Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ bên ngoài Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-08-2021] Con xin kính chào Sư phụ! Chào các bạn đồng tu!

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2006, khi tôi mới 12 tuổi. Từ nhỏ, tôi đã luôn có hứng thú với tâm linh và thường đi nhà thờ cùng mẹ. Tôi tôn thờ và sùng kính Chúa. Tôi nhận thấy đức tin là một điều rất quan trọng, mặc dù cuộc sống còn rất nhiều điều mà tôi chưa lý giải được.

Trước khi gặp được Đại Pháp, mẹ tôi bị bệnh, nhưng mẹ đã hồi phục một cách thần kỳ ngay sau khi bắt đầu luyện công. Tôi còn nhớ lần đầu tiên luyện công của mình, khi thực hiện bài công pháp thứ hai, cơ thể tôi lập tức được tịnh hóa và tôi cảm nhận được một nguồn năng lượng mạnh mẽ chưa từng có.

Tôi bắt đầu đọc Chuyển Pháp Luân cùng mẹ, và chúng tôi tham gia một nhóm học Pháp gần nhà. Tôi cảm nhận rằng Pháp Luân Đại Pháp không giống với bất cứ điều gì tôi từng thấy hoặc từng trải nghiệm trước đây. Tôi muốn được tu luyện và đề cao bản thân theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Lúc đó, suy nghĩ của tôi thuần khiết, giản đơn, và trái tim tôi ngập tràn hạnh phúc mỗi khi được tham dự sự kiện giới thiệu về Đại Pháp của các học viên. Nhưng vì còn nhỏ, tôi đã không hiểu được mục đích thực sự của tu luyện.

Tôi biết “Pháp Luân Đại Pháp là tốt” và tôi thích ở cùng với các học viên. Khi tôi lớn lên và bước vào thùng thuốc nhuộm lớn của xã hội người thường, mong muốn tu luyện của tôi nhạt dần và tôi quên mất sứ mệnh của mình. Dần dần, tôi ngừng học Pháp và luyện công, đến nỗi tôi hoàn toàn quên mất việc tu luyện.

Trở lại con đường tu luyện chân chính trong Đại Pháp

Đắm chìm trong xã hội người thường, tâm danh lợi, tranh đấu, và ích kỷ đã khiến tôi ngày càng xa rời Pháp. Những chấp trước này mỗi ngày một tăng, cho đến khi tôi rơi vào trầm cảm trong những năm cuối thời đi học. Đến khoảng năm 2013, dù bề ngoài tôi tỏ ra vui vẻ nhưng trong tâm lại rối bời và tràn ngập những cảm xúc tiêu cực, như buồn bã, đau khổ và trầm cảm, chúng đẩy tôi xuống vực sâu không đáy. Tôi cảm thấy trống rỗng trong lòng.

Một ngày nọ, khi đang đi bộ một mình trên đường về nhà và suy ngẫm, tôi nhận ra bản thân đã theo đuổi quá nhiều những điều của người thường: tư lợi và ích kỉ, tôi đang sống giả tạo để được người khác công nhận. Việc đấu đá và tranh giành quyền lợi trong xã hội của người thường khiến cuộc sống của tôi ngập trong đau khổ.

Sư phụ giảng:

“Trong xã hội người thường, chỉ vì danh lợi, tranh đoạt giữa người với người, chư vị ăn không ngon ngủ không yên, thân thể chư vị đã không còn ra hình nữa: ở không gian khác mà nhìn thân thể chư vị, thì xương cốt kia, khúc nào cũng đều [màu] đen.” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Tôi bị lạc lối và cảm thấy bản thân đang lang thang không mục đích trong cuộc đời này. Tôi nhớ đến Đại Pháp là điều duy nhất có thể giúp tôi. Vì vậy, một đêm khi mọi người đã ngủ, tôi quyết định nói chuyện với Sư phụ. Với trái tim vô cùng đau đớn và đôi mắt đẫm lệ, tôi cầu xin được tha thứ vì đã để bản thân cuốn theo những cám dỗ thế gian, và khẳng định mong muốn được tu luyện thực sự và trở lại với Đại Pháp.

