng một câu này: Chư vị có cái tâm đó, thì tâm của chư vị mới động; chư vị không có cái tâm đó, thì tựa như gió thoảng qua, chư vị căn bản không cảm giác. Có người nói rằng chư vị sắp sát nhân phóng hoả, chư vị nghe xong cảm thấy quá thú vị rồi, (Sư phụ cười) ‘có thể vậy sao?’ Cười nhẹ một cái là xong. Hoàn toàn không coi đó vào đâu, là vì chư vị không có cái tâm đó, lời nói kia không động chư vị được. Không có cái tâm đó, đụng không tới chư vị. Nếu tâm chư vị động, thì nói lên rằng chư vị là có! Trong tâm chư vị xác thực rất bất bình, thì thuyết minh rằng những thứ ấy ở đó không nhỏ đâu. (vỗ tay) Đó chẳng phải nên tu sao?” (“Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014”)

Tôi vừa nghĩ lại cuộc trò chuyện của chúng tôi, vừa hướng nội, nhưng tôi không tìm ra vấn đề ở đâu. Dù là với ai, tôi cũng không vì được người ta quý trọng mà lợi dụng để kiếm tiền. Thực ra, tôi còn tránh những tình huống đó.

Sau đó, tôi nghĩ, tôi nên gọi lại cho đồng tu đó để giải thích. Anh ấy nghe thì tốt, còn nếu không nghe thì hẳn là có phương diện gì đó mà tôi phải tu luyện. Rồi tôi gửi cho anh ấy một tin nhắn rất dài để giải thích bản chất công việc của tôi ở Trung Quốc là đầu tư, tái cơ cấu, thu mua và sáp nhập, cải cách doanh nghiệp nhà nước — vì thế, tôi mới có những mối quan hệ đặc biệt, trong đó có những vị là đại tỷ phú.

Cũng như những công việc của một số dự án đầu tư, số tiền lên tới hàng trăm triệu đô la. Khi tôi tiếp xúc với các ông chủ, họ nhận thấy tính cách của tôi tốt và tin tưởng tôi (dù sao tôi cũng đã tu luyện Đại Pháp và sẽ cố gắng hành xử theo tiêu chuẩn của Đại Pháp). Có rất nhiều cơ hội làm việc riêng, có những người còn mời tôi làm đại diện cho họ.

Tôi giải thích rằng tôi sẽ không nhận vụ này. Chồng tôi đã biết toàn bộ quá trình trò chuyện của tôi với ông chủ này, vì vậy càng không có lý gì để nhìn nhận sự công kích của đồng tu là đúng. Nhưng tôi nói, tôi nghĩ hẳn phải có chấp trước mà tôi cần từ bỏ, nếu không, tôi đã không cảm thấy bẽ mặt sau khi nghe những lời anh ấy nói — tôi thậm chí còn cảm ơn anh ấy. Khi đồng tu đáp lại tôi, anh ấy tỏ thái độ thoải mái hơn, chứ không quá hung hăng.

Khi trao đổi với đồng tu, tôi chợt nhớ lại buổi sáng, lúc ông sếp này đặt vấn đề mua máy bay, có nói: “Khi nào cô có thời gian chat qua video?” Tôi do dự, nhưng lại tỏ ra đồng ý với vấn đề này. Tôi nghĩ ông ấy mang lại cho tôi cơ hội như vậy, thì tôi cũng cần phải “đáp lại thịnh tình” của ông ấy. Ông ấy muốn chat qua video thì chat thôi. Tôi chợt nhận ra chấp trước của mình! Đồng tu đã đúng! Tôi đúng là có tâm giảo hoạt ẩn giấu kín, muốn lợi dụng cảm tình của người khác dành cho mình để kiếm tiền! Quả thực, tôi sẽ không thể nhận ra tôi có tâm bất thuần như vậy nếu không có người kích động tôi bằng những lời khó nghe như vậy.

