Bài viết của một phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 23-06-2021] Do việc hạn chế đi lại và tu họp liên quan đến đại dịch, nên năm 2020, không có Pháp hội quốc tế lớn nào được tổ chức. Do vậy, Học Hội Pháp Luân Đại Pháp đã quyết định tổ chức Pháp hội Quốc tế Trực tuyến nhằm giúp các học viên có cơ hội giao lưu chia sẻ kinh nghiệm tu luyện, đồng thời truyền cảm hứng giúp các học viên đề cao. Từ ngày 15 tháng 7 năm 2021, trang web Minh Huệ đã đăng bốn mươi bài chia sẻ trong 7 ngày.

Các bài viết của học viên ngoài Trung Quốc nói về kinh nghiệm tu luyện của họ. Một giảng viên đại học chia sẻ cách anh ấy truyền đạt với sinh viên của mình về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Một học viên tại Hàn Quốc lập điểm giảng chân tướng trên phố và học cách giao tiếp bằng tiếng Trung. Các học viên làm kênh thông tấn chia sẻ kinh nghiệm giao báo giấy và bán quảng cáo. Một số học viên viết về cách họ gọi điện thoại đến Trung Quốc nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, v.v.

Dưới đây là lời thuật của một số học viên về cảm nhận của họ sau khi đọc các bài chia sẻ trên Pháp hội trực tuyến.

Nhận ra thiếu sót của bản thân

Cô Lệ Vân là một giáo viên đã nghỉ hưu tại Đài Loan. Cô nói: “Mỗi bài viết đăng trên Pháp hội Quốc tế Trực tuyến đều rất xuất sắc. Các học viên không ngừng nhìn vào thiếu sót của bản thân và không ngần ngại phơi bày chúng. Điều này thực sự phi thường!”

Cô Lệ Vân cho biết cô ấn tượng với những gì một học viên viết trong bài chia sẻ “Tham gia khóa học và tin tưởng vào an bài của Sư phụ: Hành trình 16 năm của tôi với báo Đại Kỷ Nguyên”.

“Tật đố và hiển thị thực sự bắt nguồn từ tâm lo sợ không được người khác coi trọng hoặc bị ai đó xem thường. Có quan hệ với các chủng tâm này là lo lắng bị mất mặt, gây ra tai họa hay mắc phải sai lầm lớn, và rồi mọi người sẽ biết lỗi lầm đó của họ”.

Cô nhận ra chính cô cũng đang che đậy những thiếu sót của bản thân và chưa sẵn sàng phơi bày các chấp trước này ra.

Cô nói: “Điều này là vì bạn sợ bị người khác xem thường. Sẽ có một số chấp trước bạn không ngại nói ra, nhưng cũng có những chấp trước bạn cố che đậy và không muốn để người khác biết. Bạn chưa thật sự đối đãi nghiêm túc với chúng. Những chấp trước bị che đậy đó đều là những thứ không tốt”. Cô nhận ra mình cũng gặp phải vấn đề tương tự. Cô sợ các đồng tu khác nói cô chưa tu luyện tinh tấn.

Cô thấy bản thân đã quá để tâm đến việc các học viên khác nghĩ gì về mình, như thể tu luyện vì người khác vậy. Cô Lệ Vân chia sẻ: “Thể hiện bản thân tu luyện tinh tấn chỉ để cho người khác thấy là giả tu. Làm người tu luyện, điều quan trọng là bạn có đồng hóa với Pháp hay không. Ngay cả khi bạn chưa tinh tấn, cũng đừng cố che đậy chúng. Hãy thành thực và thay đổi nhận thức của mình”.

Theo cô, các học viên thường có xu hướng nhìn thấy thiếu sót của người khác, nhưng khi chỉ ra cho người khác thấy điều ấy thì thực tế chính họ lại đang làm tổn thương mình. Thông qua thể ngộ sâu sắc của người viết, cô hiểu ra: “Thật là khờ khạo khi mang theo tâm tật đố vì tất cả chúng ta là một chỉnh thể. Chả nhẽ ngón tay lại đi ghen tỵ với cái đầu gối. Tệ hơn nữa, nếu ngón tay đố kỵ, nó sẽ khiến cựu thế lực có cớ để làm cho đầu gối đau nhức và không thể gánh đỡ nổi cơ thể”.

Cô chia sẻ: “Chúng ta là một chỉnh thể. Nếu bạn coi thường các học viên khác hoặc tật đố với họ, nó sẽ là cơ hội để cho cựu thế lực lợi dụng ngăn cách các học viên, khiến chúng ta không thể tạo thành một chỉnh thể. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tu luyện bản thân cho tốt”.