Ngày hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi cảm thấy thân thể mình đã được tịnh hóa hoàn toàn. Tôi biết đây là điểm hóa của Sư phụ, rằng Ngài đã nghe thấy và cứu tôi một lần nữa.

Vài tuần sau, tôi nghe tin Đoàn Nghệ thuật Shen Yun sẽ biểu diễn ở Argentina. Tôi rất hào hứng và nói với mẹ tôi về việc đi xem buổi biểu diễn đó. Chúng tôi mua vé, và sắp xếp các việc để đến Buenos Aires xem Shen Yun biểu diễn. Trước đây, tôi từng xem Shen Yun vào năm 2009, nhưng chỉ sau vài năm, đoàn nghệ thuật này đã trở nên hoàn hảo. Khi xem biểu diễn, tôi cảm thấy tâm mình thật tĩnh lặng và trái tim tôi tràn ngập từ bi. Cảm giác đó tựa như đang ở trên thiên thượng vậy. Ngay cả sau khi buổi biểu diễn đã kết thúc, tâm tôi vẫn tĩnh lặng và hầu như không có suy nghĩ nào. Đó chính là vô vi – một sự an hòa khó diễn tả được bằng ngôn ngữ con người. Tôi đã được trải nghiệm điều kỳ diệu vào ngày hôm đó. Tôi cũng đã thấy các đồng tu quanh mình, và từ đó đến nay, tôi đã tham gia các hoạt động học Pháp và giảng chân tướng tại địa phương và chưa bao giờ dừng lại.

Sau đó, em gái tôi cũng bước vào tu luyện. Một số thành viên trong gia đình tôi cũng đã đọc Chuyển Pháp Luân và học các bài công pháp. Sư phụ không chỉ cứu tôi một lần nữa, mà còn ban phước cho gia đình tôi bằng lòng từ bi vĩ đại của Ngài.

Loại bỏ tâm tật đố và oán hận

Tôi muốn chia sẻ thể ngộ hiện tại của bản thân về tâm tật đố như sau.

Sư phụ giảng:

“Vấn đề tâm tật đố rất nghiêm trọng, bởi vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề chúng ta có thể tu viên mãn được hay không. Nếu tâm tật đố không dứt bỏ, thì hết thảy các tâm người ta tu luyện được đều biến thành yếu nhược. Có một quy định, rằng trong tu luyện nếu người ta không vứt bỏ được tâm tật đố thì không đắc chính quả, tuyệt đối không đắc chính quả.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Tôi bắt đầu làm việc trong lĩnh vực truyền thông từ năm 2014. Đã gần sáu năm trôi qua, tôi đã có nhiều cơ hội để đề cao bản thân và học được những bài học quý giá về tu luyện. Năm 2017, trong hạng mục có nhiều biến động đã khiến tâm tật đố và oán hận của tôi bộc lộ, trở thành chướng ngại lớn trong quá trình tu luyện của tôi.

Nhân sự trong công ty bị thay đổi, một số học viên không còn làm chung với tôi nữa. Một hạng mục giảng chân tướng khác được triển khai và một số người chuyển sang đó để vận hành. Từ quan điểm của người tu luyện, đây là một điều tốt, vì quan trọng là có thể cứu được nhiều chúng sinh. Nhưng trong thâm tâm, tôi không thể chấp nhận việc này là tích cực. Họ là những đồng nghiệp ở văn phòng địa phương, và là những đồng tu mà tôi đã học hỏi và trò chuyện cùng nhau mỗi ngày.

Hơn nữa, trong số những người ở lại, chúng tôi không hẳn là những người tinh tấn nhất. Vì tâm an dật, tôi khó có thể thức dậy mỗi sáng sớm để tham gia học Pháp nhóm. Vì nhiều lý do khác nhau, một số học viên khác cũng không thể đến làm việc hàng ngày tại văn phòng và tôi thường là người duy nhất có mặt ở đây. Khi tổ chức các buổi học Pháp nhóm, tôi được đề nghị mở cửa văn phòng cho mọi người. Nhưng tôi không muốn chịu trách nhiệm nên đã từ chối. Hậu quả từ hành động ích kỷ này của tôi là mọi người gặp khó khăn trong việc vào văn phòng đúng giờ để học Pháp.