Vì vậy, tôi đã gửi một tin nhắn để chân thành cảm ơn đồng tu. Lúc này, anh ấy cũng cảm thấy xấu hổ và xin lỗi tôi, nói: “Xin lỗi, đã lâu rồi tôi không nói chuyện với đồng tu thẳng thắn đến vậy, tôi đoán hầu hết mọi người sẽ không thể chấp nhận.” Tôi đáp lại, tôi hiểu anh ấy nói với tôi như vậy vì lo cho tôi. Tôi nói: “Sau này, anh chỉ cần chú ý đến cách nói là được rồi.” Tâm tranh đấu và sự mất mặt trong tôi hoàn toàn biến mất. Tôi cảm tạ Sư phụ không ngừng vì đã bỏ được chấp trước lần đó.

Mặc dù đồng tu này không cho tôi câu trả lời có nên nhận việc này hay không, nhưng tôi đã biết đáp án rồi. Tôi đã từ chối ông chủ cũ của mình. Chồng tôi không vui khi biết chuyện, cho rằng đây đúng là cơ hội kiếm tiền, tại sao tôi lại từ chối? Tôi nói với anh rằng tôi không nên làm điều đó từ bất kỳ góc độ nào: 1) đây là dự án của một doanh nghiệp nhà nước của ĐCSTQ; 2) đây là một bước giúp ĐCSTQ đạt được tham vọng toàn cầu hóa; 3) với tư cách là một đệ tử Đại Pháp, tôi không thể làm điều bất chính.

Ngày hôm sau, kế toán của tôi yêu cầu tôi đến văn phòng anh ấy lúc 11 rưỡi để nộp thuế. Khi tôi đến, anh ấy bảo tôi có một cuộc hẹn khác lúc 12 giờ. Gần 12 giờ trưa, tôi nhìn thấy người đồng tu đã cho tôi “một gậy cảnh tỉnh” hôm qua; thì ra, anh là vị khách lúc 12 giờ. Cả hai chúng tôi đều ngạc nhiên, nghĩ sao lại có chuyện trùng hợp đến vậy. Trong thâm tâm, tôi biết đây là cơ hội Sư phụ an bài cho chúng tôi để hòa giải.

Vì vậy, chúng tôi đã ăn trưa cùng nhau, và trong bữa trưa, vợ anh ấy nói: “Em nghĩ rằng chị sẽ không bao giờ thèm nhìn mặt anh ấy nữa.” Tôi nói: “Làm thế nào có thể được? Giữa đệ tử không nên có gián cách, hơn nữa, xuất phát điểm của anh ấy là vì có trách nhiệm với đồng tu mà.” Trong tâm, tôi không ngừng cảm ơn Sư phụ đã an bài cơ hội đặc biệt này để chúng tôi có thể xả bỏ mối bất hòa đó.

Chịu khuất nhục ở sở làm

Một đồng tu đã liên lạc với tôi và kể với tôi về một công việc có triển vọng sáng lạn như thế nào. Ông chủ minh bạch chân tướng và ủng hộ Đại Pháp, đồng thời muốn tôi nộp hồ sơ. Tôi không muốn làm việc, nhưng lại được trao cho cơ hội này, bèn nghĩ cứ thử xem sao.

Cuộc phỏng vấn diễn ra tốt đẹp, và tôi bắt đầu thử việc ba tháng. Mức lương thử việc là 15 đô la một giờ, mỗi ngày làm 4 giờ. Công việc của tôi chỉ bao gồm gửi email và gọi điện thoại. Tôi nghĩ như vậy thật tốt vì sẽ không mất nhiều thời gian, cho dù lương không nhiều nhưng cũng không thành vấn đề.

Hóa ra không chỉ có vậy. Vì tôi là nhân viên duy nhất trong cửa hàng nên phải làm hết mọi công việc. Tôi cũng phải tổ chức kiểm kê, di chuyển hàng hóa, di chuyển thùng sơn, đổ sơn, di chuyển gạch lát, và thu dọn công trường. Tôi thường về nhà với mái tóc xơ xác, bám đầy bụi và vôi. Sếp cũng thường gây áp lực buộc tôi phải làm nhiều việc mà tôi không thể làm được.