Biến những điều không thể thành có thể

Bài viết có tiêu đề “Học tiếng Trung để giúp khách du lịch Trung Quốc thoái Đảng tại điểm giảng chân tướng” đã để lại ấn tượng sâu sắc với cô Kim Miên, một học viên người Đài Loan. Bài viết là những chia sẻ của một học viên Hàn Quốc về kinh nghiệm học tiếng Trung giúp hồng Pháp với nhiều người hơn. Người học viên Hàn Quốc đã đăng ký tham gia một khóa đào tạo hướng dẫn viên du lịch. Vượt qua quan niệm về tuổi tác, nỗi sợ gặp khó khăn khi học tiếng Trung, lo lắng bị mất mặt cùng những thứ tiêu cực khác, anh ấy đã thiết lập thành công một số điểm giảng chân tướng.

Cô nói: “Bằng cách dùng chính niệm đột phá quan niệm người thường, người học viên này đã biến điều không thể thành có thể”.

Một ngày, nam học viên người Hàn Quốc muốn lập một điểm giảng chân tướng tại làng Bukchon Hanok ở Seoul. Nhưng anh nhận được thông báo, quầy thông tin của anh không được phép hoạt động vì nó nằm trên đoạn đường không có vỉa hè. Nhưng chỉ một lúc sau, một cảnh sát đến gặp anh và nói rằng anh ta đã từng thấy ai đó phát tờ rơi ở đây, vì vậy anh có thể xin được giấy phép hoạt động.

Người học viên nhận được sự giúp đỡ của viên sỹ quan cảnh sát không phải là tình cờ, vì trước đây anh đã từng gặp người cảnh sát này. Đó là thời điểm diễn ra chuyến viếng thăm của một quan chức cấp cao Trung Quốc tới Hàn Quốc, các học viên phát chính niệm ở địa điểm gần khách sạn của vị quan chức người Trung Quốc. Cảnh sát tìm thấy họ và lái xe đưa họ về nhà. Khi ngồi trên xe, nam học viên kể trên nói với cảnh sát về những lợi ích mà anh ấy nhận được sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cũng như cuộc bức hại tại Trung Quốc. Một trong những sĩ quan cảnh sát có mặt trên xe lúc đó chính là người nói với anh về việc có thể xin cấp giấy phép cho điểm giảng chân tướng tại làng Bukchon Hanok.

Câu chuyện về cuộc gặp gỡ của nam học viên Hàn Quốc với viên cảnh sát để lại ấn tượng sâu sắc cho học viên Kim Miên. Cô bày tỏ, khi bản thân đối diện với khó khăn, trở ngại, chỉ cần nỗ lực giảng chân tướng Đại Pháp thì điều gì không thể cũng có thể trở thành hiện thực.

Sự từ bi và tu luyện vững chắc của học viên viết bài đã giúp cô Kim Miên nhận ra thiếu sót của bản thân. Cô bộc bạch: “Khi đối diện với khó khăn hay khổ nạn, nhiều lúc tôi không biết làm sao để vượt qua. Tôi thường quyết định từ bỏ vì không có chính niệm đầy đủ và chưa kiên định. Tôi cũng không cố gắng hết mình để vượt qua khó khăn. Trái lại, tôi chỉ giải quyết vấn đề một cách hời hợt”.

Cô chia sẻ, bài viết đã truyền cảm hứng giúp cô tu luyện tinh tấn hơn. “Tôi muốn học Pháp tốt vì mọi thứ đều từ trong Pháp mà thành. Tôi nên buông bỏ hết thảy các chấp trước và trở lại trạng thái tu luyện như thuở đầu”.

Cô Kim Miên rất ấn tượng với một đoạn trong bài viết “Tham gia khóa học và tin tưởng vào an bài của Sư phụ: Hành trình 16 năm của tôi với báo Đại Kỷ Nguyên”. Cô nói: “Tôi nhớ khoảng 10 năm về trước, một học viên hỏi tôi một câu đại loại như: ‘Chị có cảm giác thế nào khi kết hôn với một học viên có năng lực được mọi người ngưỡng mộ?’. Nghe thấy điều này, tôi có chút thất vọng. Vậy ra đó là cách mọi người nhìn nhận về chúng tôi? Chồng tôi là người tuyệt vời nhưng chả nhẽ tôi cũng không làm được điều gì đáng để mọi người ghi nhận sao?“

Nhiều tình huống khác tương tự xảy ra trong nhà khiến cô Kim Miên cảm thấy bực bội. Cô nhận ra đó là vì cô có tâm tật đố, thích hiển thị và ham muốn chứng tỏ bản thân, cùng nhiều chấp trước khác. Đọc những dòng chia sẻ của người học viên đã giúp cô hiểu ra vấn đề của mình và chỉ cho cô ấy cách để buông bỏ chúng.