Dần dần, tôi bắt đầu lơ là việc học Pháp, phát chính niệm và giảng chân tướng. Tôi hiếm khi tham dự các hoạt động Đại Pháp tại địa phương, và ngủ quên khi đến giờ học Pháp nhóm. Khi điều này xảy ra, tôi cảm thấy rất tội lỗi. Tôi cũng bắt đầu nhận thấy số học viên tham gia học pháp nhóm ở chỗ chúng tôi ngày càng ít đi.

Tôi cảm thấy chán nản, và điều đó phản ánh trong công việc. Kết quả làm việc mỗi ngày của tôi không tốt. Khi không tinh tấn học Pháp, suy nghĩ của tôi trở nên hỗn độn và tiêu cực. Tôi luôn phàn nàn rằng bản thân cảm thấy “đơn độc”.

Sư phụ giảng:

“Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công.” (“Cảnh giới”, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Gần đây, tôi ngộ ra rằng khi chúng ta cho rằng bản thân đang tu luyện đơn độc, đó là bởi vì chúng ta đang rời xa Sư phụ.

Sư phụ dạy:

“Tu luyện ấy, có một câu này, trước đây tôi đã giảng cho mọi người, “tu luyện như thuở đầu, thì tất thành”. (vỗ tay nhiệt liệt) Rất nhiều người tu luyện không thành, chính là khi thời gian dần trôi họ đã không vượt qua được. Tịch mịch, buồn tẻ, đối với một việc đã quen thuộc tới mức không muốn lại động tới nữa, hoặc đã biến thành quen quá hoá bình thường. Bất kể sự tình gì cũng sẽ khiến người ta trở thành giải đãi. Chư vị không ngừng tinh tấn. Người tu luyện quá khứ khi tới bước cuối cùng vẫn phải khảo nghiệm chư vị đột nhiên một chập, nếu càng ngày càng giải đãi, thì bước khảo nghiệm đó nhất định sẽ không vượt qua được.” (Giảng Pháp ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới [2014])

Tâm tật đố dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực

Tôi đã không chú ý đến việc tu luyện bản thân, và tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng. Khi các học viên khác quan tâm đến tôi, tôi lại có những suy nghĩ xấu về họ, điều đó xuất phát từ tâm đố kỵ và tranh đấu. Cảm giác cô đơn và buồn bã cũng can nhiễu tôi.

Tâm tật đố và oán hận đã làm mờ mắt tôi, ngay cả khi những chấp trước này được chỉ ra, tôi cũng không thể nhận ra những biểu hiện mạnh mẽ của chúng. Tôi đáp lại bằng tức giận. Tôi coi thường các đồng tu và từ chối nỗ lực giúp đỡ của họ. Tôi chỉ tập trung vào sự ích kỷ, lợi ích cá nhân và tình cảm của bản thân.

Tình trạng này diễn ra trong vài tháng, cho đến một ngày tôi cảm nhận được sự tồn tại của những lạn quỷ được tạo ra từ tâm tật đố của mình. Trải nghiệm này làm tôi chấn động. Tôi cảm thấy sự đố kỵ đang hủy hoại bản thân mình từng chút một. Tôi phải làm điều gì đó để thay đổi trạng thái này và chấp dứt những can nhiễu do tâm chấp trước này gây ra.

Tôi bắt đầu đọc bài chia sẻ của các học viên khác trên Minh Huệ về tâm tật đố, và tăng cường học Pháp. Tôi cố gắng đọc nhiều bài giảng nhất có thể để bảo trì chính niệm. Tuy nhiên, tôi vẫn không thể đạt được trạng thái tu luyện như thuở đầu, và chủ ý thức của tôi vẫn rất yếu. Tôi dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các học viên có cùng chấp trước với mình.