Có lần, sếp tôi gửi cho tôi một bức tranh và bảo tôi thiết kế một tấm áp phích. Tôi nói tôi không làm được nếu không có phần mềm chuyên nghiệp. Cô ấy bực bội, bảo tôi phải làm! Tôi không có lựa chọn nào khác, bèn nghĩ, mình sẽ thuê người làm việc đó bằng tiền túi của mình. Sau đó, cô ấy còn yêu cầu tôi dịch phần giới thiệu các loại rượu nhập khẩu từ Nhật Bản, còn phải viết sao cho vừa trang trọng, vừa bay bổng. Tôi nói với cô ấy rằng việc này cần đến phiên dịch chuyên nghiệp. Cô ấy không hài lòng khi nghe điều này, cho rằng tôi không chịu làm việc được giao, thế nên cô ấy không trả tiền công cho tôi. Sau đó, tôi nghĩ, nếu cô ấy không có tiền để thuê phiên dịch, thì mình sẽ trả tiền để cô ấy kiếm người dịch vậy? Khi nhận được bản dịch, cô ấy cũng chẳng buồn cảm ơn tôi.

Những chuyện như thế thi thoảng lại xảy ra. Khi gia đình và các đồng tu của tôi phát hiện ra chuyện đó, họ hỏi: “Chị có thiếu tiền và cần công việc đó đến mức ấy không? Chỉ 15 đô la một giờ mà chị bị yêu cầu làm hết những việc này. Cô ấy tưởng chị là người toàn năng sao? Nếu chị là người toàn năng, thì tiền công không thể thấp như thế! Chị còn làm việc ở đó làm gì?”

Thực ra, tôi rất mâu thuẫn. Tôi chấp nhận công việc này với mức lương thấp như vậy chỉ vì để có thể tiếp xúc với nhiều người Trung Quốc hơn để giảng chân tướng cho họ. Đó là động lực duy nhất để tôi tiếp tục làm việc ở đó. Có lần cô ấy rủ tôi đi ăn tối với cô ấy, bàn có 10 người, mà chỉ có hai chúng tôi là phụ nữ. Cả bữa tối, tôi thấy rất khó chịu; Tôi phải đi cùng mọi người đi ăn uống với mức lương 15 đô la, và tôi phải nghe mấy người đàn ông cùng bàn cợt nhả, phỉnh phờ. Tôi cảm thấy bị xúc phạm, bị họ coi thường khi cho rằng tôi là loại “phụ nữ bình thường” nào đó. Tuy nhiên, trong suốt bữa tối, từ “chịu khuất nhục” cứ hiện lên trong đầu tôi.

Ngày hôm sau, tôi kể với các đồng tu về điều đó. Thực lòng, tôi không biết mình có thể đề cao như thế nào trong môi trường ấy; thật tủi nhục! Một đệ tử đã nói với tôi về một bài viết của một đệ tử ở Trung Quốc đã tìm ra cái tôi mạnh mẽ của cô ấy khi bị thóa mạ ở một trại giam. Đồng tu cũng nói rằng, khi tiếp xúc với mọi người, tôi chỉ nên im lặng làm những gì mà một đệ tử Đại Pháp nên làm. Tôi cần phải nghiêm khắc với bản thân và ghi nhớ những gì tôi nên và không nên nói. Khi họ biết tôi là một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp, họ sẽ rất ngạc nhiên. Tôi cẩn thận hướng nội và thấy những gì cô ấy nói đều có lý. Tôi đúng là đã quan tâm quá nhiều đến việc mọi người nghĩ xấu về tôi. Phản ứng của tôi cho thấy lòng tự tôn và cái tôi của tôi lớn quá.