“Mỗi bài viết trên Pháp hội đều diễn đạt cho người đọc hiểu thế nào là tu luyện chân chính. Đây là cảm ngộ tuyệt vời nhất mà tôi có được khi đọc chúng. Tôi phải nghe lời Sư phụ và làm theo những gì Người bảo chúng ta làm. Chỉ khi đó kỳ tích mới xảy ra”, cô nói.

Tu luyện tinh tấn hơn nhờ đọc các bài chia sẻ

Cô Trang đến từ Missouri, Hoa Kỳ cho biết: “Tôi tĩnh tâm đọc tất cả các bài chia sẻ và thâu nhận được lợi ích từ mỗi bài viết. Tôi cũng gặp phải những tình huống tương tự như một số học viên viết bài. Điều này khiến tôi thấy được khoảng cách rất lớn với những học viên này. Nó nhắc nhở tôi phải tinh tấn hơn để tu lên theo kịp”.

Cô cho biết: “Người viết bài chia sẻ có tựa đề ‘Trân quý thệ ước khi tu luyện và đề cao trong hạng mục in ấn tài liệu’ là một học viên nam trẻ tuổi. Ngày nay, thanh niên thường không chịu được gian khổ, nhưng học viên này đã chịu đựng rất nhiều để cứu người. Môi trường trong nhà máy in rất độc hại, công việc lại bẩn và tiếng ồn liên tục phát ra từ các thiết bị máy móc. Quan trọng hơn, công việc thường xuyên yêu cầu làm thêm giờ, nhưng lại có rất ít ngày nghỉ. Người học viên trẻ đó viết, anh ấy thường ngủ trong lúc làm việc vì quá mệt. Cân nặng của anh ấy đã giảm từ 105 kg xuống còn 80 kg. Nhiều học viên làm chung với anh ấy tại điểm giảng chân tướng còn không nhận ra anh ấy”.

Cô Trang chia sẻ, cô đã hướng nội sau khi đọc những trải nghiệm của anh ấy. Cô thấy bản thân thường hay lo lắng ngủ không đủ giấc. Sau nhiều năm, cô không những không giảm được cân mà trái lại còn mập mạp hơn. So với học viên này, cô thấy mình vẫn còn tâm truy cầu an nhàn thoải mái.

Bài viết “Tôi cùng chồng không phải là học viên, đã đi hàng nghìn dặm đường để lan tỏa chân tướng” và “Với niềm tin vào Sư phụ và Đại Pháp, tôi kiên trì nói cho mọi người về Pháp Luân Đại Pháp” cũng giúp cô nhận ra nhiều điều. Cả hai tác giả bài viết đều là những học viên cao tuổi, đã nghỉ hưu. Một người từ Trung Quốc và người còn lại từ Thổ Nhĩ Kỳ. Hai người họ đã vượt qua những khó khăn về tuổi tác và môi trường sống. Họ chọn cách không trông chờ hay dựa dẫm vào người khác mà tự mình kiên trì giảng thanh chân tướng Đại Pháp cho nhiều người.

Cảm động trước việc làm và sự từ bi của các học viên lớn tuổi, cô Trang nhận thấy bản thân còn nhiều thiếu sót. “Nơi tôi sống là một thị trấn nhỏ không có học viên nào khác. Điều này đã trở thành chướng ngại lớn nhất khi tôi muốn hồng Pháp cho người dân trong khu vực. Tôi chưa chủ động bước đi con đường của riêng mình mà thường trông chờ vào người điều phối hạng mục đứng ra tổ chức để tôi tham gia cùng, vì tôi rất tin tưởng vào năng lực của cô ấy”.

Bài viết “Lan tỏa chân tướng khi đứng trên bục giảng đại học” cũng khiến cô Trang xúc động sâu sắc. Đọc bài chia sẻ, cô có thể cảm nhận được lòng dũng cảm, trí huệ và từ bi của tác giả khi giảng chân tướng cho những người trẻ tuổi phương Tây đến từ một nền văn hóa khác biệt. Cô Trang cho biết, văn hóa là một trở ngại lớn khiến cô không thể nói chuyện với các đồng nghiệp phương Tây về Đại Pháp. Cô thường cảm thấy xa cách với họ. “Tôi chưa có một trái tim thuần tịnh để cứu họ, cũng như chưa ý thức được sứ mệnh của mình”, cô nói.

“Tôi học được nhiều điều sau khi đọc các bài viết. Chúng khiến tôi thức tỉnh, thúc giục tôi tinh tấn hơn và tiếp thêm niềm tin cho tôi vào Sư phụ và Đại Pháp”.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/23/427338.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/27/193846.html

Đăng ngày 21-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share