Trong xã hội người thường, người ta tranh đấu xem ai đúng hơn, ai có kiến ​​thức nhiều hơn và ai đạt được mục tiêu nhanh hơn. Nhưng đối với các học viên chúng ta trên con đường tu luyện, thì những hành vi này hoàn toàn trái ngược với những gì Sư phụ dạy chúng ta trong Pháp.

Vậy tôi đang làm gì đây? Chẳng phải tôi đang làm điều trái ngược với Pháp, đang ở phía của tà ác hay sao?

Tôi cần phải nói với các học viên khác về những điều đang xảy ra với mình. Tôi quyết tâm phơi bày các chấp trước của bản thân bởi vì tôi muốn thanh trừ chúng. Chúng đang hành hạ tôi và khiến tôi rơi vào trạng thái tuyệt vọng, ngày càng khó thoát ra. Sau khi chia sẻ với các học viên, tôi đột nhiên có thể nhận ra một cách rõ ràng những gì đang xảy ra với mình, và ý chí của tôi được gia cường. Tôi nghĩ: “Mình không muốn trạng thái này. Mình không muốn mang những chấp trước này. Đây không phải mình! Đây không phải là chân ngã của mình!” Tôi củng cố chính niệm và phủ nhận can nhiễu của cựu thế lực. Tôi đã khóc khi nghĩ về điều này, tôi nhớ lại đoạn Pháp mà Sư phụ giảng:

“Tu luyện tự nó không hề khổ, điểm chốt là không buông bỏ được chấp trước người thường. Khi danh-lợi-tình của chư vị cần buông bỏ thì mới cảm thấy khổ.” (“Chân tu”, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tật đố có thể gây ra môi trường bất hợp tác

Khi hướng nội, tôi nhận ra bản thân còn có tâm phụ thuộc vào đồng tu. Tôi kỳ vọng và đặt tiêu chuẩn cao đối với các đồng tu làm việc chung trước đây, và khi không đạt được, tôi phát sinh tâm xem thường và có những suy nghĩ tiêu cực về họ. Đây là quan niệm sai trái do tâm kêu ngạo và chấp trước vào tự ngã chi phối. Con quỷ tật đố có khả năng thao túng suy nghĩ và làm tâm chúng ta dao động.

Sư phụ giảng:

“Tâm của đệ tử Đại Pháp nếu bất ổn, sẽ khiến hoàn cảnh chung quanh chư vị phát sinh biến hoá. Khi chư vị hoảng sợ, chư vị phát hiện chúng sinh đều không đúng như bình thường nữa. Khi chư vị biến đổi thần tình trở thành tươi tỉnh thảnh thơi, tấm lòng rộng mở, lạc quan, thì chư vị phát hiện rằng hoàn cảnh chung quanh cũng khác rồi. Trong khi giảng chân tướng, khi chứng thực Pháp, khi chư vị làm các việc mà phát sinh khó khăn, [hãy] điều chỉnh điều chỉnh bản thân, dùng chính niệm suy xét vấn đề,” (“Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC năm 2009”, Giảng Pháp tại các nơi IX)

Cuối cùng, tôi hiểu rằng trạng thái tu luyện của bản thân không chỉ ảnh hưởng đến chủ ý thức và việc tu luyện cá nhân, mà nó còn ảnh hưởng đến những người khác. Mỗi học viên đều là một phần của chỉnh thể đệ tử Đại Pháp. Sư phụ đã an bài như vậy, không thể thiếu một mảnh ghép nào. Nếu chúng ta có những suy nghĩ tiêu cực và tật đố giữa các học viên với nhau, chẳng phải sẽ gây ra chia rẽ trong chỉnh thế sao? Nếu chỉnh thể của đệ tử Đại Pháp bị chia cắt, chẳng phải điều đó sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh và khả năng cứu độ chúng sinh của chúng ta sao? Mặc dù mỗi học viên có thể có thể ngộ khác nhau, nhưng đó không phải là lý do chính đáng để chúng ta không thể hợp tác cùng nhau. Chúng ta phải bước đi cùng một hướng, sát cánh bên nhau để tạo thành một chỉnh thể.