Khi tôi hết thời gian thử việc, tôi quyết định nghỉ việc. Ngày tôi đi, sếp chỉ trích vì tôi nghỉ việc. Cho dù đó là lỗi của tôi hay không, tôi cũng hiểu cô ấy ở cương vị của cô ấy. Tôi chân thành xin lỗi và cảm ơn cô ấy vì nhờ cô ấy mà tôi đã trưởng thành hơn. Bởi vì tôi là một đệ tử Đại Pháp, và cô ấy cũng biết điều đó, quan trọng hơn đối với tôi là phải luôn ghi nhớ mình là đệ tử Đại Pháp và mang vẻ đẹp của Đại Pháp đến với thế giới.

Giải quyết mâu thuẫn trong gia đình

Khi phát sinh xung đột trong công việc hoặc khi tiếp xúc với các đồng tu, thường sẽ dễ hướng nội hơn, dễ đặt bản thân mình là người tu luyện, đề cao bản thân, và khắc phục khó khăn. Hơn nữa, những mâu thuẫn đó cũng không xảy ra hàng ngày, và tôi có thể né tránh nếu thực sự không thể vượt qua. Nhưng những khúc mắc với gia đình tôi là không thể tránh khỏi mỗi sáng thức dậy. Dù có thể vượt qua được hay không, tôi cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiến về phía trước.

Chồng tôi ủng hộ tôi tu luyện, cũng tin vào Sư phụ và Đại Pháp, lại đối xử tử tế và tôn trọng các đồng tu, nhưng với tôi thì không; anh ấy soi xét tôi trong mọi mặt của cuộc sống hàng ngày.

Từ sáng sớm, tôi đã phải một mình bắt đầu chăm sóc ba đứa con. Quá 8 giờ sáng, chúng tôi mới ra được khỏi nhà. Tôi đưa đi học rồi lại đón con lúc 2 giờ chiều. Buổi trưa, tôi còn phải nấu cơm, làm việc, học Pháp và làm các hạng mục Đại Pháp. Tôi phải làm rất nhiều việc, đến khi bọn trẻ đi ngủ vào khoảng 10 giờ tối, tôi mới có thời gian cho bản thân, nhưng lúc đó cũng đã kiệt sức.

Chồng tôi chẳng mấy khi giúp đỡ, còn chê trách tôi. Có lần anh ấy nói: “Bữa ăn gì mà không thịt, không rau.” Có lần anh nói: “Cô là mẹ kiểu gì vậy? Cô sao lại thế này, sao lại thế kia?” Tôi không bao giờ nghe thấy lời nào tốt đẹp. Anh ấy hễ ở nhà là vừa nằm sofa xem tivi, vừa mắng càm ràm tôi và các con. Đôi khi, tôi thực sự mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần. Ngày nào tôi cũng làm quần quật 16 tiếng đồng hồ. Tôi thực sự thèm được nghỉ một ngày — một ngày thôi cũng được — một ngày không phải chăm sóc con cái, không phải nấu nướng, hay làm bất kỳ công việc nhà nào. Như thế cũng tốt lắm rồi.

Hễ tôi nói bị mệt quá và nhờ anh đưa đón bọn trẻ một hôm thôi, anh cũng nói: “Em bảo em là người tu luyện, mà em không chịu nổi khó khăn nào, mà còn kêu ca! Người như em mà tu luyện, thì tiêu chuẩn của Pháp Luân Đại Pháp thấp đến mức nào?!” Hễ anh ấy động đến chỗ tôi là người tu luyện là tôi liền ngậm miệng nín lời.

Nhưng tu luyện không phải lúc nào cũng yêu cầu như nhau. Khi chồng tôi chê trách tôi, tôi không nói lại, mà im lặng hướng nội. Sau đó, anh ấy mắng tôi là điếc, sao không đáp lại. Có lần, trên xe, anh ấy liên tục nhiếc móc, xúc phạm tôi. Tôi cắn răng tuyệt vọng nhìn ra ngoài cửa sổ để nước mắt không rơi, vì tôi biết mình phải chịu khổ. Tôi phải tiêu trừ nghiệp và đề cao hơn nữa!

Nhưng thật khó kìm nén tiếng thổn thức, tôi bị nấc lên một tiếng. Chồng tôi nghe thấy, liền vặn nhạc trong xe lên mức to nhất và quát tôi. Lúc đó, tôi cảm thấy tim mình như muốn nổ tung, suýt chút nữa thì buột miệng đáp trả. Tôi muốn khóc òa lên. Nhưng không thể, bởi trong thâm tâm, tôi biết việc này xảy ra là để giúp tôi đề cao!

Tôi nhớ Sư phụ giảng:

“Khi đều có thể rất thản nhiên đối mặt với uỷ khuất dẫu lớn đến mấy, đều có thể bất động tâm, đều không tìm cớ cho mình, có rất nhiều việc thậm chí chư vị không cần tranh biện, bởi vì trên con đường tu luyện này của chư vị không có việc ngẫu nhiên nào cả; có lẽ khi nói chuyện với nhau làm xúc động chư vị, có lẽ cái nhân tố để phát sinh mâu thuẫn với chư vị có quan hệ đến lợi ích chính là do Sư phụ đưa vào. Có lẽ chư vị bảo rằng lời nói kia làm chư vị rất cáu, đụng trúng chỗ đau của chư vị, chư vị mới cảm thấy bị kích thích [cáu giận]. Cũng có lẽ là thật sự oan uổng cho chư vị, nhưng lời đó lại không nhất định là họ nói đâu, có thể là tôi nói đó. (mọi người cười) Bấy giờ tôi chính là xem chư vị đối đãi việc ấy như thế nào; bấy giờ chư vị đụng phải họ nhưng thực ra là chư vị bằng như đụng phải tôi.” (“Giảng Pháp tại Manhattan [2006]”, Giảng Pháp tại các nơi X)

Tôi thầm nói với Sư phụ: “Cảm tạ Sư phụ đã cho con cơ hội đề cao bản thân. Con nhất định sẽ vượt qua khảo nghiệm này! ” Sau đó, trong tâm, tôi nhìn thấy cảnh tượng chúng sinh ở một thiên quốc đang quỳ xuống, cầu nguyện, hy vọng vương chủ của họ sẽ vượt qua khổ nạn này và đề cao. Nước mắt lưng tròng, tôi thổn thức trong lòng: “Đừng lo! Tôi sẽ vượt qua! Vì các vị, tôi nhất định sẽ vượt qua! ” Lúc ấy, cái tâm khổ sở, khó chịu, và dường như không chế ngự nổi bỗng nhiên nhẹ nhõm hẳn, nước mắt lập tức ngừng chảy.

Cách đây một thời gian, cỏ trong sân nhà tôi cần phải nhổ bỏ hết đi và trồng lại. Việc này rất mất công. Một đồng tu biết chuyện và tình nguyện đến giúp tôi. Chồng tôi đang chơi điện thoại ở trong nhà. Tôi thấy khó chịu, vì đồng tu tuổi cao mà còn phải giúp chúng tôi làm cỏ. Tôi nhờ chồng ra giúp. Nhưng không những không giúp, anh ấy còn kéo tôi ra ngoài, bảo: “Em đi mà làm! Sao em không chịu khổ được nhỉ? Em phải biết chịu đựng hơn chứ!”

Anh ấy quẳng cái cuốc cho tôi, rồi đứng bên bế con, nhìn tôi làm việc. Tôi tức quá, thầm nghĩ: “Anh có còn là đàn ông không vậy? Anh không có trách nhiệm gì cả! Anh nằm cả ngày xem điện thoại. Còn vợ anh phải làm thứ cho anh, mà anh còn tiêu tiền của vợ nữa. Tôi sinh cho anh ba đứa con trai, vậy mà anh không một lời cảm ơn. Chẳng bao giờ anh yêu thương, quan tâm gì đến vợ con! Ngày nào anh cũng nhiếc móc tôi.” Càng nghĩ, tôi càng tức, ức đến mức muốn ném cái cuốc xuống và bỏ cuộc! Tôi không muốn sống với loại người này thêm một ngày nào nữa!