Trước đây, tôi đã không biết ơn về cơ hội mà Sư phụ đã ban cho để tôi đề cao tâm tính và đóng góp tích cực vào môi trường tu luyện chung.

Đào sâu vào gốc rễ của tâm tật đố

Tôi nhận ra tật đố là một tâm chấp trước mà chúng ta nhất định phải loại bỏ nếu muốn đạt đến viên mãn. Nó có thể hiển lộ khi tư lợi của bản thân bị tổn hại. Nó gây ra tâm lo sợ bị mất lợi ích cá nhân, nảy sinh cảm giác bất công và thậm chí là oán hận về cách bản thân bị đối xử.

Không thể chấp nhận những lời chỉ trích vì lòng kiêu hãnh, người ta có thể trở nên không lý trí, nói dối, hãm hại, cạnh tranh với người khác cho đến khi tâm đố kỵ bộc lộ mạnh mẽ. Vì tật đố, chúng ta có thể dễ dàng rời xa Pháp và chỉnh thể học viên cho đến khi bị rớt lại phía sau. Điều này có thể bị cựu thế lực lợi dụng để khảo nghiệm chúng ta và gây ra thiệt hại cho nỗ lực phối hợp cứu độ chúng sinh của các đệ tử Đại Pháp.

Sư phụ giảng rằng:

“Tâm tật đố [ghen tị] là chướng ngại cực lớn trong luyện công, ảnh hưởng phi thường to lớn tới người luyện công, sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới công lực của người luyện công, làm hại người đồng Đạo, can nhiễu nghiêm trọng đến tu luyện lên cao của chúng ta. Làm người luyện công thì cần 100% trừ bỏ [tâm này]. Có người luyện công tới một tầng thứ nhất định, nhưng tâm tật đố không buông bỏ, hơn nữa khi càng không buông bỏ thì càng dễ tăng cường. Loại phản tác dụng ấy khiến những tâm tính khác mà họ đã đề cao biến thành phi thường yếu đuối.” (Chương III, Pháp Luân Công)

Khi nói đến tâm oán hận, Sư phụ giảng:

“Tâm oán hận ấy, chính là dưỡng thành [từ] việc thích nghe điều dễ nghe, thích [gặp] chuyện vừa ý, nếu không bèn oán hận. Mọi người nghĩ đi, thế là không được đâu, tu luyện không thể tu như thế. Tôi vẫn luôn giảng rằng, người tu luyện phải xoay ngược lại nhìn vấn đề, khi chư vị đụng phải chuyện không tốt thì chư vị coi đó là hảo sự, là đến để đề cao chư vị,” (Giảng Pháp tại Washington DC năm 2018)

Tôi ngộ ra rằng trong suốt những tháng bị tâm oán hận và tật đố thao túng, tôi đã không chịu vượt qua khảo nghiệm để đề cao bản thân trong tu luyện của mình.

Qua trải nghiệm lần này, tôi đã trưởng thành hơn và nhận ra tầm quan trọng của việc thực tu bản thân qua làm ba việc. Tôi đã đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình loại bỏ những chấp trước này và trở nên gần với chỉnh thể học viên khi tôi trở lại trạng thái tu luyện như thuở ban đầu.

Trải nghiệm sức mạnh của chính niệm trong lễ thắp nến tưởng niệm ngày 20 tháng 7

Trên con đường tu luyện của mình, tôi đã có những trải nghiệm kỳ diệu, và điều phi thường này chỉ có thể xảy ra trong Đại Pháp, khi Sư phụ khuyến khích chúng ta tinh tấn hơn.

Vào tháng 7 năm 2019, một học viên trẻ tuổi đột nhiên qua đời. Đối với nhiều học viên trẻ khác làm việc trong lĩnh vực truyền thông, đây là một cú sốc lớn và là một mất mát đáng buồn. Chúng tôi đã bị cựu thế lực bức hại điên cuồng và khảo nghiệm niềm tin của chúng tôi.