Khi đồng tu thấy tôi không vượt qua khổ nạn, ông mỉm cười, khẽ nói: “Ồ, chẳng phải đây là hảo sự sao? Tôi giờ thậm chí còn không có khổ mà chịu, vậy mà cái khổ này lại được tự động đặt đến cửa nhà cô, cho cô đức! Chẳng phải mọi thứ xảy ra với đệ tử đều là hảo sự sao?”

Tôi dần bình tĩnh lại và không còn than vãn nữa. Tôi tự nhủ mình phải ngậm miệng lại, chớ có phàn nàn về chồng, mà phải bắt tay vào công việc. Khi làm việc, tôi đột nhiên phá lên cười, bởi tôi luôn nghĩ đến lời của Sư phụ mỗi khi gặp xung đột. Sư phụ giảng:

“Mọi người biết đó, tu luyện là giảng ‘vô lậu’. Chư vị ‘hữu lậu’ thì chúng để chư vị lên Trời được không?” (“Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019”)

Tôi nghĩ có lẽ hồi xưa, tôi không phải nhọc thân, nên bây giờ, dù có phải chịu khổ và khó khăn đến đâu, cũng chỉ là tôi nghĩ vậy thôi. Có lẽ nghiệp của tôi còn lớn hơn nhiều so với chút ít mà tôi đang phải chịu đựng này đây. Tôi tự nhủ, nếu còn có một lậu và tôi không bỏ thì làm sao có thể đạt được trạng thái của Phật hay Bồ tát đây. Mỗi khi nghĩ đến “vô lậu”, tôi lại tự tin tu luyện – đó là mục tiêu mà tôi muốn đạt được!

Đến cuối ngày, tôi nhận lỗi với chồng, và anh hỏi tôi đã sai ở đâu. Tôi phải giải thích cho anh về mọi chấp trước, mọi lỗi sai của mình. Anh yêu cầu tôi phải “vô lậu”, không được sót lỗi nào. Tôi cần phải từ bỏ mọi chấp trước! Tôi vô cùng biết ơn Sư phụ. Để khiến đệ tử đề cao, Sư phụ đã an bài cho tôi một người chồng như thế này. Anh ấy giống như cây roi quất vào con quay. Nó quất tôi từng giây từng phút, không cho phép tôi buông lơi, không cho phép tôi nhảy ra khỏi trạng thái tu luyện.

Khi viết ra điều này, tôi không sao cầm được nước mắt vì biết ơn Sư phụ. Khi nghĩ lại tất cả những yêu cầu và đòi hỏi dường như vô lý của chồng tôi trong năm qua, tôi mới thấy đúng là chúng đã được an bài để tôi tu luyện và đề cao cho đến vô lậu.

Thực ra, từ khi tu luyện, tôi thường mơ thấy mình đi đến các không gian khác cùng chồng tôi, lần nào cũng là một cặp song thủ, mà tôi là người tấn công chính, còn anh là phòng thủ chính. Tôi cũng từng mơ thấy hai chúng tôi cùng nhau lao lên bầu trời vinh quang, rộng lớn vô tỷ cao hơn cả vũ trụ, quỳ dưới chân Sư phụ và nghe Pháp. Cách đây một thời gian, tôi mơ thấy mình đang đi trên con tàu du lịch lớn nhất thế giới, và trái đất dường như nhỏ đến mức tôi đi thuyền vòng quanh thế giới chỉ trong chục phút. Trong chuyến trở về, thuyền trưởng xuống tàu và nói với tôi rằng anh ấy (chồng tôi) đã được chỉ huy chuyến trở về và anh ấy sẽ đưa tôi trở lại.