Sư phụ giảng:

“cựu thế lực làm sự việc này thành ra như thế, chúng chính là dùng thủ pháp độc ác ấy để khảo nghiệm người khác, thông qua việc ấy để khảo nghiệm người ta. ‘Thế nào? Chư vị cho rằng [họ] tu được tốt, họ chết rồi, chư vị còn tin hay không tin?’ Những việc này phát sinh nhiều lần rồi, rất nhiều đệ tử Đại Pháp đều đã có kinh nghiệm, đều biết thủ đoạn của cựu thế lực. Nhưng từ yêu cầu của Sư phụ mà nói, tu luyện cũng là nghiêm túc, một người thành Thần, không phải ngồi đó uống trà, đọc sách là có thể thành Thần đâu, trên con đường ấy thật sự có thể tu lên được, thì mới được.” (“Giảng Pháp ở Pháp hội tại Vùng đô thị New York năm 2013”)

Các học viên chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ thể ngộ về khảo nghiệm sinh tử, khảo nghiệm về tình, để củng cố chính niệm và giữ tâm bất động. Đó là những ngày gian khó.

Vào ngày 20 tháng 7, nhiều người trong chúng tôi có ý định tham gia buổi thắp nến tưởng niệm trước Lãnh sự quán Trung Quốc. Hôm đó, tôi cùng một nhóm học viên đi bộ từ văn phòng đến lãnh sự quán để tham gia buổi lễ. Khi đang đi bộ và trò chuyện cùng học viên A (bí danh), vài phút sau tôi bắt đầu cảm thấy mệt và khó thở. Những nốt đỏ bắt đầu xuất hiện khắp mặt tôi giống như bị dị ứng. Tôi không thể nói chuyện được một cách bình thường, A hỏi tôi có ổn không và mời tôi uống nước trong khi chúng tôi tiếp tục đi bộ.

Một lúc sau, tôi nhận thấy có thêm nhiều nốt đỏ xuất hiện khắp mặt và cánh tay tôi,… Việc hít thở bình thường cũng trở nên khó khăn hơn.

Tôi nói với A rằng tôi chưa bao giờ bị dị ứng, và cô ấy liền trả lời đó là can nhiễu. Ngay lập tức, tôi nghĩ: “Làm sao mình có thể bị dị ứng được chứ?. Mình chưa bao giờ bị dị ứng với bất cứ thứ gì. Mình là một đệ tử Đại Pháp!”

Khi chúng tôi đến nơi, em gái bèn hỏi tôi có chuyện gì. Tôi không biết phải trả lời cô ấy như thế nào. Việc nói chuyện ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với tôi.

Vào lúc đó, tôi đột nhiên nhớ đến người học viên trẻ đã qua đời, và tôi cảm thấy sợ hãi và đau đớn. Nhưng ngay lập tức tôi loại bỏ những suy nghĩ này và phủ nhận can nhiễu của cựu thế lực. Tôi phải cố gắng hết sức để tham gia buổi lễ thắp nến này.

Khi buổi lễ sắp bắt đầu, tôi và A kiếm chỗ để ngồi. Chúng tôi ngồi cạnh nhau ở một chỗ vắng vẻ. Nhưng một lát sau, một học viên Trung Quốc đến gần và yêu cầu chúng tôi đi theo anh ấy. Vị học viên này dẫn chúng tôi lên phía trước, nơi có máy ảnh và micrô, rồi chỉ định tôi ngồi ở hàng đầu tiên. Tôi tự nhủ: “Mình ngồi ở hàng đầu tiên có được không? Anh ấy không thấy sắc mặt mình không tốt sao? Chẳng phải A nên ngồi ở chỗ này sao?“

Vào lúc đó, tôi quyết định loại bỏ những suy nghĩ này, chấp nhận sự chỉ dẫn của học viên và ngồi vào chỗ được chỉ định. Tôi ngồi ở thế song bàn, và khi âm nhạc vang lên, tôi bắt đầu hướng nội. Tôi tìm kiếm gốc rễ các chấp trước của mình và thanh trừ những can nhiễu trong không gian khác.

Lúc này, chân tôi bắt đầu đau dữ dội, và tôi gần như không thể thở được bằng phổi. Lòng tôi rưng rưng trong đau đớn. Trong khi hướng nội xem tôi đã sai ở đâu, tôi nhận ra trước khi tham gia lễ tưởng niệm, tôi đã có những suy nghĩ ích kỷ và phù phiếm. Tôi bận tâm đến những chuyện nhỏ nhặt, nghĩ rằng tôi phải chỉnh tề và trông thật đẹp vì chắc chắn họ sẽ chụp ảnh chúng tôi. Tôi không hoàn toàn tập trung vào việc cứu độ chúng sinh, và ý định của tôi không thuần tịnh. Đây là sự kiện ghi dấu năm thứ 20 của cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Nhận ra những chấp trước này làm tôi cảm thấy xấu hổ về bản thân, tôi quyết định phát chính niệm cường đại và liên tục phát chính niệm để loại bỏ tất cả can nhiễu lên thân thể tôi và thanh trừ mọi tà ác ở các không gian khác.

Tôi tự nhủ bản thân phải vững tin vào Đại Pháp và bảo trì chính niệm mạnh mẽ. Mỗi lần tôi nói “mie 滅” hoặc “diệt” bằng tiếng Trung, tôi có thể cảm nhận rõ mình hít thở dễ dàng hơn. Mặc dù cơn đau không thể chịu đựng được, nhưng tôi vẫn tiếp tục phát chính niệm mạnh mẽ trong suốt buổi lễ thắp nến.

Trong bài thơ “Chính niệm” (Hồng Ngâm IV), Sư phụ giảng:

“Kích phong điện xiết thượng cửu tiêu
Lôi đình vạn quân tỷ thiên cao
Hoành tảo khung vũ vô tận xứ
Bại loại dị vật nhất tính tiêu”

Diễn nghĩa:

“Chính niệm Gió điện [chớp] xung kích tận chín tầng trời
[Lực lượng] nhanh mạnh như sấm sét cao hơn trời
Quét ngang đại khung vũ trụ khắp nơi đến vô tận
Những đồ cặn bã biến dị nhất loạt bị tiêu mất”

Khi buổi thắp nến kết thúc, âm nhạc dừng lại và A hỏi tôi cảm thấy thế nào. Khi cô ấy nhìn mặt tôi, cô đã rất ngạc nhiên và bảo tôi rằng các nốt đỏ đã biến mất. Lúc đó, việc thở của tôi cũng trở lại bình thường. Tôi đã kiên định ở lại tham gia toàn bộ buổi lễ thắp nến, và những giả tướng trên cơ thể tôi cũng hoàn toàn biến mất.

Một lần nữa, với đức tin kiên định và chính niệm mạnh mẽ, tôi đã được trải nghiệm uy lực của Đại Pháp!

Hôm đó, một số đồng tu chia sẻ rằng họ cũng trải qua cơn đau dữ dội khi ngồi trong thế song bàn. Tôi cảm nhận rằng chúng tôi đang cùng nhau trong một trận đánh chống lại tà ác ở các không gian khác khi chúng tôi chứng thực Pháp và tưởng nhớ các đồng tu đã bị bức hại đến chết ở Trung Quốc.

Chính niệm là một sức mạnh siêu nhiên mà chỉ các đệ tử Đại Pháp chúng ta mới có, và chỉ khi chúng ta vững tin vào Đại Pháp, chính niệm mới có thể phát huy tác dụng và tiêu trừ tất cả tà ác trong vũ trụ.

Trên đây là một số bài học tôi đã ngộ được trong quá trình tu luyện cá nhân của mình.

Hỡi các bạn đồng tu, xin hãy trân trọng cơ hội lịch sử này và cùng nhau vững bước hướng tới ngày viên mãn.

Con xin tạ ơn Sư phụ vì Ngài đã ban cho con những cơ hội, bảo hộ con trong suốt 15 năm qua. Đệ tử sẽ đi thật tốt, đi đến cùng trên con đường tu luyện của mình và hoàn thành thệ ước.

Con xin tạ ơn Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu!

(Trình bày tại Pháp hội Quốc tế Trực tuyến dành cho các học viên trẻ năm 2021)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/7/429258.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/8/194506.html

Đăng ngày 25-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share