Thực ra, con người đúng là đang sống trong mê; chúng ta hoàn toàn không biết chúng ta đã lập thệ ước thiêng liêng nào trong quá khứ để hôm nay được đắc Đại Pháp; có thể là trở thành người một nhà và giúp nhau tu thành, hoặc trở thành bạn bè để động viên lẫn nhau, hoặc trở thành đồng tu, thậm chí là kẻ thù của nhau. Có lẽ những người đang xung đột hoặc có mối quan hệ thân thiết với chúng ta là những an bài đã được lập xa xưa, và đây là sứ mệnh của họ – đó là giúp các đệ tử Đại Pháp tu thành.

Sư phụ giảng:

“Không chỉ đệ tử Đại Pháp tới thế gian này là từng ký [thệ] ước với Sư phụ, mà tất cả con người, sinh mệnh tới thế gian này, chư Thần tới từ thiên thượng, đều có ước với tôi.” (“Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016”)

Nhìn lại năm nay, tôi đã thành tựu rất nhiều, bởi vì như Sư phụ đã giảng:

“Là vì trong quá trình chư vị đi con đường ấy sẽ có khó nạn, sẽ có các chủng các dạng khảo nghiệm, sẽ có ma nạn mà chư vị chưa nghĩ đến, sẽ có các chủng các dạng chấp trước và can nhiễu của ‘tình’ mà chư vị chưa nghĩ đến. Nguồn của những loại can nhiễu ấy là từ gia đình, xã hội, bạn bè thân quyến, thậm chí giữa các đồng tu chư vị với nhau; hơn nữa còn có can nhiễu [từ] hình thế xã hội nhân loại, can nhiễu [từ] quan niệm hình thành trong xã hội nhân loại. Hết thảy hết thảy những điều đó đều có thể lôi kéo chư vị trở về trong chốn người thường. Chư vị có thể xung phá hết thảy điều ấy, thì chư vị có thể bước hướng Thần.” (“Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế miền Tây Mỹ quốc [2005]”, Giảng Pháp tại các nơi VII)

Vì vậy, mọi trải nghiệm của tôi trong năm nay đã giúp tôi suy nghĩ thấu đáo tu luyện là gì và bắt đầu chân tu. Tôi từng nghĩ tu luyện đến viên mãn dường như là điều không thể đạt được. Giờ đây, tôi thực sự yên tâm và nhận ra rằng chỉ cần tôi có niềm tin vào tu luyện, nghe lời Sư phụ và làm theo lời dạy của Sư phụ thì mọi sự sẽ suôn sẻ.

Lời kết

Khi viết xong bài chia sẻ này, tôi đã thực sự trút bỏ được nỗi uất hận chồng đã chất chứa lâu nay. Tôi bắt đầu làm theo yêu cầu của anh ấy, không chút oán giận, và kiên nhẫn hoàn thành những việc anh cần tôi làm trong gia đình.

Trong hai tuần ấy, thời gian của tôi ngày càng bị dồn nén, gần như không còn thời gian cho việc học Pháp và tham gia các hạng mục. Tôi bắt đầu cảm thấy có gì đó không ổn. Một đêm tôi lặng lẽ khóc và nghĩ, đến khi nào những ngày này mới kết thúc?

Mấy hôm sau, chồng tôi nói một số điều khiến tôi thực sự tổn thương. Tôi không thể chịu đựng được nữa, vì vậy tôi đứng trước chân dung của Sư phụ và nói: “Thưa Sư phụ, con không tin nghiệp của con nặng đến mức con phải trả từng giây từng phút thế này. Con ngộ tính kém, không tìm ra được con đã mắc lỗi ở đâu. Xin Sư phụ khai thị cho con.” Cụm từ “Trường kỳ” chợt hiện lên trong đầu tôi. Tôi nghĩ, quả đúng vậy, vì tôi đã trút bỏ được oán hận với chồng tôi rồi, tại sao những tình huống này vẫn không ngừng xảy ra?

Ngày hôm sau, tôi thấy một bài chia sẻ trên Minh Huệ có tiêu đề: “Thiển đàm về những ma nạn gia đình tồn tại trường kỳ”, trong đó có đề cập đến Sư phụ đã nói:

“Đã làm đệ tử, khi ma nạn đến, nếu thật sự đạt được thản nhiên bất động hoặc có thể đặt tâm cho phù hợp với các yêu cầu khác nhau của các tầng thứ khác nhau đối với chư vị, thì đủ để vượt quan rồi. Còn nếu cứ mãi không thôi, nếu không phải tâm tính hoặc hành vi có tồn tại vấn đề nào khác, thì nhất định là những ma tà ác đang dùi vào sơ hở mà chư vị đang nuông chiều. Người tu luyện dù sao cũng không phải là người thường, phía bản tính lẽ nào không Chính Pháp?” (Nói về Pháp, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Sư phụ cũng giảng:

“Chúng ta phủ định hết thảy những gì của chúng từ căn bản; [chỉ] khi phủ định và bài trừ chúng thì hết thảy những gì chúng ta thực hiện mới là uy đức. Không phải là tu luyện trong những ma nạn mà chúng tạo thành, mà là khi không thừa nhận chúng thì chúng ta cũng đang tiến bước thật tốt trên con đường của mình; không thừa nhận ngay cả việc tiêu trừ biểu hiện ma nạn của bản thân chúng. (vỗ tay) Như vậy từ góc độ đó mà xét, thì những sự việc trước mắt chúng ta chính là phủ định toàn bộ cựu thế lực. Về biểu hiện tranh giành khi chúng đang chết, thì tôi cùng các đệ tử Đại Pháp cũng không thừa nhận”. (“(Giảng Pháp tại Pháp hội Chicago 2004)”, Giảng Pháp tại các nơi IV)

Đó là khi tôi nhận ra rằng mọi thứ tôi gặp sau khi buông bỏ chấp trước chính là bức hại của cựu thế lực. Từ khi đắc Pháp đến nay, tôi chưa bao giờ thực sự hiểu thế nào là bức hại của cựu thế lực. Suốt thời gian ấy, tôi nghĩ tất cả những gì tôi gặp phải đều là do nghiệp của tôi quá lớn và tôi phải hoàn trả. Thế nhưng, sau những gì đã trải qua trong mấy tuần qua, tôi mới thực sự hiểu đã đến lúc phải ứng xử với những khổ nạn này từ quan điểm của Chính Pháp, chứ không phải từ góc độ hạn hẹp rằng đó là nghiệp của tôi quá lớn và phải tiêu nghiệp. Tôi không thể cứ mãi nhân nhượng và không để chồng tôi gánh vác trách nhiệm gia đình, cũng chính là không để anh có cơ hội tiêu nghiệp, mà chỉ hưởng phúc. Chẳng phải như vậy cuối đời sẽ phải rớt địa ngục sao?

Khi tôi thay đổi quan niệm, chồng tôi cũng thực sự thay đổi. Anh bắt đầu đưa đón bọn trẻ mỗi ngày. Ngày hôm sau, anh còn tự mình làm cỏ trong sân. Đây là lần đầu tiên anh ấy làm cỏ trong sân kể từ khi chúng tôi mua máy cắt cỏ cách đây một năm. Anh ấy cũng bỏ thuốc lá sau hơn mười năm. Anh đã không hút thuốc hơn hai tháng nay. Anh cũng không ngủ nướng nữa, mà dậy sớm mỗi ngày và làm việc chăm chỉ. Tôi được chào đón bằng một nụ cười mỗi ngày và anh hầu như không mắng tôi nữa. Và tôi cũng bắt đầu có đủ thời gian để làm bất cứ điều gì mình muốn.

Khi thấy tất cả những thay đổi này, tôi cảm thấy hạnh phúc đến quá đột ngột, có cảm thụ thế nào là khổ tận cam lai.

Con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các đồng tu!

(Trình bày tại Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp năm 2021 ở Canada)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/23/429903.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/25/194783.html

Đăng ngày 30-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share